Mời quý bạn tham khảo một bài thơ của một thân hữu hiện đang ở Stafford, Virginia, USA:
Tình cờ gặp nhau, Hương Lệ Oanh VA,
Lời bình Ngân Triều.
Tình Cờ Gặp Nhau là tựa của một bản nhạc làm xao xuyến trong lòng của đôi bạn cùng quê tình cờ gặp lại. . .
Một đứa ở tỉnh đứa ở quê cùng trang lứa thương mến nhau qua tình bạn tình yêu quê hương tha thiết nhớ nhau qua ánh trăng của những đêm trăng sáng có tiếng chày khua giã gạo, tiếng sông nước một thuở thanh bình bên gia đình cha mẹ anh em, tiếng ru ầu ơ của mẹ. . .
Ôi tình cảm bao la chàng theo đuổi lý tưởng “ước mơ làm thầy giáo” còn nàng như nụ hoa mới nở vội lấy chồng khi tuổi còn xuân thế rồi hai đứa hai nơi. . .
Vận nước chia ly nỗi khổ niềm đau đầy ắp giữ kín tận đáy lòng gần nửa thế kỷ tình cờ gặp lại trên đất khách, đêm ngày kể lại biết bao chuyện vui buồn cuộc diện của hai người nửa mừng nửa tủi! nửa tiếc thương. . .
Ôi nhân sinh là thế ấy!
Dựa vào cuộc gặp lại tình cờ tôi cảm tác bài thơ thất ngôn trường thiên. . .
Tình Cờ Gặp Nhau
Tình cờ gặp lại người năm cũ
Ngờ ngợ như quen tự thuở nào
Nét mặt hằn sâu bao nỗi nhớ
Gặp nhau lúc tóc đã phai màu
*
Cuộc gặp bất ngờ đầy cảm xúc
Nghẹn ngào chẳng nói được thành câu
Nhìn nhau mới biết nhiều nhung nhớ
Cứ ngỡ chia tay chẳng vướng sầu
*
Khăn thương nàng đội ở trên đầu
Nửa nhớ thương nàng . . . với nỗi đau!
Ngoảnh mặt nhìn nhau đành cách biệt
Quay lưng nàng bước vội qua cầu
*
Nào ai biết trước khúc sông sâu
Phút cuối chia tay vạn nổi sầu
Gặp gở thêm chi lòng bối rối
Nên đành câm nín vạn niềm đau
*
Chờ trong tiềm thức chừ quên lãng
Ký ức xa dần mộng tuổi xanh
Thân phận bèo trôi đành chấp nhận
Tình cờ gặp lại lá liền cành
Hương Lệ Oanh VA
(Tôi xin ghi thêm đoạn phân tích của anh Ngân Triều ngày 18/11/2019
Cảm ơn anh Ngân Triều có lời bình cũng như khuyến khích cho cây bút tôi, nhìn 2 đoạn video mà bạn tôi để tâm tạo cho tôi, tôi rất vui trong tuổi đời còn lại bây giờ cũng dễ gì gặp lại bạn cũ có nhiều kỷ niệm dễ thương từ lúc mới lớn lên nơi quê nhà.
Nhạc phẩm “Tình Cờ Gặp Nhau” làm cho đôi bạn chúng tôi vui hơn và nhiều cảm xúc sâu lắng khiến cho tôi cảm tác bài thơ qua tấm lòng người bạn cũ. HLO)
Lời bình: Ngân Triều:
Đoc thơ Hương Lệ Oanh
Xin cảm ơn chị HLO, đã chấp bút cho nhân vật trữ tình nào đó để thành một bài thơ hay!
Tôi xin được phân tích 1 khổ thơ ngẫu hứng, thú vị, để gọi là mạn đàm bâng quơ, xin quý bạn miễn chấp:
Khổ thơ thứ 3:
Khăn thương nàng đội ở trên đầu
Nửa nhớ thương nàng . . . với nỗi đau!
Ngoảnh mặt nhìn nhau đành cách biệt
Quay lưng nàng bước vội qua cầu
Mở đầu là
Khăn vẫn đội trên đầu, phải chăng là có thương, tôn thờ nhưng không buông, không bao giờ quên vì rất thiêng liêng. Không như ai trong đời thường, yêu kính, tôn trọng mà có vẻ:
Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất,
Khăn thương nhớ ai, khăn vắt trên vai.
Ca dao
Như ngơ ngẩn, đắm đuối, như trải dài nỗi nhớ miên man.
Câu sau thì đã rõ:
Thương là thương cảm, tội nghiệp...vì những nỗi khổ đau của nàng. Một nửa là vậy. Còn nửa kia...rất khó tỏ lòng...
*
Câu tiếp theo là hãy còn lưu luyến, vương vấn qua cử chỉ ngoảnh lại:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Chinh Phụ ngâm khúc, Bản dịch Đoàn Thị Điểm, câu 61-64
-Ngoảnh lại là quay nhìn lại, nhìn theo đối tượng đang phía sau.
Dừng chân ngoảnh lại, trời non nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan.
Ngoảnh lại vì tình yêu với tâm trạng cô đơn, bơ vơ.
-Tâm trạng đó cũng như ý thơ trong bài Nhà tôi, Yên Thao:
Ai đã đi mà chẳng từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
Em lặng nhìn trong lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
-Trong cái thương cảm tội nghiệp đó...có thể là trong khoảnh khắc xao xuyến, ngậm ngùi, cảm động...rồi cũng phải đành...cách biệt. như muốn nói, Người ơi, tôi sẽ không bao giờ quên Người, những kỷ niệm như còn lắng đọng mãi trong tim dù hoàn cảnh, phải đành cách biệt.
*
Câu cuối cùng là tâm tình trong chia phôi.
Quay lưng là một thái độ dứt khoát, thể hiện bằng một tính cách vội vàng.
Cũng có thể quá cảm động mà chạy trốn, không dám ở lại lâu; chạy trốn cũng có thể là muốn che giấu sự mềm yếu trong lòng...vì ở lại lâu thì rượi buồn và rơi lệ. Thà như ai kia tỏ ra khẳng khái, mạnh mẽ, mạnh bước, "anh đi đường anh, tôi đường tôi" mà thấy hồn mình nhỏ lệ.
Hình ảnh chiếc cầu rất trữ tình. Đây không phải là cây cầu yêu thương, qua cầu gió bay vì trao nhau chiếc áo:
Thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ, qua cầu gió bay.
Ca dao
Mà qua cầu hình như là "qua sông", qua đò...sang ngang!
Khổ thơ cuối:
Chờ trong tiềm thức chừ quên lãng
Ký ức xa dần mộng tuổi xanh
Thân phận bèo trôi đành chấp nhận
Tình cờ gặp lại lá liền cành
*
Lý trí lên tiếng chờ đợi nhưng bây giờ thì đã quên hết rồi.
Vì trong nỗi nhớ ngày càng phôi pha theo thời gian như tuổi hoa mộng.
Thân phận như bèo giạt mây trôi, theo số phận cũng cam đành.
Nhưng khi tình cờ gặp lại thì tâm trạng như chiếc lá liền cành...cũng vui. (Tình cũ, không rủ cũng tìm nhau). ֎
Ngân Triều. 18.11.19
Lời bình bổ sung:
Hương Lệ Oanh 29 Tháng 7:
" Vài câu bạn đã tặng tôi bài thơ an ủi, dặn tôi đừng chạnh lòng bởi ý thơ!
Thơ rằng:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng bao đau khổ!
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Bạn tiếp là con người có trái tim muôn nơi và muôn thuở! Lời rằng:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngỏ ý, còn vương tơ lòng.
Lời thơ của bạn đã xoa dịu bao chịu đựng! Tiếc cho một thời xuân xanh của tôi. Tôi rằng:
Dẫu gì thì cũng qua rồi!
Bể dâu! Dâu bể không sờn nữ nhi.
Tiếc chi cái tuổi Xuân thì!
Bóng câu qua cửa còn gì lụy thân!?"
Bạn đó!
Tặng tôi chi lời thơ an ủi
Để hồn tôi mãi quyện vào thơ!
Trần gian lỡ bước đến giờ
Sóng tình giây phút ơ hờ tâm tư!
Đã sống ở trần gian nầy rồi thì hãy sống cho thật ý nghĩa, thân nhau là dìu dắt nhau đồng hành trong ánh sáng trí tuệ thanh cao."
HLO
*
Lời bình bổ sung, Ngân Triều:
Quý bạn thân mến, tình cờ tôi đọc mấy lời tỏ lòng của chị Hương Lệ Oanh, CHS Tây Ninh, tôi rất là cảm kích, xin có mấy lời nối điêu để gọi là sẻ chia một chút tâm tình và tự nhiên tôi nhớ một đoạn văn hay:
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi chưa biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học"[1].
Đó là chuyện hôm nay của tác giả Quê mẹ, Thanh Tịnh. Còn chuyện hôm nay của tôi, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rộn ràng, thi vị và nhiều mỹ cảm vì ... Hôm nay tôi đọc được mấy mẩu tâm tình của chị HLO đối thoại với một cố nhân nào (?) trên trang FB của chị. Cảm ơn chị, cảm ơn một cơ hội hay cơ duyên đầy thiện cảm! [2] Chắc là cố nhân nào đó đã biết và đã đồng cảm với cuộc đời của chị HLO, một cô gái Tây Ninh, lận đận, lao đao trong những ngày đầu 75 đầy khổ cực, gieo neo, như hình ảnh liêu xiêu của một người vợ hiền:
Lặn lội thân cò khi quảng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Thương vợ, Tú Xương
Qua bài viết trần tình trên trang nhà của chị HLO, chúng ta thấy cố nhân đó đã có mấy lời an ủi, nặng nghĩa, nặng tình:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực!
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Cảm xúc, Hồ Dzếnh
Đó là hình ảnh của một người con gái kiên cường, bản lĩnh dù tuổi đời chỉ mới nửa chừng xuân. [3] Sau 75, người thiếu phụ có chút nhan sắc, khi ấy mới 26 tuổi đời, một mình với 4 đứa con thơ, tuổi “trái cà, trái bắp” [4], dại khờ. Chồng đi học trường "Đại học Sơn Khê" [5] biền biệt trong mười năm. Nàng đã kiên trinh, bản lĩnh, vượt qua những dập dìu ong bướm, thủ tiết kiên định vượt qua những sóng gió, bẫy đời với lòng thương con vô bờ bến…phải chăng đó là một tấm lòng hy sinh tha thiết, bao la của một người mẹ hiền; lấp lánh ánh sáng từ ái muôn thuở của một người Mẹ tần tảo, đảm đang, người Mẹ muôn đời trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Xin tham khảo một tứ thơ, về hình ảnh một người Mẹ bất hủ mà làm sao kể xiết những nỗi niềm vất vả, gieo neo:
Bồng bồng con nín con ơi!
Dưới sông con cá lội, ở trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay,
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim.
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau,
Một tay đi vay gạo, một tay cầu cúng ma
Một tay khung cửi muối dưa,
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa đỡ đòn
Tay nào để giữ lâý con?
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay!
Bồng bồng con ngủ con say,
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.
Hát ru, Mười tay, Dân tộc Mường.
*
Chị HLO cũng đã hồi âm cho cố nhân:
Dẫu gì thì cũng qua cơn,
Bể dâu! Dâu bể không sờn nữ nhi
Tiếc chi cái tuổi Xuân thì!
Bóng câu qua cửa, [6] sá gì chiếc thân?!
Đó là một tiếng lòng kiên cường, đầy bản lĩnh, bao dung, không sờn, không tiếc không trách gì cả, không tiếc tuổi xuân thì, không trách thời gian đời người chốc lát như bóng câu qua cửa...
Thật tuyệt vời! Xin để ý mấy câu cuối tâm tình của tác giả:
Tặng tôi chi lời thơ an ủi,
Để hồn tôi rơi lụy vào thơ!
Trần gian lỡ bước đến giờ,
Sóng tình, giây phút ơ hờ, tâm tư.
Hai câu song thất là lời trách cố nhân, cách nhẹ nhảng, hàm súc.
Hai câu lục bát, là "hãy sống cho thật ý nghĩa, dìu dắt nhau bước vào ánh sáng trí tuệ, đừng để tình cảm lấn át tâm tư".
“Ơ hờ” là hững hờ, không quan tâm.
Điều đó làm cho người đọc suy nghĩ miên man, không dứt...
Xin có mấy lời bâng quơ, Thân mến, Ngân Triều. ֎
* Ghi chú:
[1] Trích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh, Quê Mẹ.
[2] Chữ duyên thường có 5 nghĩa: may mắn, đẹp, lý do, gắn bó tiền định của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng.
[3] Có thể trong Nửa chừng xuân Khái Hưng, nhân vật Mai, con nhà gia giáo, vướng bẫy tình, không khổ cực bằng một người con gái TN.
[4] Tuổi trái cà trái bắp: tuổi ấu nhi, dại khờ, cần nhiều chăm sóc, nuôi dưỡng.
[5] Đại học sơn khê: Đại học ở rừng và khe suối, chỉ rừng thiêng nước độc; ở đây là trại cải tạo.
[6] Bóng câu qua khe cửa, ý nói thời gian vô cùng nhanh chóng trong đời người. Sách Trang Tử có câu:
Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ.
人生天地之間, 若白駒過隙, 忽然而已.
"Đời người trong cõi trời đất, chẳng qua là như con ngựa trắng vút qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi".
1-Ảnh Tác giả Hương Lệ Oanh, 1954, chs Tây Ninh; thành viên nhóm Vườn Thơ Mới, do anh Nguyễn Cang sáng lập. (Ảnh năm 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét