7 thg 2, 2023

VIỆT NAM: MỘT CUỘC CHIẾN ĐẾN HỒI KẾT THÚC (DIỂN ĐÀN KHAI PHÓNG )

Tác giả: Arno Widmann, Frankfurter Rundschau 26.01.2023
Người dịch: Nguyễn Chí Chính

Năm mươi năm trước, Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam – Hồi ức về một thời kỳ đã định hình cả một thế hệ, về sự phản kháng và những thực tế bị bỏ qua.

Một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt nam, năm 1965 tại Frankfurt © Imago.
Nội dung biểu ngữ: „Hãy ngưng ném bom vào Việt Nam“.

Tại Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đã ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Cuộc Chiến giữa Bắc và Nam Việt Nam vẫn tiếp diễn cho đến năm 1975, khi quân đội miền bắc hoàn toàn khuất phục miền nam.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của thế hệ chúng tôi – tôi sinh năm 1946. Không phải vì chúng tôi tiến hành nó – mà đó là những người Mỹ và Việt Nam cùng thế hệ, họ đã chết hoặc bị thương tật. Nhưng chúng tôi đã sống cùng nó, và cuộc chiến này, cùng với chúng tôi, đã cùng nhau trưởng thành…

Với chúng tôi, Việt Nam ở xa tít. Sài Gòn cách Frankfurt hơn 9600 cây số theo đường chim bay. Nhưng đó lại là một tấm gương phản chiếu mà chúng tôi đã có thể nhận ra chính mình trong đó. Hôm nay tôi thật kinh ngạc khi nhìn lại những gì chúng tôi nhận ra và cả những gì không nhận ra.

“Nhỏ chống To” – cường quốc lớn nhất thế giới đang gây chiến với một nước nhỏ vốn đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh Đông Dương kéo dài 8 năm dưới tay thực dân Pháp, với hàng trăm ngàn người chết và tị nạn. Và gã khổng lồ không hạ gục nổi chú bé tí hon. Điều này làm tôi thích thú.

Hoa Thịnh Đốn cách Sài Gòn gần 14.500 cây số đường chim bay. Với tôi một sự thật rõ ràng: Hoa Kỳ chẳng có gì phải mất mát ở Việt Nam cả. Ngay cả khi miền Nam Việt Nam, nếu như không bị cai trị bởi một nhà độc tài, mà bởi một chính quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do, thì người dân Việt Nam vẫn là người quyết định số phận của họ, chứ không phải Hoa Kỳ.

Việt Nam bị chia cắt từ năm 1954 [bởi Hiệp định Genever,nd]. Miền Bắc được Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ, miền Nam được Hoa Kỳ giúp sức – sau đó tăng dần mỗi năm. Sự giống nhau với Đông và Tây Đức là điều không thể không thấy được. Nhưng đó chính xác lại là những gì tôi đã làm hồi đó. Người dân Việt Nam có quyền đòi thống nhất, người dân Đức thì lại không.

Vào cuối những năm 1960 tôi đã không hô vang khẩu hiệu “Hòa bình cho Việt Nam”, mà tôi hô vang “Vũ khí cho Việt Cộng”. Tôi đã từ chối nghĩa vụ quân sự, nhưng ở Việt Nam xa xôi, tôi thuộc về một bên tham chiến. Tôi đã nghĩ rằng, các tu sĩ Phật giáo công khai tự thiêu để phản đối chế độ ở miền Nam Việt Nam đã đi sai đường. Lẽ ra họ nên gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng, FNL [Front national Liberation, nd.], quân Việt Cộng. Có điều gì đó nực cười, vì vào thời điểm đó, chỗ ở chính của tôi trước sau vẫn là phòng đọc của thư viện trường đại học.

Tôi đã không biết gì về chiến tranh. Cha tôi cũng không kể điều gì. Tôi xem chiến tranh thật khủng khiếp, và cũng tẻ nhạt một cách khủng khiếp. Nhưng lúc bấy giờ tôi đã học hỏi được. Truyền hình mỗi tối phát đi những hình ảnh từ cuộc chiến, và bản đồ với tên của những thị trấn, làng mạc mới. Tôi đã đến thư viện tra cứu bản đồ để có thể hiểu diễn biến của mặt trận.

Thêm vào đó, tên của các nhân vật chính ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Hầu hết độc giả sẽ chưa bao giờ nghe nói về Võ Nguyên Giáp (1911-2013). Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Việt Nam đã liên tiếp đánh bại Pháp và Mỹ. Ông ấy đã xuất bản một cuốn cẩm nang về chiến thuật du kích mà tôi đã đọc dưới bức tượng bán thân của Horkheimer trong phòng đọc sách. Từ đấy, tôi lĩnh ngộ được rằng, trong một cuộc chiến tranh phi đối xứng – thuật ngữ này xuất hiện muộn hơn nhiều – thật là ngu ngốc biết bao khi chỉ chằm chằm vào diễn tiến chiến sự mặt trận một cách cứng nhắc, như tôi đã từng làm.

Năm 1967, André Glucksmann xuất bản cuốn sách Le discours de la guerre. Tôi vùi mình trong sách, lần theo những tham khảo của ông ấy về Clausewitz, đọc „Lý thuyết về nghĩa quân kháng chiến“ của Carl Schmitt, xuất bản năm 1963. Tôi đã khám phá ra chiến tranh. Từ sách vở. Và trên đường phố. Các cuộc biểu tình của chúng tôi đã cho chúng tôi một cảm giác – ngay giữa hòa bình – rằng chúng tôi thực sự có mặt trên chiến trường,vì sự tiến bộ của thế giới và nhân loại. Vào thời điểm đó, hàng trăm nghìn người ngồi lại với nhau thành từng nhóm, đọc Marx và Engels, Lenin và Mao, Castro và Guevara. Làm thế nào để tiến hành một cuộc cách mạng? Làm thế nào để lật đổ một chính phủ? Du kích thành phố là gì? Làm thế nào để tranh thủ quần chúng cho mục đích này?

Ngày nay, người ta chỉ còn nhận ra sự hài hước hoặc điên rồ trong những cuộc tranh luận này, nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi đã tranh luận với nhau một cách nghiêm túc. Chúng tôi nhìn ra rằng không có gì được xây dựng vững chắc đến mức không thể sụp đổ trong thời khắc sắp tới. Tháng 5 năm 1968, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, một vị tướng từng trải trận mạc, đã phải trốn chạy đến Baden-Baden để khỏi đối mặt với Dany Cohn-Bendit và bằng hữu của anh ấy [trong phong trào 68 ở Paris, nd].Trong lúc ấy tại Việt Nam, cuộc tấn công Tết Mậu Thân của Bắc Việt và Việt Cộng chống lại Nam Việt Nam và Hoa Kỳ đã cho thấy rằng miền Bắc đã không thể bị đánh bại nữa. Một bài học quan trọng.

Sự kiện này khiến chúng tôi gần như bỏ qua một biến cố khác: Mùa xuân Praha, phong trào cải cách cộng sản, bị quân đội Khối Hiệp ước Warsawa triệt hạ. Praha chỉ cách Frankfurt chừng hơn 400 cây số. Nhưng những gì đang xảy ra ở đó đã không thu hút tôi nhiều như những gì đã xảy ra ở Việt Nam, cách xa hơn hai mươi lần.

Tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại quân đội Liên Xô ư,  không một ai trong chúng tôi muốn đưa đề nghị này với người dân nước láng giềng Tiệp Khắc. Cho dù chúng ta cũng thấy những hành động của Liên Xô thật đáng ghê tởm. Hoa Kỳ đã cúi mắt nhìn xuống, chỉ lầm bầm vài lời phản đối, để cuối cùng cho rằng Liên Xô có thể làm bất cứ điều gì họ muốn trong vùng họ kiểm soát.

Vào năm 1968, chúng tôi đã nghĩ rằng cuộc chiến ở Việt Nam sắp đến hồi kết. Điều này đã đúng. Nhưng nó cũng đã sai. Chiến tranh Việt Nam đã dạy chúng ta rằng đàm phán và chiến tranh không đối lập nhau mà hỗ trợ lẫn nhau. Các cuộc đàm phán thường vang lên lời hiệu triệu phải tiến hành chiến tranh khốc liệt hơn.

Sức mạnh của vị thế thương lượng phụ thuộc vào sức mạnh trên chiến trường. Trên những mặt trận. Dư luận, điều chúng tôi ngày càng nhận thức rõ hơn, cũng là một trong những mặt trận đó. Tại Việt Nam, cả hai bên đều tăng cường các các cuộc tấn công khi cuộc chiến càng tiến đến gần hồi kết. Hoa Kỳ đã xâm lược Campuchia với kết quả tàn khốc như chúng ta đã biết.

Việt Nam đã cho chúng ta thấy rằng chiến tranh vệ quốc là xứng đáng.Tuy nhiên, chúng tôi sau đó cũng không chắc lắm về điều này. Mong muốn của chúng tôi đã chiến thắng. Nhưng chiến thắng này với chúng tôi lại không „ngon miệng“. Cộng sản Việt Nam – miền Bắc chiến thắng – đã tống hàng trăm ngàn người vào các trại cải tạo sau năm 1975. Truyền hình đã cho chúng tôi thấy những “thuyền nhân tị nạn” đầu tiên của chúng ta, những người đã trốn chạy khỏi chế độ mới trên những chiếc thuyền thậm chí không thích hợp chút nào để cố gắng vượt biển. Chúng tôi đã muốn đứng vào hàng ngũ của lẽ phải, nhưng lẽ phải bây giờ là phải hỗ trợ “thuyền nhân”.

Chiến tranh Việt Nam đã dạy chúng tôi về chuyện không thể tránh khỏi các tác dụng phụ từ hành động của mình. Quyết định đứng về phía được cho là chính nghĩa, sẽ chẳng có ích gì nếu chúng ta không chuẩn bị tinh thần để gánh vác, chịu trách nhiệm về hậu quả của quyết định đó.

Chiến tranh, như chúng ta đã học được từ Clausewitz, là “sự tiếp tục của chính trị bằng các phương tiện khác”. Điều này khiến chúng ta hiểu rằng chính trị không phải là mặt trái của chiến tranh mà còn là một phương tiện để tiến hành chiến tranh. Chúng tôi đã học được điều này từ chiến tranh Việt Nam và qua những tranh cãi, thảo luận về nó. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã lĩnh hội nhiều từ những tác phẩm kinh điển về Xã hội chủ nghĩa đã đề cập bên trên.

Nhưng trên hết, chiến tranh Việt Nam đã cướp đi của chúng tôi ảo tưởng được sống trong hòa bình. Chiến trận tuy xa xôi, nhưng chúng tôi hàng ngày bận bịu với nó. Nó chính là nỗi ám ảnh của chúng tôi.

Chúng tôi đã bảo bọc những công dân Hoa Kỳ chạy trốn nghĩa vụ quân sự. Chúng tôi đã đốt cờ Mỹ, tấn công các cơ sở đại diện của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Hầu như không có một tuần nào trong học kỳ – theo trí nhớ chắc là có phần phóng đại của tôi – mà chúng tôi không xuống đường vận động chống lại chiến tranh, chống lại một số tội ác chiến tranh mới của Hoa Kỳ – dọc theo đường Bockenheimer Landstrasse, dọc theo khu phố Zeil [những phố chính của Frankfurt a.Main, nd.]

Sau nhiều tháng, chúng tôi thuyết phục được Theodor W. Adorno và Max Horkheimer [hai học giả đương thời có ảnh hưởng lớn của phong trào phản chiến CHLB Đức, nd.] tham gia thảo luận về cuộc chiến. Tôi nhớ Adorno đã nói với chúng tôi, những sinh viên trẻ đang phấn khích, nhỏ nhẹ và như thể cầu xin sự tha thứ – lúc đó có nhiều nhất là nửa tá phụ nữ tại cuộc họp đó. Ông nói rằng, “Tôi sẽ không chỉ trích nước Mỹ. Họ (người Mỹ) đã cứu mạng sống chúng ta”. Những lời chỉ trích của chúng tôi đối với Hoa Kỳ thường bỏ quên thực tế rằng, chúng tôi nợ Hoa Kỳ những sinh mạng, nợ cuộc sống mà chúng tôi đang có.

Nhưng “Hoa kỳ” không tồn tại. Cả điều đó cũng trở nên rõ ràng với chúng tôi trong chiến tranh Việt Nam. Có một chính phủ đã không ngần ngại hỗ trợ các nhà độc tài ở khắp nơi trên thế giới. Ví dụ như ở Việt Nam, miền Nam đã khước từ các cuộc bầu cử tự do. Và đồng thời ngày càng có nhiều sự phản đối chống lại điều này. Ngày nay có rất nhiều lời bàn tán rằng xã hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc. Vào thời ấy nước Mỹ thậm chí còn bị chia rẽ hơn bây giờ nhiều. Từ hai bên cực hữu và cực tả đã có những người được trang bị vũ khí. Có cả trong cộng đồng người da trắng và người da đen. Không có thành phố nào mà không có “bạo loạn sắc tộc”. Nước Mỹ cũng đã tìm được lối ra. Trong một thời gian. Bài học Việt Nam dạy chúng ta rằng chiến tranh rồi cũng đến hồi kết. Giống như hòa bình cũng vậy.

./.

Tác giả: Arno Widmann
Người Dịch: Nguyễn Chi Chính, 28.1.2023

Nguồn: Vietnam: Ein Krieg geht zu Ende. Nhật báo Frankfurter Rundschau ngày 26.01.2023. Xem bản gốc tiếng Đức ở đây: https://www.fr.de/kultur/gesellschaft/vietnam-ein-krieg-geht-zu-ende-92050984.html

Tác giả Arno Widmann viết cho Frankfurter Rundschau, là tác giả phụ trách chính trị, văn hóa và xã hội về chính sách liên bang từ Berlin. Sinh ra ở Frankfurt am Main năm 1946, ông tham gia thành lập nhật báo taz năm 1979, sau đó là phó tổng biên tập tạp chí Vogue Đức, tổng biên tập taz, tổng biên tập Mục Feuillton của báo Zeit, trưởng ban Bình luận quan điểm của Berliner Zeitung, tổng biên Feuillton của Frankfurter Rundschau và là thành viên của nhóm biên tập cấp cao DuMont. Hiện nay ông làm việc viết sách.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét