Thạch Đình tặng biệt
"Tặng biệt nơi Thạch Đình"
Nguyễn Du
Đường nghĩa bấy lâu trót vẽ vời,
Nước non sầu nặng muốn đi về.
Cung hoàng dịu vợi đường khôn lọt,
Đường nguyệt mơ màng giấc hãy mê.
Đã chắc hương đâu cho lửa bén,
Lệ ma hoa lại quyến xuân đi. :
Xanh vàng chẳng phụ lòng ân ái,
Tròn trặn gương tình cũng có khi.
Thơ chữ Nôm Thanh Hiên Nguyễn Du,
Hồ Xuân Hương chép trong Lưu Hương ký.
*
Nguyễn Du đã ứng khẩu tặng Hồ Xuân Hương bài thơ chữ Nôm trên:
Bấy lâu nay ta đã quen biết nhau, có tình có nghĩa với nhau nhiều kỷ niệm,
Nay nặng lòng với việc nhà, việc nước anh phải về quê hương.
Khúc Phượng cầu Kỳ hoàng như lời ngỏ ý anh chưa tỏ cùng em,
Lòng em đã mơ màng giấc chiêm bao.
Có chắc ta yêu nhau chưa mà cho lửa tình bén cháy,
Những giọt lệ tình tiếc mùa xuân đi qua.
Tình như lá xanh hoa vàng nếu chẳng phụ lòng nhau,
Rồi đây chúng ta sẽ có ngày sum họp.
*
Chú thích:
Cung Hoàng: 宮凰 Chỉ khúc "Phượng cầu Kỳ hoàng".
Văn bản chữ Nôm,
Ngân Triều soạn:
石亭贈别
塘義悲𥹰㤕捤撝
渃𡽫愁𨤼㦖迻衛
宮凰妙溈塘坤𢯰
堂月𢠩唉謎
㐌𠺵香㧣焒𤊰
淚麻花吏獧春迻
𩇛黄丞負𢙱恩愛
𧷺陣𨩍情共𣎏欺
*
Ngân Triều cảm đề
Tình nghĩa keo sơn, dạ mến thương,
Quan san lòng nặng, nghĩa quê hương.
Kỳ hoàng, âm sắc gieo bao nỗi,
Đường nguyệt cô miên nhớ đoạn trường.
Có chắc thơm đâu nồng bén cháy?
Hoài Xuân giọt ngọc, tủi thân vương.
Xanh vàng chẳng bạc tình chung thủy,
Tái ngộ ngày vui nắng nhuộm đường.
*
Bài thơ khá chua chát! Chắc là Nguyễn Du muốn thử lòng nàng có thật yêu mình không. Chúng ta thấy Xuân Hương tha thiết, chân thành yêu Nguyễn Du, nhưng chàng có lẽ vì còn mộng công danh, hoài bảo của một sĩ phu con nhà gia thế, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, muốn đi vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh, nên lòng còn phân vân, chưa quyết. Chàng hẹn với Hồ Xuân Hương khi xênh xang áo gấm, sẽ quay lại với nàng như gương vỡ lại lành:
Tròn trặn gương tình cũng có khi.
*
Ghi chú, theo footnotes trong sách:
[9] Nguyễn Du đã dạy Hồ Xuân Hương bản đàn trên, Câu nầy ý nói đường vào quê Nguyễn Du xa xôi, nguy hiềm.
Đường Nguyệt, 堂月 Chỗ ở của Xuân Hương gọi là Cổ Nguyệt đường, 古月堂.
Bài này trước ông Trần Thanh Mại và Đào Thái Tôn đều lầm tưởng của một người tên là Thạch Đình như Cư Đình, Thực Đình, người đương thời. Nhưng theo TS. Phạm Trọng Chánh, "Thạch Đình" có nghĩa là cái đình đá, nơi bến sông Vị Hoàng, Nam Định, vì đó là bến cảng lớn ngày xưa, vì cạnh biển, mưa gió, bão táp nên đình được xây kiên cố bằng đá. Từ đây đi vào Nghệ Tĩnh, Phú Xuân tiện lợi nhanh chóng vì không leo núi đèo Tam Điệp hay truông nhà Hồ, phá Tam Giang.
Nhớ em anh cũng muốn vô.
Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.
Ca dao
Hồ Xuân Hương tiễn Nguyễn Du năm 1794, tiễn Mai Sơn Phủ năm 1801 và đón quan chánh sứ Nguyễn Du năm 1813 , cũng ở nơi Thạch Đình này. (Làng Tiên Điền có Giang Đình là cái đình bên sông, một trong tám thắng cảnh Hồng Lĩnh).
Do chưa được thống nhất về tác giả, Thi Viện vẫn tạm xếp bài thơ này vào mục thơ Hồ Xuân Hương.
[10] Tình yêu của ta với nàng chưa có gì là chắc chắn cả (vì ta còn phải bôn ba mưu cầu công danh?). Chữ Hương 香 còn là tên của Hồ Xuân Hương.
Lệ ma hoa: 淚麻花, nước mắt của hoa gai dệt vải (nước mắt của nữ nhi thường tình, tầm thường).
Quyến Xuân đi: 獧春迻, đưa tiễn người tình đi.
Xuân: 春, mùa Xuân, còn có nghĩa là người tình.
[11] Nguyễn Du cho là, nước mắt của Hồ Xuân Hương là nước mắt của nữ nhi thường tình, như giọt sương đọng trên hoa vải gai. Có thể là chưa chân thật,
Xanh vàng: 𩇛黄, xanh, tươi tốt, giàu sang; vàng, héo úa, nghèo hèn. Dẫu giàu sang hay nghèo hèn, ta không bao giờ bạc tình, bội ước, lãng quên.
Nguồn:
1. Đọc Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương do Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phiên âm và chú thích, TS. Phạm Trọng Chánh, 2012
2. Bản sao từ bản chép tay của Nguyễn Văn Hoàn, do TS. Nguyễn Xuân Diện cung cấp
[12] cô miên: 孤 眠 ngủ một mình
*
Ảnh minh họa:
Kỳ hoàng, âm sắc gieo bao nỗi,
Đường nguyệt cô miên nhớ đoạn trường.
Ngân Triều.
🌺🌺🌺🌺🌺🌺
Mời Xem tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét