26 thg 3, 2021

ĐẦY..VƠI - Đào anh Dũng

 

Trẻ Magazine, số 1235, ngày 18/3/2021.
Ở cùng xóm ba bốn năm rồi, nhà kế bên nhau, vậy mà ông Phan mới quen thân với ông Kaiser gần đây thôi. Hai người chỉ chào hỏi khi chạm mặt lúc làm vườn, cắt cỏ hay xúc tuyết vì ông Kaiser là một người ít nói, ít cười. Thời gian đầu khi ông Kaiser mới dọn đến, đôi ba lần ông Phan bắt chuyện với ông hàng xóm này nhưng lúc nào ông ta cũng trả lời cho có lệ, làm cho ông Phan có cảm tưởng mình xui xẻo, ở gần một người Mỹ có đầu óc kỳ thị chủng tộc. May nhờ thằng con là bạn học cùng lớp với cô con gái của ông Kaiser, ông Phan mới hiểu được tình cảnh của ông ta. Vợ chồng chia tay, ly dị nên ông Kaiser phải mua nhà ở riêng với cô con gái. Thảo nào ông ta luôn có vẻ sầu não, chán đời. Biết vậy, ông Phan rất thông cảm với ông hàng xóm của mình. Chính ông cũng đã trải qua một lần dang dở nên ông hiểu cái nỗi trống trải khi thiếu vắng một hình bóng thân yêu. Trong thời gian ấy, cuộc đời của ông tựa như một ly nước vơi đi hết một nửa.
Tuyết tan. Xuân về. Trời ấm áp. Hôm ấy, hai vợ chồng đang lui cui quét dọn những chiếc lá vàng rơi rụng vào mùa thu năm rồi còn sót lại trên sân cỏ, ông Phan bỗng nghe tiếng chào hỏi. Ngạc nhiên thay, đó là ông Kaiser, một ông Kaiser khác lạ với nụ cười thật tươi trên môi, bên cạnh ông là một người đàn bà tuổi đã chớm già nhưng nét thanh tao vẫn còn lưu lại trên một gương mặt phúc hậu. Hỏi thăm nhau, ông bà Phan được biết ông hàng xóm của mình đã nghỉ hưu, bước thêm một bước nữa và hai người vừa mới trở về Minnesota sau mấy tháng trăng mật ở tận Hawaii.
Bà Kaiser thích nấu nướng nên rất hạp với bà Phan, và hai bà cùng nhau kết bạn thật tự nhiên. Nhờ vậy mà sau đó vài ngày ông Phan mới có dịp cụng ly với ông bạn hàng xóm của mình, mới biết ông ta là một người khá cởi mở và thân thiện.
Khi đã ngà ngà men rượu, nhân lúc hai bà đang bận tay trong bếp, ông Phan bèn tâm sự với bạn rằng ông đã trải qua một lần tình yêu dang dở, đã sống một thời gian trầm cảm, và khi ấy ông đã nhìn cuộc đời như một ly nước...
Ông Phan chưa kịp nói hết câu, ông Kaiser đã ngắt lời, miệng mỉm cười, hỏi:
"Nửa vơi hay nửa đầy, hả bạn?"
"Ơ... tôi nghĩ là 'nửa vơi' vì khi ấy tôi rất bi quan."
"Ừ, người đời nói rằng 'nửa vơi' hay 'nửa đầy' tuỳ theo tâm trạng của ta, bi hay lạc quan. Tuy nhiên, sau bao năm lặn hụp trong cuộc đời 'nửa vơi' rồi 'nửa đầy', tôi đã may mắn nghiệm ra rằng lúc nào ta cũng có thể châm nước vào ly cho đầy. Có phải vậy không, ông bạn!?"
Ông Kaiser nói xong, tay nâng ly rượu mời bạn đối ẩm, miệng cười ha hả. Phải đến hơn chục giây ông Phan mới hiểu ý nghĩa thâm thuý của câu nói ấy, ông cụng ly với bạn:
"Đúng! Đúng lắm! Chúc mừng bạn! Cầu xin Thượng Đế ban cho ta một ly nước tràn đầy, không cần phải châm."
đàoanhdũng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét