Lưu ý: Bài nầy viết năm 2009 (cách nay 14 năm ) Đọc cho vui thôi để nhớ những những khó khăn rất 'vô duyên và sai trái" mà nhiều người trong số chúng ta đã trải qua.
Mong những ngày tốt đẹp đến....Mọi việc thuân lợi
Phàm cái gì đã nói là tự nguyện thì dù có bị đày ải khổ sở đến đâu thì cũng phải cắn răng mà chịu không dám than van nửa lời. Ví dụ như đã tự nguyện yêu thì đâu có ai than khổ vì yêu. Đâu có ai la lên tôi đang đau khổ vì người yêu đi lấy chồng, bồ đi cưới vợ. Vậy thì đã tự nguyện mua bảo hiểm y tế thì phải chịu bị hành là chính.
Tôi xin kể lại câu chuyện của tôi để bà con rút kinh nghiệm.
Con tôi bệnh đột xuất, sốt cao. Tôi đưa con đi cấp cứu ở BVND Gia Định. Thẻ BHYT của con tôi không được chấp nhận, lý do thẻ in mờ, không đọc được năm sinh của con tôi. Nhân viên ở đây hướng dẫn tôi đi đổi cái thẻ mới. Khi nào có thẻ mới chữ nghĩa rõ ràng con tôi sẽ được khám chữa bệnh theo đúng chế độ ghi trong thẻ. Lúc bấy giờ con tôi đang sốt cao cần phải khám chữa bệnh gấp . Tôi đâu thể bỏ con ở đấy để chạy đi đổi cái thẻ. Tôi đành phải bỏ tiền ra để khám chữa bệnh cho con với hi vọng tôi sẽ được Bảo Hiểm TPHCM thanh toán lại tiền.
Ngày hôm sau tôi đến số 18 Cách Mạng tháng Tám làm thủ tục để xin thanh toán chi phí khám chữa bệnh và đổi lại thẻ.
Đến nơi tôi mới biết ở đây chỉ giải quyết việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh chứ không có bộ phận in thẻ BHYT. Thôi thì tôi cứ giải quyết chuyện thứ nhất trước vậy. Để được thanh toán tiền, tôi phải điền vào 2 tờ biểu mẫu khai rõ họ tên của cả hai mẹ con, số giấy chứng minh nhân dân (CMND) của tôi , số thẻ BHYT, mã số thẻ, địa chỉ, ... kèm theo hai hóa đơn khám bệnh và mua thuốc của bệnh viện cấp, rồi còn phải photocopy đơn thuốc và thẻ BHYT của con tôi nữa. Đủ các thứ giấy tờ xong rồi tôi đem nộp và ngồi chờ được lãnh lại tiền của mình. Chờ một hồi lâu tôi nhận lại hồ sơ của mình và được biết chỉ được thanh toán có 30.000 đồng mặc dù tôi đã phải chi tổng cộng hơn 100.000 đồng. Tôi nêu thắc mắc thì được giải thích đó là quy định. Tôi không hiểu nổi cái quy định này. Tôi gọi đó là QUY ĐỊNH ĂN CƯỚP. Nhưng dù sao đã mất công làm thủ tục thì tôi cũng đành phải lê tấm thân già với 2 cái đầu gối bị bị viêm khớp lên một tầng lầu để lãnh tiền. (Ai mắc bệnh viêm khớp gối mà phải leo lầu thì mới hiểu được nỗi đau của tôi).
Tôi cứ tưởng sẽ được nhận tiền ngay nhưng cô nhân viên ở đây lại bảo tôi phải xuống lầu để bổ sung thêm 1 bản photocopy giấy CMND của tôi nữa. Nghe cô ấy nói tôi muốn khóc liền tại chỗ. Chân cẳng tôi như vầy làm sao mà lên xuống lầu nhiều lần như vậy được. Mà biết đâu sau khi tôi nộp bản sao CMND xong cô ấy lại chẳng đòi thêm bản sao hộ khẩu, bản sao khai sinh của con tôi, bản sao giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng tôi, vân vân và vân vân, ... Cô ấy lại còn bảo tôi phải chờ hơn 30 phút mới được nhận tiền. Tôi hỏi tại sao phải chờ lâu vậy, cô ấy bảo phải chờ lãnh đạo ký tên. Trong phòng lúc ấy chỉ có mình tôi là khách hàng duy nhất. Tôi không hiểu tại sao chỉ lấy một chữ ký của lãnh đạo mà bắt tôi phải chờ đến 30 phút. Mà tôi lại còn phải đi về nơi xa để làm lại cái thẻ BHYT cho con tôi nữa chớ. Nếu tôi chờ để lấy được 30.000 đồng ở đây thì có thể ở bên kia đã hết giờ làm việc. Thế là tôi đành phải bỏ của chạy lấy người để tiếp tục con đường đau khổ tập hai.
Quá tức giận, tôi chạy như ma đuổi ra đến cổng, định về thẳng nhà nhưng nghĩ lại thẻ BHYT của con tôi còn hạn sử dụng đến ngày 30 tháng 11 năm 2008. Ngộ nhỡ từ đây đến đó nó mà bệnh nữa thì khổ. Tôi gọi xe ôm, đưa ra cái địa chỉ 33/22 Lý Văn Phức, quận 1. Ông xe ôm cầm ngược tờ giấy vẽ sơ đồ đường đi, luôn miệng kêu biết chỗ này rồi. Thế mà ông ấy chở tôi đi vòng vèo vào mấy cái ngõ hẻm, hỏi đường 3 người, sau cùng mới đưa tôi đến đường Lý Văn Phức, bỏ tôi xuống trước một tòa nhà đồ sộ, uy nghi, có bậc tam cấp cao ngất (tôi đếm đủ tất cả 14 bậc) với tấm biển to BẢO HIỂM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Tôi mừng thầm vì đã đến được nơi cần đến. Tôi lấy hết sức lực leo lên 14 bậc tam cấp, hùng dũng đẩy cửa kính bước vào tòa nhà. Tôi trình bày hoàn cảnh xin đổi lại thẻ BHYT bị in mờ không sử dụng được. Tôi được hướng dẫn : đây không phải là chỗ in thẻ, muốn in thẻ tôi phải đi vòng ra cửa, đi vào hẻm, đến số 33/22. Đó mới là chỗ in thẻ. Tôi lộn ngược ra cửa chính , bước xuống 14 bậc tam cấp . Vừa lúc đó một cơn mưa rào đổ ập xuống (những ngày này đang là cơn bão số 2). Thế là tôi phải đội mưa chạy vào con hẻm tìm đến số 33/22. Tôi không dám dừng lại trú mưa vì sợ hết giờ làm việc.
Tôi không hề biết đây mới chính là nơi bắt đầu nỗi khổ của tôi. So với cái chuyện nhận tiền chi phí khám chữa bệnh tôi kể ở trên thì chẳng là cái gì cả. Ở bên kia tôi chỉ bị leo có một tầng lầu còn ở đây ... xin mời quý vị xem tiếp hồi sau sẽ rõ.
Tôi đẩy cửa kính bước vào phòng. Trông thấy tôi những nhân viên trong phòng mới biết bên ngoài trời đang mưa rất to. Tôi lại trình bày hoàn cảnh. Những câu này tôi đã thuộc lòng vì đã nói đến lần thứ n rồi. Tôi được hướng dẫn lên tầng lửng, vào phòng 2 sẽ được giải quyết. Lại lên lầu, tôi thầm kêu khổ nhưng tự nhủ hãy cố lên, sắp thắng lợi rồi.
Tôi leo lầu lên tầng lửng. Tôi vào phòng 2. Trong phòng đầy ắp giấy tờ, sổ sách, máy vi tính sáng đèn nhưng không có một bóng người. Tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Đến khi hết kiên nhẫn, tôi bước qua phòng 1 hỏi thì được hướng dẫn lên tầng 1, phòng 3, gặp anh Dũng sẽ được giải quyết. Trời ơi, lại lên lầu.
Tôi lại leo lầu lên tầng 1, phòng 3 tìm anh Dũng không thấy. Người ta lại chỉ tôi lên tầng 2, phòng 5 tìm cô Nga để được giải quyết vì anh Dũng đã đi công tác rồi. (Có trời mà biết anh ấy đi công tác hay tư tác).
Tôi lại leo lầu lên tầng 2, phòng 5, không có cô Nga. Tôi lại được chỉ lên một tầng nữa, phòng 7 để tìm cô Nga. Bây giờ thì tôi rớt nước mắt thực sự chứ không còn muốn khóc nữa. Hai đầu gối tôi đau ê ẩm. Ngực thở không ra hơi, tôi mệt muốn xỉu (Tôi vốn có bệnh cao huyết áp). Nhưng tôi quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ vì lòng thương con. Chỉ cầu mong tòa nhà này đừng có thêm một tầng lầu nào nữa.
Tôi lại leo lầu lên tầng 3, phòng 7. Tôi hỏi cô Nga, bị hỏi lại tìm cô Nga nào . Tôi có biết cô nào đâu mà nói vì tôi đâu có quen biết gì với quý cô. Tôi đang bận hổn hển thở, không có sức để mà trả lời. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng vừa thở vừa nói tôi cần in thẻ BHYT. Tôi còn nói thêm làm ơn đừng chỉ tôi leo lầu nữa, tôi kiệt sức rồi. Người ta nói hết lầu rồi. Mô Phật, nếu còn lầu chắc gì người ta không chỉ tôi leo nữa.
Tôi được phát cho một tờ biểu mẫu, lại phải điền đủ thông tin, ký tên nộp lại, ngồi chờ in thẻ. Cô Nga mở máy vi tính, tìm kiếm một hồi rồi in ra cho tôi một cái thẻ mới. Tôi lại phải ký nhận một lần nữa vào mặt sau của tờ biểu mẫu hồi nãy mới được nhận cái thẻ.
Cầm cái thẻ trong tay , tôi có cảm tưởng như mình là Đường Tăng vừa trải qua 81 kiếp nạn mới thỉnh được chân kinh.
Ra khỏi tòa nhà, để tiết kiệm, tôi không đi xe ôm nữa mà đi bộ từ đó ra đến góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai, chỗ Đài Truyền Hình HTV, đón xe buýt về nhà ở quận 9, kết thúc một hành trình gian nan nhưng cũng tạm coi là thắng lợi.
Đêm hôm đó, hai chân tôi đau nhức cả đêm không ngủ được.
Tôi quyết định sang năm tới tôi VẪN MUA BHYT TỰ NGUYỆN cho cả nhà. Tôi dặn con tôi đừng bao giờ nhận thẻ bảo hiểm in mờ. Con tôi bảo trong lớp nó, thẻ BHYT của bạn nào cũng bị in mờ.
Bà con nghĩ sao về cái bài viết này? Tôi cam đoan đây là chuyện thật 100%. Tôi mà bịa đặt, tôi chết liền.
Trích blog của phokimyen
Thứ Hai, ngày 15 tháng 06 năm 2009 - 02:28pm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét