John Cheever (1912-1982) là nhà văn Hoa Kỳ viết tiểu thuyết và truyện ngắn, còn được biết đến qua biệt danh “Chekhov của vùng ngoại ô”. Đề tài của ông thường là tính nhị nguyên của bản chất con người, hay niềm hoài vọng về một lối sống nào không còn tìm thấy nữa. Ông được trao giải Pulitzer năm 1979, National Book Critics Circle năm 1981, và—sáu tuần lễ trước khi ông qua đời—National Medal for Literature, vào tháng Tư, 1982. Truyện ngắn The Swimmer của John Cheever được ấn hành lần đầu tiên vào năm 1964.
Hôm đó là một trong những ngày Chủ nhật vào giữa mùa hè, lúc mọi người ngồi quây quần bảo nhau: “Tối hôm qua tôi uống nhiều quá!” Câu này cũng có thể nghe từ những giáo dân đi lễ nhà thờ về, từ chính miệng của vị linh mục giáo xứ, lúc ngài đang loay hoay chỉnh lại bộ lễ phục trong phòng thay quần áo, tại những sân golf hay sân quần vợt, hay ở khu bảo vệ đời sống hoang dã, nơi vị chủ tịch câu lạc bộ Audubon đang khổ sở vì dư vị của cuộc chè chén quá độ đêm trước. “Tôi uống quá nhiều!”, Donald Westerhazy than thở. “Chúng ta ai cũng uống nhiều thật!” Lucinda Merrill tán đồng. “Chắc là tại mấy chai rượu vang,” Helen Westerhazy thêm vào. “Tôi uống nhiều vang đỏ quá!”
Cuộc trò chuyện đang diễn ra bên hồ tắm của gia đình Westerhazy. Lấy nước từ một giếng phun có nhiều chất sắt, cái hồ mang một màu xanh lục nhạt. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Về hướng tây có một đám mây khổng lồ, trông như một thành phố từ xa xa—hay nhìn từ mũi của một chiếc tàu đang tiến đến—giống đến nỗi nó có thể mang một cái tên. Lisbon. Hay Hacksensack. Nắng nóng bức. Neddy Merrill ngồi ở ven hồ, một tay bỏ thõng xuống làn nước xanh, tay kia cầm một ly rượu gin. Hắn có dáng người thanh mảnh—nét thanh mảnh trông như của một người trẻ tuổi—và tuy chẳng còn trẻ trung gì nữa, sáng hôm ấy hắn đã tuột từ trên lan can cầu thang xuống tầng dưới, lại còn vỗ mạnh vào lưng của bức tượng Aphrodite bằng đồng trên cái bàn trong hành lang, lúc đang đuổi theo mùi thơm của cà-phê toả ra trong bếp. Có thể ví hắn với một ngày mùa hè, đặc biệt là những giờ cuối cùng trong ngày. Tuy không cầm một cái vợt tennis trong tay, hay không mang một cái túi hải hành, cả người hắn rõ ràng vẫn toát ra một nét trẻ trung, vui vẻ, như một ngày tiết trời tươi mát. Hắn đã bơi khá nhiều nên giờ đây đang ngồi thở hào hển, tựa như muốn nuốt chửng hết vào hai buồng phổi những tố chất trong thời khắc đó, sức nóng của mặt trời và niềm vui nồng nhiệt của hắn. Mọi thứ dường như đang tuôn tràn vào phổi hắn. Căn nhà của hắn toạ lạc tại Bullet Park, khoảng tám dặm về hướng nam, nơi bốn đứa con gái xinh đẹp của hắn chắc đã ăn xong bữa trưa và hẳn là đang chơi tennis với nhau. Hắn chợt nảy ra ý nghĩ rằng mình có thể về nhà theo một lộ trình ngoằn ngoèo bằng cách lội qua các hồ bơi trong vùng.
Hắn vốn sống một cuộc đời không bị ràng buộc, nên cũng khó mà giải thích vì sao hắn lại thích thú với ý tưởng muốn trốn thoát thực tế như thế. Bằng con mắt của một nhà vẽ địa đồ, dường như hắn hình dung ra được một chuỗi các hồ bơi trong vùng hắn ở, một luồng nước phần lớn là chạy ngầm dưới mặt đất mà hắn có thể lấy tên của vợ mình để đặt là Lucinda. Hắn không phải là một kẻ đùa dai, lại càng không phải là một tên xuẩn ngốc, nhưng nhất định hắn phải là một người có nhiều sáng kiến. Một cách mơ hồ và khiêm nhượng, hắn tự cho mình là một nhân vật huyền thoại. Ngày hôm nay đẹp quá, hắn thấy dường như mình có thể đón mừng và làm thăng hoa vẻ đẹp đó bằng một cuộc bơi lội đường dài.
Hắn cởi cái áo khoác đang vắt trên vai rồi nhảy tõm xuống hồ. Chẳng hiểu sao lúc nào hắn cũng coi thường hạng đàn ông không bao giờ dám bông-nhông xuống nước. Hắn bơi từng quãng ngắn, thở đều đặn, lúc thì mỗi sải tay thở một lần, lúc thì bốn sải tay thở một lần, trong lúc vẫn thầm đếm trong đầu những cú đập chân một-hai, một-hai của mình. Kiểu này thật ra không có lợi để bơi đường trường, nhưng bơi mãi cũng thành thói quen, và theo hắn, bơi sải là kiểu phổ biến nhất. Dầm mình dưới làn nước xanh nhạt dường như không thú vị bằng trở về tình trạng thiên nhiên, nên hắn thà bơi mà không mặc gì cả, nhưng đối với kế hoạch hắn vừa vạch ra thì không ổn rồi. Hắn trồi lên ở phía cuối hồ—không bao giờ dùng các bậc thang—rồi đi băng qua bồn cỏ. Lúc Lucinda hỏi hắn đi đâu, hắn bảo là sẽ bơi về nhà.
Tấm bản đồ duy nhất của toàn vùng và sơ đồ từng khu nhà mà hắn lần theo chỉ là trong trí nhớ hay tài tưởng tượng của hắn, nhưng như vậy cũng đủ rồi. Trước tiên là hồ bơi của các gia đình Graham, Hammer, Lear, Howland và Crosscup. Rồi hắn sẽ băng qua đường Ditmar để đến hồ bơi nhà Bunker, đoạn đi bộ một quãng ngắn nữa, hắn sẽ đến hồ của các nhà Levy, Welcher, và hồ bơi công cộng ở Lancaster. Rồi đến hồ bơi của các gia đình Halloran, Sachs, Biswanger, Shirley Adams, Gilmartin và Clyde. Trời thật đẹp, và hắn như đang sống trong một thế giới êm đềm và hạnh phúc, với một nguồn nước dạt dào chung quanh. Tâm hồn phấn chấn, hắn chạy băng qua những vạt cỏ xanh. Trở về nhà trên một lộ trình khác thường khiến hắn cảm thấy mình như một kẻ hành hương, một nhà thám hiểm, một người có thể an bài số phận. Hắn tin rằng mình sẽ gặp nhiều bạn bè trên đường bơi, những người quen biết đứng dọc theo hai bên bờ con sông mang tên Lucinda.
Hắn băng qua hàng giậu ngăn đôi phần đất của hai gia đình Westerhazy và Graham, đi dưới những hàng cây táo đang trổ hoa, qua cái lán có chứa máy bơm và máy lọc nước, rồi tiến đến hồ bơi của nhà Graham. “Ủa, Neddy đó à?” bà Graham hỏi. “Không ngờ anh lại ở đây. Từ sáng tới giờ tôi cứ gọi điện thoại cho anh mãi mà không được. Để tôi lấy cái gì cho anh uống nhé.” Như bao nhiêu nhà thám hiểm khác, hắn nhận thấy tập quán và truyền thống hiếu khách của thổ dân chỉ nên được đáp lại một cách xã giao, nếu hắn muốn đi đến nơi về đến chốn. Hắn không muốn gây thắc mắc hay tỏ ra khiếm nhã đối với gia đình Graham, nhưng cũng không có thì giờ để nán lại ở đó. Hắn bơi hết chiều dài của hồ tắm sau nhà rồi lên bờ gặp hai vợ chồng. Cũng may là chỉ vài phút sau hắn đã thoát nạn nhờ hai chiếc xe chở đầy bạn bè của hai ông bà từ Connecticut đến. Trong lúc mọi người đang lao xao tay bắt mặt mừng với nhau, hắn chuồn đi mất. Hắn tiếp tục đi dần xuống, qua trước nhà của gia đình Graham, đạp lên một hàng giậu đầy gai rồi băng qua một khu đất trống trước khi đến nhà của vợ chồng Hammer. Từ mấy bụi hoa hồng, bà Hammer ngẩng lên nhìn thấy một người đang bơi qua nhưng không rõ là ai. Vợ chồng nhà Lear nghe tiếng hắn bơi bì bõm ngang khung cửa sổ của phòng khách. Gia đình Howland và Crosscup đều đi vắng cả. Rời hồ bơi nhà Howland, hắn băng qua đường Ditmar và trực chỉ về phía nhà Bunker. Từ xa xa, hắn đã nghe tiếng huyên náo của một buổi tiệc.
Mặt nước dường như chặn lại những tiếng cười nói, rồi tung ngược lên cho lơ lửng giữa không trung. Hồ bơi của gia đình Bunker xây trên một chỗ đất cao. Hắn bước lên những bậc cấp, đến một khoảng sân có chừng hai ba chục người, cả nam lẫn nữ tíu tít nâng ly với nhau. Người duy nhất ở dưới hồ bơi là Rusty Towers, đang nằm bồng bềnh trên một cái phao lớn. Hai bờ của dòng sông Lucinda mới xinh đẹp và phì nhiêu làm sao! Những người đàn ông, đàn bà sang trọng tụ tập ven làn nước xanh biếc, trong lúc những người phục vụ vận áo trắng tinh mang đến cho họ những ly rượu gin ướp lạnh. Trên bầu trời, một chiếc máy bay de Havilland màu đỏ đang bay lòng vòng, trông như một đứa trẻ hớn hở chơi đánh đu. Trong một thoáng, Ned thấy thích thú với tất cả cảnh tượng đó, hắn có một cảm giác trìu mến kỳ lạ đối với buổi tiệc, tưởng chừng như có thể vuốt ve nó được vậy. Có tiếng sấm từ xa xa. Vừa nhác thấy hắn, Enid Bunker đã kêu lên: “Ồ, xem ai đến kìa! Ngạc nhiên thật đấy nhé! Lúc Lucinda nói anh sẽ không đến, thiếu điều tôi muốn chết đi được!” Cô len qua đám đông để đến gần hắn. Sau khi cả hai chào nhau bằng một cái hôn, cô dắt hắn về phía quầy rượu, nhưng chốc chốc hắn lại phải dừng chân để hôn nhiều người đàn bà khác, cũng như bắt tay với cả chục người đàn ông. Một anh phục vụ rượu—mà hắn đã gặp ở cả trăm buổi tiệc khác—tươi cười mời hắn một ly gin pha rượu bổ trong lúc hắn dừng lại ở quầy rượu, lo lắng không biết làm sao tránh chuyện trò để khỏi làm chậm trễ chuyến hải hành của mình.
Vừa lúc sắp sửa bị nhiều người đến vây quanh, hắn nhảy xuống nước, bơi ven theo mép hồ để tránh đụng vào cái phao của Rusty. Đến cuối hồ, hắn đi ngang qua mặt vợ chồng Tomlinson, vừa cười vừa chạy lên lối đi trong vườn. Điều khó chịu duy nhất chỉ là những hòn sỏi dưới chân của hắn. Buổi tiệc chỉ tập trung bên hồ bơi, càng đi lên gần hướng căn nhà, hắn càng nghe những tiếng nói cười sảng khoái và sũng nước xa dần, thay vào đó là âm thanh của một chiếc radio vang ra trong nhà bếp, dường như có người nào đang theo dõi một chương trình đá bóng. Hôm nay là chiều Chủ nhật. Hắn len lỏi qua dãy xe đang đậu trước nhà, men theo bờ cỏ dọc theo hai bên khoảng sân trước nhà xe và ra đến đường Alewives. Hắn không muốn ai nhìn thấy mình trong cái quần tắm, nhưng trên đường không một bóng người. Đi một quãng ngắn, hắn đã đến trước nhà xe của gia đình Levy, có dựng tấm bảng ĐẤT TƯ HỮU và một cái ống màu xanh để người ta bỏ báo The New York Times vào. Các cửa lớn và cửa sổ của căn nhà bề thế đều mở toang nhưng nhìn vào không thấy ai bên trong, không nghe ngay cả một tiếng chó sủa. Hắn đi vòng sang bên hông nhà để vào đến hồ bơi, để ý thấy dường như vợ chồng Levy cũng vừa mới rời chỗ đó. Phía cuối hồ, gần cái nhà thuỷ tạ có treo lơ lửng những chiếc lồng đèn Nhật Bản, còn thấy bề bộn trên bàn mấy cái ly, vài chai rượu cùng hai ba cái đĩa đựng các loại hạt sấy khô. Sau khi bơi dưới hồ xong, hắn tự rót đãi cho mình một ly rượu. Ly này là ly thứ tư hay thứ năm của hắn từ sáng đến giờ, và hắn đã bơi gần nửa dòng sông Lucinda. Hắn cảm thấy hơi mệt, nhưng rất hài lòng vì chỉ có một mình, hài lòng với tất cả mọi thứ.
Trời sắp có một cơn dông lớn. Đám mây khổng lồ—cái thành phố ấy—càng lúc càng bốc lên cao, đen kịt. Lúc đang còn ngồi nơi bàn, hắn nghe tiếng sấm đì đùng vang lên. Chiếc de Havilland vẫn còn bay lòng vòng trên không. Hắn tưởng chừng như mình nghe được cả tiếng người phi công vui cười trên cao trong buổi chiều hè. Khi nghe một tràng sấm khác nổi lên, hắn vội nhổm dậy định tiếp tục cuộc hải hành về nhà. Xa xa có tiếng còi xe lửa, hắn tự hỏi bây giờ là mấy giờ. Bốn giờ? Hay năm giờ rồi cũng nên. Hắn nghĩ đến cái ga xe lửa tỉnh lẻ vào giờ này, nơi có một người làm nghề bồi bàn mặc áo mưa che ngoài bộ đồng phục, một người lùn cầm bó hoa gói trong giấy báo, và một người đàn bà chắc trước đó đã khóc lóc đang chờ chuyến xe lửa địa phương. Trời bỗng dưng tối sầm lại; và ngay lúc đó, lũ chim bắt đầu chuyển giọng hót của chúng thành những hồi báo động khẩn thiết về cơn dông đang tiến gần. Đoạn hắn nghe tiếng nước rào rạt từ trên ngọn một cây sồi phía sau lưng, tựa như ai đó đang mở khoá vòi nước. Rồi tiếng nước tuôn trong vòi đồng loạt vang lên trên tất cả những đỉnh cây cao chung quanh hắn. Tại sao hắn lại yêu thích mưa bão như thế? Cảm giác bị khích động của hắn—mỗi lần cửa mở toang ra để luồng gió trong cơn mưa thốc vào, luồng lên tận trên lầu—có ý nghĩa gì? Vì sao một việc giản dị như đóng lại tất cả những cánh cửa sổ trong một ngôi nhà cũ kỹ lại có vẻ cần kíp và khẩn thiết như vậy? Và vì sao những tín hiệu ướt át của một cơn dông gió đối với hắn lại là thứ âm thanh không thể nào nhầm lẫn được của những tin vui và niềm hân hoan khôn tả? Chợt có một tiếng động ầm vang, nghe như có cả mùi thuốc nổ, mưa đập mạnh vào những chiếc lồng đèn Nhật Bản mà bà Levy mua ở Kyoto vào năm ngoái, hay năm trước đó nhỉ?
Hắn nán lại trong nhà thuỷ tạ của gia đình Levy cho đến khi đợt dông gió chấm dứt. Cơn mưa làm không khí trở nên lành lạnh khiến hắn run rẩy. Sức gió mạnh làm rụng những chiếc lá màu đỏ hay vàng của một cây phong, rơi vương vãi trên mặt cỏ hay trong những vũng nước. Cây phong đang tàn lụi dần vì bây giờ là giữa mùa hè, và hắn chợt thấy buồn bã một cách lạ kỳ khi nhìn thấy một cảnh tượng như đã vào thu. Hắn vươn vai, nốc cạn ly rượu, nhắm hướng tiến về hồ bơi của vợ chồng nhà Welcher. Muốn đến đó, hắn phải đi qua con đường dành để cưỡi ngựa hình vòng cung của gia đình Lindey. Hắn ngạc nhiên thấy khu vực này cỏ mọc um tùm, cùng những chướng ngại vật nằm rời rạc, lăn lóc. Hắn không biết gia chủ đã bán hết đàn ngựa hay họ đang đi nghỉ hè nên không dùng đến những thứ ấy nữa. Hắn nhớ dường như có nghe phong thanh chuyện gì đó về gia đình Lindley và đàn ngựa nhưng không rõ là việc gì. Hắn lầm lũi đi, hai chân trần giẫm lên mặt cỏ ướt, hướng về nhà của vợ chồng Welcher. Đến nơi, hắn mới biết là hồ bơi của họ đã cạn nước.
Chỗ làm ngắt quãng dòng nước này khiến hắn thất vọng khôn tả. Hắn thấy mình chẳng khác gì một nhà thám hiểm đi tìm một nguồn nước chảy xiết mà chỉ bắt gặp một con suối khô cạn. Không những thất vọng, hắn còn thấy kinh ngạc. Mùa hè đi chơi xa thì còn hiểu được, nhưng ai đời lại xả hết nước trong hồ bơi kia chứ? Rõ ràng là gia đình Welcher đã đi vắng. Bàn ghế quanh hồ đã được xếp lại, chất thành đống, bên trên phủ một tấm vải dầu. Nhà tắm đã khoá cửa. Mọi cửa sổ quanh căn nhà đều đóng im ỉm. Đi vòng ra phía trước nhà xe, hắn thấy tấm bảng NHÀ BÁN đóng đinh vào một thân cây. Lần cuối cùng hắn qua lại với vợ chồng Welcher là lúc nào nhỉ? Chắc là lúc Lucinda và hắn từ chối lời mời đến ăn tối của họ thì phải. Dường như mới độ một hai tuần trước gì đó thôi. Trí nhớ của hắn đã bắt đầu suy giảm, hay hắn đã quen với việc ém nhẹm những điều không vui đến nỗi làm hư hại giác quan của mình về sự thật? Bỗng hắn nghe tiếng dội banh tennis từ đâu vẳng lại khiến hắn thấy phấn khởi lên đôi chút. Cảm xúc bất ngờ ấy đã giúp hắn dẹp tan mọi lo âu để có thể ngước nhìn mầu trời u ám và cảm cái lạnh trong không khí bằng một cách thờ ơ. Hôm nay là ngày Neddy Merrill bơi xuyên qua toàn vùng. Hôm nay chính là ngày đó! Hắn bắt đầu quãng đường khó khăn nhất đang chờ trước mắt.
Nếu bạn tình cờ lái xe ngang qua vào buổi chiều Chủ nhật hôm ấy, bạn hẳn đã nhìn thấy hắn, gần như trần truồng, đứng ở ven con lộ 424, chờ băng qua đường. Bạn sẽ tự hỏi không biết hắn có phải là nạn nhân của một trò chơi khăm, xe hắn bị hư, hay đơn giản chỉ là một tên khùng. Trông hắn thật thiểu não—đi chân không, đứng bên một bãi phế thải cạnh con lộ đầy những lon bia, giẻ rách và cả trăm thứ không tên khác—chịu trận hết những lời nhạo báng của mọi người đi qua. Lúc khởi sự, hắn đã biết trước đoạn đường này sẽ là một phần trong chuyến đi—trong bản đồ của hắn có ghi chỗ này. Tuy nhiên, hắn thấy mình chưa chuẩn bị để đối phó với cảnh xe cộ đông như mắc cửi dưới ánh nắng hè chói chang như thế. Những người lái xe cười nhạo, la hét, có người còn ném cả một lon bia về phía hắn. Trong tình huống đó, hắn không tài nào còn giữ nổi vẻ chững chạc hay tính hài hước cố hữu của mình nữa. Hắn đã có thể quay lại nhà của vợ chồng Weschester, nơi Lucinda chắc vẫn còn ngồi dưới ánh nắng hè. Hắn chưa ký kết gì, thề thốt gì, hứa hẹn gì, ngay cả với chính mình. Thế thì tại sao hắn lại không thể quay trở lại, khi vẫn đinh ninh rằng bản tính ương ngạnh của con người lúc nào cũng dễ bị những lẽ thường tình gây ảnh hưởng? Tại sao hắn cứ khăng khăng đi cho hết cuộc hành trình cho dẫu việc đó có thể nguy hiểm đến tính mạng? Tự bao giờ cái trò ngông, trò cười, trò đùa này đã trở thành chuyện nghiêm túc vậy? Hắn không thể quay lại, thậm chí hắn cũng không còn nhớ nổi màu nước trong xanh của hồ bơi ở nhà Westerhazy, những giọng nói quen thuộc và khoan thai tuyên bố rằng mình đã uống quá nhiều đêm hôm trước. Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, hắn đã đi xa đến nỗi không thể nào trở lại được nữa.
Một ông già lái xe thong thả về phía nam trên con lộ ở tốc độ 15 dặm một giờ nhường cho hắn băng ra đến giữa đường, chỗ có dải phân cách bằng cỏ. Đứng tại đó, hắn lại trở thành trò cười cho đoàn xe chạy về hướng bắc. Đến mười lăm phút sau hắn mới băng được qua bên kia lộ. Từ đây hắn chỉ cần cuốc bộ một quãng ngắn là đến Trung Tâm Giải Trí ở ven làng Lancaster, nơi có vài sân bóng và một hồ bơi công cộng.
Hiệu ứng của nước tương tác với những tiếng nói cười, những cảnh tượng tươi vui hay ly kỳ cũng tương tự như ở nhà Bunker, tuy những tiếng động ở đây còn có phần ồn ào, gay gắt và chát chúa hơn. Vừa bước vào bên trong đông đúc người, hắn đã thấy ngay tấm bảng nội quy: “MỌI NGƯỜI BƠI ĐỀU PHẢI TẮM TRƯỚC KHI XUỐNG HỒ. MỌI NGƯỜI BƠI ĐỀU PHẢI RỬA SẠCH CHÂN. MỌI NGƯỜI BƠI ĐỀU PHẢI ĐEO THẺ HỘI VIÊN.” Hắn bước vào phòng tắm, rửa sạch chân trong một thứ dung dịch có màu đùng đục và mùi hăng hắc, đoạn đi ra hồ bơi. Nước trong hồ sặc mùi thuốc khử trùng. Hồ bơi trông như một cái chậu khổng lồ. Hai nhân viên cấp cứu trong hai cái chòi cách xa nhau thỉnh thoảng lại thổi lên những hồi còi, hay làm phiền những người đang bơi qua hệ thống loa phóng thanh công cộng. Neddy thấy tiếc nhớ làn nước trong xanh ở nhà Bunker. Hắn nghĩ mình có thể bị nhiễm trùng khi bơi lội trong thứ nước đục ngầu ở đây, thậm chí nét quyến rũ sang trọng của mình cũng có thể bị tổn thương theo. Nhưng hắn lại tự nhắc nhở rằng mình là một nhà thám hiểm, một người hành hương, và rằng đây chỉ là một khúc quanh ứ đọng của dòng sông Lucinda. Hắn nhảy xuống vùng nước đậm đặc chất khử trùng, nhăn mặt lại vì ghê tởm. Hắn phải vừa bơi vừa ngoi đầu lên khỏi mặt nước để nhìn thấy và tránh những người khác nhưng vẫn bị va chạm, chen lấn và nước vấy lên tung toé. Khi hắn bơi đến chỗ cạn phía cuối hồ, cả hai gã nhân viên cấp cứu đồng thanh la lên: “Ê, ông không đeo thẻ hội viên kia! Ra khỏi hồ ngay!” Hắn vội vàng leo lên bờ, nhưng dù sao hai gã kia cũng không đuổi theo hắn được. Hắn đi xuyên qua mùi thuốc chống nắng và thuốc khử trùng, vượt dãy hàng rào chống bão và mấy sân bóng. Băng qua một con đường nhỏ, hắn đi vào một vùng cây cối rậm rạp cạnh toà nhà của gia đình Halloran. Những lùm cây mọc san sát, chằng chịt với nhau, mặt đất chỗ lồi chỗ lõm rất khó đi. Cuối cùng, hắn đã đến được một bãi cỏ và hàng giậu đan bằng những cây giẽ gai được cắt tỉa cẩn thận, vây quanh hồ bơi của toà nhà.
Gia đình Halloran là chỗ quen biết với gia đình hắn. Đó là một cặp vợ chồng cao niên giàu sụ. Họ có vẻ thích thú với chuyện mọi người vẫn nghi ngờ gia đình họ là cộng sản. Thật ra, họ là những người mang nhiệt tâm cách mạng chứ chẳng phải cộng sản cộng siếc gì. Vậy mà đôi khi ai đó buộc tội họ có ý muốn lật đổ chính quyền, họ lại tỏ vẻ khoái chí là đằng khác. Hàng giậu giẽ gai đã ngả màu vàng, hắn thấy cũng giống như cây phong ở nhà Levy. Hắn hắng giọng để đánh tiếng với ông bà Halloran rằng mình đang vào phía sau nhà họ, ý chừng muốn giảm nhẹ việc mình đang xâm phạm vùng đất riêng tư của họ. Vì một lý do nào mà hắn không bao giờ được biết, hai ông bà không có mảnh vải nào trên người. Cũng lạ là họ không buồn phân trần tiếng nào cả. Tình trạng trần truồng của họ là một dấu hiệu của ý chí không khoan nhượng về tinh thần cổ xuý canh tân của họ. Hắn cũng lịch sự trút bỏ cái quần tắm của mình ra trước khi đi qua một chỗ hổng trong hàng giậu.
Bà Halloran, một phụ nữ mập mạp, tóc trắng bạc, vẻ mặt luôn bình thản, đang đọc tờ tạp chí Times. Ông Halloran đang dùng một cái vợt để vớt những cái lá giẽ gai ra khỏi mặt nước hồ. Thấy hắn, họ không tỏ vẻ gì ngạc nhiên hay khó chịu. Hồ bơi của họ có lẽ là cái hồ lâu đời nhất ở xứ này. Hồ hình chữ nhật, xây bằng đá tảng, nước chảy vào từ một con suối gần đó. Trong hồ không có máy lọc hay máy bơm, nước có màu vàng đục như nước của dòng suối.
Ned bảo: “Tôi đang bơi qua hết vùng này.”
“Thế à? Tôi chẳng bao giờ nghĩ ai có thể làm được chuyện đó!”, bà Halloran thốt lên.
“Tôi bắt đầu từ nhà của vợ chồng Westerhazy”, Ned khoe. “Cách đây những bốn dặm cơ đấy!”
Hắn đặt cái quần tắm của mình xuống bờ phía sâu của hồ rồi đi về phía cạn, nhảy xuống bơi qua hết cái hồ. Lúc vừa leo ra khỏi mặt nước, hắn nghe bà Halloran nói: “Neddy à, vợ chồng tôi hết sức buồn khi nghe những chuyện không may của gia đình anh.”
“Chuyện không may của gia đình tôi?” Ned hỏi lại. “Bà nói gì cơ chứ?”
“À, thì chuyện anh chị vừa bán nhà, và, thật tội nghiệp mấy đứa nhỏ của anh chị…”
“Chúng tôi có bán nhà bao giờ đâu,” Ned cãi, “còn các cháu thì vẫn đang ở nhà đấy ạ.”
“Vâng”, bà Halloran thở dài. “Vâng…” Giọng bà toả ra trong không gian, thoang thoảng một nỗi buồn không đúng lúc. Ned nói vội: “Cám ơn ông bà đã cho phép tôi bơi ở đây.”
“Không có chi. Chúc anh tiếp tục bơi vui vẻ nhé!” bà Halloran đáp.
Ra khỏi hàng giậu, hắn mặc quần vào, buộc sợi dây lưng lại. Chiếc quần có vẻ rộng hơn trước nên hắn tự hỏi không biết trong suốt buổi chiều nay mình có sụt cân đi chút nào chăng. Hắn cảm thấy lạnh và mệt. Hình ảnh cặp vợ chồng Halloran trần truồng và làn nước đục ngầu trong hồ bơi của họ làm hắn thấy buồn bực. Cuộc hành trình bơi lội xem chừng đã quá sức hắn, nhưng làm sao hắn có thể lường trước được, từ lúc ngồi trên lan can cầu thang từ trên lầu tuột xuống tầng dưới vào ban sáng, đến lúc ngồi hong nắng sau nhà của vợ chồng Westerhazy? Hai đùi hắn nhũn ra, khớp xương mỏi rã rời. Kinh khủng nhất là cái lạnh từ trong xương lạnh ra và ý nghĩ rằng hắn sẽ không bao giờ còn được thấy ấm áp nữa. Chung quanh hắn, lá đang rụng từng chiếc. Hắn ngửi thấy mùi khói của củi đốt trong làn gió. Vào mùa này ai lại đi đốt củi bao giờ?
Hắn thèm một ly rượu. Một chút whiskey sẽ giúp hắn thấy ấm áp, sẽ vực hắn dậy và nâng đỡ cho hắn bơi nốt quãng hành trình, hâm nóng lại cảm giác rằng cuộc bơi lội qua suốt vùng của hắn quả là độc đáo và dũng cảm. Các tay bơi lội vượt qua eo biển thường uống rượu mạnh. Hắn cũng cần có chất kích thích. Hắn băng qua bồn cỏ trước toà nhà của ông bà Halloran, đi lần xuống một con đường đất hẹp, nơi ông bà đã xây một căn nhà cho người con gái độc nhất của họ là Helen, cùng người chồng tên là Eric Sachs. Hồ tắm sau căn nhà này khá nhỏ, hắn gặp hai vợ chồng đang ngồi ở đó.
“Ồ, Neddy!” Helen cất tiếng chào. “Anh vừa dùng bữa trưa ở nhà mẹ tôi phải không?”
“Không hẳn là như vậy,” Ned đáp. “Tôi chỉ ghé ngang chơi với ông bà thôi.” Hắn cảm thấy không cần giải thích thêm gì nữa. “Xin lỗi, tôi đã đường đột vào nhà anh chị như thế này. Tôi lạnh quá nên muốn xin anh chị chút gì để uống.”
“Nếu có thì tôi cũng mời anh đấy,” Helen nói, “nhưng từ lúc anh Eric giải phẫu xong, trong nhà chúng tôi chẳng có rượu nữa. Cũng đã ba năm nay rồi.”
Chẳng lẽ hắn mất trí nhớ thật rồi sao? Chẳng lẽ tài giấu giếm những sự thật đau lòng của hắn khiến hắn quên rằng mình đã bán nhà, rằng mấy đứa con của hắn gặp chuyện không may, và Eric đã bị bệnh hay sao? Hắn đưa mắt từ mặt xuống đến phần bụng của anh ta và thấy ba vết sẹo dài ở đó. Cái rốn của anh ta đã biến mất. Hắn nghĩ thầm: “Thế thì cái bàn tay nào đó sờ soạng vào giường lúc 3 giờ sáng để kiểm soát xem anh ta có còn nằm trên giường sẽ có cảm giác như thế nào khi đụng vào một cái bụng không có lỗ rốn, không có gì liên kết với sự sinh đẻ, một đứt đoạn trong chuỗi nối tiếp như thế?”1
Helen nói thêm: “Tôi chắc là anh có thể được uống rượu ở nhà anh chị Biswanger. Họ đang có tiệc lớn đấy. Ngồi ở đây cũng nghe được. Anh nghe thấy chứ?”
Cô ngẩng đầu lên, và chính hắn cũng nghe được tiếng cười nói lao xao bay qua làn nước từ bên kia con đường, qua những bãi cỏ, những khu vườn, những cánh rừng và đồng ruộng. “Tôi xuống hồ bơi một chút nhé!” Hắn bảo, vẫn thấy mình không có lựa chọn nào khác hơn cho cuộc hành trình còn dang dở. Hắn phóng xuống làn nước lạnh lẽo dưới hồ bơi của gia đình nhà Sachs, chớp ngớp, suýt tí nữa là chìm nghỉm. Hắn cố dốc hết sức bơi đến cuối hồ. Vừa đi về hướng nhà Biswanger, hắn vừa ngoảnh lại bảo: “Lucinda và tôi thật tình muốn lại chơi với anh chị lắm. Xin lỗi anh chị nhiều, chúng tôi sẽ gọi điện thoại cho anh chị ngay.”
Hắn đi qua vài quãng đồng trống, hướng về phía căn nhà của vợ chồng Biswanger và những tiếng ồn ào của buổi tiệc. Hẳn họ sẽ lấy làm vinh hạnh được mời hắn một ly rượu. Chắc chắn họ sẽ vui vẻ mời hắn uống rượu. Gia đình này mời vợ chồng hắn đến ăn tối mỗi năm ba bốn lần, và lần nào cũng mời trước cả tháng trời. Lúc nào vợ chồng hắn cũng từ chối nhưng họ vẫn tiếp tục gởi thiệp mời, không chịu hiểu những thực tế khắt khe và thiếu bình đẳng của xã hội. Họ là hạng người thường bàn cãi chuyện giá cả của món này món nọ trong các bữa tiệc rượu, hay trao đổi với nhau những mánh khoé khi đi chợ trong bữa ăn, và ăn xong thì quay ra kể chuyện tục tĩu cho ai nghe cũng được. Họ không thuộc vào giới của Neddy, thậm chí tên của họ cũng không có trong danh sách gởi thiệp Giáng sinh của Lucinda.
Hắn đi về phía hồ bơi của gia đình Biswanger với một thái độ dửng dưng, có phần kẻ cả, tuy trong lòng hơi bồn chồn vì trời dường như đang tối dần, trong khi lẽ ra những ngày hè này phải là những ngày dài nhất trong năm. Hắn thấy trước mặt một buổi tiệc đông đúc và ầm ĩ. Grace Biswanger là hạng chủ nhà thích mời mọc những bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ thú y, chuyên viên địa ốc hay bác sĩ nha khoa. Không thấy ai bơi lội dưới hồ. Buổi chiều nhá nhem phản chiếu trên mặt nước, hắt lên làn ánh sáng ảm đạm của mùa đông. Nhìn thấy quầy rượu, hắn tiến thẳng về phía đó. Thấy hắn, Grace đến gần, không niềm nở như hắn hằng mong đợi mà lại tỏ vẻ khiêu khích.
“Hay nhỉ, buổi tiệc này có đầy đủ mọi thứ”, cô ta nói lớn, “kể cả một kẻ không mời mà đến!”
Hắn không nao núng, nhất định không để cô ta làm mất mặt trước mọi người như thế này. Hắn nhã nhặn hỏi: “À, thế thì kẻ không được mời này có đáng được một ly rượu không ạ?”
“Anh muốn sao cũng được,” cô ta đáp lại. “Anh thì có màng gì đến chuyện ai mời ai bao giờ đâu.”
Cô ta quày quả bỏ đi, nhập bọn với một nhóm khách, trong khi hắn đến quầy rượu và gọi một ly whiskey. Anh chàng phục vụ rót rượu cho hắn với một thái độ hết sức xấc xược. Trong thế giới của hắn, những người phục vụ rượu và thức ăn là những tay trọng tài tính điểm địa vị xã hội cho mọi người. Bị một kẻ như anh chàng này tỏ ra thất kính có nghĩa là hắn đã đánh mất đi sự nể nang trong xã hội. Cũng có thể anh chàng này mới vào nghề nên không biết rõ ai là ai. Vào lúc đó, hắn nghe tiếng của Grace nói oang oang đằng sau lưng: “Chỉ qua một đêm, họ đã trở nên tay trắng—không còn gì ngoài đồng lương—một ngày Chủ nhật nọ hắn ta tới nhà chúng tôi trong cơn say, hỏi mượn năm ngàn đô-la…” Lúc nào cô ta cũng nói đến chuyện tiền nong. Nghe mà như nuốt phải quả bồ hòn. Hắn nhảy xuống nước, bơi đến cuối hồ rồi bỏ đi.
Hồ bơi kế tiếp trên danh sách của hắn—sau đó chỉ còn hai cái nữa—là của Shirley Adams, cô tình nhân cũ của hắn. Nếu hắn đã trúng thương ở nhà Biswanger, thì ở đây chắc hắn sẽ được xoa dịu phần nào. Tình yêu—hay nói đúng hơn là nhục dục cuồng nhiệt—là thứ thần dược hảo hạng, là thứ thuốc trị đau, là viên thuốc màu hồng tươi có thể gắn lại chiếc lò-xo vào bước đi và phả lại tình yêu cuộc sống vào trái tim của hắn. Cả hai đã dan díu với nhau tuần trước, tháng trước hay năm ngoái. Hắn cũng không nhớ rõ. Chính hắn là người quyết định chia tay, hắn là người trên cơ trong cuộc tình này. Giờ đây, hắn đi qua cánh cổng của bức tường vây quanh hồ bơi của cô, không còn chút tự tin nào nữa. Trong một ý nghĩa nào đó, cái hồ bơi dường như thuộc về hắn, như kẻ tình nhân, đặc biệt là kẻ tình nhân lén lút, đang hưởng thụ của cải của người tình bằng thứ uy quyền mà trong hôn nhân không thể nào có được. Shirley đứng đó, mái tóc màu vàng xỉn, thân hình của cô, bên cạnh làn nước xanh da trời phản chiếu ánh đèn, chỉ gợi lên trong hắn những kỷ niệm nhạt nhoà. Hắn cho rằng cuộc tình đó chỉ là qua đường, mặc dầu cô đã khóc khi hắn muốn chia tay. Thấy hắn, dường như cô hơi bối rối một chút, khiến hắn thắc mắc không biết cô đã hết đau khổ vì hắn chưa. Chỉ mong sao lần này cô không khóc lóc nữa.
“Anh cần gì vậy?” cô hỏi.
“Anh đang bơi hết một vòng trong vùng.”
“Lạy Chúa tôi. Anh trẻ con vừa thôi chứ!”
“Vậy thì đã sao?”
“Nếu anh đến đây để khảo tiền”, cô bảo, “thì tôi chẳng có một xu nào cho anh đâu!”
“Em có thể mời anh một ly rượu.”
“Có thể lắm, nhưng tôi sẽ không mời. Ở đây đang còn có người khác.”
“Thế à? Vậy thì anh đi đây.”
Hắn nhảy xuống bơi trong hồ, nhưng lúc cố vươn mình lên ở cuối mép hồ bên kia, hắn thấy bao nhiêu sức lực trong hai cánh tay và đôi vai của mình không còn nữa. Hắn phải lội một cách hết sức khó khăn đến chỗ cái thang mới trèo lên được. Ngoảnh nhìn lại, hắn thấy một người đàn ông trẻ tuổi trong nhà tắm đang thắp đèn sáng choang. Bước qua chỗ cỏ tối đen, hắn ngửi thấy mùi hoa cúc hay hoa vạn thọ—những mùi hương bướng bỉnh của mùa thu—đang toả ra trong không gian của đêm, hăng hắc như mùi khí đốt. Ngẩng đầu lên, hắn thấy bầu trời đã lốm đốm sao, nhưng sao hắn lại thấy những chòm sao Tiên Nữ, Tiên Vương, Tiên Hậu vào lúc này? Còn những chòm sao giữa mùa hè đâu cả rồi? Hắn chợt bật khóc.
Có lẽ đây là lần thứ nhất trong đời của một người lớn hắn đã khóc. Đây là lần thứ nhất trong đời hắn thấy mình thật thảm hại, lạnh lẽo, mệt lả và vô cùng hoang mang. Hắn không sao hiểu được thái độ xấc láo của anh chàng rót rượu, hay sự phũ phàng của một người tình đã từng quỳ xuống dưới chân hắn, khóc đẫm ướt cả hai ống quần của hắn. Cả ngày nay hắn đã bơi quá nhiều rồi, suốt ngày dầm mình dưới nước đến rát cả mũi và họng. Bây giờ hắn chỉ cần một ly rượu, một người bạn nào đó và một bộ quần áo khô ráo, sạch sẽ. Từ chỗ hắn đứng, lẽ ra hắn có thể đi thẳng về nhà, nhưng hắn vẫn tiến về phía hồ bơi của vợ chồng Gilmartin. Lần đầu tiên trong đời, hắn không bông-nhông xuống hồ mà lại lần từng bước một xuống làn nước lạnh cóng. Hắn bơi nghiêng một cách khó nhọc, kiểu bơi mà có lẽ hắn đã học từ lúc còn trẻ. Cuối cùng, hắn loạng choạng, mệt nhoài, hướng về phía căn nhà của vợ chồng Clyde để cố bơi cho hết cái hồ của họ. Cứ bơi một quãng ngắn, hắn lại phải dừng để bám tay vào thành hồ nghỉ mệt. Lúc leo lên cầu thang, hắn tự hỏi mình còn đủ sức để về nhà hay không. Hắn đã thực hiện được điều mình muốn, đã bơi qua hết một vòng trong vùng, nhưng bây giờ, hoàn toàn kiệt sức, hắn kinh hãi nhận thấy chiến thắng là một điều gì hết sức mơ hồ. Dáng thiểu não, hắn vịn vào cái trụ ở cổng cho khỏi ngã, rồi lê từng bước vào khoảng sân trước nhà để xe của mình.
Cả nhà tối om. Đã khuya đến nỗi ai cũng đi ngủ hết rồi sao? Lucinda có ở lại ăn tối với gia đình Westerhazy không? Mấy đứa con của hắn cũng chạy qua bên đó hay đi chơi ở đâu khác? Cả nhà chẳng đã đồng ý với nhau—như mọi ngày Chủ nhật—sẽ từ chối mọi lời mời mọc để ở nhà với nhau là gì? Hắn cố mở cửa nhà xe để xem chiếc xe nào còn trong đó, nhưng cánh cửa đã khoá, chất rỉ sét nơi tay cầm dính vào lòng bàn tay của hắn. Đi qua phía căn nhà, hắn thấy cơn bão hôm trước đã làm một trong những cái máng xối bung ra, treo lơ lửng trước cửa chính như một cái gọng dù bị gãy, nhưng chắc để sáng mai hẵng sửa lại cũng được. Căn nhà cũng khoá trái cửa. Hắn nghĩ chắc tên đầu bếp ngu ngốc hay cô tớ gái đần độn đã khoá cửa lại cũng nên. Mãi sau hắn mới nhớ ra là từ lâu rồi nhà hắn không còn đầu bếp hay đầy tớ nào nữa. Hắn vừa la to vừa đấm lên cửa, rồi lấy vai hích mạnh vào. Thốt nhiên, khi nhìn ngang qua cửa sổ, hắn thấy cả căn nhà trống trơn.
Trần C. Trí chuyển ngữ – 6 – 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét