5 thg 11, 2023

Chữ nghĩa làng văn kỳ 15/9/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Loạt Baì Lưu Trữ từ 2/9 đên 31/10/2023

Chữ nghĩa làng văn

***

Nguôi hoai

Để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ "nguôi ngoai". Thật ra là "nguôi hoai".

Trong các từ điển cổ, "hoai" có nghĩa là phai nhạt.

"Nguôi hoai" là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn.

 Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)

 Váy và quần

 Nước Việt khôi phục nền độc lập với sự khởi nghĩa của Lê Lợi. Đời vua Lê Huyền Tông (1653), để xóa bỏ dấu tích nô lệ của nhà Minh, nhà vua quy định lại trang phục cho dân: Cấm mặc áo ngắn, và quần có ống chân (phải về với chiếc váy cổ truyền).

Ai trái lệnh bị phạt 5 quan tiền (5 quan mua được một con trâu).

Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim: nhà Minh đô hộ ta, Hoàng Phúc bắt dân ta phải thay đổi ăn mặc theo Tàu:

Con trai không được cắt tóc. Đàn bà con gái mặc quần”.

(Lê Văn Lân)

 Tại sao gọi người Bình Định là “dân Nẫu”

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng đưa lưu dân nghèo khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả tức tỉnh Phú Yên bây giờ gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là Phường là các làng nghề có quy mô như phường lụa, phường vải. Nậu là tổ một nhóm nhỏ trong phuờng cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” nhóm người làm muối, “Nậu rổi” nhóm người bán cá, “Nậu cấy” nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” nhóm người làm mắm…

(Nguồn: Bình Định Xưa / Dansaigonxua)

Chữ nghĩa làng văn

Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng

Khi mình nói về một chuyện gì đó ‘to tát’ thì ‘tát’ có nghĩa là gì?

 ‘Tát’ đúng ra phải dùng là ‘tác’.

‘Tác’ nghĩa là lớn, ta thường gặp qua từ ‘tuổi tác’. Khi nói ‘tuổi tác’ thì đã mang nghĩa lớn tuổi, già rồi. Do trong quá trình sử dụng đã có nhiều biến chuyển, nên ‘tuổi tác’ thường dùng để chỉ tuổi. Thậm chí tuổi còn nhỏ cũng dùng ‘tuổi tác’, ví dụ: ‘Tuổi tác còn nhỏ’, ‘tuổi tác mới có bây lớn’,…

(Nguyễn Lương Thịnh)

 Chữ nghĩa làng văn

 Nếu vào thập niên 20, khi còn là một đứa bé mới chín, mười tuổi lớn lên ở miền Nam Việt Nam, Bình Nguyên Lộc biết là vào năm 1987 ông sẽ ngồi ở một căn phố thuộc vùng Rancho Cordova, tiểu bang California, nói chuyện với một người Mỹ về Hà Hương phong nguyệt truyện và Chăng Cà Mum…, những lời phát biểu của ông sẽ mang tính chất châm biếm hơn là dự định.

Sau đó, khi đến thăm thư viện đại học Cornell, chúng tôi đã tìm ra Hà Hương phong nguyệt truyện – không phải in thành sách mà nằm rải rác trong các số báo Nông cổ min đàm,[3] một tờ báo ở miền Nam. Những gì Bình Nguyên Lộc kể với chúng tôi đều được kiểm chứng từ những nguồn tài liệu khác. Trí nhớ của ông về con người, tên sách và sự kiện đều rõ ràng và chính xác.

Những cuốn sách giáo khoa và lịch sử văn học – như của Dương Quảng Hàm và của Vũ Ngọc Phan – đều do những người ở miền Bắc viết. Những cuốn sách này cho rằng những tiểu thuyết đầu tiên ra đời ở miền Bắc, đó là cuốn Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) và Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1925).

 Mặc dù còn tuỳ thuộc vào cách hiểu thế nào là ‘tiểu thuyết’, công việc nghiên cứu của chúng tôi, ngược lại, đã chứng minh là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã được viết ở miền Nam, và có lẽ Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt xứng đáng hơn Hoàng Ngọc Phách hay Nguyễn Trọng Thuật trong danh hiệu cây bút viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam.

Bình Nguyên Lộc cho biết mặc dù một số người miền Bắc có thái độ tương tự, ông nói: “Các học giả miền Bắc như Dương Quảng Hàm đã không nhắc nhở đến các nhà tiểu thuyết miền Nam vì họ không đọc được tác phẩm của những người này chứ không phải vì họ không thích người miền Nam. Tác phẩm của người miền Nam không được bày bán ở Hà Nội cho nên họ không biết chút gì về những tác phẩm đầu tiên đã được sáng tác ở miền Nam.”

(Nhớ lần thăm nhà văn Bình Nguyên Lộc - Phan Văn Giưỡng)

 [3] Thư viện đại học Cornell không có đủ bộ Nông cổ mín đàm. Có thể phần đầu của Hà Hương phong nguyệt truyện được đăng tải trên số tháng Giêng 1915. Số báo đầu tiên chúng tôi có được trong đó có đăng truyện này là số ra ngày 2 tháng Ba 1915.

 Đừng tưởng

Đừng tưởng góp sức là chung

Chỉ là lợi dụng lòng tin của người

(Bùi Giáng)

 203 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


Có người, như Lê Huy Oanh, Thanh Nam, Võ Phiến than phiền là Viên Linh sửa thơ kỹ quá, cái cầu kỳ nhiều lúc thay thế cái tân kỳ, làm bài thơ mất đi cảm giác tươi mát ban đầu.  Riêng tôi, tôi thích thú và trân trọng cung cách đó của Viên Linh.

Tôi đã từng được xem bản thảo một bài thơ của Viên Linh, sửa chữa chằng chịt, chữ này trên chữ khác, dòng này trên dòng kia. Người đời thường bị ám ảnh chuyện Vương Bột hay Lý Bạch uống rượu, trùm mền ngủ say, rồi tỉnh dậy, viết một hơi là xong, không sửa một chữ nào, nhưng đó chỉ là giai thoại lưu truyền làm cho đẹp cái cõi văn chương mà thôi. Vậy nên, việc làm thơ, rồi sửa chữa cẩn thận, sửa đi sửa lại, sửa cho đến bao giờ đạt tới cái hay mới dừng lại là một chuyện đáng tán dương. 

(Thơ Viên Linh của thời lưu vong thất tán – Hùynh Hữu Ủy)

 Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối

 Nguyễn Trọng Tạo: Ký sự đi Tây của Đỗ Khiêm là biểu hiện của sự tìm kiếm có hiệu quả. Truyện ngắn của Trần Vũ trẻ hoá thể loại truyện ngắn đã trở thành công thức già nua. Giọng văn phê bình nghiên cứu của Võ Phiến kết hợp được văn chương với đời sống tâm hồn mà trở nên hấp dẫn thoát khỏi trơ cứng của lối văn nghị luận... ở trong nước người ta hay nhấn mạnh giá trị văn chương bằng chữ hay. 

Điều đó không sai nhưng xem xét sự xuất hiện của tác phẩm văn chương phải bắt đầu bằng sự nhận diện cái mớiNhững giá trị mới là điều vô cùng quan trọng đối với người sáng tạo. Mới có thể chưa hay thậm chí không hay nhưng trong hay bao giờ cũng chứa đựng những giá trị mới. Có tạo ra những cái hay-mới thì mới phân biệt được với những cái hay-cũ. Tôi kính nể những người dấn thân tìm kiếm cái mới cho văn chương và tôi kính phục những người mang tới cho văn chương những cái hay-mới.

Gần đây tôi được đọc mấy cuốn lý thuyết về Thơ Tân Hình Thức rất thú vị nhưng đọc những bài thơ tân hình thức thì chưa sướng được. Không biết bao giờ thì lý thuyết tân hình thức và nhà thơ tân hình thức gặp nhau? Hình như tôi còn có một nghi ngờ gì đó về thơ tân hình thức giữa các ngôn ngữ tiếng Anh tiếng Pháp... và tiếng Việt; sự giãn cách khoảng trống cố ý (hay vô ý) giữa các từ? Liệu chúng ta có thoát khỏi bức tường phương Tây để bay tới bầu trời thơ ca tân hình thức Việt Nam?...

(Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo)

 Bên lề chữ nghĩa

 Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

 Ăn bánh tráng trộn Hàng Trống

(Nguồn: Tôi đi đâu)

 Nguyễn Công Hoan: viết truyện ngắn

Truyện “Thịt người chết” (viết năm 1938), kể việc anh Xích do quá chén mà bị chết đuối vào đêm thứ bảy. Cha mẹ, bà con, xóm giềng khóc lóc, thương tiếc, nhưng không vớt xác lên chôn được mà phải chờ quan huyện tư pháp đến khám nghiệm tử thi.

Ngày chủ nhật quan không làm việc, cái xác bắt đầu trương lên, làm mồi cho cá, quạ, ruồi nhặng... Chín giờ ngày thứ hai quan mới đến. Để vòi tiền cha mẹ Xích, quan bảo đây là vụ án bức tử, phải bẩm tỉnh xin đốc tờ về mổ xác mới ra lẽ. Đau xót trước cảnh con chết đang nằm thối rữa dưới nước, cha Xích đành chấp nhận tạ ơn quan bảy mươi đồng, để được vớt lên chôn. 

Đoạn kết truyện: 
“Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ, tiếc ngẩn ngơ. Chúng có biết đâu rằng quan huyện đã tranh mất món mồi ngon của chúng”.

(Triều Nguyên)

Bên lề chữ nghĩa

 Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

 Trở về tuổi thơ ở Cư Xá Cà Phê, Khương Thượng
  (Nguồn: Tôi đi đâu)

 Sở Cuồng Lê Dư

 Vừa làm việc, ông vừa biên soạn sách và cộng tác với các báo: Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh, Đông Thanh, Đông Tây,...

Các tác phẩm của Lê Dư, gồm có:

Thảo Trạch anh hùng (Anh hùng nơi đầm cỏ)

Lịch sử Bằng Quận Công, tức Nguyễn Hữu Chỉnh, đăng trong Nam Phong tạp chí số 163, 164 (1931), Tây Sơn ngoại sử: Ngoại sử về Tây Sơn, đăng trong tạp chí Đông Thanh

Vị Xuyên thi văn tập: Tập thi văn Vị Xuyên, tức tập thơ văn của Trần Tế Xương, xuất bản 1931

Phổ Chiêu Thiền sư thi văn tập: Tập thi văn của Thiền sư Phổ Chiêu, tức Phạm Thái, xuất bản 1932

Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn - 1

 Thú thật, tôi (người sư tầm) mới chỉ biết đến nhà thơ Thái Bá Tân sau khi đọc bài “Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn” của Mặc Lâm, biên tập viên RFA. Bài viết này khiến tôi tò mò lên mạng tìm hiểu về nhà thơ và khám phá nhiều điều thú vị.

Thái Bá Tân, sinh năm 1949, tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An, nơi ngày xưa có truyền thống văn chương của các “ông đồ xứ Nghệ”. Thái Bá Tân có một tiểu sử khá ly kỳ, từ năm 1967 đến 1974 ông học khoa ngoại ngữ (phiên dịch tiếng Anh) tại Đại học Ngoại ngữ Matscova, Liên Xô. Về nước, trong thời gian 1975-1978, ông dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ông về hưu rất sớm nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực văn chương và giáo dục.

 Thái Bá Tân đã xuất bản khoảng 70 đầu sách, gồm thơ dịch, truyện ngắn và thơ sáng tác. Hơn 20 năm tổ chức các lớp học thêm tiếng Anh cho sinh viên, với gần 300 người một lớp, rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên miền Bắc đã trưởng thành và thành công từ lớp học tiếng Anh của ông.

Qua bài thơ Tự bạch, tác giả tâm sự:

Nói thật với các bác
Điều vẫn giấu xưa nay.
Sẽ khối anh nhảy cẫng,
Mắng thế nọ thế này.

Nhảy cẫng thì nhảy cẫng.
Việc họ làm cứ làm.
Tôi chưa hề, thú thật,
Tự hào người Việt Nam.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trăm năm trong cõi người ta

Muốn sống thì phải cho ra cho vào

Chẳng tin lên hỏi Nam Tào

Nam Tào cũng bảo có vào có ra

Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn - 2

 Ông giãi bày những điều ly kỳ về bản thân mình:

Tôi đi bốn mươi nước,
Làm gì và đi đâu
Liên quan đến cái xấu,
Tôi bảo tôi người Tàu.

Một lần ở nước Bỉ,
Ngủ với một em Tây.
Nó bảo: Tàu giỏi quá!
Tôi suýt nói:
Việt đây

Duy nhất chỉ lần nọ,
Ở Havard, người ta
Khen tiếng Anh tôi giỏi
Tôi đáp: Việt Nam mà.

 Bước sang đoạn kết của Tự bạch, Thái Bá Tân đã khiến người đọc ngỡ ngàng vì những câu thơ năm chữ rất…“phản động”!

Chứ nói chung là nhục.
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét,
Lãnh đạo thì ngu đần.

Riêng hai chữ “cộng sản”
Đã đủ nói phần nào.
Làm thằng dân cộng sản
Có gì mà tự hào?

Mà tự hào sao được
Khi mấy triệu dân ta
Vượt biên, thà chết biển
Hơn phải chết ở nhà!

Tự hào là yêu nước.
Yêu nước phải biểu tình.
Mà biểu tình nó oánh.
Quân ta oánh quân mình.

Cuộc di cư của chữ nghĩa

 Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm.

Chuyến đi gian nan của người di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất. Chẳng ai còn tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường. Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa.

 Phải đợi đến sau ngày 30-4-1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa, vì có quá nhiều cái mất cái được được lớn hơn. Cái mất lớn hơn đó để người khác lo, người viết lạm bàn về số phận chữ nghĩa người di cư sau 1954 và nếu có dịp về chữ nghĩa của người di tản.

Chữ mòn theo thời gian.
Cho dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị sói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự sói mòn của thời gian. Chữ nghĩa như một vật dùng một lần thì còn ngon, nhưng dùng nhiều lần thì mòn hay cùn đi. Như cái kéo cắt mãi cũng phải cùn. Dao băm mãi cũng lụt đi.

Hình như chữ nghĩa dị ứng với cái lập đi lập lại. Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều: Thời gian và sự đi lập lại có thể làm sói mòn, hoen rỉ chữ nghĩa. Tâm lý con người lại ưa chuộng cái mới, cái lạ. Như trong tình yêu, dùng chữ đó với nhau lần đầu, trọng lượng của chữ nặng lắm, thấm thía lắm, cảm động lắm. Dùng lần thứ hai thấy nhẹ đi rồi.

 (Nguyễn Văn Lục)

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Mụt ruồi màng tang cả làng ăn thép.
Mụt ruồi bên mép, ăn thép cả làng,

Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - 1

 Đỏan văn này được cố nhà thơ Phạm Tiến Duật viết khi ông còn sống, với những kỉ niệm nhỏ xung quanh bài thơ "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây".

Bài thơ Trường Sơn đông – Trường Sơn tây tôi sáng tác hồi cuối năm 1969 tại một làng nhỏ bên bờ sông Son của tỉnh Quảng Bình, làng Cổ Giang, một làng nghèo khó mà nền nếp. Cái làng ấy ở không xa nơi cổng đường 20 xe ngang dãy núi Trường Sơn. Thấm thoát đã gần ba mươi năm rồi. Tuổi đất, tuổi người dài ra cũng ối chuyện mà tuổi tác phẩm – của bất kỳ ai – dài ra cũng không ít chuyện.

 Từ nhiều năm nay, bài hát cùng tên phổ thơ tôi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm nhạc. Câu thơ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ của bài thơ ấy được băng hình đánh chữ là Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ. “Xua tan” như thế thì còn gì là tình yêu. Băng hình không chỉ “xua tan” nỗi nhớ mà còn “xua tan” cả thơ ca nữa. Lỗi ấy người làm băng chứ không phải nhạc sĩ. Cũng phải nói thêm rằng những người làm băng ấy vi phạm bản quyền, phớt lờ tác giả. Câu chuyện ấy chỉ làm tôi buồn cười chứ lạ sao không thấy bực mình. Thì văn hóa tới đâu thì làm tới đó, chứ biết làm sao. Mà họ có làm văn hóa đâu, họ làm kinh tế đấy chứ.

 Cả bài thơ, làm xong cuối năm 1969, nhưng hai dòng đầu tiên thì có trước đó gần hai năm. Bây giờ, nhận vật tạo hứng cho thơ đang sống ở Hà Nội, một họa sĩ đã thành danh. Hồi ấy, anh ta yêu một cô y tá ở phía đông Trường Sơn. Ngồi chung một ca-bin xe đi sang phía tây, suốt đường anh ta nhắc đến người yêu. Nỗi nhớ của anh lây lan sang cả tôi, sang cả người lái xe. Mãi đến khi trời mưa, cái gạt nước phía trước mặt đã giúp tôi viết hai dòng đầu tiên: Anh lên xe trời đổ con mưa / Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ.

(Vương Trí Đăng) 

 Ca dao Tết

 Con ơi ham học chớ đùa
Bữa mô ngày Tết thỉnh bùa thầy đeo

Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - 2

 Bài thơ được viết sau nhiều chặng đường vượt rừng gian nan. Cho đến nỗi, nếu chưa từng ở rừng, vượt rừng thì khó bề thông cảm hết với thơ ấy, bài ấy. Chẳng hạn như câu này: Nước khe cạn, bướm bay lèn đá không phải là một câu thơ tả đẹp mà là một quan sát đáng run sợ của lính trinh sát. Nếu thấy cảnh ấy vào lúc chập chiều thì cầm chắc là đói vì không thể có nước nấu cơm. Mười cây số vuông quanh đí không thể có nguồn nước. Hay là câu này: Muỗi bay rừng già cho dài tay áo, một bạn Việt kiều và một nhà thơ Pháp đã dịch là Muỗi bay, mọi người mặc áo măng tô vào thì thật buồn cười. Họ không đi lính thì trách sao được.

Bây giờ, đọc lại nghe lại, như một người ngoài cuộc vô cảm tôi vẫn thấy trong lòng bồi hồi. Từ nhiều năm nay thật nhiều bài thơ người ta gọi là thơ tình, nhiều ca khúc người ta gọi là tình ca. Nhưng sao nghe chỉ thấy tán tỉnh, có lúc tán tỉnh đến thô lỗ. Thấy quá nhiều sự ích kỷ nhuộm vào các câu chữ. Nhớ lại thời ấy, không phải để tự khen mìn và đồng đội của mình mà rưng rưng cảm động. Hình như, không yêu được số đông người thì cũng khó mà yêu lấy một người. Sự ích kỷ với thiên hạ có chứa lực phản.

Không, không chỉ một tôi viết Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây mà cả con muỗi, con bướm, cái gạt nước, ngọn măng rừng và đồng đội của chúng ta cùng viết.

(Vương Trí Đăng) 

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Chỉ có bia mới hiểu bụng…mênh mông nhường nào

Chỉ có bụng mới biết…bia đi về đâu

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Ký sự”

 Bắc sứ thông lục – Lê Quý Đôn

 Chuyện kiến trúc thành quách: Chu Bội Liên chấp nhận lời biện bác ấy rồi chuyển sang hỏi về thành quách. Ta đáp : “Từ xưa, dựng đô lập ấp, phải xem âm dương, xét trời đất, nhắm trước sau. Còn như thành đô nước tôi, thì cùng một chế với thành quách xưa nay. Vả chăng, chín cửa thành Kinh sư (Bắc Kinh) và những dinh thự sáu bộ và các Tự, các Viện đều bởi quan thái-giám nước tôi tên Nguyễn An xây nên đời Vĩnh Lạc Việc ấy được chép trong sách Hoàng Minh thông kỉ. Nhân tiện xin trình”.

Một mặt, ta nhắc lại, cái cửa Thiên An Môn cùng 8 cửa khác của thành Bắc Kinh là công trình của người nước ta đời Trần, thời Hồ Quý Ly, cũng như doanh thự trong thành với súng Thần Công An Nam do Hồ Nguyên Trừng (1) chế tạo cho nhà Minh. Việc nầy người Trung Quốc vẫn biết.

Một mặt khác, ta giải thích một cách chí lý chiến lược "của không nhà trống" để cảnh giác người Thanh. Chu Bội Liên phải khen rằng: “Sứ quân biện cực tài. Nhưng cuối cùng, tôi cho rằng như thế không bằng xây thành quách làm hiểm trở mà tự thủ ...”.

Ô Quan Chưởng

Tại sao cửa ô Thanh Hà.gọi là Ô Quan Chưởng? Theo những điều còn ghi lại trong gia phả của họ Đào thì năm 1873, có một viên quan Chưởng cơ người Bắc Ninh nổi lên đánh Pháp, chẳng may bị bắt ở Gia Lâm, quân Pháp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu bên bờ sông Cái phía trước cửa ô Thanh Hà, giao cho Cai tổng Đồng Xuân canh giữ.

 Ngay đêm đầu tiên, ông Cai tổng nghe tiếng chó sủa ngoài sông vọng về, cho tuần đinh ra tra xét thì thấy có hai chiếc đò cứ lởn vởn ở khúc sông gần chỗ bêu đầu quan Chưởng cơ. Sợ có người đến lấy đầu của quan Chưởng cơ, ông Cai tổng bèn cho đem thủ cấp vào treo trong cửa ô Thanh Hà. Hôm sau người nhà quan Chưởng cơ đến thương lượng, xin ông Cai tổng cho chuộc lại thủ cấp. Biết đây là một nghĩa cử phải làm, nhưng để khỏi mang tội với quan trên, ông Cai tổng bèn lên bẩm báo với đốc lý thành phố, xin cho đem thủ cấp trôi sông để giữ vệ sinh trong khu dân cư.

Đêm hôm đó, ông Cai tổng trao trả thủ cấp cho gia đình quan Chưởng cơ, rồi sáng sớm hôm sau sai tuần đinh tin cẩn lấy một hòn đất to bọc vải cho vào một cái rọ đem ra giữa sông. Trước khi ném cái rọ xuống sông phải hô to cho mọi người trong bờ nghe rõ: “Theo lệnh quan trên, thủ cấp này phải trầm hà!”. Câu chuyện quan Chưởng cơ bị bêu đầu được lan truyền trong tổng Đồng Xuân, từ đấy ai đi qua cửa ô cũng gọi là ô Quan Chưởng.

Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Văn sử”

 Nam Ông Mộng Lục – Hồ Nguyên Trừng - 1

 Từ 10 năm nay chúng ta đã có được văn bản Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng với đầy đủ nguyên bản chữ Hán gồm 31 thiên truyện và phần phiên âm, dịch nghĩa, chú giải. Nói riêng mối quan hệ văn sử ở tác phẩm Nam Ông mộng lục vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo.

Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), hiệu Nam Ông, người Đại Lại, Thanh Hóa. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly nhưng không làm vua, mà chỉ giữ chức Tư đồ Tả tướng quốc. Năm 1407, từ Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương,  đến con cháu đều bị bắt giải về Kim Lăng,.

 Vì biết chế tạo súng “thần cơ”, một thứ vũ khí vượt hẳn các loại súng đương thời của Trung Quốc, Ông được nhà Minh tha không giết và sai trông coi việc chế tạo vũ khí. Ông dần dần được thăng làm Lang trung, rồi Công bộ Hữu thị lang, Công bộ Tả thị Lang (1436), Công bộ Thượng thư (1445). Ông mất vào tháng 7 năm Chính thống (1446), thọ 73 tuổi.

Nam Ông mộng lục được viết xong vào năm1438, là tác phẩm duy nhất hiện còn của Hồ Nguyên Trừng. Bài tựa của Hồ Huỳnh, bạn đồng liêu với Hồ Nguyên Trừng, ông cho hay:

“Qua Nam Ông mộng lục người ta phần nào hình dung được đất nước con người Việt ta (cách đây hơn 600 năm). Các mảng đời sống, lề thói... rất sinh động và chân thật”. Bạn đồng liêu tiếp: "Văn họ Hồ ngắn gọn mà nghiêm trang, cẩn mật, cao nhã mà uyên bác, theo tình kể lại, theo nghĩa đặt lời... Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính tình..."

(Nguyễn Hữu Sơn)

Hà Nội, Hà Lội ơi

 

Non nửa thế kỷ trước, nhà văn Vũ Bằng cho ra đời thiên tuỳ bút “Thương nhớ mười hai”. Qua tuỳ bút, Vũ Bằng đã dựng nên cả một “trời thương nhớ” với những hình ảnh đẹp và thơ mộng đến nao lòng. “Có ai đã xa Hà Nội lâu ngày, một chiều hiu hắt vọng về Hà Nội, nhớ từng cái ngõ, từng cái nhà; nhớ từ vườn Bách Thảo, hồ Hoàn Kiếm nhớ đi; nhớ từ những hoa sấu rụng ở trên đường đầu thu nhớ xuống”. Nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng Hải Đậu rụng xuống bờ sông đào”.

(Vương Văn Quang)


Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Văn sử”

 Nam Ông Mộng Lục – Hồ Nguyên Trừng - 2

 Từ mười năm nay chúng ta đã có được văn bản Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) với đầy đủ nguyên bản chữ Hán. Nói riêng mối quan hệ văn sử ở tác phẩm Nam Ông mộng lục với bộ sử chính thống Đại Việt sử ký toàn thư với các nguồn thư tịch khác qua cấu trúc văn bản, nội dung và hình thức nghệ thuật của văn sử trong Nam Ông mộng lục…

 Trong tổng số 31 có 2 truyện liên quan trực tiếp đến dòng dõi tác giả. Truyện Y thiện dụng tâm và Thi triệu dư khánh kể về người ông bên ngoại.

Có 4 thiên truyện ghi chép truyện thời nhà Lý (1010-1224). Trong số 27 truyện liên quan đến triều đại nhà Trần (1225-1400) - Hồ (1400-1406) có 7 truyện ghi chép các sự kiện dưới triều vua Duệ Tông (1373-1377), Phế Đế (1377-1388), Thiếu Đế (1399-1400), Hồ Hán Thương (1400-1406)..

Đây khoảng thời gian mà tác giả đã sinh ra, trưởng thành, có thể từng chứng kiến hoặc được người đương thời biết đến và kể cho nghe. Các truyện này gồm: Phu thê tử tiết kể về người đàn bà họ Hồ chết theo chồng. Ni sư đức hạnh kể lại đức hạnh của sư bà họ Phạm. Thi phúng trung gián kể về sự kiện Trần Nguyên Đán (1325-1390) can gián vua. Thi tửu kinh nhân kể chuyện Hồ Tông Thốc có tài uống rượu, làm thơ. Thi xứng tướng chức chép việc Trần Nghệ Tông khi mới làm tướng quốc đã có bài thơ tiễn sứ giả nhà Nguyên...Trong số 16 truyện ngắn văn sử xuất hiện ở cả hai văn bản, thứ tự các văn sử ở Nam Ông mộng lục không trình bày theo trình tự thời gian, triều đại như trong Đại Việt sử ký toàn thư.

(Nguyễn Hữu Sơn)

Thăng trầm chữ Việt

Ngoài việc cho phổ biến chữ Việt bằng báo chí, họ đã cho mở các trường học dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, từ đó hình thành một nền giáo dục Việt – Pháp ở nước ta.

“Ngày 17-2-1859, ngay khi đổ bộ lên Sài Gòn, đô đốc R. de Genouilly đã thấy có mặt tại đây một chủng viện và một trường học gọi là Trường D’Adran (D’Adran tức giáo sĩ người Pháp Pierre Pigneaux de Béhaine còn được gọi là Bá Đa Lộc) do hội truyền giáo nước ngoài thiết lập. Học sinh trường này học đọc và học viết chữ quốc ngữ. Họ cũng được học tiếng Latin, đôi khi vài chữ tiếng Pháp” (Nguyễn Phú Phong – Chữ quốc ngữ bành trướng từ Nam ra Bắc).

Như vậy, D’Adran là trường đầu tiên dạy chữ Việt ở Sài Gòn cũng như Việt Nam. Để có người làm thông ngôn trong giai đoạn đầu tiên, ngay năm 1861 sau khi chiếm Sài Gòn, Bonard đã quyết định “tài trợ” một phần chi phí và sau đó “nâng cấp trường (D’Adran) thành một trường cao đẳng với tên đầy đủ là Collège Annamite-Français de Monseigneur l’Évêque d’Adran” (ngày 8-5-1862).

Không rõ cái tên D’Adran tồn tại cho tới năm nào, nhưng trên nền trường này sau đó mọc lên hai  trường trung học khá nổi tiếng ở Sài Gòn, đó là Trường Võ Trường ToảnTrường Trưng Vương

(Trần Nhật Vy)

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


Như trên ta thấy hoa tầm xuân có màu đỏ, trắng hoặc vàng. Nhưng tại sao
lại nở ra xanh biếc?
Xanh biếc? Xanh ở đây hình như không phải là màu xanh, mà là diễn tả cái mức độ
tươi đẹp nhất của tuổi đương xuân cô gái trẻ. Ta vẫn nghe nói "đầu bạc-đầu xanh" ám chỉ người già người trẻ.

Các bác đã định nghĩa “tầm” xuân là
tìm (tầm) lại mùa xuân đã mất, tìm lại cái mùa tươi mát, đẹp nhất trong 4 mùa. Theo kobe tôi "tầm" có nhiều nghĩa, ở đây là thước đo, tầm mức. Ta vẫn thường nó : "xa thì không xa, gần thì không gần nó ở ngay trong tầm tay".
Như vậy "Tầm Xuân" là ở ngay lằn mức đương xuân. Ở quá cái mức thì hơi già, ở dưới cái mức thì hơi non. Vì thế nụ tầm xuân nở ra không đỏ lòm, không trắng bệch, không vàng khè mà là "xanh biếc". Vậy mới cực đẹp, là giai đoạn cực phẩm.

Lúc đó anh chàng hối hận vì xưa kia nghèo quá, có 3 đồng mà cũng không chạy chọt vay nợ để mua trầu cau đặt cọc. Giờ thì ván đã đóng thuyền, chỉ còn ngồi than thở đặt thơ làm ca dao Bây giờ nàng đã theo ai - Gặp anh ghé nón chạm vai chẳng chào

(Nguồn: theo kobe tôi)

 Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói

Còn "ăn" trong "ăn quịt" nguyên thuỷ hẳn có nguồn gốc "ăn xong, lỉnh mất, không trả tiền". Nhưng khi "ăn" cặp kè với "vạ", ngộ nghĩnh thay, "ăn" bay mất nghĩa gốc. "Ăn vạ" thường thấy ở trẻ con. Nhiều bà mẹ than: "Thằng út nhà tôi, mỗi lần đòi gì không được là lăn ra ăn vạ, khóc lóc thảm thiết"

Tương tự như trong chuyện bài bạc "ăn" đồng nghĩa với "thắng". Hoặc trong "ăn gian": Gian lận để thắng. Đối với trẻ con, ăn gì cũng thích, chỉ không hảo mấy món "ăn đòn", "ăn roi", "ăn chổi lông gà", v…v…mà thôi.

(Ngô Nguyên Dũng)

 Thành ngữ tục ngữ…sai

 Người trần mắt thịt 

(Li người mê tín cho rằng người thường không linh thiêng như thần thánh)

Gs hiểu nhầm rồi. Không phải “người thường không linh thiêng như thần thánh” mà không thể nhìn thấy thần thánh, không hiểu hết sự linh thiêng của thần thánh nên dễ phạm sai lầm, tội lỗi với các ngài. Bởi thế, khi khấn khứa, người ta thường nói “chúng con người trần mắt thịt, có điều gì sất sá (tức không hiểu hết được ý tứ của thần thánh) cúi xin các ngài đánh hai chữ “đại xá” là vậy.

(Hoàng Tuấn Công)

Gia Định Báo

Đáng nói hơn nữa là trong khi những tờ báo ra đời mấy mươi năm sau GĐB còn đầy rẩy lỗi chính tả, thì ở Gia Định Báo, họa hoằn mới tìm ra một lỗi. Bởi do công của Huỳnh Tịnh Của,  là tác giả bộ từ điển Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam có tên “Đại Nam quấc âm tự vị” xuất bản năm 1896. Công lao của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã được giới nghiên cứu nói đến nhiều, song dường như công luận chưa có sự quan tâm đúng mức đối với Trương Minh Ký, người đã có những đóng góp to lớn cho Gia Định Báo cho đến ngày qua đời (1900).
Và cũng không thể bỏ qua công lao của Ernest Potteaux, người quản nhiệm đầu tiên của Gia Định Báo, là tác giả của rất nhiều bài viết khoa học có tác dụng nâng cao trình độ hiểu biết của người dân thuộc địa, giúp họ giũ bỏ được phần nào những thói tục mê tín dị đoan còn hằn sâu trong xã hội.

Nghiên cứu Gia Định Báo và chữ Quốc ngữ không nên  có sự phân biệt chủng tộc, nguồn gốc xuất thân, làm việc hay tôn giáo ,... chúng ta chứng tỏ  rằng người Việt Nam là một dân tộc biết trọng đạo nghĩa, không quay lưng lại với những ai đã làm điều tốt đẹp cho dân tộc. Gia Định báo  góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ, mở đường cho các thể loại văn xuôi bằng chữ quốc ngữ, và đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam. 

  (Nam Sơn Trần Văn Chi)

 Nhà thơ Thành Tôn và những quyển sách thủ công


Thành Tôn  

(ảnh Lưu Na - California, 2012)

 Thế là tôi lại có mặt tại quận Cam của Cali vào một ngày tháng 5, với vài cuộc vui xum họp gia đình và bạn hữu từ mái quân trường xưa ở một thành phố miền cao nguyên. Tất nhiên, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội gặp mặt những bằng hữu thân quen của trang mạng TV&BH. Buổi gặp gỡ được hẹn tại một quán cà phê. Lưu Na bảo sẽ có mặt tác giả “Thắp Tình”(1969), nhà thơ Thành Tôn.

 Vợ chồng tôi đến hơi sớm, loay hoay tìm một nơi vừa đủ ngồi cho nhiều người, vừa tránh những cơn gió khó chịu của tháng 5 Cali. Ở một góc quán, có một vị quá trung niên (thượng niên chăng?), ăn mặc rất nghiêm chỉnh, áo sơ mi dài tay cài nút gọn ghẽ, mặt vuông chữ điền, mắt sáng tia ấm áp, chiếu những ánh dò hỏi về phía vợ chồng tôi. Có lẽ chúng tôi quen nhau đâu đó trong khoảng thời gian mấy chục năm đoạn trường vừa qua chăng? Bạn học? bạn lính? bạn tù? Tôi cố moi trong trí nhớ ánh mắt ấm áp đó. Nhưng chịu. Tên mình và ngày tháng năm sinh đôi khi còn phải ngừng lại vài giây suy nghĩ trước khi trả lời người đối diện thì làm sao nhớ được một ánh mắt của nhiều năm trước.

Khi người bạn trẻ Lưu Na, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn và chị Hồng Ngọc xuất hiện trước cửa quán thì tôi thấy vị trung (thượng) niên mặt vuông chữ điền đứng dậy bắt tay chào hỏi. Tôi đoán hẳn phải là trung (thượng) niên thi sĩ Thành Tôn mà Lưu Na đã nói trước. Quả đúng thế. Tác giả “Thắp tình”, bằng cái giọng Quảng Nam sang sảng, vừa cười vừa đáp lại lời giới thiệu của người bạn trẻ LN rằng ông đã nhận ra tôi từ lúc vợ chồng tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi. Chỉ có điều ông tế nhị không nói ra là nhìn cái điệu bộ lúng ta lúng túng và khép nép ngờ nghệch kiểu “Tư Ếch đi Xè Gòong” kia thì ai chẳng biết đó là gã nhà quê xứ khỉ ho cò gáy vừa lên tỉnh như thông báo của LN.

(T.Vấn)

 Làm báo văn học ở hải ngoại

Xuyên qua quá trình đầy thử thách đó, tôi nghĩ, và yên trí, suốt đời, sẽ chẳng còn con đường nào để chọn lựa cho hướng đi (đến nghĩa trang) của mình, ngoài con đường duy nhất, và cũng là con đường tôi hằng mơ ước thuở thiếu thời: hội họa.

Nhưng, như tất cả mọi chúng sinh khác trong "cõi nhân gian bé tí" này, có nhiều tình cờ không định trước đã đẩy số phận mỗi chúng ta vào những khúc quanh... tiền định.

Từ hội họa, bất ngờ, tôi rơi vào lĩnh vực văn chương, báo chí.

Đó là thời gian đầu vừa đặt chân đến Mỹ. Đang loay hoay chưa biết phải làm gì, tôi được một người bạn giới thiệu với Du Tử Lê. Lúc ấy anh đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Tay Phải. Anh hỏi tôi "đã định làm gì chưa", tôi bảo chưa, anh liền đề nghị: "Thế thì về làm báo với mình, cho vui." "Tôi biết gì mà làm?" "Lay-out, tay ngang còn làm được, huống gì anh là họa sĩ."

Đúng như Du Tử Lê nói, chỉ cần một tí khéo tay, thêm một tí kiến thức tối thiểu về mỹ thuật, ai cũng có thể trở thành chuyên viên lay-out. Tôi lại có thêm lợi điểm: dư khả năng lấp đầy những khoảng trống còn thừa trong các cột báo bằng những minh hoạ. Thi sĩ họ Lê có vẻ hài lòng vì đã nhặt được một gã phụ tá... sáng trí, đa năng (!!!) Anh bèn đẩy sự hài lòng cao hơn tí nữa: một hôm, báo thiếu bài, anh nói với tôi: "KT viết hộ cái gì nhé."

Viết? Đề nghị thật bất ngờ. Tôi vốn mê đọc, là độc giả trung thành của tất cả nhà văn nhà thơ lớn bé thuộc mọi thành phần, trình độ, trường phái, khuynh hướng, phe nhóm, chủ trương...

Từ Bên dòng sông Trẹm đến Bàn tay máu, từ "một đèo một đèo lại một đèo" đến "ô hay con gái bay nhiều quá / đôi cánh tay mềm như cánh chim", từ "em là gái trời bắt xấu" đến "tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ", từ Thung lũng tình yêu đến Hố thẳm tư tưởng, từ Lũ người quỷ ám đến Chiến tranh và hòa bình, từ Chuông gọi hồn ai đến Âm thanh và cuồng nộ, từ Buồn nôn đến Dịch hạch... Tôi đọc tuốt tuột bất cứ cái gì vớ được. Nhưng viết thì chưa bao giờ. Tôi không mặn với chuyện viết lách. Bạn tôi, ở Sài Gòn trước và sau 1975, nhiều tên cầm bút, và tên nào trông cũng... không giống ai, khiến tôi... nhợn (và nhờn!) Tuy nhiên chưa bao giờ không có nghĩa chẳng bao giờ. Ừ, thì viết. Thử xem. Thế là vài ba bút hiệu lăng nhăng nhảm nhí lần lượt xuất hiện. Lâu dần, trở thành quen. Và cũng lâu dần, nghề dạy nghề, tôi lên... lão làng, trong lĩnh vực "bán chữ" (đủ loại) cho các tờ báo tuần, báo tháng.

 (Khánh Trường)


 Phụ đính I

 

Vũ Hoàng Chương

Thơ xuân thơ Tết cuối cùng của Vũ Hoàng Chương là bài Vịnh Tranh Gà Lợn, làm vào ngày Tết Bính Thìn, 1976. Bài thơ được truyền tụng nhờ được truyền khẩu. Nhưng cũng vì truyền khẩu, nên nhiều dị bản khác nhau, nhiều bản sai lạc, vô nghĩa.

Bà Vũ Hoàng Chương đã than phiền và ghi lại cho chúng tôi (Đặng Tiến) chính văn : 


       Vịnh tranh Gà Lợn 

       Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành 
       Gà lợn, om sòm rối bức tranh 
       Rằng vách có tai, thơ có hoạ 
       Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh 
       Mắt gà huynh đệ bao lần quáng 
       Lòng lợn âm dương một tấc thành 
       Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn 
       Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh 

Bà Vũ Hoàng Chương ghi chú : Thơ có hoạ có ba nghĩa : thơ có xướng thì phải có hoạ, gọi là thơ xướng hoạ : thơ phản nghịch là tai hoạ ; và thơ hoạ (vẽ) ra tranh. Vũ Hoàng Chương nổi tiếng là uyên bác : thơ ông thường sử dụng nhiều điển cố. Ðặc biệt bài này ông sử dụng tục ngữ, theo truyền thống Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Bà Vũ Hoàng Chương lưu ý đến những tục ngữ : " dừng có mạch,  vách có tai " ; " xanh vỏ đỏ lòng ". Nhưng còn nhiều thành ngữ, tục ngữ khác như : " tranh  tối tranh sáng ", " mắt xanh ", " mắt quáng gà ", " gà cùng một mẹ ", " lợn âm dương ", " con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi ". " Khúc tân thanh " ngụ ý " đoạn trường ". Còn ý nghĩa, ngụ ý dí dỏm nhưng thâm trầm của từng câu, từng chữ thì chúng tôi xin miễn giải thích, sợ làm mất cái duyên ngầm của bài thơ.

Chỉ mong văn giới ghi nhận : Đây là văn bản chính thức của bài Vịnh tranh Gà Lợn của Vũ Hoàng Chương làm vào dịp Tết Bính Thìn 1976. Bà Vũ Hoàng Chương và chúng tôi chịu trách nhiệm về 56 chữ trong văn bản. Những dị bản khác nên xem như là truyền khẩu, " tam sao ", được phổ biến trong nghịch cảnh.

 (Đặng Tiến)

***

 Phụ đính II

 Họan quan

 

Với bài viết này, chúng tôi hy vọng rằng sẽ thêm một lần nữa khắc họa lại một cách tường tận những câu chuyện cuộc đời còn ít người biết đến về các thái giám trong triều đại quân chủ cuối cùng của lịch sử Việt Nam.

   

Một nhóm thái giám triều Nguyễn - năm 1918.

Vốn chịu ảnh hưởng rất đậm nét của nền văn hóa phương Đông, vì vậy các triều đại Việt Nam trong đó có triều đại nhà Nguyễn vẫn duy trì việc tuyển chọn thái giám để hầu hạ trong chốn hậu cung của nhà vua.

 (Nguồn: Phan Thuận An)

 Bác tôi là hoạn quan

 Cha tôi tự mình khâm liệm cho bác. Khi bác đã được lột truồng, cha tôi lấy cái bộ tam cât trong hộp đặt vào giữa háng rồi mới mặc áo liệm màu trắng. Cái vật khô cứng ấy không ăn nhập gì với thịt da bỗng nảy cao lên dưới làn vải như có ai thò tay động đậy.

Bác được đem chôn ở chân núi Mò O, vẫn đắp mộ hình cái chàn như bao nhiêu người đàn ông khác. Cha tôi thở dài nói với mấy người đào huyệt: thôi thế cũng xong một kiếp người. Mai sau có đầu thai ảnh cũng không còn làm quan hoạn nữa.

Lúc trở về, mẹ tôi trách cha, sao không chôn cái hộp theo bác. Cha bảo, đem theo làm gì nữa. Chẳng lẽ còn muốn ảnh làm con ma bị thiến hoài sao. Bác được thờ trên một cái bàn nhỏ cạnh bàn thờ tổ tiên. Không có di ảnh, chỉ có chiếc hộp hình chữ nhật của bác đặt sau lư hương giống như một cái áo quan còn phủ vải đỏ chưa hạ huyệt.

Mười năm sau, nhà bị đốt, cái hộp ấy cũng thành tro.

(K.Đ.)


Mời Xem :

Chữ nghiã làng văn Kỳ 01/9/2023 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét