10 thg 7, 2021

Giấc Mộng -Donato Ndongo (Tạp Chí Da Màu )

 Trần C. Trí chuyển ngữ từ tiếng Tây Ban Nha


Donato Ndongo sinh năm 1950 tại thành phố Niefang, lúc bấy giờ là thuộc địa Guinea của Tây Ban Nha, nay là quốc gia Guinea Ecuatorial độc lập. Ông là nhà báo, nhà văn và nhà hoạt động chính trị, một trong những thành viên tích cực của Phong trào Phi Châu nói tiếng Tây Ban Nha. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ và xã luận. Truyện ngắn El sueño dưới đây của ông được ra mắt lần đầu trong tuyển tập Papeles de Son Armadans vào năm 1973.

Vài dòng về Guinea Ecuatorial

Guinea Ecuatorial là một nước nhỏ nằm bên bờ nam Đại Tây Dương, phía tây Trung Phi (diện tích chưa đến 1/10 so với Việt Nam và dân số chỉ hơn một triệu người), thủ đô là Malabo. Guinea Ecuatorial giành lại độc lập từ thực dân Tây Ban Nha vào năm 1968, sau hơn một thế kỷ là thuộc địa của nước này. Đây là quốc gia châu Phi duy nhất nằm trong khối những nước nói tiếng Tây Ban Nha (países hispanohablantes). Tiếng Tây Ban Nha là một trong bốn ngôn ngữ chính thức của Guinea Ecuatorial được 67.6% dân chúng nói thông thạo, bên cạnh tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha. Ngoài ra, dân bản xứ còn nói hơn một chục thứ tiếng gốc Phi châu khác. Chính quyền của Guinea Ecuatorial là một thể chế độc tài, liên tục bị tổ chức Freedom House xếp hạng là “tồi tệ nhất trong những nước tồi tệ nhất” trong hồ sơ nhân quyền, qua khảo sát thường niên về các quyền chính trị và dân sự của tổ chức này.

  

Tôi hãy còn trẻ, chỉ mới vừa kỷ niệm tròn hai mươi lăm năm ngày cắt da quy đầu. Nếu phải tự chất vấn mình đang làm gì ở chốn này, chắc tôi phải chịu rằng mình là kẻ ngu ngốc nhất thế giới. Ông ngoại tôi, ông Diallo, lúc nào cũng có lý: “Tôi còn trẻ người non dạ, chưa hiểu ất giáp gì cả.” Cách đây hai mươi lăm năm, người ta làm lễ cắt da quy đầu cho tôi trong một ngôi làng tồi tàn chẳng ai biết đến, bên bờ sông Casamance. Trong dòng sông đó, máu của tôi đã chảy ra; trong dòng sông đó, tôi đã học bài học bơi lội đầu đời. Dòng nước ấm nóng, lạ lẫm, như những tấm gương phản chiếu thật rõ ràng những bầu ngực căng phồng của đám thiếu nữ trong làng. Tôi không biết lý do vì sao, cũng như không còn nhớ rõ lúc nào, chỉ biết là mình đã dứt áo ra đi, rời khỏi ngôi làng nghèo khó đó để theo học trường Bignona1. Nơi đó tôi đã sống bốn năm, bốn năm trời trong một mảnh đời phơ phất nào đó.

Khi tôi đã quen chịu đựng muỗi mòng và những cơn đói mà không còn than vãn quá mức, khi tôi đã được công nhận là một tên da đen sẵn sàng làm việc, người ta đưa tôi qua một đồn điền của người da trắng. Chúng tôi trồng lúa cho ông chủ da trắng, một loại lúa mà chúng tôi chưa hề được nếm thử. Rồi năm tháng lại trôi qua, những năm tháng mà trong tôi cứ dần tăng lên niềm ao ước được trốn chạy, được thoát khỏi cảnh cơ cực lúc bấy giờ. Tôi muốn cưới cô gái da đen tên Traoré làm vợ, cô xinh đẹp còn hơn đêm tối đen đậm đặc nhất, nhưng tôi không có mười hai con bò cái mà tôi cần ký thác giúp làm của hồi môn cho cô. Mười hai con bò cái. Mười hai con vật đó sau này đã khiến tôi ngày càng thêm sa sút.

Tôi đã có được bốn con bò. Tôi muốn Traoré tin tưởng vào tôi, thấy tôi cật lực làm lụng và có thể làm bất cứ chuyện gì, hy sinh mọi thứ chỉ vì nàng. Tello, anh họ của tôi, đã qua Gambia để thử thời vận, và trở về cùng hai mươi con bò cái và hai con bò đực. Lamine, một người anh họ khác, tìm đến xứ miền của những người mandinga2 ở tận phía bắc, vượt qua sông Senegal, để rồi quy cố hương với một món đồ mà hắn gọi là “xe đạp”, và rằng nó có giá trị còn hơn tất cả các con bò trên trái đất này. Tôi chưa bao giờ tin lời hắn nói. Trên đời này thử hỏi có cái gì mà giá trị còn hơn một con bò cái? Những kẻ như hắn đi tha phương cầu thực và đánh mất lòng tin vào nơi chôn nhau cắt rốn. Quê hương của những kẻ đó cũng chẳng còn trông cậy gì vào họ. Ông ngoại Diallo của tôi, người vẫn còn nhớ mình đã từng thấy con tàu bị mắc cạn trên bờ biển Joal3, ở xứ của những người mandinga, ông đã bảo những người tha hương ấy rằng chẳng có con gái nào ở đây chịu lấy họ làm chồng cả, vì chính họ đã chối từ các cô, làm nhục các cô khi tơ tưởng tới những cô gái da trắng. Trong thâm tâm tôi rất đồng ý với ông ngoại. Ai đời lại đi so sánh một chiếc xe đạp với một con bò cái c 

Tậu bò cái còn khó khăn hơn nhiều. Tôi đã mất biết bao nhiêu thời gian để gom góp mà vẫn chưa đủ, và cô nàng Traoré đen đậm đà của tôi đã doạ sẽ không chờ đợi nữa mà sẽ tìm người nào khác tháo vát hơn tôi. Tôi nghèo rớt mồng tơi thì biết làm gì đây. Ngày tôi dắt con bò thứ năm đến giao cho Traoré thì nàng trả lại luôn cho tôi bốn con kia. Đã vậy tôi còn phải thanh toán cho nàng tiền cỏ mà chúng đã ăn của nàng bấy lâu nay!

Thế rồi tôi cũng ra đi. Tôi bắt đầu thấy những cái lợi của chiếc xe đạp. Ít nhất nó cũng không đòi ăn cỏ. Vậy là tôi mua ngay một chiếc. Tôi làm việc trong một đồn điền trồng đậu phọng ở xứ của những người mandinga. Ông chủ là người da đen, đen như ánh sáng của ban ngày. Tôi thích ông chủ da trắng của ruộng lúa trước đây hơn, nhưng ông chủ da đen này thì trả lương khá hậu hĩ. Ở thành phố lớn, các cô gái không đòi bò mà chỉ muốn xe đạp, thậm chí có khi cũng chẳng mè nheo thứ gì cả.

Lúc mẹ tôi mất, tôi trở về bên dòng sông Casamance. Tôi gặp lại Dikate, cô gái mà cách đây ba năm tôi không buồn để mắt đến. Âu đó cũng là quy luật của cuộc sống. Lẽ ra tôi đã cưới cô, cũng như ba tôi ngày trước, khi lấy vợ không cần xe đạp hay thứ gì khác cả. Nhưng làm sao các cô nể nang người đàn ông không hề cho cô ta món gì cả kia chứ? Một lần nữa, tôi lại thấy mình còn mắc míu trong chuyện mấy con bò. Rồi tôi lại ra đi. Xa hơn lần trước. Tôi đến tận thủ đô Dakar, thành phố đồ sộ nhất mà từ trước đến giờ tôi đã từng thấy. Mỗi lần viết thư cho Dikate, tôi đều nói với nàng rằng chúng tôi sẽ sống với nhau ở đó mãi mãi, trong những toà nhà giống như những cái tổ, ở đó những người đàn ông chẳng khác gì những con ong thợ, nhưng được cái là thứ gì cũng thoải mái cả. Đúng là Dikate sẽ phải học hỏi nhiều điều lắm. Nàng còn chưa biết đi xe đạp nữa kìa.

Ở Dakar người ta kiếm ra tiền khá dễ dàng, nhưng cũng chưa đủ nhanh cho lắm. Tôi không muốn Dikate bỏ tôi như cô nàng Traoré đen đậm đà ngày trước đã từng bỏ tôi. Tôi phải kiếm sao cho ra mười hai con bò cái thật nhanh chóng. Lần này mà thất bại nữa thì những người ở ven sông Casamance sẽ cho rằng tôi không đáng làm đàn ông để kiếm được vợ. Cuộc sống này có còn nghĩa lý gì nữa khi một người đàn ông không đáng làm đàn ông?

Ôi các công ty ở thủ đô mới xấu xa làm sao! Ông ngoại Diallo lúc nào cũng cảnh cáo với tôi về chúng. Khi tôi đến Dakar, chẳng khác nào một là lên thiên đàng, hai là xuống hoả ngục, nhưng từ một nơi xa xôi, lúc nào ông ngoại cũng nhắc nhở tôi rằng những nơi chốn đó chính là thiên đàng và hoả ngục trộn chung lại. Ông ngoại thật là có lý! Ông quả thấu hiểu con người: chẳng gì ông cũng đã chứng kiến tất cả những đứa bé trai lần lượt ra đời trong bộ lạc của tôi, đã thấy tận mắt những người da trắng đến trên con tàu mắc cạn ở bãi cát biển Joal.

Càng ngày nàng Dikate đen đậm đà của tôi càng thúc hối tôi. Thế thì tôi phải hành động thôi. Một công ty mờ ám cho tôi biết về cảng Las Palmas, nơi có thể kiếm ra một số tiền tương đương với bảy con bò cái trong vòng một năm. Thật tình mà nói, tôi cũng chẳng cần suy tính gì nữa. Như ông ngoại Diallo vẫn thường bảo, lần thứ nhất không suy nghĩ thì qua đến lần thứ nhì cũng thế thôi. Thế là tôi đến Las Palmas làm việc trong hai năm trời ở bến cảng to lớn mà lần đầu tôi mới được thấy. Lớn hơn cả cái cảng ở St. Louis, và còn lớn gấp bội cái cảng ở Dakar. Nhưng hầu bao của tôi thì chẳng lớn hơn thêm được bao nhiêu. Nói nào ngay, ở đây kiếm được nhiều tiền hơn ở xứ của những người mandinga, nhưng cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu nổi, tiền tôi làm ra mới vào cửa này đã đi ra cửa khác. Lỗi đầu tiên là phải đổ cho cái tên da trắng bẩn thỉu lúc nào cũng đòi tôi chia cho hắn một nửa số tiền tôi kiếm ra được. Đúng là hắn đã giúp tôi vượt biển trên chiếc thuyền mong manh của hắn; không có hắn thì chắc tôi đã chẳng đến nơi này được. Nhưng tôi thấy trả công cho hắn kiểu này thì quả là quá đáng. Còn cái lỗi thứ hai là tôi bị cám dỗ, thích tằng tịu với các cô gái da trắng ở bến cảng. Tôi đổ cả gia tài của mình vào vụ này, không sao kiềm chế nổi.

Trong thời gian đó, tôi gặp một anh chàng mandinga cao ráo, lúc nào cũng bôi nước hoa thơm phức, bảo với bọn thợ chúng tôi rằng hắn sẽ giúp đưa chúng tôi sang Pháp để kiếm thật nhiều tiền. Ai nghe qua cũng mê tít đề nghị đó. Thật chẳng có cái ngu nào giống cái ngu nào. Sao lũ chúng tôi lại không nghĩ ra được nhỉ? Nếu Dikate mà biết được rằng tôi sắp dạo bước trên hè phố Paris, sắp được chiêm ngưỡng ngọn tháp Eiffel bằng chính hai con mắt đen của tôi, được đến diện kiến ngài tổng thống của Cộng Hoà Pháp Quốc, được đàm đạo với Nã Phá Luân… Những điều đó há chẳng có giá trị gấp ngàn vạn lần tất cả những con bò cái trên mặt đất này hay sao? Thế là tôi nộp cho tên mandinga tất cả tiền bạc dành dụm được từ trước tới giờ. Tôi còn hứa sẽ giao luôn cho hắn năm con bò của mình ở quê. Cũng may là hắn không ăn thịt bò.

Anh chàng mandinga đưa chúng tôi đến Algeciras4 bằng thuyền rồi chuyển sang xe lửa lên Barcelona. Em đen Dikate của tôi ơi, tôi không thể nào diễn tả hết với em về những xứ miền của người da trắng đó. Khi tôi đến Paris, khi tôi được tận mắt nhìn dòng sông Seine—mà nhất định là phải rộng lớn hơn dòng Casamance—lúc đó tôi sẽ kể hết cho em nghe về mọi thứ. Thế nhé.

Cho dù có muốn mấy đi nữa, không ai có thể mường tượng ra được những gì vĩ đại, sáng loáng, những gì… những gì… ai làm sao biết được về thành phố Barcelona! Hai ngày sau khi đến đây, bọn tôi được đưa đến làm việc trên một xa lộ thênh thang, cách xa thành phố. Trong giờ nghỉ, chúng tôi không được đi chung với nhau mà phải đi từng nhóm hai hay ba người. Theo lời anh chàng mandinga sạch sẽ và thơm tho, làm như vậy mới an toàn cho chúng tôi. Tiền lương của chúng tôi được giao thẳng cho hắn. Hắn quản lý tất cả và chỉ trả cho chúng tôi một số tiền ít ỏi để chi tiêu.

Tôi chẳng muốn kể lể gì với em nữa. Cứ nghĩ đến những vẻ huy hoàng diễm lệ của Paris, tôi đã quên hết mấy con bò cái. Ngôi làng nhỏ bé của chúng ta thì ăn thua gì so với thế giới bao la này? Mười hai con bò cái thì nghĩa lý gì khi cuối cùng chẳng còn gì đáng nói nữa? Em là gì, nếu không phải là sự phá sản của tôi? Và biết đến bao giờ tôi mới được gặp lại em?

Chúng tôi ở Barcelona trong sáu tháng trời. Mỗi ba người phải rúc vào một cái võng chật hẹp, hôi hám để ngủ, cọ xát tấm lưng trần vào mặt võng, xót xa. Chưa một lần chúng tôi được đặt chân vào thành phố. Chưa một lần tôi được ngủ với cô gái nào ở bến cảng. Chúng tôi hầu như không làm được bất cứ điều gì theo ý muốn.

Rồi người ta lại chất chúng tôi lên xe lửa, xuôi về miền biên giới. Đến đó, anh chàng mandinga cho chúng tôi biết sẽ có người khác lo cho chúng tôi. Hắn bảo họ sẽ không bỏ rơi chúng tôi, cho đến khi nào mọi người đã thật sự đặt chân lên đất Pháp. Lòng tôi như mở hội. Chỉ trong thoáng chốc, tất cả những cơ cực, lầm than như đã tan biến hết. Chắc khi đã kiếm được việc làm, tôi sẽ gọi điện thoại cho em ngay, gọi cho ba má em, cho anh chị em của chúng ta…

Đêm đó, một người đàn ông đến gặp chúng tôi. Chắc em không thể nào tưởng tượng được cái lạnh mà tất cả chúng tôi đang phải chịu đựng. Tôi không nghĩ rằng em hình dung ra được mùa đông nó như thế nào đâu. Chúng tôi co ro trong ga xe lửa ngay chỗ hẹn, cố trao đổi vài lời với nhau về một hơi ấm không có thật. Cuối cùng, khi người đàn ông xuất hiện, chúng tôi mới được ăn một ít xúp và vài món khác trong quán ăn của ga xe lửa.

Trước lúc khởi hành, người đàn ông lấy hết tiền Tây Ban Nha của chúng tôi, viện cớ rằng chúng tôi không cần đến nữa. Đi được nửa đường, trong một khu rừng rậm rạp, tối mịt, ai nấy phải mò mẫm đi, người đàn ông lấy hết giấy thông hành của mọi người. Hắn bảo: “Đến Pháp, tôi sẽ trả lại thông hành cho các anh.” Chúng tôi ra đến sông. Tôi không biết con sông này tên gì mà cũng không hiểu mình đang ở đâu, tôi đoán là vùng biên giới Pháp-Tây Ban Nha. Trời hửng sáng. Tôi mệt lử. Chúng tôi phải ngồi đợi trong hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng mới thấy một vài tia sáng. Đó là mật hiệu. Một chiếc thuyền đang tiến gần vào bờ.

Trong tâm trạng lén lút, hồi hộp, chúng tôi thay nhau chèo thuyền. Thình lình có giọng người hô lên “Dừng lại!”, đồng thời với một tiếng nổ vang. Chiếc thuyền lật úp. Em yêu ơi, dòng nước mới lạnh làm sao! Tôi như bị đông cứng cả người, không biết cách nào vào được đến bờ. Vậy là tiêu tan mọi thứ. Chẳng còn trâu bò gì nữa cả. Điều cuối cùng mà tôi nhớ được là những ảo tưởng đã tan tành của chúng ta. Tôi không biết, từ bên dòng sông xa thăm thẳm kia, em có nghe được tiếng kêu thét vang lên từ cái chết của tôi không. Tôi chẳng còn tin gì vào những vong hồn trong họ mạc nữa, nhưng sẽ cố cầu nguyện với ông ngoại Diallo cho em. Tôi… tôi…

Tôi chợt bừng tỉnh dậy. Bên cạnh tôi, nàng đang say ngủ. Nàng như đang mỉm cười. Chắc những cơn mơ của nàng rất khác với những cơn mơ của tôi. Những cơn mơ da trắng. Tôi nghe lạnh đến tận xương tuỷ. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Tôi nghĩ chắc mình sắp chết. Tôi đánh thức nàng dậy, khẽ khàng và thong thả. Tôi muốn biết chắc là mình chưa chết, rằng tất cả chỉ là một giấc mộng. Nàng nhìn tôi, xa lạ.

– Ngay bây giờ sao anh?

Nhất định phải là ngay lúc đó và chỉ có lúc đó mà thôi.

Và như thế, tôi đã trở lại với cuộc đời.

 _____________________________________________________________

 

Chú thích

1 Thị xã nằm về phía nam của nước Senegal, giáp ranh với Gambia, Tây Phi châu.

2 Tên gọi của nhóm sắc dân ở Tây Phi, sinh sống nhiều nhất ở miền nam Mali, miền đông Guinea và miền bắc Costa de Marfil (Côte d’Ivoire).

3 Bãi biển ở miền tây Senegal, phía đông-nam của thủ đô Dakar.

4 Thành phố tự trị thuộc tỉnh Cadiz, vùng Andalusia, miền nam Tây Ban Nha.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét