Ngựa bên Tây, ngựa bên Tàu. Cỡi ngựa chém giết nhau hàng mấy ngàn năm. Vó ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường, vó ngựa Hung Nô. Bên Hoa Kỳ, miền Viễn Tây có nhiều ngựa cho mấy tay cao bồi cỡi để chăn bò.
Ngựa đã đẻ ra cái quần jean. Mà Bake 75 gọi là quần bò!
Nhiều hơn nữa là ngựa, là con mã trên bàn cờ tướng, Tấn công lợi hại với pháo đầu mã đội. Hay phòng thủ là bình phong mã.
Hồi xưa nhà giàu mua ngựa về để chạy tới chạy lui. Muốn con vợ hơi ‘phì nhiêu’ đi theo ăn đám thì cần xe song mã. Ðiền chủ cầm ba toong, đội mũ nỉ, mặc đồ Tây, hút ông vố, ngồi coi bảnh tỏn lắm.
Hoàng gia Anh sống đi xe ngựa; băng hà cũng đi xe ngựa cho nó sang. Lóc cóc hộ tống theo sau xe 6 ngựa chỉ chở 4 người là đám kỵ mã mình người nhưng đầu chim (nghĩa đen).
Còn ở nước ta, thế kỷ 19, thực dân Pháp đã đưa ngựa qua Ðông Dương để chở lính, quân trang, quân dụng. Lính đi bộ. Sĩ quan được cỡi ngựa,
Chuyện rằng: Ðại úy Thủy quân Barber đóng tại chùa Khải Tường. Chiều tối ngày mùng 6, tháng Chạp, năm 1860, trúng mỹ nhân kế, Barber cỡi ngựa ra khỏi đồn. Nghĩa quân Trương Ðịnh phục kích dùng giáo đâm, ngựa ngã quỵ. Nghĩa quân giết chết rồi cắt luôn thủ cấp cùng hai cái cầu vai có gắn lon ba khoanh của Barber.
Bên dân sự, các quan chức cao cấp của thực dân Pháp có xe song mã 4 bánh, hai ngựa kéo, đi cho nó oai.
Còn người Việt nghèo, chế xe một con ngựa chở khách và hàng hoá để sanh nhai chớ không có chạy đi chơi.
Có người gọi xe ngựa là xe thổ mộ. Vì cái mui xe khum khum giống hình cái mộ. Diễu dở! Khách đi xe ngựa sợ ngựa bất ngờ nổi điên, lồng lên làm sứt càng gãy gọng, sợ u đầu sứt trán, sợ chết. Hổng lẽ chui vô cái thùng xe là chui vô cái mộ? Lên xe là đi vào chỗ chết hay sao?
Rồi có người lại nói ‘thổ mộ’ là đọc trại từ ‘thảo mã’ hay ‘thụ mã’ theo tiếng Quảng Ðông. Nói vậy không biết phải hay không? Vì cái âm ‘thổ mộ’ cách cái âm ‘thảo mã, thụ mã’ chừng ba cây số.
Xe hơi chạy bằng hơi. Xe bò kéo bằng bò. Xe trâu kéo bằng trâu. Xe ngựa là do ngựa kéo. Tên gì dễ hiểu mình xài. Rườm rà hoa lá cành làm chi cho nó mất thời giờ. Cớ sao phải tự làm khó mình gọi là xe thổ mộ? Thay vì ‘xà ích’ (sais) tiếng Nam Dương gì đó, thì gọi là đánh xe ngựa. Gọi là đánh xe ngựa vì phải có cái roi đánh ngựa, ngựa mới chạy.
(Hồi nhỏ tắm rạch, quậy đùng đùng sình dậy đục nước. Ông Ngoại rút cái roi đánh ngựa giắt trên vách. Ở truồng nhong nhỏng, leo lên bờ chạy tóe khói!) Từ chữ đánh xe ngựa mới có chữ đánh xe. Cho dù xe không cần đánh, nó cũng chạy.
Kỵ binh và những cỗ xe ngựa Hoàng gia thời vua Nguyễn. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Dân Ðức Hòa, Long An chuyên nghề nuôi ngựa cho Trường đua Phú Thọ Sài Gòn. Ngựa già, đua không lợi ai, dạt ra về kéo xe cho tới chết. Khổ vậy, nên có thành ngữ ‘làm thân trâu ngựa’.
Kéo xe, hai mắt ngựa có hai miếng da che hai bên. Ðể ngựa thẳng một đàng mà lóc cóc. Liếc dọc, liếc ngang ít ít thì bị chửi là đồ ngựa. Liếc dọc, liếc ngang nhiều nhiều thì bị chửi là đồ ngựa bà?!
Bộ yên lưng bằng da, hai quai lồng vào hai càng xe đặt hai bên vai ngựa. Sợi yên lưng còn lồng vào đuôi ngựa đội khi xuống dốc phải giựt lại như cái thắng để kềm ngựa. Không có nó, có ngày xuống mương cả đám. Móng ngựa khỏ lóc cóc trên mặt đường hòa với tiếng lục lạc đeo trước đầu ngựa cộng với tiếng “họ, họ” của ông đánh ngựa tạo thành một bản nhạc vui tai. Vừa đi xe ngựa vừa nghe nhạc sống.
Hai bánh, bằng gỗ giáng hương cho cứng, (mỗi bánh có 12 căm), niềng sắt, tròng lớp vỏ cao su cắt ra từ vỏ xe hơi. Thùng xe bằng gỗ mít. Mỗi bên có ba cửa sổ, dài 1.18m, ngang 0.85m, cao 1m. Thùng xe đặt trên hai gọng dài 2.7m, vít cứng lên trên bộ nhíp thép bốn lá (bốn trên bốn dưới) hình trái khế (ô-van).
Phía đầu thùng xe, hai bên là cặp tai đèn. Hai cái vè chở hàng bằng gỗ bề ngang hơn tấc tay, uốn lượn như dợn sóng. Trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc nhô ra tới nửa thân xe tính từ đầu con ngựa.
Xe ngựa trước Chợ Bến Thành – nguồn vntrip
Khách ngồi đâu mặt nhau trên chiếc chiếu bông. Chân co về một phía. Guốc dép máng ở hai cọc sắt phía sau hai góc thùng xe. Vắng, khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp lên, xuống để giữ xe được cân bằng,
Tóm lại ngựa là cái máy kéo rất mạnh, có ‘bugi’ bự nhứt. Sau nầy, chế ra được chiếc xe hơi, người ta cũng căn vào sức ngựa tính máy xe mạnh hay yếu qua đơn vị mã lực. Máy xe ngựa không chạy bằng xăng, máy chạy bằng cỏ. Hừng đông lóc cóc hàng bông Hóc Môn, Bà Ðiểm vào mấy cái chợ ở Sài Gòn.
Chiều về dắt ngựa đẫm mồ hôi ra Bến tắm ngựa. Gần Bến tắm ngựa, có một cái động nhền nhện phục vụ mấy anh chạy xe ngựa. (Nó giống như gần cái bến xe là có cái động vậy). Vợ hỏi ông đi đâu? Tui đi tắm ngựa là xong ngay. Chửi đồ ‘đ… ngựa’ có phải từ đó mà ra?
Hồi tui còn nhỏ, từ Ngã ba Trung Lương vô chợ Mỹ Tho, đường dài chưa tới 5 cây số, có ông Bảy đánh xe ngựa chạy mỗi ngày. Khoảng năm 1957, tui học lớp năm trường tiểu học Trung An ngang Lộ Vòng Lớn, còn gọi là Lộ Dừa. Tan học, trên đường về, tui thấy xe ngựa của ông Bảy chạy. Dưới cái nóng gay gắt lóa mắt miền nhiệt đới, nhựa đường như muốn chảy ra, nhịp ngựa vẫn lóc cóc, xe nhịp đằm khơi. Ðôi khi, tui ước ao ông Bảy cho tui quá giang. Nhưng dễ gì! Tui đi bộ dọc lề đường, lượm trái dái ngựa rụng nứt hai, bỏ vô cặp đệm về cho Má nấu cơm.
60 năm trôi qua. Trần gian chớp mắt bao nhiêu mộng. Má tui mất rồi. Tui mất nước, tha hương. Quê nhà bên kia biển. Hình ảnh chiếc xe ngựa, tiếng lóc cóc của 4 móng ngựa khỏ nhịp xuống mặt đường, đêm mơ lại dắt tui về với Má!
Đoàn Xuân Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét