4 thg 7, 2021

Câu Hát Huê Tình - Nam Văn (honviet.com)

Câu Hát Huê Tình


Trên bến bắc Cần Thơ, có một lần ngồi chờ bắc để qua sông(1) tôi đã được nghe, từ trong một quán nước, tiếng của một chị đàn bà miền Nam hát ru con. Tiếng hát của chị bay vút lên cao, ngân lảnh lót trong buổi trưa đứng gió khiến tôi đột nhiên bàng hoàng, lặng người đi một lúc, rồi xúc động, rồi đâm ra nhớ mà không biết là nhớ ai và nhớ cái gì. Một nỗi nhớ nhè nhẹ và hiu hiu, mênh mông và vời vợi. Đệm theo tiếng hát là những tiếng ầu ơ kéo dài và tiếng võng đưa kẽo kẹt. Những giọng điệu và những âm thanh mà ngày nay ở những thành phố không ai còn nghe thấy nữa.

Ầu ơ… Thò tay mà ngắt ngọn ngò

Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ…
Inline image
Đó là một câu hát ru con mà đúng ra phải gọi, theo cách gọi của vùng đất phía Nam, là một câu hát huê tình. Thứ câu hát mà một anh dân quê chất phác, hiền lành nhưng giàu tình cảm của người miền Nam đã buột miệng làm ra vào một buổi chiều nhàn rỗi, bước ra khoảnh vườn rau nhỏ sau nhà, xách nước tưới mấy bụi hành ngò, mấy dây bầu, dây bí rồi chợt nhìn thấy ở phía xa xa trên con đường đất nhỏ mà ở vùng quê người ta kêu là bờ mẫu, cô gái hàng xóm mà anh thầm thương trộm nhớ, không biết đi đâu về và có lẽ sợ trời mau tối không kịp đến nhà để nấu bữa cơm chiều nên có vẻ vội vàng tất tả.

Thò tay mà ngắt ngọn ngò…

Những nhà nghiên cứu văn học dân gian bảo đây là một câu thơ thuộc thể hứng. Nhưng tôi thì xin thú thật là tôi không cần biết là thể hứng hay thể tỉ gì cả. Tôi chỉ biết là anh dân quê của tôi lúc ấy có lẽ đã thật sự ngắt một cọng ngò rồi thì tình yêu khơi dậy hồn thơ của anh, đưa đẩy anh làm được một câu hát vừa dễ thương vừa thiệt thà, chơn chất khiến đã có không biết bao nhiêu người khi nghe đều cảm thấy rung động trong lòng.
Cũng như những ca dao trữ tình của miền Trung và miền Bắc, câu hát huê tình của miền Nam là những câu hát, câu thơ dân dã nói về tình yêu giữa trai và gái, giữa vợ và chồng, giữa những người yêu nhau mà không lấy được nhau, nói về những hẹn hò, những gắn bó, những nhớ, những thương, những hoài mong, những hy vọng được sống bên nhau cho đến lúc bạc đầu. Một nhà văn Pháp là André Maurois bảo là tình yêu có bảy khuôn mặt(2) nhưng với những câu hát huê tình thì tôi nghĩ là tình yêu phải có đến muôn ngàn khuôn mặt, muôn ngàn khía cạnh để phơi bày và để tỏ bày.

Những câu hát huê tình là những câu thơ, những đoạn thơ rất đáng yêu vì có cái hồn nhiên mà cảm động của lời thơ, vì những tình ý nhẹ nhàng nhưng mặn nồng mà những nhà thơ vô danh của miệt ruộng, miệt vườn đã phổ vào mỗi câu mỗi chữ.

Lan huệ sầu ai lan huệ héo

Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi

Không phải chỉ có những tình ý nên thơ, trong mỗi tiếng mỗi lời còn có nhạc. Ngày nhỏ, có một thời gian về sống ở vùng quê tôi đã được nghe khá nhiều câu hát mà tôi còn nhớ mãi đến tận bây giờ:

Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn

Khúc sông giang hà chỗ cạn chỗ sâu.

Cái ma lực của tiếng hát, cái quyến rũ của mỗi nhịp, mỗi vần đã thâm nhập vào tôi, hòa lẫn trong tôi thành một thứ tình cảm bao la mà tôi biết đó là mối tình của tôi đối với miền Nam, đối với quê hương xứ sở.

Gió đưa trăng thì trăng đưa gió,

Chớ con trăng lặn rồi gió biết đưa ai?

***

Như đã nói ở trên, tình yêu giữa những người yêu nhau không phải chỉ được làm bằng những thề non hẹn biển, bằng những yêu đương, bằng những nhớ nhung, bằng những chung thủy mà còn được làm bằng xa cách, bằng đợi chờ khắc khoải, bằng thờ ơ, bằng quên lãng, bằng phụ bạc, bằng phản bội.

Bởi bị phụ bạc nên người ta than thở:

Anh tiếc công anh đào ao thả cá

Ba bốn năm trời, người lạ tới câu.


Bởi bị phản bội nên người ta trách móc:

Một mai ai dỗ ai dành

Chanh chua bậu chuộng, cam sành bậu chê.

Bởi ghen tuông nên người ta nghi ngờ, gay gắt:

Anh nắm tay em bóp cộm chiếc đồng

Của cha mẹ sắm hay chồng mới cho?

Bởi héo hắt tương tư nên người ta chỉ gặp nhau trong giấc mộng:

Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ,

Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.

Bởi sầu muộn vì tình nên người ta héo hon vàng võ:

Chim chuyền nhành ớt líu lo

Mảng sầu con bạn ốm o gầy mòn.

Bởi thờ ơ, quên lãng nên người ta biết sẽ không bao giờ còn được gặp nhau:

Chừng nào đá nổi, rong chìm,

Muối chua, chanh mặn mới tìm đặng em.

Bởi quá yêu nhau nên người ta nói với nhau những lời xẳng xớm:

Có thương thì thương cho gắt

Bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn

Đừng như con thỏ nọ đứng ở đầu truông

Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.

Nhưng nói xong thì hối hận, vội xuống giọng vỗ về:

Cục đá lăn nghiêng lăn ngửa

Tôi thò tay tôi sửa

Cho cục đá lăn dẹp

Tôi coi không đẹp

Nên cho cục đá lăn tròn.

Ớ nầy em ơi, giận thì anh nói vậy chớ bụng anh còn thương em.

***

Bây giờ cũng nên nói một chút về những người trong cuộc, những người đã làm ra những câu hát huê tình. Họ là những dân quê, phần đông là ít học. Trai thì làm ruộng, làm vườn, chèo ghe, tát đìa, bắt cá. Gái thì coi sóc trong nhà hoặc làm một nghề nhẹ nhàng như nghề hàng xáo. Những lần đi chợ quận mua bán những thức cần dùng, những đêm giã gạo dưới ánh trăng, những dịp làng cúng Kỳ Yên(3) có rước gánh hát về hát ngoài đình là những cơ hội để họ được gặp nhau rồi quen nhau. Từ đó nảy sinh những mối tình và từ những mối tình ấy đã xảy ra bao nhiêu chuyện mà họ kể lại cho chúng ta nghe như chúng ta đã biết.

** Trong số những chàng trai si tình có những anh lanh lợi, mưu trí, khôn ngoan, điềm tĩnh, không nóng nảy, hấp tấp như nhiều anh khác:

Tới đây dầu đói giả no

Dầu khôn giả dại đặng dò ý em.

** Đó là những chàng trai từng trải, đi nhiều, hiểu rộng và cuối cùng vẫn không thoát khỏi tiếng sét của ái tình, nhưng còn ráng đổ thừa là tại ông trời cho đỡ ngượng:

Anh đi lục tỉnh giáp vòng

Tới đây trời khiến đem lòng thương em.

** Có những anh con trai thiệt thà như đếm, khi yêu chỉ biết có yêu và tìm mọi cách lấy lòng bà má, miễn sao cưới được vợ là mừng:

Đi ngang nhà má, tay tôi xá, cẳng tôi quỳ,

Lòng thương con má sá gì thân tôi.

** Lại có những anh chàng ngang ngổ, nóng tính, liều lĩnh, bất chấp mọi hậu quả của một cuộc tình éo le, cắc cớ:

Em có chồng anh cũng thương đùa

Anh vô khám lớn, anh đẩy xe rùa, anh cũng ưng.

** Ngoài ra cũng có những anh con trai quê mùa, lam lũ, quanh năm chỉ quen với con trâu, cái cày, cây lúa, tầm mắt không xa hơn lũy tre làng, vậy mà lại có thể đưa ra một thứ tam đoạn luận tình yêu không ai bắt bẻ nổi:

Hồi chiều tôi có vô đình,

Hạc chầu thần đủ cặp, sao hai đứa mình lẻ đôi?

** Về phía phái đẹp thì họ là những cô thôn nữ mềm mỏng, dịu dàng. Điều ước mong tha thiết nhứt của họ là lấy được một người chồng hiền lành, chung thủy, biết chí thú làm ăn, dầu cho có phải bền gan chờ đợi:

Sông dài cá lội bặt tăm

Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ.

** Có cô, tôi không biết ý trung nhân của cô đã thủ thỉ với cô những gì mà thấy cô đã khôn khéo lên tiếng trước:

Liệu bề thương được thì thương,

Đừng trao gánh nặng giữa đường cho em.

** Một cô khác, biết là mối tình của mình rồi sẽ kết thúc bằng một sự “đường ai nấy bước” nhưng cũng muốn là cuộc chia tay ấy sẽ là một cuộc chia tay êm thắm để mỗi bên còn giữ một kỷ niệm đẹp về nhau:

Đôi ta như quế với gừng,

Dầu xa nhau nữa xin đừng tiếng chi.

** Cũng có những cô khá mới, dạn dĩ không thua gì bọn con trai, dám tìm đến nhà người yêu để thăm dò cho đỡ nhớ:

Giả đò mua khế bán chanh

Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn.

** Một cô khác nữa, rất “thực tế”, đã nói với anh bạn tình:

Cái Răng, Vàm Láng, Kinh Xáng, Phong Điền

Anh thương em thì cho bạc cho tiền

Đừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay

** Có một cô nữa, trước lời đề nghị của một anh chàng đã có vợ nhà, “thẳng thừng” hỏi lại:

Chiếu bông đem trải góc đền

Em vô làm bé biết có bền hay không?

** Và cũng không nên quên một số những cô gái đáng thương, hồng nhan mà phận mỏng, lỡ chân trái bước và cũng biết mình đã quá tuổi xuân thì:

Thôi thôi vụt đuốc đi thầm

Còn duyên đâu nữa mua trầm bán hương!

***

Theo những nhà nghiên cứu văn học dân gian(4) thì ca dao trữ tình chủ yếu được làm theo thể thơ lục bát và song thất lục bát, nhưng cũng có một số làm theo thể lục bát biến thể và song thất biến thể. Ở miền Bắc và miền Trung, theo như tôi thấy, những bài làm theo thể biến thể rất hiếm, trong mười bài họa hoằn chỉ gặp một đôi bài. Những bài nổi tiếng của ca dao trữ tình miền Bắc được nhiều người biết đến như “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…”  và “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen...”  đều là những bài làm theo thể thuần lục bát và thuần song thất lục bát. Riêng tôi chỉ gặp có mỗi một bài ca dao trữ tình với câu mở đầu lục bát biến thể:

Muốn tắm mát thì lên ngọn suối sông Đào,

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

Có lẽ miền Bắc là đất “nghìn năm văn vật”, miền Trung là đất “Thần Kinh”, ảnh hưởng của lối văn chương truyền thống, lối văn chương trường ốc còn mạnh. Còn miền Nam là miền đất mới, miền đất của những kẻ “Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” nên người dân quen với lối sống cởi mở, không ràng buộc, ăn nói không phải giữ miệng giữ mồm. Các câu hát huê tình của họ được buông thả, không theo khuôn phép. Làm theo một thể nhứt định cũng được mà không làm theo một thể nhứt định cũng được, miễn sao lời hay ý đẹp là có thể chấp nhận được rồi. Thử lấy hai câu hát na ná giống nhau, một của miền Bắc, một của miền Nam, và đọc lên, chúng ta sẽ thấy.

Qua cầu ngả nón trông cầu

Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu.

Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn

Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu.

Câu trước (của miền Bắc) là con ngựa hiền lành ngoan ngoãn. Câu sau (của miền Nam) là con ngựa được thả lỏng dây cương đang hung hăng phi nước đại.

Đó là một nét đặc thù của văn chương dân dã miền Nam. Rải rác trong những câu hát huê tình chúng ta gặp rất nhiều những câu, những bài làm theo thể thơ biến thể:

Tôi tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây.

*

Phải chi ngoài biển có cầu

Để anh ra đó anh giải đoạn sầu cho em

*

Áo vá vai vợ ai không biết

Chớ áo vá quàng chí quyết vợ anh.

*

Nước An Hòa chảy qua Bình Thủy

Em có chồng rồi mới nghĩ thương anh.

*

Gặp mặt em đây mới biết em còn

Chớ hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi.

Có những đoạn dài hơn, gần như là một bài thơ:

Khổ qua xanh khổ qua đắng

Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo

Anh thương em không kể giàu nghèo

Mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua.

*

Con rắn không chưn nó đi năm rừng bảy rú

Con gà không vú nó nuôi được chín mười con

Chớ chi nhan sắc bậu mòn

Bậu lăn vô đó chiều lòn cũng ưng.

*

Cúc mọc dưới sông cho nên kêu bằng cúc thủy

Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa

Gởi thơ thăm hết nội nhà

Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.

***

Như chúng ta đã biết, tác giả của những câu hát huê tình phần đông là những dân quê, họ không thuộc thành phần trí thức, cũng không phải là những nhà thơ chuyên nghiệp. Nếu nói như Xuân Diệu thì họ là những “con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi”. Thành thử cũng có một số người hoài nghi về giá trị văn chương, về giá trị nghệ thuật của những câu thơ dân dã. Nhưng hoài nghi như vậy là đòi hỏi ở họ quá nhiều, là đặt ra cho họ những tiêu chuẩn quá cao. Văn chương bình dân thì làm sao bì được với văn chương bác học!

Tuy nhiên trên thực tế và trên một vài phương diện, giá trị nghệ thuật và khả năng gây cảm xúc của loại thơ dân dã, của những câu hát huê tình nhiều khi có thể gây bất ngờ cho những nhà nghiên cứu.

Tôi xin đơn cử một thí dụ, một câu trong số hàng mấy trăm câu hát huê tình:

Ghe lui khỏi bến còn dằm

Người thương đâu mất, chỗ nằm còn đây.

Một anh dân quê, buổi chiều ra đứng trên bờ rạch ngó mông, nhìn thấy một vệt dài, dấu vết của một chiếc ghe đã nhổ sào đi xa, để lại trên bãi bùn trong lòng con rạch. Từ hình ảnh nầy anh nghĩ đến người tình cũ, nghĩ đến “chỗ nằm còn đây” của người tình cũ rồi tiếc nhớ khôn cùng. Bao nhiêu là nghĩa tình! Bao nhiêu là kỷ niệm!

Đề tài nhớ người tình cũ hay khóc người vợ đã mất cũng được khai thác nhiều trong văn chương bác học. Ông vua thi sĩ Tự Đức có bài Khóc Bằng phi: “Ớ Thị Bằng ơi đã mất rồi/ Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ôi!”. Gần chúng ta hơn, nhà thơ Đông Hồ cũng có thơ khóc vợ trong tập Linh Phượng lệ ký: “Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm…”. Nhưng thú thật, với người khác thì không biết thế nào, chớ với tôi cả hai bài thơ ấy đều không làm cho tôi xúc động. Ngay đến đại thi hào Lý Bạch của Trung Quốc, cũng không thành công bao nhiêu khi làm bài thơ Tương tư để nhớ một mỹ nhân :

Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường

Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng

Sàng trung tú bị quyển bất tẩm

Chí kim tam tải văn dư hương

Ngô Tất Tố dịch là:

Người đẹp khi còn hoa đầy phòng

Người đẹp đi rồi giường bỏ không

Trên giường mền gấm cuốn không đắp

Đến nay ba năm hương còn nồng.

Một bài thơ hay, rằng hay thì thật là hay, thế thôi. Vì thiếu cái rung cảm thật để thuyết phục người đọc cùng chia sẻ. Ngoài ra ông Lý Bạch phải cần dùng đến 4 câu thất ngôn, vị chi 28 chữ mới nói được nỗi tưởng nhớ của mình. Còn anh dân quê của tôi, chỉ với 2 câu lục bát ngắn, chỉ với 14 chữ lấy trong lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị thường ngày đã nói lên được cả một trời đau thương, cả một trời tiếc nhớ:

Ghe lui khỏi bến còn dằm

Người thương đâu mất, chỗ nằm còn đây!

Như vậy chẳng phải đó là giá trị văn chương đích thực, là giá trị nghệ thuật đích thực của những câu hát huê tình hay sao?


Nam Văn (honviet.com
(1) Người dân các tỉnh miền Tây quen gọi là “bến bắc” chớ không gọi “bến phà” và hồi ấy chưa có cây cầu nối liền hai bờ như hiện nay.

(2) Les sept visages de l’amour  - André Maurois.  

(3) Cúng cầu an, mong được mưa thuận gió hòa mà nói trại ra thành cúng Kỳ Yên.

(4) Văn học dân gian - Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên 


H.Phi chuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét