8 thg 11, 2023

MỘT THỜI CUỒNG NGÔNG - Đào Anh Dũng

Báo Trẻ số 1372
Ngày 2/11/2023
 
Mặt trời ló dạng khi toán tù cải tạo cuối cùng đã rời trại ra rẩy trồng khoai mì. Bóng đen của đoàn người nối đuôi nhau, lếch thếch đi trên con đường mòn dưới ánh thái dương màu cam sẩm tạo nên một phong cảnh tương phản thật bi đát giữa tù đày và tự do. Sa bỗng có cảm nghĩ tự do là một thiên đường không có lối đến, rồi anh vội gạt bỏ tư tưởng yếm thế ấy ra khỏi tâm tư, nhủ thầm rằng mình cần có hy vọng. Anh cần có hy vọng để sống còn.
Sa bước vào láng bệnh xá trại Cây Cầy. Anh ngao ngán nhìn số tù nhân hơn chục người được miễn lao động vì bệnh nằm liệt giường. Từ ngày được chỉ định làm y tá cho trại, anh chỉ có thể chăm sóc và an ủi tinh thần bệnh nhân, còn việc chữa trị cả những căn bệnh thông thường anh đành phải bó tay vì không có thuốc men, ngoại trừ những viên xuyên-tâm-liên và các vị thuốc Nam từ lá và rễ cây anh tự học hỏi, tìm kiếm và chế biến qua kinh nghiệm.
Trong số bệnh nhân vô phước ấy có nó, một thằng bạn từ thuở tiểu học. Ôi, làm sao Sa quên được cái thời vàng son ấy!
oOo
Thằng bạn ấy, Lê Việt Chiến, chơi thân với Sa, Lê Châu Sa, trong những năm cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học một lớp, bắt đầu bằng cái tên. Hai đứa được cha mẹ gởi vào một trường dòng, theo học nội trú, chương trình Pháp. Thầy Bề trên (Hiệu trưởng) Jean Pierre là người Pháp. Vào ngày thứ bảy đầu tháng ông đến mỗi lớp để đọc bảng thứ hạng của học sinh sắp theo điểm bài thi. Ông đọc họ và tên học sinh không có dấu nên tên của Chiến ông đọc nghe như “le chien” (con chó), còn tên của Sa, mặc dầu phát âm không phải là “le chat” (con mèo) nhưng bạn bè trong lớp lấy đó làm biệt danh cho hai thằng.
Đa số học sinh vào trường nội trú với hai lý do chính: một là vì cha mẹ có ước vọng cao, hai là bị "đày". Sa thuộc nhóm một, cha mẹ anh muốn anh có một số vốn liếng Pháp ngữ thật vững để sau này vào trường Thuốc; Chiến nằm vào nhóm hai, vì quá ngỗ nghịch nên cha mẹ bỏ nó vào trường nội trú cho các thầy dòng nghiêm trị.
Mà Chiến ngỗ nghịch thật! Trốn rào trường ra chợ uống la-de, thụt bi-da - có nó. Gây sự, chặt giò nhau trong các trận đá banh - nó cầm đầu. Đang đêm trèo vào cầu tiêu, phá hệ thống dội cầu cho nước chảy suốt rồi khóa cầu lại - cũng nó. Nói về phá phách, Sa với Chiến có một kỷ niệm khó quên vào dịp lễ Giáng Sinh năm học lớp 6è (lớp đệ thất chương trình Việt).
Năm ấy Sa được chọn vào nhóm đóng kịch cảnh cha mẹ Chúa Giê-Su phải về quê vì có lệnh kiểm tra dân số. Trời tối, rét buốt, người quá đông đúc nên không tìm ra chỗ trọ, Đức Mẹ phải sinh Chúa trong hang lừa và bò. Chiến cũng được chọn để đóng kịch nhưng đó là việc phụ, lý do chính là các thầy muốn cầm chân nó, không cho nó lông bông ngoài đám khán giả mà phá thầy, chọc bạn. Sa đóng vai ông chủ lữ quán, Chiến đóng vai người bồi phòng. Vai của nó rất đơn giản, khi Sa hỏi nó có phòng trống hay không lúc Thánh Giu-Se đến hỏi mướn phòng, nó chỉ cần nói: “Dạ!” thật lớn rồi từ cánh gà chạy ra nói không có phòng trống. Chiến bàn với Sa rằng năm nào cũng xem một vở kịch, xem đi xem lại chán bỏ xừ. Rồi nó bày tuồng với Sa, sửa kịch bản ngay trong đêm trình diễn cho các thầy hoảng hốt chơi, có gì nó chịu bị phạt. Thấy trò chơi không hại ai, lại có dịp cho các bạn cười một phát cho vui, các thầy không nỡ lòng phạt tội, nên Sa đồng ý.
Vở kịch “Đêm Thánh Vô Cùng” hôm ấy diễn ra bình thường đến đoạn Chiến dạ rân rồi chạy ra sân khấu nói lớn: “Dạ, thưa ông chủ, còn một phòng trống!” Tội nghiệp thằng Thanh đóng vai ông Thánh Giu-Se, nó luýnh huýnh không biết làm gì, chẳng lẽ dẫn thằng Nhờ, trong vai Đức Mẹ, vào phòng trọ, rồi phải chấm dứt vở kịch vì đã đi sai kịch bản rồi. Trên sân khấu Sa liếc nhìn xuống khán giả đang im phăng phắc, các thầy ngồi hàng ghế đầu với cha tuyên úy hầu như ai cũng há miệng ngạc nhiên, riêng thầy phó Bề trên đang kề tai nhỏ to gì đó với thầy Bề trên. Sa làm bộ lật đật la to: “Cái thằng lười biếng, mầy nói ẩu hả? Đi kiểm lại!” Chiến chạy lúp xúp vào cánh gà nhưng ở lì trong đó làm cho Sa cũng nóng ruột, thoáng sợ mình đã mắc mưu thằng lỏi này. Lát sau, khi khán giả gần như nhốn nháo, nó mới chạy ra, nói: “Dạ, thưa ông chủ con xem lộn. Dạ, không còn phòng nào trống hết!” Sa thở phào, tiếp tục vở kịch, nói với Thánh Giu-Se câu rất tiếc nhưng chắc không ai nghe vì khán giả học sinh đang cười rần rộ đến khi thầy giám học đứng lên huýt còi mọi người mới im lặng.
Một chuyện phá phách khác, khá vui ở tuổi mới lớn, cũng do Chiến bày tuồng, xảy ra vào mùa hè trước năm học cuối, năm thi bằng Brevet (Trung học đệ nhất cấp). Năm ấy, Sa học hành bê bối nên phải trở lại trường một tháng theo học lớp hè. Lẽ dĩ nhiên, Chiến cũng không khá hơn nên nó cũng có mặt. Trong nhóm quý thầy mới ra trường đến tập sự, có một thầy trẻ tuổi hay mắc cỡ nên Chiến bày ra cách phá thầy như sau: khi đến phiên vị thầy trẻ này gác nhà ngủ nó xúi cả bọn cùng lớp tắm truồng thay vì mặc quần đùi trong phòng tắm chung. Lần đầu thành công mỹ mãn vì thầy đỏ mặt, vội ngó đi nơi khác, không có lấy một lời quở phạt. Nhưng, "trời bất dung gian đảng", lần sau ăn quen, khi đang trêu phá thầy thì có một thầy già đột nhiên bước vào (hay là do thầy trẻ báo cáo?) Kết quả là một hình phạt tởn tới già: 100 cái hít đất, tại chỗ, trần truồng và chúa nhật không được phép ra phố. May thay, cả bọn mới hít được có 30 cái, có lẽ thấy cảnh tượng quá buồn cười nên thầy già búng tay, đuổi đi: "Allez-vous en!"
oOo
Sau buổi học tập hàng đêm tù nhân trở về láng. Thoáng đó mà trại tù im lặng như tờ. Sa nhìn Chiến nằm thiêm thiếp, thân hình nó mỏng dính, dán sát xuống chiếc giường ọp ẹp trông thật tội nghiệp. Ánh trăng lưỡi liềm không sáng lắm nhưng đủ rọi vào một gương mặt hốc hác, xanh như tàu lá. Sa sờ trán bạn, thấy nóng hổi, lấy khăn nhúng nước lau cho bạn. Lòng anh chùng xuống, thương bạn. Đã xảy ra quá nhiều ca tử vong vì kiết lỵ trong trại tù này rồi. Lá cây thuốc Nam như rau sam, bông bụp, lá mơ... Sa biết nhưng tìm đâu ra cho đủ uống. Thuốc Tây trụ sinh chỉ thấy trong mơ. Điều kiện vệ sinh trong trại tù là con số không. Sa liếc mắt ngó quanh rồi anh kín đáo làm dấu Thánh Giá, lẩm bẩm câu kinh, cầu xin lòng thương xót của Chúa.
"Le chat, mầy theo đạo rồi hả?”
Chiến bỗng hỏi Sa, giọng thều thào, yếu ớt nhưng nó cũng ráng mỉm cười sau khi gọi Sa bằng cái biệt danh thời học sinh. Nụ cười ngông nghênh ngày xưa vẫn còn đó.
“Ừ, cha Nhân rửa tội 'chui' cho tao hôm lễ Phục Sinh. Tao tệ thật, trong cơn hoạn nạn mới chịu làm con của Chúa. Còn le chien, mày bỏ đạo luôn rồi à? Từ ngày gặp lại mày tao chưa bao giờ thấy mầy đọc kinh, xem lễ.”
Chiến không trả lời, nó nói lảng sang chuyện khác:
“Tội cho cha Nhân. Tụi nó tìm đủ mọi cách để đì mà ổng cứ lén lút đọc kinh, dâng lễ.”
Câu nói của bạn làm Sa nhớ đến một kỷ niệm thời trung học; nhìn Chiến, anh không kềm được một nụ cười, dù rất héo hon:
“Mầy còn nhớ bài thơ của Jacques Prévert không, le chien?”
“Chuyện xưa! Thời cuồng ngông!"
Ừ, Sa ngẫm nghĩ, cái thời trung học ấy thật có quá nhiều chuyện ngông cuồng mà Chiến quả là một tên ngông số một.
Ở trường đạo, học sinh đọc kinh trước và sau mỗi buổi học là việc hàng ngày. Những đứa “không có đạo” như Sa, nhập gia tuỳ tục, đọc theo, riết rồi thuộc lòng, không đứa nào thắc mắc. Chiến là đứa “có đạo” nhưng nó ngầm chống đối, không chịu đọc kinh lại còn mắng những đứa “không có đạo” đang bị thầy dòng “tẩy não.” Năm ấy, trong một giờ Văn chương Pháp thầy Phước giảng ngoài chương trình vài bài thơ mới của Jacques Prévert. Chiến tìm tòi thêm, gặp bài thơ tựa đề Pater Noster của thi sĩ này với câu mở đầu là:
Notre Père qui êtes aux cieux.
Restez-y.
và nó dịch ra thành:
Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Chúng con nguyện xin Cha ở đó.
(thay vì “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng.”)
rồi ngang nhiên đọc xen vào khi lớp đọc kinh, kéo thêm vài tên bạn khác đọc theo, cười khúc khích. Cũng may, trò phá phách này không mấy thú vị nên sau vài lần thì bị cả lớp cho vào quên lãng; nếu tiếp tục, có ngày Chiến sẽ bị các thầy phạt.
Trong những năm tháng sống đời học sinh nội trú "vô tư" ấy, Sa có thắc mắc nhưng anh chưa bao giờ hỏi Chiến tại sao nó "chống đạo" như vậy. Hai năm trước, lúc mới gặp lại bạn trong tù, Sa hỏi thì nó hỏi ngược lại:
"Cái tên Việt Chiến của tao, mầy không nghĩ ra điều gì à?"
"Việt Chiến... Việt Chinh... Việt Minh... Vậy là bác trai đi theo cách mạng?"
Sa đoán mò mà trúng phóc. Hôm ấy, Chiến tâm sự cùng Sa rằng cha nó bỏ gia đình, đi vô bưng, rồi tập kết ra Bắc. Mẹ nó ở lại, buôn bán tảo tần nuôi con. Năm nó lên mười, bà gặp dượng ghẻ tương lai của nó. Hai người yêu nhau rồi cùng nhau chung sống, không được phép chuẩn của giáo hội. Vì thế, khi đã biết suy nghĩ, Chiến cảm thấy bất mãn, nhất là mỗi khi đi lễ, anh em nó khoanh tay đi lên Cung Thánh rước lễ còn mẹ nó và dượng ghẻ phải ở lại bàn quỳ. Đó đâu phải do lỗi của mẹ nó mà giáo hội lại khắt khe như thế. Chiến cho rằng người đáng trách là cha của nó. Ông ta là một kẻ vô trách nhiệm, cưới mẹ nó, sanh ra nó làm gì để rồi phủi tay ra đi, để rồi hai mươi mấy năm sau trở về tìm nó, gặp lại nó trong trại tù cải tạo? Đó là lý do Chiến mất lòng tin vào giáo hội và hận cha của nó. Khi ông đến thăm với ý định bảo lãnh nó ra tù, nó từ chối gặp ông. Tuy nhiên, Chiến cũng công nhận rằng ban quản giáo có vài sự biệt đãi ngầm đối với nó, chắc cha của nó là người có "thớ" trong chánh quyền mới.
Sa bước ra khỏi láng bệnh xá, đi lấy nước đã đun sôi cho Chiến uống. Không có thuốc men chữa trị, anh chỉ còn cách giúp bạn mình không bị thiếu nước trong khi cơ thể tự chống lại vi khuẩn mà thôi. Tuy nhiên, sức khoẻ của Chiến đang suy sụp đáng ngại và Sa nghĩ rằng, nếu không chữa chạy kịp thời, có thể nó sẽ không qua khỏi. Vì thế, anh quyết định trình báo sự việc với ban quản giáo. Hai ngày sau, bỗng nhiên có lệnh chuyển Chiến đến trại khác.
Từ đó, Sa không được tin tức gì của Chiến. Ba năm sau, Sa được trả tự do, rồi anh vượt biên tìm tự do, tự do thật sự...
oOo
Vợ chồng Sa lên đường từ sáng sớm, lái xe đến năm giờ chiều mới đến tu viện thánh Bonaventure ở thành phố Cincinnati. Hai người sẽ ở hai ngày trong nhà khách của tu viện này, cùng với ba cặp phụ huynh khác, để tham dự buổi lễ Tim, con trai của hai người, và ba bạn tập sinh của nó chánh thức mặc áo tu sĩ dòng thánh Phanxicô vào ngày mai. Bảy giờ chiều, họ tham dự một buổi tiếp tân của nhà dòng, với sự có mặt của toàn thể tu sĩ, tập sinh của tu viện. Vợ chồng Sa đang hầu chuyện cùng Cha Jim, người đỡ đầu của Tim, bỗng có tiếng gọi bên tai:
"Le Chat!"
Sa giật mình, quay mặt lại, bắt gặp một tu sĩ Á đông trong chiếc áo dòng Phanxicô màu nâu, chiếc lúp sau lưng và sợi dây thừng trắng buộc quanh bụng. Ông thật không ngờ vị tu sĩ ấy là Chiến, người bạn thân của mình năm xưa. Tay bắt mặt mừng nhưng, lẽ dĩ nhiên, hai người không thể thăm hỏi nhau lâu vì buổi tiếp tân phải diễn tiến theo chương trình. Họ hẹn gặp lại để hàn huyên vào chiều ngày hôm sau.
Tối hôm ấy, khi có giây phút riêng tư với con, Sa hỏi thì Tim cho biết thầy Chiến là một friar, một thầy dòng, chứ không phải linh mục. Thầy Chiến mặc áo dòng được khoảng 15 năm, là một bác sĩ tâm lý làm việc ở bệnh viện The Good Samaritan (Người Samari Nhân Hậu) và là một giáo sư của tu viện. Tim cũng kể rằng, qua chương trình huấn luyện tập sinh, nó có dịp hầu chuyện với thầy Chiến nhiều lần. Sau khi biết tên tuổi và vài chi tiết gia cảnh, thầy nói rằng cha của Tim có thể là một người bạn cũ của thầy. Tuy nhiên, thầy yêu cầu Tim đừng tiết lộ điều gì về thầy vì nếu đúng vậy thì thầy muốn tạo một sự ngạc nhiên, một ngạc nhiên dễ thương (a lovely surprise) cho bạn. Nghe đến đó, Sa không có chút ngạc nhiên, không nhịn được nụ cười. Cái thằng đến già vẫn còn ngông!
Vậy mà khi gặp lại Chiến, câu nói đầu tiên của Sa là trách bạn sao không liên lạc ngay khi nhận ra mình. Chiến cười, trả lời rằng, tao biết mầy có công việc làm vững chắc, gia đình hạnh phúc, riêng tao cũng hạnh phúc không kém vì được đồng hành với Chúa mỗi ngày thì vội gì mà liên lạc. Rồi hai người bạn kể cho nhau nghe những đoạn đường họ đã trải qua từ lúc chia tay ở trại tù. Chiến siết tay bạn, ngậm ngùi cảm ơn bạn đã cứu ông thoát lưỡi hái tử thần năm ấy. Nhờ ban quản giáo trại tù thông báo, cha của Chiến đã lập tức vận động đưa ông về Sài gòn chữa trị và sau đó đã giúp ông vượt biên, đoàn tụ với mẹ, dượng ghẻ và hai người em cùng mẹ khác cha. Chiến kể rằng cha của ông đã tận tình chăm sóc, ngày nào ông cụ cũng đến thăm, ngồi hàng giờ bên con. Nhờ đó, hai cha con ông mới có cơ hội giải bày những uẩn ức trong lòng, thấu hiểu tình cảnh, nỗi khổ của mình và đi đến việc tha thứ cho nhau.
Riêng việc hiến thân cho Chúa, Chiến tâm sự rằng, Chúa đã mở tim ông nhiều lần, qua ba bốn lần ông thoát chết trong đường tơ kẻ tóc nơi chiến trường và lần cuối cùng khi ông lâm trọng bệnh ở trại tù, nhưng ông vẫn không biết. Cho đến khi ông mở lòng mình, tha thứ cho cha, và nhất là khi ông đọc lá thư của cha gởi cho mẹ, xin bà tha thứ và xin chịu mọi trách nhiệm, ông mới nhận ra lòng nhân từ của Chúa. Chính nhờ lá thư ấy của cha, sau bao năm cuộc hôn nhân của mẹ và dượng ghẻ mới được phép chuẩn của giáo hội. Từ ngày Chiến mở lòng mình, cuộc đời ông bỗng nhiên thay đổi. Ông sang Mỹ, kiếm được việc làm rồi ông có cơ hội đi học lại, ông chọn môn Tâm Lý Học vì ông có ước vọng giúp tha nhân mở lòng và thay đổi cuộc sống như ông đã trải qua. Chiến có người yêu là một bạn học, một sinh viên "già" đồng nghiệp nhưng tình yêu Thiên Chúa trở nên mãnh liệt hơn và ông gia nhập dòng Phanxicô sau khi tốt nghiệp cử nhân. Quý cha Phanxicô đã giúp ông toại nguyện, trở thành một bác sĩ Tâm Lý, hiến thân cho Chúa, cho đời.
Đêm đã khuya, Sa đành phải tạm biệt người bạn học, bạn tù năm xưa. Ngày mai ông bà cần thức sớm để lái xe trở về Minneapolis nghỉ ngơi lấy sức hôm sau đi làm. Chiến gọi thời trung học là thời cuồng ngông, thời nông nổi của tuổi trẻ nhưng Sa nghĩ rằng đó chẳng qua là những chuỗi ngày tháng thử thách của Chúa, của cuộc đời. Ngoài kia, đêm Cincinnati dày đặt bóng tối nhưng trên không trung vì sao Bắc Đẩu vẫn sáng chói như muôn thuở. Ông mừng cho bạn đã vượt qua mọi trở ngại và tìm lại được ánh sáng soi đường.
 
đàoanhdũng


MỜI XEM;

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét