8 thg 2, 2023

NGHĨA CỦA “TỰ VỊ”, “TỪ ĐIỂN” TRONG SÁCH TRA NGHĨA TIẾNG VIỆT- ( Diển Đàn Khai Phóng )

 

BÀI 1 NGHĨA CỦA “TỰ VỊ”, “TỪ ĐIỂN”

                                            TRONG SÁCH TRA NGHĨA TIẾNG VIỆT

Nguyễn Sơn Hùng

***

Lời mở đầu

Trong quá trình dịch thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, với mục đích mong muốn truyền đạt chính xác ý của nguyên bản đến độc giả nên người viết đã cố gắng tìm hiểu thêm về nghĩa của tiếng Việt và tiếng Nhật qua các từ điển của cả 2 thứ tiếng. Trong quá trình tìm hiểu học hỏi này, người viết khám phá ra: 1) Tính không thống nhất trong giải nghĩa của các từ điển tiếng Việt, 2) Sự khác biệt cách hiểu và giải nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Nhật đối với cùng một từ có cùng chữ Hán viết giống nhau, và 3) Cách biên soạn từ điển của Việt Nam và Nhật Bản hình như cũng có điểm khác biệt.

Bài viết này giới thiệu một thí dụ cụ thể về sự giải thích nghĩa khác nhau của các từ điển tiếng Việt gây bối rối, khó khăn để hiểu nghĩa chính xác mà người viết gặp phải. Những thí dụ của các đề tài khác đã nói trên sẽ được giới thiệu trong những bài viết khác.

  1. Những quyển tự vị và từ điển xưa và nay của Việt Nam

Những quyển tự vị xưa (bằng chữ quốc ngữ hiện nay) có thể nói là đầu tiên do người Việt Nam biên soạn có thể kể như sau (1):

– Petit Dictionnaire Français-Annamite , tựa chữ Hán là Phú Lãng Âm Cổ Toát Yếu Tự Vị Hợp Giải An Nam Quốc Âm, xuất bản năm 1884 của cụ Trương Vĩnh Ký. Đây là quyển tự vị đầu tiên giải nghĩa tiếng Pháp bằng tiếng Việt do người Việt Nam soạn.

– Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, xuất bản năm1895-1896 của cụ Huỳnh Tịnh Của (tên ghi trên sách Huình Tịnh Paulus Của) (HTC) (2).

Đây là quyển tự vị đầu tiên giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt (chữ quốc ngữ). Năm 1861 một sĩ quan người Pháp là G Aubaret đã xuất bản quyển Ngữ Vựng Pháp – An Nam và An Nam – Pháp tại Bangkok , Thái Lan.

– Tự Đức Thánh Chế Tự Học Giải Nghĩa Ca, xuất bản năm 1898 của vua Tự Đức.

Đây là một quyển Tự Vị Hán Nôm kiêm các bài tự học chữ Hán và chữ Nôm. “Tự” trong “Tự Học” của tên sách nghĩa là chữ, không nghĩa tự học không nhờ thầy dạy.

– Việt Nam Tự Điển, xuất bản năm 1931 của Hội Khai Trí Tiến Đức (KTTĐ) (3).

– Hán Việt Từ Điển, xuất bản năm 1934 của cụ Đào Duy Anh (ĐDA).

– Hán Việt Tự Điển,xuất bản năm 1944 của Thiều Chửu (TC) (4).

Các sách tra nghĩa của tiếng Việt về sau mà người viết đang dùng như sau:

– Việt Nam Tự Điển, xuất bản năm 1970 của Lê Văn Đức (LVĐ) soạn và Lê Ngọc Trụ hiệu đính.

– Từ Điển Tiếng Việt, xuất bản năm 2011, của Ban Biên Soạn Chuyên Từ Điển: New Era (NE).

– Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông, xuất bản năm 2013 của Viện Ngôn Ngữ Học(VNNH).

Tại sao từ năm 1931 tên sách gọi là Tự/Từ Điển không còn là Tự Vị như thời của cụ Trương và cụ Huỳnh?

  1. Lý do dùng từ “Tự Vị” cho tên sách của cụ Huỳnh Tịnh Của

Trong Tiểu tự (Lời mở đầu) cụ giải thích lý do không dùng từ tự điển mà dùng tự vị (cũng đọc là tự vựng) như sau:

“Có kẻ hỏi: Tự Điển, tự vị khác nhau như thế nào ? Sao sách ta làm kêu là tự vị mà không là tự điển? Lại hỏi tự vị ta tham dụng chữ nho sao gọi là tự vị quốc âm ?

Tự điển, tự vị khác nhau có một sự rộng hẹp: tự điển phải có chú giải , mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào , nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải cứ kinh truyện làm thầy; chí như tự vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển , dẫn tích gì . Tuy sách ta làm có chú giải rộng, có đem những lời ngạn ngữ, có trưng những lời nói chuẩn đích trong các ca vãn hay, như là ca trù, Chinh Phụ Ngâm, Kim Vân Kiều, vân vân; nhưng vậy cũng nói là chuyện chơi, chuyện ngoài, không phải là kinh điển…”

Nên lưu ý cụ Huỳnh không xem ca trù,Chinh Phụ Ngâm, Kim Vân Kiều là kinh điển.

Về việc giải thích lý do gọi tự vị quốc âm xin quý độc giả xem trực tiếp trong trang web ghi trong phần Ghi chú dưới đây (5).

Trong quyển Tự Vị của cụ, tự vị trong mục tự và tự điển trong mục điển được giải thích như sau:

“Tự vị: sách hội giải chữ nghĩa cùng các tiếng nói, làm ra từ bộ từ loài.”

“Tự điển: tự vị lớn, đủ các thứ chữ cùng các sự tích.”

Trong Tự Vị không có mục từ (辞) và không có từ ngữ vựng.

  1. Các sách tra nghĩa tiếng Việt đã giải nghĩa “tự vị” và “tự điển” như thế nào?

Theo nội dung giải thích từ điển của cụ Huỳnh Tịnh Của, phải chăng các từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức đến ngày nay đều không thỏa điều kiện của từ điển?

Sau đây chúng ta thử xem trong các từ điển ghi trên giải thích nghĩa tự/từ điển như thế nào?

HKTTĐ

– Tự vựng: Cũng nghĩa như tự điển.

– Tự điển: Sách thích nghĩa và chua điển tích các chữ.

– Từ điển: Sách biên chép những điển cổ về từng chữ từng câu văn.

 ĐDA

– Ngữ vựng: (không có từ này)

– Tự vựng: Bộ sách chép nhiều chữ nghĩa theo thứ tự nhất định để tiện tra cứu (lexique).

– Tự điển: Bộ sách dùng để tra chữ, kỹ hơn tự vựng (dictionnaire).

– Từ điển: Bộ sách để kiểm tra những từ ngữ (dictionnaire des termes et expressions).

LVĐ

– Ngữ vựng: Tập từ ngữ sắp có thứ tự.

– Tự vị: Tập sách sắp có thứ tự từng chữ và giải nghĩa để dễ tra cứu, tìm hiểu.

(Nghĩa thông thường) Loại sách định nghĩa từng tiếng một, không dẫn điển tích từ ngữ. (Thí dụ) Đại Nam Quốc Âm Tự Vị.

– Tự vựng: Cùng nghĩa tự vị.

– Tự điển: Loại sách dẫn từ gốc phát sinh từng chữ và giải thích. (Thí dụ) Tự điển khó soạn hơn từ điển gấp mấy lần. (Nghĩa mới) Loại sách tập trung những tiếng nói của một ngôn ngữ sắp xếp thế nào cho dễ tìm và giải nghĩa bằng ngôn ngữ đó hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác. (Thí dụ) Khi đọc sách, gặp chữ khó hiểu, nên tra tự điển (dictionnaire).

– Từ điển: Loại sách giải nghĩa từng tiếng một, tiếng kép hay lời nói quen dùng.

(- Từ ngữ: Tiếng kép, những tiếng chỉ sự vật hay hành động gồm nhiều chữ, nhiều tiếng. (Thí dụ) Thi-hành, mỹ-từ-pháp, cấp-ca cấp-củng v.v…)

VNNH

– Ngữ vựng: (không có từ này).

– Từ điển: Sách tra cứu tập hợp các đơn vị ngôn ngữ (thường đơn vị từ vựng) và sắp xếp theo một thứ tự nhất định, cung cấp một số kiến thức cần thiết đối với từng đơn vị. 

(- Từ ngữ: Từ và ngữ (nói khái quát). (Thí dụ) Các từ ngữ khoa học-kỹ thuật. Vốn từ ngữ của nhà văn).

(-Tiếng: 2) Âm tiết trong tiếng Việt, về mặt là đơn vị thường có nghĩa, dùng trong chuỗi lời nói. (Thí dụ) Câu thơ lục bát gồm mười bốn tiếng. Nói dằn từng tiếng một. 3) Ngôn ngữ. (Thí dụ) Tiếng Việt. Biết nhiều thứ tiếng.)

NE

– Tự vựng: Đồng nghĩa tự điển (xem thêm vựng)

(Vựng: Gom lại, tập hợp lại theo từng loại, từng hạng)

– Tự điển: Bộ sách dùng để tìm tra nghĩa các chữ.

– Từ điển: Bộ sách tra nghĩa của các từ (từng nhóm chữ). (Khác với tự điển là bộ sách dùng tra nghĩa của từng chữ (tự: chữ).

(- Ngữ vựng: Tự vị. Tự điển. Từ điển.)

(- Từ ngữ: Từ và ngữ (nói khái quát). (Thí dụ) Các từ ngữ khoa học-kỹ thuật. Vốn từ ngữ của nhà văn).

  1. Các điểm tương đồng và dị biệt giữa các sách tra nghĩa tiếng Việt

Mới đọc thoáng qua, chúng ta cảm thấy hình như nghĩa mà các từ điển giải thích không giống nhau nhưng hãy xem xét kỹ điểm giống và điểm khác như thế nào.

Trước hết xem xét về mặt “chua điển tích” mà cụ Huỳnh Tịnh Của đã đề cập.

Về yếu tố “chua điển tích”

Chỉ có HKTTĐ bao gồm yếu tố chua điển tích cho cả tự điển và từ điển như HTC đã giải thích. Nhưng không hiểu tại sao tên sách lại dùng Tự Điển, mặc dù có trích dẫn từ ca dao, tực ngữ, hoặc truyện Kiều. Thêm một điều khó hiểu là lại giải thích “Tự vựng: Cũng nghĩa như tự điển”, nghĩa là không có sự khác nhau giữa vựng và điển!

Ngoài ra, LVĐ lại bao gồm yếu tố này (“dẫn từ gốc phát sinh từng chữ”) cho tự điển (nghĩa cũ). Nhưng đối với giải nghĩa của tự điển (nghĩa mới) và từ điển thì không còn đề cập đến yếu tố “dẫn từ gốc”. Đặc điểm của LVĐ là cho biết có một loại nghĩa mới của tự điển nhưng tiếc là không cho biết lý do và nguồn gốc của nghĩa mới này. Nội dung biên soạn Việt Nam Tự Điển của ông đúng theo nghĩa mới của tự điển. Một đặc điểm khác, trong phần trích dẫn thí dụ cho tự điển (nghĩa cũ), ông chọn câu “Tự điển khó soạn hơn từ điển gấp mấy lần”.

Một điểm khó hiểu khác, là người tinh thông chữ Hán như cụ Đào Duy Anh lại không đề cập gì đến yếu tố “chua điển tích” trong giải thích của tự điển và từ điển và xem tự điển là “bộ sách dùng để tra chữ, kỹ hơn tự vựng”. Trong giải thích các từ này cụ đều thêm tiếng Pháp vào. Phải chăng cụ lấy nội dung trong tiếng Pháp để giải nghĩa cho các từ tự vựng, tự điển và từ điển thay vì dùng nghĩa trong tiếng Hán.

Các từ điển sau LVĐ hoàn toàn không đề cập gì đến yếu tố “chua điển tích”, nghĩa là đều theo nghĩa mới của tự điển.

Từ khảo sát trên, chúng ta có thể suy đoán do giải nghĩa của của cụ ĐDA, nghĩa là nghĩa mới của tự điển mà LVĐ đã đề cập mà các từ điển về sau đã bỏ hẳn yếu tố “chua điển tích” khi dùng từ tự điển hoặc từ điển. Và chúng ta có thể suy đoán nghĩa mới này cụ ĐDA đã theo ý nghĩa của tiếng Pháp.

Tuy nhiên đây chỉ là suy đoán riêng của người viết, không biết có tài liệu nào có đủ chứng cứ ghi lại việc thay đổi lớn này không? Không biết có tự điển hay từ điển theo nghĩa cũ ghi lại cho biết quá trình thay đổi nghĩa của các từ để giúp người muốn tự học tránh được bối rối, phân vân như người viết lúc ban đầu đã gặp phải không?

Ngoài ra, nếu giả thuyết nghĩa mới của tự vựng, tự điển và từ điển do mượn nghĩa của lexique, dictionnaire và dictionnaire des termes et expressions của tiếng Pháp như khảo sát của người viết là đúng, người viết tự hỏi tiếng Việt là thứ tiếng chịu nhiều ảnh hưởng của chữ Hán, liệu dùng từ Hán Việt để giải nghĩa theo nội dung của tiếng Pháp liệu có hợp lý và tránh được hiểu nhầm không? Hơn nữa, soạn sách tra nghĩa của tiếng Việt theo phương châm của tiếng Pháp liệu có thật hợp lý chưa?

Về phân biệt giữa “tự” và “từ”

Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị không có mục từ (辞) nên không rõ tự và từ được phân biệt cụ thể ra sao. Về tự thì có thể hiểu:

– Tự là “chữ” và “tiếng nói”, từ giải nghĩa của tự vị.

Đối với từ điển của HKTTĐ có thể hiểu:

– Tự là “chữ”. Từ là “từng chữ từng câu văn”, từ giải nghĩa của từ điển.

Đối với từ điển của ĐDA:

   – Tự là “chữ”. Từ là “từ ngữ” từ giải nghĩa của từ điển. Tiếc là trong từ điển của cụ không có giải nghĩa của “từ ngữ” nhưng từ tiếng Pháp mà cụ thêm vào có thể hiểu là termes et expressions.

Đối với từ điển của LVĐ:

– Tự là “chữ”. Từ là “tiếng một, tiếng kép, lời nói quen dùng” từ giải nghĩa của từ điển. Trong tự điển này, nghĩa của “từ ngữ” như sau: “tiếng kép, tiếng chỉ sự vật hay hành động gồm nhiều chữ, nhiều tiếng”.

Đối với từ điển của VNNH:

– Từ là “đơn vị ngôn ngữ (thường đơn vị từ vựng)” từ giải nghĩa của từ điển.

Có lẽ vì từ điển tiếng Việt phổ thông nên không có giải nghĩa của tự, đơn vị ngôn ngữ, từ vựng cũng như đơn vị từ vựng là gì. Về từ từ ngữ thì có giải nghĩa như sau: “Từ và ngữ (nói khái quát). (Thí dụ) Các từ ngữ khoa học-kỹ thuật. Vốn từ ngữ của nhà văn).”

Đối với từ điển của NE:

– Tự là “chữ”. Từ là “nhóm chữ” từ giải nghĩa của từ điển.

Đối với giải nghĩa của từ ngữ thì hoàn toàn như của VNNH.

Như vậy chúng ta có thể thấy phần lớn có giải nghĩa giống nhau về tự là chữ. Tuy nhiên nên lưu ý ở đây chữ có nghĩa tiếng như anh, bà, chị …trong tiếng Việt chứ không phải là chữ của mẫu tự (chữ cái) a, b, c…Còn về từ thì nhìn chung giống nhau nhưng về chi tiết người viết khó thể giải thích như thế nào cho chính xác và dễ hiểu xin quý độc giả tự khảo sát nhận xét lấy.

  1. Thay lời kết

Người viết tự hỏi trong việc truyền đạt ý tưởng, thông tin trong sinh hoạt cộng đồng hàng ngày cũng như trong việc học tập, giáo dục…, hậu quả sẽ ra sao nếu người truyền và người nhận không hiểu chính xác và đầy đủ nghĩa của các từ trong nội dung truyền đạt?

Tình trạng nội dung giải nghĩa khác nhau của các từ điển đối với cùng một từ có những ưu điểm và khuyết điểm trong vấn đề học tập và giáo dục đồng thời có ảnh hưởng gì đối với một quốc gia một dân tộc? Đối với những khuyết điểm thì phương pháp tránh hoặc phòng ngừa trước nên như thế nào?

Một loại từ điển hay một loại tài liệu có tên thích hợp gì đó để ghi chép lại những biến đổi nghĩa của các từ và bối cảnh hoặc lý do phải chăng cũng rất cần thiết và quan trọng?

Nguyễn Sơn Hùng, 10/1/2023


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét