Ngày Nhà Giáo năm nay 20/11/ 2023, Viện Đại Học Đà Lạt tổ chức chào đón 65 năm thành lập. Hiện nay, tên chính thức là Trường Đại Học Đà Lạt.
Chúng tôi thuộc thế hệ trước năm 1975. Những ký ức ngày xưa lại trở về. Thời gian đã xa. Nhưng ngôi trường cũ vẫn gần. Những kỷ niệm vẫn còn đó như mới hôm nào.
Thật đáng trân trọng khi trên mạng luôn xuất hiện những vị tuổi đã cao. Họ lên tiếng xác nhận họ không phải người Đà Lạt. Họ chỉ là những người ngày xưa đã học tại ngôi trường này. Ngôi trường đã cưu mang nhiều thương nhớ mãi về sau. Đến bây giờ, lòng các vị vẫn mặn mà khi nhắc tên Viện Đại Học Đà Lạt. Tiếng nói của họ vọng về từ khắp các nẻo đường quê hương và nhiều nơi khác từ nước ngoài.
Giờ đây, tuổi tác càng cao, những gì không thể quên càng đậm đà hơn. Họ viết rất nhiều những bài thơ, những câu chuyện. Họ đã kể lại chuyện xa, chuyện gần có thật giữa bạn bè còn có thể gặp lại hôm nay. Họ mong muốn cả các bạn khác đã từng lui tới nơi đây sẽ cảm được những kỷ niệm vui buồn thời còn trẻ. Đa số họ đều thuộc thế hệ trước 1975.
Những gì còn nhớ được trong tôi cũng là những ký ức một thời từ ngôi trường này trước năm 1975.
Viện Đại Học Đà Lạt lúc bấy giờ còn những gì lưu lại? Viện này nguyên thủy là Trường Thiếu Sinh Quân của người Pháp để lại. Viện được thành lập năm 1957. Niên khóa đầu tiên là 1958 -1959. Toàn khu học xá là những ngôi nhà trệt kích thước khác nhau nằm trong khuôn viên trên ba ngọn đồi. Cổng của Viện nhìn ra đồi Cù, sân Golf của thành phố Đà Lạt.
Nét đẹp đầu tiên là Viện được đặt trong một thành phố nổi tiếng xinh đẹp trên cả nước. Lối kiến trúc có dáng dấp phương Tây đã cho một không gian khác lạ. Đà Lạt có nhiều công trình kiến trúc của người Pháp để lại. Trong đó, Viện Đại Học Đà Lạt còn thừa hưởng nét cổ kính ấy.
Tôi không quên được hàng anh đào Nhật Bản. Vừa qua cổng trường, bên phải là lối đi chính dẫn đến khu Năng Tĩnh ở cuối khu học xá. Từ Năng Tĩnh, lối đi quanh trở lại đi ngang qua khu Chính Trị Kinh Doanh, trở về phía cống trường. Hàng anh đào trơ lá chiếm một quảng xa bên lề phải con đường độc đạo này, ngay trước tầm mắt. Mùa lạnh, từ tháng 12 đến thánh 2, thật đặc biệt khi nhìn từ xa chỉ là những cành cây xương xẩu, lấm tấm những nụ màu đỏ dịu. Nắng ban mai loáng thoáng sau hàng anh đào khẳng khiu cứ lặng yên. Những giọt sương đêm còn đọng trên cành, ướt đẫm thân cây sù sì. Bên kia hàng anh đào thẳng tắp là triền đồi nghiêng nghiêng hướng về phía Ký túc xá Bình Minh.
Vì các ngôi nhà không cùng một khối, nhưng được xây dựng rải rác, nên người ta đặt cho mỗi ngôi nhà một tên khác nhau. Mỗi tên được chọn ra từ những câu chữ Hán trong Tứ Thư, Ngũ Kinh của Nho học cổ điển. Kể cả tên của Viện là Thụ Nhân cũng được chọn ra từ câu "Bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (Kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người). Thế là Văn phòng, Thư viện và các giảng đường đều có một tên riêng như Đôn Hóa, Hội Hữu, Minh Thành, Tri Nhất, Thượng Chí, Năng Tĩnh... Chỉ có giảng đường Spellman (trường Kinh Doanh) là tên Mỹ vì do Hồng Y Spellman trao tặng trong một dịp đến thăm.
Từ khi thành lập, Viện có 4 trường: Sư Phạm, Khoa Học, Văn Khoa và Chính Trị Kinh Doanh. Thực tế, Trường Kinh Doanh là linh hồn của Viện. Thời kỳ đầu (1955 -1965), Miền Nam mới có ba Viện Đại Học : Sài-gòn, Huế và Đà Lạt. Viện Đại Học Cần Thơ được thành lập năm 1966. Vì thế, người muốn học Kinh Doanh sẽ về Đà Lạt. Tên chính thức là Khoa Quản Trị Kinh Doanh.
Có thể kể một ít tên tuổi quen thuộc đã theo học Trường Kinh Doanh. Jonathan Hạnh Nguyễn, một doanh gia hiện hoạt động thương mại ở Singapore và Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (Rip), người lập ra Phong Trào Du Ca trước 1975. Đạo diễn Lê Cung Bắc (Rip), người rất mê kích nghệ khi còn đi học. Ông có chân trong Đoàn Kịch Thụ Nhân của Viện. Và nhạc sĩ Lê thị Diệu Hương. Bà đã sáng tác nhiều nhạc phẩm trử tình rất được chú ý.
Trường Văn Khoa, Ban Triết có sinh viên Lê Mạnh Thát. Hiện là Thượng tọa Thích Trí Siêu. Ông là một thức giả tiếng tăm bên Phật giáo. Còn một số người khác ít quen thuộc hơn.
Năm 1972, tác giả Lệ Hằng xuất bản hai quyển sách nóng bỏng: Thung Lũng Tình Yêu và Tóc Mây. Thung Lũng Tình Yêu là một địa danh của Đà Lạt. Dùng làm tựa cho quyển sách, người đọc cũng dễ nghĩ ra tác giả muốn nói gì. Tuy nhiên, khi tung ra quyển Tóc Mây, bà Lệ Hằng đã thực sự khuấy động giới học sinh sinh viên lúc bấy giờ. Bà đã cho một chuyện tình gây sốc xảy ra trong khuôn viên Viện Đại Học Đà Lạt. Câu chuyện tình cảm giữa một linh mục trẻ và một nữ sinh viên. Trong tình cảnh xã hội thời bấy giờ, một câu chuyện như thế không dễ gì được xã hội chấp nhận. Tính cách táo bạo của bà đã đưa tên tuổi Lệ Hằng thành người thứ hai sau Nguyễn thị Hoàng với Vòng Tay Học Trò; chuyện cũng có bối cảnh Đà Lạt.
Các bạn trẻ chuyền tay nhau đọc Tóc Mây đến nỗi người ta gọi là Hiện tượng Tóc Mây. Các bạn sinh viên càng thích đọc vì hàng ngày, họ đang dẫm bước trên những lối mòn kín đáo, trên những bậc thềm âm thầm được mô tả trong câu chuyện. Họ đi quanh Năng Tĩnh để tận mắt thấy được những gì tình tứ nhất trong quyển sách.Tóc Mây đã làm xôn xao giới sinh viên học sinh một thời gian dài...
Nhắc lại một lần nữa, trên đây là những ký ức tôi còn nhớ được để nói về một ngôi trường mà thế hệ chúng tôi đã một thời lui tới.
Đáng tiếc thay, từ ngày từ giã ngôi trường năm 1975, tôi không được một dịp nào để quay lại nơi đây. Nhìn xem hình chụp không ảnh, dường như quy mô Trường Đại Học Đà Lạt hôm nay rộng lớn khoảng gấp 3 lần so với 50 năm trước. Với những phương tiện tân thời, Trường Đại Học Đà Lạt hôm nay hiện đại hơn xưa rất nhiều.
Chỉ một ước mơ duy nhất còn lại là không biết hiện nay người ta còn đặt ít là một di chỉ nào hay một dấu tích gì để ghi nhớ Viện Đại Học Thụ Nhân ? Là Viện đầu tiên non trẻ, chỉ hoạt động được 17 năm; nhưng là một giai đoạn lịch sử không nên đành đoạn chôn vùi trong quên lãng. Hai tên trường khác nhau của hai thời kỳ khác nhau. Nhưng chỉ một ngôi trường đã đi được 65 năm lịch sử. Sẽ rất buồn nếu như người ta xóa đi mọi dấu tích cũ. Thế hệ hôm nay và mai sau không biết gì của 17 năm đầu đời của Viên Đại Học Thụ Nhân. Những gì của quá khứ sẽ phai dần rồi lặng lẽ đi vào thinh không?.
Một chút về VILOCO.
Viloco (Les copains de Vinh Long=Các bạn hữu Vĩnh Long) là tên của nhóm các bạn sinh viên từ Vĩnh Long ra học tại Viện Đại Học Đà Lạt trước 1975.
Thời bấy giờ, đi học như vậy là xa nhà. Thường phải mất hai ngày đường mới tới nơi. Các bạn mới nhập học năm thứ nhất sẽ thấy bơ vơ nếu không có các anh chị lớp trên giúp đỡ.
Nhóm Viloco lúc đó do anh Tường năm thứ tư Kinh Doanh làm Trưởng nhóm. Theo tôi biết, hầu như tất cả sinh viên Vĩnh Long đều từ Tống Phước Hiệp lên học Trường Kinh Doanh. Nhờ vậy, Viloco dễ thân tình giữa các bạn. Giúp nhau khi xa nhà quả thật đầy an ủi và ấm áp.
Trong lúc hỏi thăm bạn cũ khi viết bài này, một bạn đã lên tiếng. Bạn tự nhận là đứa em út sau cùng của Viloco. Sau gần 50 năm mới gặp lại ở đây. Tôi giữ lời hứa là tặng bạn bài viết này. Cám ơn bạn Trương Tú Phương đã giúp tôi.
Dong Nguyen.
20/11/2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét