Tôi có người bạn mang họ Tôn Thất. Tôi nhờ bạn giải thích sơ vì sao mang họ Tôn Thất. Bạn bảo chuyện dài dòng, rắc rối, khó trả lời.
Do khao khát muốn biết, tôi tìm hiểu qua sách báo. Hôm nay, qua mấy dòng đơn sơ này, tôi xin chia xẻ hiểu biết của tôi.
TỪ “NGUYỄN” QUA “NGUYỄN PHÚC”
Trong dòng họ Nguyễn làm chúa, rồi làm vua ở nước ta từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 20 (1558 – 1945), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và những bậc tiền bối hay đồng hàng với chúa chỉ mang họ NGUYỄN không thêm chữ lót (?).
Đến lúc mang thai người con thứ 6, bà vợ của chúa Nguyễn Hoàng mộng thấy vị thần đến cho tờ giấy có chữ PHÚC và để hưởng phúc được lâu dài, bà đề nghị lấy chữ PHÚC làm chữ lót cho dòng họ từ đó về sau.
Người con thứ 6 ấy của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên, sau đó, lên kế vị ngôi Chúa.
Như thế, họ NGUYỄN thành họ NGUYỄN PHÚC kể từ cuối thế kỷ 16 – Nguyễn Phúc Nguyên sinh năm 1563.
TỪ “NGUYỄN PHÚC” ĐẾN “TÔN THẤT”
Đến đời vua Minh Mạng (1820 – 1840), sợ con cháu đông dễ “lỗi hàng thất thứ”, vua nghĩ ra cách để nhận thứ hàng, thân sơ trong dòng họ.
Vua định ra TIỀN HỆ và CHÁNH HỆ.
TIỀN HỆ tính cho hậu duệ các đời chúa. Còn CHÁNH HỆ tính cho hậu duệ từ vua Gia Long. Trong CHÁNH HỆ, chia ra PHIÊN HỆ và ĐẾ HỆ.
Vua MINH MẠNG sai Đông Các Đại Học Sĩ Đinh Hồng Phiên (quê xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) soạn 11 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt:
- Một bài là Đế Hệ Thi dành chỉ thứ hàng trong hậu duệ của chính nhà vua.
- Mười bài là Phiên Hệ Thi dành chỉ thứ hạng, thân sơ trong hậu duệ 10 anh em ruột của nhà vua – 10 bài vì vua có 13 anh em trai, 2 chết sớm, còn lại người anh (Nguyễn Phúc Cảnh) và 09 người em có sinh hạ.
Và vua Minh Mạng lệnh, thay vì dùng họ NGUYỄN PHÚC, con cháu trong họ NGUYỄN PHÚC lấy từ kép TÔN THẤT để thay họ. Vậy là TÔN THẤT được xem như họ có từ đời vua Minh Mạng.
Những người mang Tôn Thất thay họ chia ra:
(1) Người chung tổ với hậu duệ trực hệ của vua từ các chúa chỉ dùng hai từ Tôn Thất (Tôn Thất Thuyết …),
(2) Người chung tổ với hậu duệ trực hệ của vua từ vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh), ngoài Tôn Thất, còn mang thêm một tên lót (Tôn Thất DƯƠNG Thanh …) Tên lót ấy lấy chữ theo thứ hàng từ một trong 10 bài Phiên Hệ Thi (Mời tìm 10 bài Phiên Hệ Thi trên mạng).
KHÔNG DÙNG “TÔN THẤT” MÀ CHỈ DÙNG CHỮ THEO THỨ HÀNG TRONG ĐẾ HỆ THI
Còn hậu duệ trực hệ với vua Minh Mạng thì chỉ dùng tên lót lấy chữ theo thứ hàng từ bài Đế Hệ Thi (BỬU HỘI, VĨNH QUYỀN …) xem như thay họ chứ không thấy có thêm Tôn Thất …
Bài Đế Hệ Thi như sau:
MIÊN HƯỜNG ƯNG BỬU VĨNH
BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG
HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT
THẾ THỤY QUỐC GIA XƯƠNG
Trong 20 chữ của Đế Hệ Thi, hình như mới dùng được 6 chữ; ngày nay, con cháu hoàng tộc có khuynh hướng dùng lại họ NGUYỄN PHÚC.
Các phần trên chỉ nói về nam giới, còn nữ giới thì sao?
DÙNG TỪ THAY HỌ CỦA NỮ GIỚI TRONG HOÀNG TỘC TRIỀU NGUYỄN
Con gái của các vị TÔN THẤT thì gọi là TÔN NỮ (con gái dòng vua chúa).
Còn con gái của các vị lấy chữ trong ĐÉ HỆ THI thay họ thì:
(1) Con gái của vị mang chữ MIÊN là CÔNG NỮ (người ta bảo những vị anh em vua được xem như mang tước CÔNG – tước to nhất trong 5 tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam; nhưng tôi nghĩ CÔNG còn nghĩa là ÔNG – một danh xưng tôn quý muốn dành cho các vị ấy)
(2) Con gái của vị mang chữ HƯỜNG là CÔNG TÔN NỮ (cháu gái của ÔNG)
(3) Con gái của vị mang chữ ƯNG là CÔNG TẰNG TÔN NỮ (chắt gái của ÔNG)
(4) Con gái của vị mang chữ BỬU là CÔNG HUYỀN TÔN NỮ (chiu gái của ÔNG).
Còn con gái của các vị mang những chữ kế tiếp gọi từ gì thay họ thì tôi không biết.
Chữ TÔN trong khoản (2), (3) và (4) là CHÁU, khác chữ TÔN trong TÔN NỮ ở trên là thuộc dòng vua chúa.
Nhiều khi không muốn dài dòng, các cô, các bà chỉ dùng từ TÔN NỮ để thay họ thay vì CÔNG TÔN NỮ, CÔNG TẰNG TÔN NỮ …
CÔNG CHÚA VÀ PHÒ MÃ
Con gái của vua gọi là HOÀNG NỮ. Khi gả hoàng nữ đi lấy chồng, vì là bậc có quyền cao chức trọng nhất nước, trong lễ cưới, vua không chịu đứng ngang vai vế với cha mẹ của chú rể, vua cử một quan đại thần có tước CÔNG thay mặt vua làm chủ hôn. CÔNG CHỦ cũng còn đọc là CÔNG CHÚA.
CÔNG CHÚA, đại khái, là hoàng nữ có gả chồng. Danh vị CÔNG CHÚA sau đó còn được vua sắc phong để được cấp tiền bạc, đất đai sinh sống, làm Phủ Đệ (nơi ở), khi chết đi, làm phủ thờ.
Chồng của CÔNG CHÚA được mang danh vị PHÒ MÃ. Lý do là như thế này:
Chức quan PHÒ MÃ ĐÔ ÚY hàm tòng tam phẩm có nhiệm vụ sắp xếp, kiểm tra đoàn xe ngựa đưa vua đi ra ngoài.
Để phòng ngừa kẻ phản nghịch làm hại vua, Tư Mã Viêm – người lập ra nhà Tấn (266 – 420) bên Tàu – quy định người giữ chức PHÒ MÃ ĐÔ ÚY phải là rể vua.
Từ đó, bên Tàu áp dụng quy định đó, bên ta bắt chước theo, cho nên rể vua – chồng công chúa – mới gọi là PHÒ MÃ.
Trên đây, tôi đọc sách, đọc báo, lượm lặt những thông tin về các danh xưng trong hoàng tộc triều Nguyễn. Tôi muốn chia sẻ những thông tin ấy với các bạn đọc giải trí
Nếu có sai sót, mong các bạn bỏ qua.
Hoàng Đằng
02/7/2021
Ảnh từ Google: Đại Nội
Xem Thêm về : Đế Hệ Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét