Chữ nghĩa làng văn
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
Tiếng Việt cổ
Nhà Hán cai trị nước ta, họ mang xe (ngựa) sang để di chuyển.
Sau này từ “xe” (xe thổ mộ) của ta xuất hiện vì chữ Hán là “xa”.
(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)
Một số địa danh bị viết sai ở Nam bộ
Nhà Bàng
Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đúng ra là Nhà Bàn.
Xưa nay, phần lớn các tác giả đều viết là Nhà Bàng (như Vương Hồng Sển, v.v.) vì cho rằng ngày xưa ở đây trồng nhiều cây bàng (loại cây thân gỗ cao, lá to), v.v.
(Lê Công Lý)
Hủ qua
Ca dao có câu:
Hủ qua xanh, hủ qua trắng
Hủ qua mắc nắng hủ qua đèo
Thương em, thì anh làm giấy giao kèo
Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của
em
Hủ qua đây là mướp đắng. Miền Nam gọi là khổ qua.
(khổ qua là từ Hán)
Tạ Ký, viễn liên tảo mộ - 1
Nghe tin An Giang mở một con đường chạy qua mộ nhà thơ Tạ Ký, mà không ai rõ vợ con ông ở đâu, tôi chạy tin trên Khởi Hành, kêu gọi độc giả lưu tâm. * Các bạn học cũ của anh ở Khải Định khóa 1948-1955, do bà Ngô Thị Vân đại diện, đã liên lạc ngay và hơn một tháng sau, chúng tôi gửi thẳng tới An Giang gần hai ngàn mk, Cuộc viễn liên tảo mộ Santa Ana-An Giang được tiến hành... Mộ nhà thơ Tạ Ký dời về Nghĩa trang Gò Dưa Thủ Đức, nằm bên cạnh và cùng hướng với Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn.
(Nhà thơ Tạ Ký 1928-19.3.1979).
Lễ cải táng Tạ Ký được Khởi Hành đăng một đoạn thư như một cái tin, tựa là “Mộ Nhà Thơ Tạ Ký Sắp Tan”. Nội dung mong mỏi ai là thân nhân Tạ Ký hãy lo rời mộ anh ngay, vì An Giang đã qui định mở một con đường chạy ngang qua nghĩa địa. Một khi mộ không được rời, kể như Tạ Ký sẽ không còn mồ mả.
Sau tôi nhận được một cú điện thoại. Người gọi là bà Ngô Thị Vân, trong thân quyến thi sĩ. Tôi liên lạc được với anh Ca, anh cho biết một người cháu mà Tạ Ký từng nuôi cho ăn học trong nhà có thể đứng ra lo được, nếu ngoài này giúp cho sở phí. Tôi báo lại cho chị Vân. Và những cú điện thoại, điện thư được chị gọi đi các nơi cho bằng hữu bạn học Tạ Ký, ở Hoa Kỳ và ở các nước khác, như Gia Nã Đại, Pháp...Chị Ngô Thị Vân gửi đến Khởi Hành một xấp ngân phiếu. Thật quá nhanh, tôi vui thầm.
(Viên Linh)
Bên lề chữ nghĩa
Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”
Ăn bún thang Cầu Gỗ
(Nguồn: Tôi đi đâu)
Tạ Ký, viễn liên tảo mộ - 2
Chàng Tạ Ký, lạ thật đấy, chúng tôi chỉ gặp nhau có hai hoặc ba lần trong đời, một lần chàng tới Bến Tắm Ngựa góc đường Công Lý, Yên Đổ thăm tôi - hình như cùng với Thế Viên khoảng 1960, và một lần cụng hai cái ly, đúng ra là hai cái cốc, to tổ chảng, ở khu chợ lộ thiên trên lề đường Lê Văn Duyệt - Chợ Đũi - trong một chiều tối có mưa nhẹ, vậy mà tôi vào những ngày đầu của thiên niên kỷ mới này, lại giúp lo việc rời mộ cho chàng, bằng cả những cú điện thoại trực tiếp gọi về Việt Nam. À, hình như còn gặp thoáng qua đâu đó gần rạp Rex, thời gian chàng dạy ở Petrus Ký, và bà vợ ngồi bán vé xi-nê ở cái rạp này. Đúng thế, nhớ rồi. “Toa hay đi xi-nê, bảo vợ mọa nó mua vé cho, - vợ mua tên Hồng. - chứ sắp hàng như người ta thì lâu lắm; có khi không có vé đâu.”
Không mua được vé là chuyện thường khi Rex chiếu những phim như The Guns of Navarone với các tài tử Gregory Peck, David Niven, Anthony Quinn hay phim Tora! Tora! Tora! với hai giàn tài tử gạo cội Mỹ Nhật (diễn lại vụ tấn công Trân Châu Cảng. “Vợ mọa - như thế, như thế ” - và một lần mua vé, tôi hình dung lời mô tả của bạn, nhắm cho đúng người, hỏi có phải chị Hồng không. Và tôi đã nhờ chị mua vé vào những dịp rạp Rex có phim hay, biết chắc là rạp sẽ đông, bằng một cú điện thoại gọi trước. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy chị: không ngờ người bạn có vợ trẻ như thế.
(Viên Linh)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Lỗ mũi mà hỉnh ngửa lên
Bạc tiền chồng chất một bên chẳng còn
Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn - 1
Qua cuộc chuyện với phóng viên Mặc Lâm, Thái Bá Tân tâm sự:
“Tôi cũng viết đa dạng lắm, chủ yếu là dịch nhiều hơn mặc dù đã viết 150 truyện ngắn rồi. Tôi sáng tác thơ 8 chữ cũng nhiều và dạo này tự nhiên lại sáng tác thơ 5 chữ. Chắc tại chán chán nên muốn viết dân dã một tí. Tôi già rồi nên cũng muốn phá phách một tí, giả vờ ngây một tí. Già rồi thì tự nhiên lại muốn thật thà không hoa lá cành nữa. Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy, trách nhiệm thì mình phải nói.”
Đừng tưởng
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng..
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
(Bùi Giáng)
Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn - 2
Thơ năm chữ của Thái Bá Tân tựa như những lời nói chuyện hàng ngày nên có người gọi đó là…“khẩu thơ”. Thơ năm chữ của Thái Bá Tân rất dung dị, bình dân. Chẳng hạn như những câu mở đầu trong bài “Ballad về một đại đội bị bỏ rơi”:
Tôi
mới nghe kể lại
Một câu chuyện đau lòng.
Có thể là chuyện thật,
Cũng có thể là không.
Bài Ballad tiếp tục với những lời kể chuyện về cuộc chiến tranh “dạy cho Việt Nam một bài học” giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979:
Chuyện
kể rằng, lần ấy,
Khi đánh nhau với Tàu,
Quân ta và quân địch
Cách nhau một chiếc cầu..
Bỗng
từ trên có lệnh
Một đại đội xung
phong
Vượt qua cây cầu ấy,
Sang bờ bên kia sông.
Thế
mà lạ, sau đó,
Hai bên đang đánh nhau,
Có lệnh từ trên xuống.
Lần này lệnh phá cầu!
Câu
chuyện chỉ có thế.
Một đại đội sang sông,
Rồi phá cầu, theo lệnh…
Nghe mà nhói trong lòng.
Ừ, mà một
đại đội
Biên chế bao nhiêu người?
Một trăm,
hay năm chục,
Bị đồng đội bỏ rơi?
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Trán cao, mắt
sáng phân minh
Là người học rộng, công danh tuyệt vời
204 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12-5-1917, tại tỉnh Hải Dương.
Thâm Tâm bén duyên với những bài thơ làm theo dạng "Hành" - một lối thơ cổ lai của Trung Quốc gồm: "Can trường hành", "Vọng nhân hành", và nổi bật là "Tống biệt hành".
***
Thể “hành” trong thơ Việt nếu nói Hành là đi, hành trình, có nhiều phần đúng, vì trong các bài thơ trên, bài nào cũng nói về sự đi. Như “Ðưa người” trong thơ Thâm Tâm: “Ðưa người, ta không đưa qua sông,” mà chỉ đưa trên “một con đường nhỏ,” nhưng vẫn là có kẻ đưa tiễn, vì có người ra đi.
Nguyễn
Bính nói đến sự “lưu lạc”: “Ðôi ta lưu lạc phương Nam
này”. Nghĩa rằng ông không ở quê nhà khi làm bài thơ ấy, mà làm bài
thơ ấy trên mảnh đất lưu cư. Quê ông ở Vụ Bản, Nam Ðịnh, vào Sài Gòn làm báo,
cho nên sống lưu lạc, mà lòng thì không lúc nào không nghĩ đến gia đình, thân
quyến: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó /
Trông lại tha hồ mây trắng bay/ Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc / Ly tán vì cơn
gió bụi này.” Tâm sự
Thanh Nam vào lúc Xuân về, trong “Bài Hành Ðón Tuổi 40,” tương tự như tâm sự
Nguyễn Bính, cũng thì lưu lạc, cũng thì kẻ Bắc người Nam, ra đi đã 15 năm rồi,
mà mộng lớn chưa thành: “Mười lăm năm đó từ phiêu bạt /Ðứa vợ con yên, đứa lạc
loài...”
Tới Tô Thùy Yên và Phạm Ngọc Lư, hai bài thơ thể Hành hiếm hoi về cuộc
chiến Việt Nam, một người thì đóng quân ngoài hòn đảo đang bị giặc đánh chiếm,
một người thì cầm súng nơi biên giới Việt Lào đang giặc xâm nhập, những năm đầu
thập niên '70. “Lính
thú mươi người lạ sóng nước / Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”. Thể
Hành trong hai câu thơ đó thật đắc địa. Người đã đi chinh chiến xa, mà chiến
trường lại là một chiến trường trôi nổi bập bềnh, cả hai cùng đi, cùng di
chuyển.
Nơi Phạm Ngọc Lư một nhà thơ trẻ thuộc lớp sau cùng của miền Nam trước 1975, anh chiến đấu trên mặt trận Cao Nguyên miền Trung, nơi gió Lào tanh tưởi, mùa khô xào xạc, giặc nước rình mò , rừng xanh thắm máu. Người đi ở đây là lính ra trận, người theo dõi nơi quê nhà là thiếu phụ chờ mong: “Em đâu, quê nhà chong mắt đợi /Hồn theo mây trắng ra biên cương / Thôi em, yêu chi ta thêm tội / Vô duyên xui rơi lược vỡ gương / Ngày về không hẹn ngày hôn lễ / Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông.”
(Thể “hành” trong Tống biệt hành của Thâm Tâm – Viên Linh)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Dùng đi dùng lại vẫn còn đến sáng mai
Vô tư là cái dài dài
Dùng đi dùng lại đến sáng mai vẫn còn
Vô tư là cái vô tư
Vô tư là cái từ từ nó vô..
Đông Kinh nghĩa thục
Để khơi gợi lòng yêu nước, đồng thời mở mang dân trí, kêu gọi mọi người đều được đi học, đều biết chữ, giới sĩ phu VN đã cho ra đời Đông Kinh nghĩa thục. Đây cũng là một trong những chủ đích của phong trào Duy Tân mà Nguyễn Lộ Trạch và Phan Chu Trinh trước đó đã nhắm tới, nên có thể coi Đông Kinh nghĩa thục là một phần của phong trào Duy Tân vậy.
Theo Nguyễn Hiến Lê, Ðông Kinh nghĩa thục thành lập năm 1906 theo gợi ý của Phan Chu Trinh tại nhà riêng của Lương Văn Can ở phố Hàng Ðào (Hà Nội). Lương Văn Can làm thục trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn chịu trách nhiệm xin giấy phép. Mục đích của Ðông Kinh nghĩa thục là “mở trường khai trí cho dân”, “dạy học không lấy tiền”. “Trường sẽ dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn”, “bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp”, “thầy dạy không lấy tiền công”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh học chữ quốc ngữ, Ðông Kinh nghĩa thục thường tổ chức sinh hoạt, học tập về lịch sử nước nhà, về địa lý, toán học, cách trí, vệ sinh… Ðặc biệt ban cổ động của trường lại hô hào mọi người dân Việt Nam phải có lòng yêu nước, nhớ đến cội nguồn con Rồng cháu Tiên, phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lấy nhau, đào tạo những con người có ích cho đất nước, dùng hàng nội hóa, bài trừ mọi hủ tục mê tín dị đoan,“chê cái tục để búi tóc củ hành, móng tay lá lan, liên tưởng tới những hủ tục khác như nhuộm răng, chọn ngày tốt để tắm…”
(Nguyễn Hiến Lê – Ðông Kinh nghĩa thục).
Cuộc di cư của chữ nghĩa
Trong văn chương, ta cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Nhất là trong lãnh vực thơ. Thơ là khơi nguồn cho sáng tạo chữ mới, văn cảnh mới, biểu tượng mới. Còn nhớ, hồi thơ Nguyên Sa xuất hiện đúng lúc khi mà cuộc di cư đã hoàn tất. Chữ nghĩa thơ của ông còn nóng hổi, thơm phức như bánh mì mới ra lò.
Áo nàng vàng,
tôi về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường.
Chữ nghĩa đó được truyền tay, đến người cuối cùng chỉ là chiếc bánh mì nguội.
Cứng như đá. Thật ra, thơ đó có một vài văn ảnh mới. Mới với người đọc thôi.
Nguyên Sa đã gợi nguồn cảm hứng từ người tình là cô Nga (sau này là bà Trần
Bích Lan). Có thể lúc mà thơ đó mới ra lò, đối với ông, thơ văn đó chả có ấn
tượng gì nữa. Nhưng mới người cũ ta. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ suốt đời mang cái
nghiệp phải sáng tạo cái mới. Sáng tạo không ngừng.
Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều
dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. Sự sợ hãi của
Nguyễn Du phải chăng cũng từ đấy mà ra.
(Đặng Trần Huân)
Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối
Trần Nhuệ Tâm: Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?
Nguyễn Trọng Tạo: Nói chung thì không ai đọc được hết sách văn học trong nước cũng như hải ngoại. Trước 1975 khi còn phân biệt ta - địch giữa hai chế độ tôi cũng đã đọc được một số cuốn sách in ở Sài Gòn.
Lúc đó tôi thích thơ Nhã Ca Nguyên Sa, Nguyễn Bắc Sơn, Thanh Tâm Tuyền (người có câu thơ thật ngộ: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ)... Tôi cũng nhớ một số câu thơ của ai đó trong một tập thơ không còn nguyên vẹn: "Anh đi ném bom xé nát trăm miền/ Rồi về dưới đó mua chùm hoa nhân tạo/ Sáng mùng một Tết tặng em" "Bấm vào đầu thấy đau/ Bấm vào chân thấy đau/ Da thịt còn đau dấu hiệu sống còn" "Nếu không có con/ Biết lấy ai làm chứng cho ba đã có mặt trong đời"...
Một người lính ở "phía bên kia" đã viết như thế. Rất người. Và tôi nghĩ văn chương đích thực sẽ vượt qua thành kiến và thù hận vượt qua biên giới để tìm đến chia sẻ với đồng loại. Bây giờ tôi đọc "Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển" hay "Sóng từ trường"... Thụy Khê là một nhà bình luận văn chương sắc sảo chấp nhận những góc cạnh của tài năng lại có một giọng nói rất sang và quyến rũ trên đài RFI. Chị đã nêu được nhiều vấn đề văn học trong nước và hải ngoại khiến cho không khí văn chương trở nên cập nhật.
Tôi khá chú ý thơ tân hình thức nhưng nhiều bài thơ đã làm tôi buồn cười hơn là thích thú. Tôi nghĩ nếu trong hồn người viết không có thơ thì dù có bày trò giỏi mấy cũng chỉ dựng lên được những xác chữ mà thôi.
(Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo)
Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ
Thể lọai “Văn sử”
Giai đoạn sau cuộc đời Hồ Nguyên Trừng không được sử sách Việt Nam nhắc đến. Theo Minh Sử (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh 1974, tập 92, trang 2264): Vào thời Minh Thành tổ, Giao Chỉ được bình định, kỹ thuật (chế tạo) thần cơ thương pháo được thu dụng.
Kết nối dữ kiện trên với tài liệu của Tôn Lai Thần (Sun Laichen) sẽ hiện ra chân dung Hồ Nguyên Trừng:
“Theo lệnh vua Minh, các tù binh Đại Việt biết chế tạo vũ khí như hỏa súng, đoạn tiễn, thần tiễn, thuốc súng; đã bị áp giải đến Nam Kinh cùng với nhiều thợ các loại, tổng cộng khoảng 17.000 người”
Trong số này có Hồ Nguyên Trừng.
Theo Minh sử cả, triều Minh khi tế thần súng cũng thường hiến cúng Hồ Nguyên Trừng, Hồ Nguyên Trừng mất, con ông (Lê Thúc Lâm - ND) đã thay ông tiếp tục chế tạo vũ khí cho nhà Minh đến khi về hưu năm 1470 ở tuổi 70. Trong khảo biện "Hỏa long kinh", thuộc chủ đề Trung Quốc lịch sử văn vật, tác giả Lý Bân, Đại học Thanh Hoa xuất bản 1.1.2002 viết: “Tháng sáu, năm Chính thống thứ 10 (1445) thăng (Hồ Nguyên Trừng) làm Thượng thư bộ công, giữ việc nội phủ, tháng 7 năm sau mất, hưởng thọ 73 tuổi, an táng tại vùng núi phía tây Bắc Kinh, thôn Nam An Hà”
(Thảo Điền)
Bản văn bia nói về việc xây dựng chùa Tú Phong
do Hồ Nguyên Trừng soạn năm 1443. Chùa Tú Phong và mộ Hồ Nguyên Trừng cùng nằm trong thôn Nam An Hà, xã Bắc An Hà, khu Hải Điện, TP Bắc Kinh.
Ảnh do Trần Quang Đức chụp ngày 30.11.2007
trong chuyến tìm mộ Hồ Nguyên Trừng.
Thành nhà Hồ (Tây Đô) ở Thanh Hóa
Nhưng nguồn không cho hay do Hồ Nguyên Trừng hay Nguyễn An ai là người xây dựng.(*) Đời Trần có một người cũng quê ở Thanh Hóa “lưu vong” sang Tàu như Hồ Nguyên Trừng.
Xem An Nam chí lược – Lê Tắc ở tiết mục sau.
Khác biệt Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am...
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am...Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó. Nên có rất nhiều người đi đền mà không hiểu được ý nghĩa của việc đi đền, hay ở gần nhà có cái đền mà cũng không hiểu vì sao cái đền lại “mọc” lên ở đó,…
Đình khởi đầu của nó là “trạm”, nơi dừng chân cho các quan đi tuần du. Từ “trạm” thành “quán” vì các quan tuần du đi xa cần có nơi nghỉ ngơi, cần có người phục dịch nên cắt cử người ra trông coi đến khi quan quân đi qua dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi.
Nhưng quan về mỗi năm chỉ một vài lần nên “quán” thường vắng vẻ nên người coi “quán” phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi luôn cho khách bộ hành.
Nhưng ngày xưa ngoài quan quân đi tuần du thì khách bộ hành cũng không phải là nhiều; trái lại việc làng, việc xã ngày xưa rất quan trọng (Phép vua thua lện làng) nên các cụ cao niên thường tổ chức họp bàn công việc làng xã và họ thấy “quán” là nơi hợp lý nhất nên các cụ cao niên lấy “quán” làm nơi hội họp cho làng cho xã (kêu kiện, nộp cheo, phạt vạ) đều ở “quán”
Đến đây “quán” được gọi là “đình”.
Đến khi có tục thờ thần hoàng, Những làng xã có điều kiện thì họ xây “đền” để thờ thần hoàng, nhiều nơi cho rằng “đình” là nơi tổ chức mọi sự kiện của làng thì rước thần hoàng thờ luôn trong “đình”. Và “đình’ được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với cư dân bản địa là vậy.
Quá trình phát triển này kéo dài nhiều thế kỷ, qua nhiều triều đại cùng với sự phát triển làng xã trong xã hội VN xưa nói riêng.
Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ
Thể lọai “Tự sự” hay “Sử liệu”
An Nam chí lược – Lê Tắc
An Nam chí lược là một bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Hán do Lê Tắc biên soạn khi sống lưu vong (như Hồ Nguyên Trừng) tại Trung Quốc ở khoảng nửa đầu thế kỷ 14. Nội dung sách ghi chép hỗn hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa.
Theo bài "Tựa" của học sĩ Âu Dương Huyền, trong năm (1328-1329) đời Nguyên Văn Tông, ông cùng với một số văn nhân khác được nhà vua cho làm chức Toản tu để soạn bộ Kinh Thế đại điển. Đến khi làm xong định dâng lên vua, thì có đại học sĩ Hà Vinh dâng cuốn An Nam chí lược (gồm 20 quyển) của Lê Tắc, khiến vua ban chiếu giao cho thư cuộc, làm thành một quyển An Nam phụ lục để thêm vào bộ Kinh Thế đại điển, (tức sử địa). Tiếc rằng bộ sách này sau đó đã thất truyền.
Đời nhà Minh, An Nam chí lược lại được chép trong bộ Vĩnh Lạc đại điển (1403-1408), nhưng phần sau đó lại bị thất truyền, nên không rõ A Nam chí lược trong Vĩnh Lạc đại điển chép ra sao. Chỉ biết đến khi Thanh Cao Tông (Càn Long) giáng chỉ soạn bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, và An Nam chí lược được đưa vào sử sách. Tóm lại, An Nam chí lược từng có mặt trong cả ba bộ sách lớn (được coi là "bách khoa toàn thư Trung Quốc").
***
Lê Tắc tự là Cảnh Cao, quê Ái Châu (Thanh Hoá), ông là liêu thuộc của Chương hiếu hầu Trần Kiện (cháu nội Trần Thái Tông). Năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, thế giặc mạnh, Trần Kiện đầu hàng, tướng Nguyên là Toa Đô đưa về Tàu, khi di chuyển gần đến Lạng Sơn, quân nhà Trần chận đánh, Trần Kiện bị tên chết. Lê Tắc chạy thoát qua Tàu. Vua nhà Nguyên cho Lê Tắc tước quan ở Hán Dương, Hồ Bắc. Nơi đây, ông soạn bộ An Nam Chí Lược, gồm 20 quyển, bài tựa sách đề vào năm 1333.
Sau đây là một đoạn tự sự trong An Nam Chí Lược:
“…Năm thứ 19 (1282), lại khiến sứ dụ Thế Tử (Trần Nhân Tông) vào triều kiến và mượn đường tiến binh đánh Chiêm Thành, khiến An Nam phải giúp quân, cung cấp lương thực. Thế tử từ chối, nói đau lâu ngày, không thể vào chầu và nước nhỏ không có quân để giúp. Mùa đông tháng 12 năm thứ 21 (1284), đại quân của Trấn Nam vương (Thoát Hoan) áp đến biên cảnh. Thế Tử đem cả nước nghênh địch, đánh thua, bèn bỏ thành trốn, cận thần bọn Trần Ích Tắc, Trần-Kiện... đều đầu hàng. Tháng 4 năm sau (1285) quốc dân thừa lúc viêm nhiệt, đánh thâu phục La Thành. Tháng 5, Trấn Nam vương vì cớ nước lụt, rút quân về…” .
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Bây giờ mới biết rõ hoa “tầm Xuân” cũng là loại hoa hồng.
Tên Việt: tầm xuân
Tên Hoa: dã tường vi, hay đa hoa tường vi
Tên Pháp : rosier
Họ: hoa hường (Rosaceae)
Hoa tầm xuân còn gọi là dã tường vi là một loại cây mọc ven tường, xúm xít từng bụi, hoa cái đỏ, cái trắng, cái vàng.
Nguyễn Du:
Kế trình tại tam nguyệt, do cập tường vi hoa
(Tính đường đi, tháng ba về tới, còn kịp thấy hoa tường vi).
Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ
Thể lọai “Tự sự” hay “Sử liệu”
An Nam chí lược, dịch giả Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện đại học Huế cho là: “Cuốn sách này là một sử liệu, là một đối tượng cho cuộc nghiên cứu sử học thuần túy”.
Trong An Nam chí lược, Lê Tắc kể: "Tháng 4 (Ất Dậu)...Minh Lý Tích Ban đem bọn Chương Hiến (Trần Kiện) vào bệ kiến thiên tử. Đi đến trại Chi Lăng, bị quân Nam chặn đánh rất gấp. Đang đêm, Chương Hiến bị địch quân giết chết trên lưng ngựa. Tắc ôm thây ruổi chạy mấy mươi dặm, ra Khâu Ôn an táng. Những thuộc lại đi
theo Chương Hiến,
bị giết gần một nữa".
Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể: "Tháng 2, con thứ của Tĩnh
Quốc đại vương Quốc Khang là Chương Hiến hầu (Trần) Kiện và liêu thuộc là bọn
Lê Trắc đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên kinh.
Thổ hào Lạng Giang là bọn Nguyễn Lĩnh tập kích ở trại Ma Lục (Chi Lăng) bắn
chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới
Khâu Ôn chôn Kiện ở đó
Năm 1286, vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt phong cho Trần Ích Tắc (con vua Trần
Thái Tông, đầu hàng và chạy sang Yên Kinh trong cuộc chiến tranh Nguyên
Mông-Đại Việt lần thứ hai) làm "An Nam quốc vương", Lê Tắc được phong
sắc Tòng thị lang”.
Lê Tắc kể: "Năm Đinh Hợi, hoàng thượng (Hốt Tất Liệt) khiến Trấn
Nam vương (Thoát Hoan) cùng Bình Chương Áo Lỗ Xích Khê (Ayuruychi) đem binh
tiến thảo. Mồng ba tháng 9, quân khởi hành từ tỉnh Ngạc, tháng 11 đến An
Nam...Kế sau quân (nhà Nguyên) bị tan vỡ...mấy nghìn người chạy lạc đường đều
bị vây hãm. Tắc trên ngựa bồng cậu bé 9 tuổi (Trần Dục), con của An Nam quốc vương
(Trần Ích Tắc), và 60 kỵ mã chạy về phương Bắc từ nửa đêm đến mờ sáng, đến ải
Châu Chiếu lạy mừng"
Ô Cầu Dền
Ô Cầu Dền là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện trong sử từ thời Lý, thế kỷ XI - XII (Đại Việt sử lược, quyển II, III, Hà Nội, 1960). Ô Cầu Dền nằm ngã tư lớn nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Đây chính là vị trí của ô Cầu Dền ngày xưa.
Các tài liệu và bản đồ cũ cho chúng ta thấy rõ vị trí của địa danh này cố định và tồn tại khá lâu, ít ra là từ thế kỷ XVIII. Dưới triều Nguyễn, cửa ô Cầu Dền (1) là cửa ô chính quan trọng nhất trên đường thiên lý. Đó là con đường nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam (vào kinh đô Huế)
(1) Năm 1782 Lê Hữu Trác lên kinh qua cửa ô Cầu Dền tả:
"Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có dãy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu đuôi, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn thủ đất Nghệ An mới để cho đi".
Một lần tới thủ đô
Năm 1954, khi “năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về” cũng là lúc mà những giá trị được coi là “tiểu tư sản” bị phế truất.
Cái đoàn quân ấy với thành phần 99% là nông dân mà trong đó tuyệt đại đa số chưa thoát mù chữ được lãnh đạo bởi một số tinh hoa thuộc thành phần trí thức tư sản đầy mưu mẹo, hồ hởi đập phá tan tành những “giá trị tiểu tư sản”.
Ô Quan Chưởng
Cuộc cách mạng vô sản lại được thực hiện bởi 99% nông dân và 1% tư sản. Trong cơn hứng khởi mang dáng vẻ của một bệnh nhân tâm thần, “quần chúng cách mạng” đã coi những thơ mộng, tao nhã, đài các là thứ phản động đồi truỵ.
Những “Đêm đông”, “Suối mơ”, “Gọt mưa thu”, những tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, v…v... một thời bị coi là “hàng cấm” (điều này cũng được áp dụng triệt để với Sài Gòn sau 1975).
(Vương Văn Quang)
Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói
Thành ngữ Việt nam có vô số câu liên quan tới "ăn". "Ăn không", tiếng miền Nam, cùng nghĩa với "ăn vã", tiếng miền Bắc, ý nói, chỉ ăn món chính, không kèm theo cơm, v.v…
Khi đi chung với "ngồi rồi", thành "ăn không ngồi rồi", có nghĩa "rỗi việc", nhưng không mấy tốt, gần như "vô tích sự.
"Ăn xổi", với trạng từ "xổi" ("qua loa, tàm tạm", thí dụ: cà pháo muối xổi), thuần tiếng Bắc, đi chung với "ở thì" ("ở ngắn hạn, nhất thời, có giai đoạn"), thành "ăn xổi ở thì": nghĩa đen ý nói kẻ nào ăn ở với ai đó một thời gian ngắn để trục lợi, nghĩa bóng ám chỉ hạng người chỉ biết lợi dụng, bạc tình bạc nghĩa.
Truyện Kiều có đoạn, khi chàng Kim lơi lả buông lời ong bướm đòi…ăn nằm, nàng Kiều bèn xổ… Nho và thành ngữ cảnh giác:
Phải điều ăn xổi ở thì
Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày
(Ngô Nguyên Dũng)
Thành ngữ tục ngữ…sai
Chó già, gà non
(Ý nói: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm.)
Thực ra câu “Chó già, gà non” nói về kinh nghiệm chăn nuôi chứ không phải lựa chọn món ăn. Nó chính là dị bản rút gọn của câu “Chó thiến già, gà thiến non”. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi chỉ còn tính quy ước. Giống như câu “Khôn chi không trẻ, khỏe chi khỏe già” được rút gọn thành “Khôn trẻ, khỏe già”.
Nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm.
Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Cầy tơ chính là chó tơ. Thịt chó già ăn dai nhách. Nếu hầm cho mềm, nhừ thì đã teo tóp, ra hết nước, ăn làm sao ngon được?
Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo. Nếu dùng để ăn thịt, luộc, rang, ít nhất gà cũng phải ở tuổi trưởng thành. Theo kinh nghiệm dân gian, ngon nhất là gà đang đẻ lứa thứ nhất, thứ hai. Bởi thế nên mới có câu “Cải vòng non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ”. Gà nhảy ổ đẻ là con gà đã trưởng thành đến kỳ sinh đẻ.
Hoặc “Gà lấm lưng, chó sưng đồ”. Gà lấm lưng là con gà đã chịu trống (chịu để con trống nhảy lên lưng để đạp mái), chuẩn bị đẻ; “chó sưng đồ” là con chó tơ đã ở độ tuổi thuần thục (đồ ở đây là bộ phận sinh dục của nó), sẵn sàng phối giống thì thịt mới ngon.
(Hoàng Tuấn Công)
Gia Định Báo
Trương Vĩnh Ký có một căn cơ về văn hoá dân tộc
(Học sinh trường Pétrus Ký thời Pháp thuộc)
Tuy được đào tạo rất hệ thống của giáo hội Cơ Đốc giáo từ nhỏ trong nền văn hoá phương Tây, song Trương Vĩnh Ký vẫn có một căn cơ khá bền vững về văn hoá dân tộc, đặc biệt là truyền thống văn hoá ở Nam Kỳ.
Là nhà trí thức nổi tiếng
thông minh và uyên bác, trong quá trình phục vụ cho chính sách của "tân
trào" cũng đã tạo ra nhiều công trình học thuật và văn hoá theo tinh thần
"tân học", về nhiều mặt có phần tân tiến và cập thời hơn các nhà trí
thức "cựu học".
Rõ rệt nhất là vai trò của ông
trong việc sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ, lúc ban đầu là công cụ của thực
dân song về sau trở thành công cụ của nền văn hoá hiện đại Việt Nam.
Hai mặt của con người Trương Vĩnh Ký
rất rõ ràng. Tuy nhiên không vì thế mà mặt trước che mờ mặt sau, mặt ngoài
che lấp mặt trong (!)
Sau Gia Định Báo, khi hai tạp chí
Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) ra đời, thì vai trò
truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký mới thực
sự nở rộ.
Hai tờ tạp chí nầy đều được
xuất bản ở Bắc kỳ nên cách viết, cách sử dụng từ, sử dụng câu và cách phát âm
có phần chuẩn hơn Gia Đinh Báo ở miền đất mới Nam Kỳ.
Từ đó cách viết quốc ngữ tương
đối thống nhất và hoàn chỉnh, dùng từ ngữ dễ hiểu, loại bỏ nhiều phương ngữ,
góp phần vào quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký./.
(Nam Sơn Trần Văn Chi)
Nhà thơ Thành Tôn và những quyển sách thủ công
Thành Tôn là một cái tên không hẳn là xa lạ với những người đọc các tạp chí Bách Khoa, Văn Học, Văn, Hành Trình… của văn học miền Nam trước 1975. Tập thơ “Thắp Tình” của ông xuất bản tháng 8-1969, mà theo một người bạn của ông kể lại, “là một tập thơ rất đặc biệt trong công việc ấn loát. Tác giả của nó đã bỏ tâm huyết và công sức một cách trọn vẹn vào các khâu: trình bày bìa, sắp chữ, đạp máy in, đóng, cắt và phát hành. Công việt thật nhiêu khê, tỉ mỉ như vậy, tôi tin chắc chưa có một nhà thơ nào đủ chân tình và khả năng để thực hiện…” (Thắp Tình Thành Tôn – Hà Khánh Quân).
(Thành Tôn “Ông đạo sách”)
Như những người cùng trang lứa, sau tháng tư năm 1975, Thành Tôn cũng đã mất gần tám năm tuổi trẻ trong các trại cải tạo. Cùng với gia đình, ông định cư tại Mỹ từ năm 1996, nhưng không còn thấy thơ (văn) mang tên Thành Tôn xuất hiện trên các tạp chí văn học hải ngoại, dù là báo in hay báo mạng. Về chi tiết này, nhà văn Trần Yên Hòa, một người cùng quê với ông đã viết : “Thành Tôn dạo sau này không làm thơ nữa. Anh vẫn nói: “Làm thơ như vậy đủ rồi. Bây giờ mình thấy làm thơ không hay, thôi không làm thơ nữa”. Tôi biết Thành Tôn muốn người đọc hãy đọc những bài thơ của anh ngày cũ trong Thắp Tình, để thấy một vóc dáng thơ Thành Tôn. Như người đàn bà đẹp chỉ muốn người ta nhìn ngắm nhan sắc mình khi còn tuổi xuân thì phơi phới…” (Thành Tôn: Một thời làm thơ, một đời mê sách-Trần Yên Hòa).
Với riêng tôi, tập thơ “Thắp Tình” của Thành Tôn ra đời năm tôi chưa biết vị đắng, vị ngọt của yêu đương, của nụ hôn đầu đời như thế nào, nên cũng không có dịp đọc tập thơ. Mặt khác, thuở ấy, tên Thành Tôn cũng chỉ thoáng ẩn thoáng hiện qua những bài thơ đăng rải rác trên các tạp chí văn học Sài Gòn mà tôi đọc nhưng dấu ấn của chúng không ở lại lâu. Có lẽ lúc ấy, con ma chiến tranh lớn quá, khủng khiếp quá, nên nó đã chi phối trọn vẹn đời sống – cả tinh thần lẫn vật chất – của thế hệ chúng tôi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào đời, nên tâm trí đâu dành cho những con chữ vốn bị người đời coi như “sách vở ích gì cho buổi ấy“.
Ngày ấy, không ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ sống sót qua cuộc chiến tranh, cũng không hề có trong đầu viễn tượng mình sẽ phải sống qua một thời tù đày, rồi bỏ xứ ra đi sống trên mảnh đất xa lạ như hôm nay.
Nói gì đến thơ, đến chữ, đến sách, đến vở…
(T.Vấn)
Làm báo văn học ở hải ngoại
Vào khoảng năm 1989 (nếu tôi nhớ không lầm) chị Nguyễn Mộng Giác cùng các cháu từ Việt Nam sang. Để có đủ thì giờ lo cho gia đình, anh Giác giao lại tờ Văn Học do anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho ba anh Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong. Ba ông chủ mới của tờ Văn Học có tài viết lách song lại thiếu... tài làm đẹp những trang chữ. Nghĩa là phải cần thêm một anh "chuyên trị" phần hình thức cho tờ báo. Trong đám "sinh hoạt chữ nghĩa" ở quận Cam, hình như tôi có tí khả năng, lại không ngại chuyện cơm nhà ngà voi, do đó, được ba ông vời về, gắn lon "giám đốc mỹ thuật" (nghe lẫm liệt như vừa được phong hàm... đại tướng!) Lâu nay chỉ loay hoay giữa rừng lá cải lá đa, tôi đã bị mang tiếng là phường... buôn lá (chính xác hơn: phường lái chữ). Nay, được thăng cấp, nên dù hiểu nếu làm công cho các tờ báo biếu thì tuy không thừa ăn thừa mặc, nhưng cơ bản vẫn lương tiền đâu ra đó, còn làm cái chức lớn "giám đốc mỹ thuật" cho tạp chí Văn Học, chắc chắn chỉ được quyền uống... nước lã.
Ai có tí liên hệ với ngành báo hải ngoại đều biết báo biếu kinh doanh bằng quảng cáo (nhiều tờ sống hùng sống mạnh, có khả năng tạo được xe đẹp nhà sang cho các ông bà chủ nhiệm.) Ngược lại, báo Văn Học (và những "con" tương cận) không quảng cáo, sống hay chết hoàn toàn nhờ vào độc giả. Mà độc giả ở hải ngoại vốn đã ít, lại càng ít thêm theo thời gian. Tờ nào trụ được không bù lỗ đã là may mắn, nói gì đến chuyện thù lao cho những người thực hiện!
Cũng như Tay Phải của Du Tử Lê, thỉnh thoảng Văn Học đói bài. Đệ nhất, đệ nhị chủ bút Trịnh Y Thư, Hoàng Khởi Phong lười viết, tổng thư ký Cao Xuân Huy lo đánh máy bài vở, không có thì giờ. Nhìn quanh, chẳng còn ai, thế là nhị vị chủ bút bèn dõng dạc ra lệnh: "Số này còn thừa 10, 15 trang, KT viết cái gì đi" Từ việc viết lách lăng nhăng tán tụng ca sĩ, bốc thơm đào kép mu vi... sang lĩnh vực văn chương chữ nghĩa nghiêm túc, hẳn nhiên khác nhau như trăng với đèn. Nhưng mà, (lại) thử xem. Thế là, ngoài những "bút hiệu" tôi từng ký dưới các bài báo lá đa lá mít (ngày nay, thực tình, tôi không nhớ nổi một tên, để sau này dặn dò con cháu đưa vào gia phả!), lần đầu tiên, tôi hiên ngang ký tên thật dưới các sáng tác.
(Khánh Trường)
***
Phụ đính I
Vũ Hoàng Chương
Vũ Hoàng Chương bị bắt vào khám Chí Hòa, giam chung cùng một số nhà trí thức khác. Với thân hình gầy yếu sẵn có, phải ăn cơm tù đạm bạc lại thêm thiếu thuốc phiện thì làm sao mà Ông chịu nổi. Có thể nói bao nhiêu ngày trong tù, Ông đau yếu cả bấy nhiêu ngày. Sức lực Ông kiệt quệ dần dần, đã có lúc phải nằm liệt giường. Chính quyền “giải phóng” biết Ông không còn sống nổi bao lâu, nên sau thời gian giam giữ đã quyết định thả Ông về để tránh tiếng Ông bị bức tử trong tù.
Về nhà gặp lại vợ con, dĩ nhiên là Ông mừng rỡ, nhưng trong đáy lòng hình như Ông có điều gì thỏa mãn vì tuy nằm bẹp trên giường Ông không có vẻ sầu héo bi lụy của một người gần đất xa trời. Một hôm Ông thố lộ là ở trong tù Ông có phần thích thú vì đã được Thủ tướng bưng bô vệ sinh cho mình. Mãi sau người nhà Ông mới biết bị giam chung cùng với Ông là Bác sĩ Phan-huy-Quát. Bác sĩ Quát đã có thời làm thủ tướng chính phủ dân sự do Cụ Phan-khắc-Sửu là quốc trưởng. Vì mến thương Vũ Hoàng Chương và vì lương tâm của người y sĩ, trong thời gian bị giam chung, bác sĩ Quát đã tận tình chăm sóc cho nhà thi sĩ bất hạnh đau yếu, và không ngần ngại giúp đỡ cả việc vệ sinh hàng ngày.
Đó là niềm vui cuối cùng của thi sĩ họ Vũ trước khi
Ông lìa đời ngày 6 tháng 9 năm 1976.
***
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từ trần tại Sài Gòn lúc 11 giờ sáng ngày 6 -9-1976 năm ngày sau khi được thả khỏi nhà tù Cộng Sản.
Trước đó hàng năm, mỗi Nguyên Đán (sáng sớm ngày mồng 1), ông thường có một bài thơ khai bút; mùa Xuân Bính Thìn 1976 miền Nam đã nằm trong gông cùm chế độ mới, chắc chắn thơ khai bút của ông, dù có làm, cũng không còn được đăng lên báo Xuân nữa. Cho nên bài thơ khai bút đăng trên tạp chí Nhà Văn Xuân Ất Mão, tháng 2, 1975, chắc chắn là bài thơ khai bút đăng báo xuân cuối cùng của ông.
(Viên Linh)
“Ðọc lại người xưa” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương
Chúng ta có thể coi đây là những bài thơ cuối cùng của cố thi sĩ, làm trong thời gian bị CS giam ở khám Chí Hòa năm 1976, và trong mấy ngày chót lúc ông được đưa từ Chí Hòa về nhà, trước khi tạ thế… (Trần Huy Bích)
Ðầu tháng 4 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị nhà cầm quyền bắt, đưa vào giam ở khám Chí Hòa. Một số thơ ông làm trong thời gian này (chẳng hạn bài Ðường Luật bát cú mở đầu bằng câu “Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn”) đã được chuyển về cho gia đình và đã được phổ biến. Ðầu tháng 9, 1976, thấy sức khỏe của ông suy sụp, những người cầm quyền thả ông về để chết ở nhà. Trong mấy tháng bị giam và trong ít ngày sau khi về tới nhà, ông có làm một số thơ nữa.
Trong 12 bài thơ “Ðọc lại người xưa” của Vũ Hoàng Chương, có 6 bài lấy cảm hứng từ tác phẩm của những nhân vật lịch sử hay văn học Việt Nam: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát. Những bài còn lại lấy cảm xúc từ tác phẩm của một số nhân vật lịch sử hay thi sĩ Trung Hoa: Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Ðỗ Mục, Ðỗ Thu Nương, Trần Ðào, Bành Ngọc Lân…
Bà Vũ Hoàng Chương cùng ông Vũ Hoàng Tuân muốn thi sĩ Cao Tiêu cùng người viết những dòng này “tìm cách xuất bản ở ngoài nước,” cho biết đó là “những bài thơ cuối cùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.”
(Trần Huy Bích)
***
Phụ đính II
Họan quan
Gốc tích của các thái giám theo một số tài liệu nghiên cứu lịch sử đã công bố thường là có hai hệ, đó là "giám sinh" và "giám lặt". "Giám sinh" là những người con trai khi sinh ra vốn dĩ đã bị khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục mà dân gian thường gọi là "lại cái" hay "ái nam, ái nữ", đến tuổi trưởng thành không thể có khả năng quan hệ tình dục với người khác giới.
Theo quy định thời Nguyễn, gia đình nào sinh ra một người con như thế phải lập tức báo với quan chức ở trong làng, rồi từ làng báo lên xã, lên huyện, rồi báo với Bộ Lễ trong triều đình đương thời. Đứa trẻ ấy sẽ được ghi tên vào sổ theo dõi cho đến lúc cai sữa (có tài liệu cho rằng khoảng 10 hay 11 tuổi) thì sẽ được đón vào cung nuôi nấng theo nghi lễ trong cung. Đến tuổi trưởng thành, bộ Lễ sẽ đưa vào nội cung để làm thái giám, phục vụ những công việc thường ngày trong chốn hậu cung của nhà vua.
(Nguồn: Phan Thuận An)
Họan quan
Việc tuyển chọn thái
giám ở Việt Nam
Theo quy định, làng nào có gia đình sinh được "giám sinh" thì cả làng ấy được miễn thuế
đến 3 năm và đương nhiên khi đứa con đó đã trở thành thái giám thì
cha, mẹ, anh em ruột thịt sẽ nhận được rất nhiều đặc ân của triều đình. Những
đứa trẻ đặc biệt ấy còn được người dân (đặc biệt là dân vùng Trung Bộ) gọi là ông Bộ.
Vì thế, cho đến ngày nay thi thoảng đâu đó chúng ta vẫn nghe các bà, các mẹ khi
đi chợ gặp lúc thời giá đắt đỏ, lại bị chủ hàng quán kèo nài mua hàng… thường
là các bà, các mẹ buông một câu "ăn thứ đó (mặt hàng đắt đỏ) để đẻ ông Bộ
cho làng nhờ à…", hoặc là trong những ngày hội hè ở các làng, xã, sau các
hội thi mang tính tập thể, các đội thắng cuộc thường rất vui vẻ một cách tột
bậc thì người ta thường ví niềm vui đó theo kiểu nói "vui như làng đẻ được ông Bộ".
Ngoài những thái giám có nguồn gốc là "giám sinh" thì trong hàng ngũ thái giám phục vụ trong Tử cấm thành còn có những ông "giám lặt".
(ảnh minh họa từ một thái giám đời Thanh)
Theo tạp chí Xưa & Nay số 6, ấn hành tháng 9/1994 thì họ là những thiếu niên bị thiến từ khi còn nhỏ rồi sau đó đưa vào cung nuôi. Khi thiến, người ta buộc chặt bụng và đùi của người bị thiến vào một cái bàn đầu cao hơn chân. Bộ phận sinh dục được rửa bằng nước hồ tiêu để sát trùng. Đứa trẻ được cho uống một thứ thuốc gây mê được bào chế từ thuốc bắc. Người thiến hỏi "có bằng lòng thiến không?".
MỜI XEM :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét