18 thg 3, 2021

Lê Hữu Khóa: Phụ nữ Việt xưa - những bài học về chủ thể

Tranh: Đông Hồ
Chủ thể chống ngoại xâm để chống diệt vong
Chủ thể chống diệt vong, chống diệt chủng, trước họa xâm (xâm lấn, xâm lăng, xâm lược) trước hiểm họa hiện nay của Việt tộc với ý đồ của Tàu tặc, bằng thâm ý của Tàu tà. Mà man tính trong man rợ có từ tính toán tới hành động, cướp trắng trợn đảo biển Việt cùng lúc gây ô nhiễm qua công nghiệp đầy độc chất của chúng đang đầu tư và khai thác ồ ạt ngay trên lãnh thổ Việt, với sự thông đồng của các lãnh đạo đã bán nước để trục lợi. Chủ thể chống lại chuyện man tính trong man hoạt của Tàu tặc có ngay trong mọi sinh hoạt đang gây ung thư hóa xã hội Việt: đầu độc dân ta qua thực phẩm, thao túng hàng ngày từ sản suất tới tiêu thụ, từ kinh tế tới thương mại, tiêu diệt nông phẩm Việt để diệt nông dân Việt đang có trách nhiệm nuôi cả dân tộc.

Việt tộc nhận bằng kính phục và yêu thương chân dung chủ thể của Hai Bà Trưng. Hai Bà đánh quân Đông Hán, mà người đời đã đúc kết qua câu nợ nước-thù nhà, khi giặc ngoại xâm đã giết chồng của Trưng Trắc là Thi Sách. Nhưng khí thế của Hai Bà tạo được trong kháng chiến thủa đó còn có mang nội lực của mẫu quyền còn ảnh hưởng trong văn hóa Việt chăng? Trong bối cảnh sơn hà nguy biến, có khi nội lực này vượt lên áp lực của phụ quyền. Bằng chứng là chung quanh Hai Bà có các nữ tướng: Lê Chân, Thánh Thiên, Bát Đàng... ngay từ trong tổ chức quân lực cho tới khí thế khi đối diện với địch trên chiến trường, hai Bà đã đóng trọn vẹn vai: Vua! Hai Bà để lại một bài học vô cùng quý báu mà con cháu thời nay luôn phải nhớ là: quyết tâm tự chủ của Việt tộc. Các nhà lãnh đạo độc đảng hiện nay, dù còn độc tài để độc quyền: đừng quên bài học này! Đừng để giặc vào đất nước này lần nữa, chúng không những đã cướp biển, cướp đảo, chúng sẽ cướp luôn nhân phẩm Việt, nhân vị Việt, tâm hồn Việt. Thời Hai Bà ra quân kháng chiến, nhân dân ủng hộ, nhân sĩ tụ nghĩa chung quanh Hai Bà, đó là vì Hai Bà vừa có trí tuệ, vừa có dũng khí giữ nước-cứu dân, để lại những trang sử -trong sáng và trong sạch- về tâm hồn Việt: quyết tâm độc lậpcủa Việt tộc. Hậu thế này sẽ là hậu duệ đạo lý của Hai Bà: không để mất quê hương!

Chủ thể đấu tranh vì độc lập để bảo vệ tự do

Chủ thể đề nghị không nên hiểu tự do qua các định nghĩa khô cứng, mà phải thấy các đoạn đường của nó từ ý thức tự do tới hành động tự do, từ ý nghĩa của tự do tới kết quả đấu tranh vì tự do. Đó là tự do có ý thức chống lại cuộc sống bị vô nghĩa hóa bởi bạo quyền; tự do đi tìm ý nghĩa cuộc sống bị khủng hoảng hóa bởi bất công; tự do bảo vệ niềm tin của nhân phẩm bị suy đồi hóa bởi tham nhũng. Chủ thể tôn trọng chọn lựa của cá nhân, của tập thể, của cộng đồng, của dân tộc, nếu chọn lựa đó có đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành, có luân lý của trách nhiệm, có bổn phận trong hiện tại và trước tương lai. Như vậy tự do luôn mang ba quá trình: tự do yêu cầu công bằng phải vừa là đạo đức, vừa là định chế; tự do biết nói đầy đủ sự thật để tìm cách giải quyết các bất công; tự do là tự chọn lựa lịch sử cho chính mình trước áp lực của bạo quyền.

Chân dung chủ thể có trong bản lĩnh của Bà Triệu, khi Bà khởi nghĩa ra quân cứu nguy đất nước trong bối cảnh của một thời kỳ bi thảm của dân tộc. Bọn giặc nhà Ngô vô cùng tàn bạo với dân Việt, chúng mang sự tàn độc của hỗn chiến thời Tam Quốc tới đất nước Việt ta. Chúng trùm phủ không khí tàn ác nhà Hậu Hán để đô hộ nước Việt, với bọn tham quan bòn rút tận xương tủy dân ta, trong đó phải kể tội tên Thứ sử Lữ Đại, tham ô đi cùng với độc ác. Người thời đó truyền tục: Triệu Thị Trinh can đảm và mưu trí đã khai minh cho những ai thắc mắc, tại sao bà không yên thân với nữ phận, Bà trả lời: “Tôi muốn cỡi gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân”. Đây là tầm vóc nhân sinh quan của Bà, đây cũng là một sung lực của phụ nữ Việt mà các bọn giặc đến cướp ta thường rất vô minh về ẩn số nữ Việt này. Dáng mạo oanh liệt trên chiến trận, Bà cỡi voi, ra trận với mãnh lực khiến cho mỗi lần binh lính giặc Ngô phải đi đối đầu với Bà, chúng đều rất sợ. Từ rừng Bồ Điền, nơi Bà tổ chức kháng chiến tới núi Tùng, Thanh Hóa, Bà đã có hơn 30 trận ác chiến với giặc Ngô. Chính giặc Ngô đặt tên cho Bà là Nhụy Kiều Tướng Quân, công nhận cái thanh của Bà. Ai cũng biết nhân cách cao đẹp của Bà, chính tướng giặc là Lục Dận đã chọn cái tục khi bắt lính quân Ngô trần truồng ra trận để Bà phải ngượng mà lui quân. Tàu tục, Triệu thanh là kinh nghiệm mà ta phải nhớ mỗi lần ta đối đầu với Tàu tặc, tổ tiên ta dặn con cháu phải luôn giữ cái thanh, vì nó tinh khiết, vì nó trong trắng, cho dù trước các câu hỏi tục, chúng ta phải luôn chọn: “đố tục, giảng thanh”.

Thẳng thắn, không dung kẻ xấu, bà đã xử chính đáng bà chị dâu đã phản bội và tố cáo chồng: Triệu Quốc Đạt. Bao lần tướng Ngô tìm mọi cách để chiêu dụ Bà, nhưng chúng luôn thất bại vì khí phách của Bà. Ngược lại, trong tổ chức đội ngũ của Bà, có những kẻ đã để địch mua chuộc, làm tan rã hàng ngũ trước âm mưu của địch. Bài học tổ chức chặt chẽ nội bộ luôn là bài học quý mỗi lần chúng ta phải đối diện với Tàu tặc xâm lăng. Bài học quý hơn cả mà Bà để lại cho các thế hệ Việt hiện nay chính là hùng lực của uy tín tự thân, lấy chính sự tự chủ để làm sức mạnh, và tướng Trần Quang Khải đã tiếp nhận được bài học này của Bà; Vì vậy, trong các trận chiến sắp tới với Tàu tặc, từ ngoại giao tới quân sự, nếu chúng tục, thì ta đừng lùi mà mắc mưu chúng. Ta cứ tiến lên để dẹp cho sạch cái tục, vì cái tục dẫn đường đưa lối cho cái xấu, thô, tồi, dở, để sau đó là mở cửa cho cái thâm, độc, ác, hiểm nhập vào nhân tính Việt. Chúng ta quý trọng văn minh Trung Quốc, chúng ta còn xếp Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử vào bậc thầy, nhưng chúng ta đừng để cái Tàu tục có mặt trên đất nước Việt!

Chủ thể của nhân đạo làm nên nhân phẩm

Chủ thể cẩn thận trong đấu tranh vì tự do, công bằng, bác ái: bắt đầu bằng sự cẩn trọng dựa trên phương tiện tốt và tránh được các hậu quả xấu, cùng lúc biết bảo vệ mọi giá trị của nhân tính. Chủ thể biết chọn lựa cứu cánh tốt với phương tiện tốt cùng lúc biết bảo vệ mọi giá trị của nhân phẩm. Chủ thể cẩn trọng với các giá trị tới đạo đức, tránh giết chóc, thảm sát, chiến tranh cùng lúc biết bảo vệ mọi giá trị của nhân đạo. Chủ thể phải lường trước được các hậu quả trước tính khả thi, để cân, đo, đong, đếm các hậu quả, vì chủ thể có trách nhiệm với tha nhân, trước khi hành động, ngay trên thượng nguồn chủ thể có đạo lý để luôn luôn phải bảo vệ lẽ phải. Chủ thể yêu cầu mọi kẻ đấu tranh vì tự do phải cẩn trọng vì tha nhân, vì cộng đồng, vì xã hội, vì đồng bào, vì đồng loại, chớ không phải cẩn trọng chỉ vì cá nhân mình. Chủ thể chống vô cảm, nếu vô cảm là thờ ơ, lãnh đạm, tức là câm, mù, điếc trước các khổ đau, đánh mất đi mọi cảm xúc, thì chính vô cảm đã phản lại các giá trị đạo đức và phản lại cả sự thông minh của ý thức là nơi tiếp nhận kiến thức. Chủ thể trong cẩn trọng để tự tin chính là tự do trước khi chọn lựa, phải biết phân xử trước khi hành động, phải biết đánh giá các phương tiện và các hậu quả của nó.

Hãy nhận ra chân dung chủ thể của Dương Vân Nga, mà tên thật của Bà là Dương Thị, người ngày nay luôn gọi Bà là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Họ kể với nhau là tên này có là nhờ qua tuồng, các vở tuồng ca ngợi bản lĩnh hoàng hậu hai đời của Bà, đời Đinh và đời Lê. Giai đoạn này nước ta luôn bị giặc Tống đe dọa, rình rập, rồi xâm lược. Vậy mà Hoàng hậu đứng như một cột trụ trung tâm để đối đầu với bọn giặc Tống, lúc thì chúng như cú vọ, lúc thì chúng chồn cáo bụng dạ sói lang của chúng. Hai triều Đinh và Lê, đều không dài trong Việt sử, phận nước Việt trong dầu sôi lửa bỏng, Hoàng hậu cận kề Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu sát cánh với Lê Đại Hành, trước những điểm hẹn gay gắt của thời cuộc, trước những dấu ấn gay go của chính sự, Bà luôn có mặt! Có mặt vì yêu nước thương dân, có mặt để cứu dân cứu nước. Bà bị tai tiếng trong nghi án giết vua Đinh Tiên Hoàng, lại thêm tin đồn tư tình với Lê Đại Hành; xóa triều Đinh, dựng triều Lê. Những nghi án này đi qua đi lại giữa chính sử và hư sử, nên hậu tế này xin đưa ra một đề nghị-làm-giả thuyết để tiếp tục nghiên cứu thêm về Hoàng hậu, lấy chiều cao của công tâm, lấy chiều rộng của lương tâm, lấy chiều sâu công lý, cụ thể là lấy tầm nhìn xa để phân tích tâm lý, tâm trạng, tâm sự của Hoàng hậu trước tình hình rối bời thời đó. Tại đây, hậu thế xin phối hợp hai luận thuyết: một là của triết phân tích chính trị, hai là xã hội học bối cảnh chính trị, mà hậu thế đã dùng trong các nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nay xin đưa vào trường hợp của Hoàng hậu Dương Vân Nga: đó là phân tích so sánh tinh huống giữa số phận và kiếp nạn. Mà số phận và kiếp nạn là hai ngữ pháp rất khác biệt nhau, từ nội dung đến vận hành để kẻ có trách nhiệm lãnh đạo đất nước biến quyết định thành quyết đoán, biến hành vi thành hành động cụ thể để thay đổi chính sự, chiến cuộc, tình thế...

Khi Hoàng hậu đã mang lên cân, đo, đóng, đếm: một bên là số phận riêng của mình, của một triều đại; một bên là kiếp nạn của cả một dân tộc. Kiếp nạn là kiếp dài nhục nhã, đốn mạt cho muôn dân: suốt kiếp phải chịu kiếp nô lệ, cả một giống nòi sẽ mang kiếp bị đồng hóa, cả một đất nước sẽ mất mọi gốc, rễ, cội, nguồn về văn hóa, văn minh, văn hiến của mình, kể cả nhân phẩm Việt đã có sẵn trong bản sắc Việt. Hoàng hậu đã gạt số phận của mình, của triều Đinh qua một bên, để trực diện chống kiếp (hoạn) nạn cho cả một dân tộc, và chính nhờ có Hoàng hậu, mà minh tướng Lê Đại Hành mới vững tâm dẹp giặc. Bài học gạt số phận của tư lợi để trực diện chống kiếp nạn vì dân cứu nước rất hiện đại, nó phải hiển hiện ngay trong não bộ các lãnh đạo hiện nay trước họa Tàu tặc, mà các vị này nên theo Hoàng hậu Dương Vân Nga là: dẹp thù trong trước, để sau đó lo cho đại cuộc là: giặc ngoài! Hậu thế không hề thấy được chân dung của Dương Vân Nga qua các phụ nữ tham quyền cố vị, mà Việt tộc đã gắn bản-hiệu-để-mạt-danh là: cố đấm ăn xôi, trong không gian quyền lực hiện nay chung quanh tập đoàn lãnh đạo trong tội phạm của ĐCSVN. Mà hình ảnh tởm lợm nhất là chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bắt tay trong nhả nhớt, cười vui trong hèn phận trước tên Tàu tặc Tập Cận Bình trong tháng Chín năm 2019, khi bọn Tàu tặc đang vây bủa để trộm, cắp, cướp, giật bãi Tư Chính, thuộc chủ quyền của Việt tộc! Nhưng hậu thế thấy được chân dung của Dương Vân Nga qua nhân dạng của thông minh trong nhân cách tỉnh táo và sáng suốt của các phụ nữ hiện nay đang đấu tranh vì công bằng xã hội, vì dân chủ và nhân quyền. Hiện nay họ đang bị giam cầm bởi bạo quyền độc đảng toàn trị, bởi tà quyền tham quan để tham nhũng, bởi ma quyền tham đất vì tham tiền; mà họ được nêu-tên-để-vinh-danh là tù nhân lương tâm. Những nữ tù nhân lương tâm mới chính là những đứa con tin yêu của Việt tộc

Chủ thể của nhân lý có nhân tâm

Chủ thể có cách nhìn, cách thấy, cách hiểu, cách nhận, cách xử lý tới từ tự tin dựa lên lòng tin về khả năng của tự do biết chống lại sự ngăn cấm, đàn áp, khống chế, khủng bố của bạo quyền, tà quyền. Chủ thể luôn đi xa hơn tư lợi, đi ngoài tư lợi, được thử thách trong đấu tranh vì tha nhân, vì đồng bào, đồng loại đang đau khổ trong bất công và bạo lực. Chủ thể có quyết đoán trong đấu tranh vì công bằng nên nó tốt, nó lành và chính sự tự tin của chủ thể xác chứng rằng công bằng là chuyện vừa đẹp, vừa hay. Chủ thể phân tích ý muốn vì tự do để tới thực hiện hoài bão, đi từ đạo lý vì hoài bão tới đạo lý vì trách nhiệm. Chủ thể có nhận thức đôi (hoài bão-trách nhiệm), đây là quá trình hoàn thiện hóa xã hội, đạo đức hóa cộng đồng, luân lý hóa cá nhân, vì tự do có quyền hành động để hoàn thiện hóa thế giới, để chỉnh chu hóa thế gian. Chủ thể có đồ hình nghiên cứu về cứu cánh của nhân sinh phải thấy bốn loại cứu cánh: cứu cánh vì quyền lợi, trong đó có tư lợi và có công lợi; cứu cánh vì giá trị, trong đó giá trị tâm linh mang nội chất thiêng liêng; cứu cánh vì truyền thống của tổ tiên, vừa là trí tuệ, vừa là lý trí, cứu cánh vì tình cảm, trong đó cảm xúc có cái lý của tâm giao, đắc khí.

Nguyên phi Ỷ Lan đại diện đầy đủ chân dung chủ thể này! Cô gái hái dâu, nuôi tầm, không ngừng tay làm việc trong khi bên ngoài là hội chùa Dâu, đã được vua Lý Thánh Tông chú ý và cảm phục vì con người thật của Bà là “thức khuya dậy sớm”, “một nắng hai sương” chăm chỉ, có lương tâm với gia đình. Kinh bang tế thế là chân tài của Bà với niềm tin, cùng lòng quý yêu của vua Lý Thánh Tông. Dân truyền rằng khi vua đi đánh giặc Chiêm cùng Lý Thường Kiệt, năm 1069, giao chuyện quản lý đất nước cho Bà. Nguyên phi Ỷ Lan đã chăm lo rất chu đáo cho dân, vì thương dân, vì hiểu dân nghèo hơn ai hết. Có đại quyền điều hành đất nước, Bà nhận lãnh trọn vẹn, nhân gian tôn bà là Quan Âm, nhân dân hết lời cảm phục Bà. Khi vua qua đời, con của Bà là Lý Nhân Tông lên ngôi năm 6 tuổi và tước phong Bà thành Thái phi. Trước nạn Tống tặc lăm le cướp nước, Bà không được chấp chính, không được trực tiếp lo chính sự mà chỉ có Thái hậu Thượng Dương mới có quyền đó. Bà lại mang tiếng là người đã giết Thái hậu Thượng Dương cùng với 72 cung nữ, đâu là sự thật? Nhưng vai trò lịch sử của Bà là tiên quyết chống lại quân Tống khi muốn chiếm nước ta. Với bản lĩnh của minh tướng, Lý Thường Kiệt đi phạt Tống ngay trên đất Tống: tại đây chắc có tầm vóc chủ đạo hay tư vấn chiến lược gia quân sự là Thái phi Ỷ Lan, cũng như trong cả giai đoạn phá Tống-bình Chiêm của nhà Lý. Cũng chính trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, Thái phi Ỷ Lan đã để lộ ra một bản lĩnh khác, một bản lĩnh vì nước mà quên tị hiềm: Bà đã triệu Lý Đạo Thành về cung, lo nội chính, để giúp nước, mà Lý Đạo Thành là kẻ đã đứng về phía Thái hậu Thượng Dương, để chống lại Thái phi Ỷ Lan thủa nào. Bà kỹ tính trong tổ chức, Bà kỹ lưỡng trong quản lý, Bà lấy một phần ngân khố để sử dụng vào việc cứu các cô gái bơ vơ, giúp họ lấy chồng; Bà chống chuyện trộm trâu, giết trâu, gây ra thiếu trâu để cày cấy thời đó, Bà ban những luật chống trộm cắp rất nghiêm minh để ngăn chặn các kẻ trộm trâu.

Chuyện hay khác là Bà có trình độ Phật học cao, tinh thông Phật pháp, sùng đạo Phật, mở mang dân trí, thích làm việc thiện, luôn nghĩ tới người nghèo, sử dụng hiền tài, đây là thời đã lập ra Quốc Tử Giám. Thực tài lãnh đạo chính trị kiệt xuất của Bà là thật sử của Việt sử. Bà là gương sáng cho mọi lãnh đạo hiện nay đang thích độc quyền để chuyên quyền mà quên bổn phận vì “dân giầu, nước mạnh”, đang chuộng tham quyền để tham nhũng mà gạt đi trách nhiệm “vì nước, vì dân”. Bản lĩnh lãnh đạo, tầm vóc quản lý, nội công tổ chức của Thái phi Ỷ Lan đi trên vai, trên lưng các đám tham quan bất tài đời nay! Chân dung chủ thể của minh chủ Nguyên phi Ỷ Lan có minh tâm là bản lĩnh, có minh trí là nội công, chân dung này được thể hiện rất rõ trong các phụ nữ Việt hiện nay đang:

· Đấu tranh cho công bằng xã hội trong bác ái của minh tâm được trợ lực bởi minh trí, kiên cường trước bạo quyền độc đảng công an trị, của bao bạo lực trong xã hội, của bao bạo hành chống Việt tộc.

· Đấu tranh cho dân chủ trong đa nguyên của minh tâm, đa trí được trợ duyên bởi minh trí đa tài, quyết đoán trước tà quyền tham quan lúc nhúc trong tham ô và tham nhũng.

· Đấu tranh cho nhân quyền vì nhân phẩm của minh tâm, có nhân bản được trợ sức bởi minh trí có nhân văn, quyết tâm trực diện với ma quyền tham đất vì tham tiền lẩn lút như âm binh để bòn rút sinh lực của Việt tộc.

Tấm gương chủ thể minh chúa rất hiện đại, chỉ lo là hậu thế cả nữ lẫn nam không học được nội công, bản lĩnh, tầm vóc các bài học mà Nguyên phi để lại cho hậu thế.

Chủ thể của nhân lý như sự mệnh của nhân tâm

Chủ thể có phương trình công bằng-sự thật-lịch sử tạo dựng ra phương trình của tự do là ý thức-ý nghĩa-ý muốn, thì tự do không hề vô trật tự, không hề bừa bãi trong ngôn ngữ, không hề hỗn loạn trong hành động. Chủ thể có nhận thức rất minh bạch, vì nó có tâm thức của trách nhiệm trong hai chiều: chủ thể của hàng dọc có đạo lý, luân lý làm nền đạo đức cho xã hội; có hàng ngang vừa có ta, vừa có tha nhân sống chung cùng cơ chế. Chủ thể có đạo đức cho xã hội, biết sống chung cùng cơ chế, mà cơ chế dựa trên định chế có công lý biết trừ bạo quyền, biết diệt bất công, biết loại tham nhũng, từ đó chủ thể có chuẩn mực để trả lời ba câu hỏi: tôi là ai? Trước trách nhiệm gì? Trước hành động gì? Vì chủ thể biết đánh giá: cái này tốt hơn cái kia! cái này cao hơn cái kia! Vì chủ thể hiểu phương trình tuyên bố-trách nhiệm-hành động bằng nhân cách biết tự tôn trọng mình bằng nhân phẩm biết tự bảo vệ mình.

Tại đây, chân dung chủ thể của Huyền Trân công chúa thật đẹp.Công chúa nhận cuộc hôn với Chế Mân để hòa bình giữa Chàm tộc và Việt tộc, biến chuyện sống chung giữa hai dân tộc thành chuyện có thực, vì vậy nhân cách của công chúa là rất đẹp, vì nghĩa vụ này rất lớn. Cả Việt tộc phải biết mà tự hào đã nhờ có cha của công chúa là Phật hoàng Trần Nhân Tông biết “nhìn xa trông rộng”, mà công chúa đã cụ thể hóa được lòng hiếu hòa của Việt tộc qua chuyện “đi làm dâu xa” với nỗi niềm dường như độc nhất trong Việt sử, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã hát lên được: “Nước non ngàn dặm ra đi”. Những câu chữ dèm pha về số phận của công chúa: “Tiếc thay cây quế khỏi rừng, để cho lũ mán, lũ mường nó leo” chỉ là loại ngữ văn kỳ thị chủng tộc, thấp vì vô minh, tồi vì vô tri, tục vì vô giác. Những kẻ thích trích dẫn câu này, thường là những kẻ không có đạo lý của sứ mệnh, không có luân lý của bổn phận, không có luôn đạo đức của nghĩa vụ công dân, vì “sơn hà xã tắc”. Những kẻ dèm pha càng thấp hơn khi họ nêu tấy lên chuyện tư tình của Công Chúa với công tướng Trần Khắc Chung, trên đường từ Chiêm về Việt, sau khi Chế Mân qua đời. Nhân cách cha của Công Chúa, Phật hoàng Trần Nhân Tông rất cao, nhân cách của vua Chế Mân rất vững, nhân cách của Trần Khắc Chung rất rõ, vậy xin kết luận ngay nhân cách của Công Chúa phải: rất đẹp! Nhân cách của Huyền Trân phải rất đẹp nên những người đáng quý, đáng trọng này mới thương, mới yêu công chúa. Những kẻ nghi ngờ rồi phóng đại về nhân cách này họ rất bơ vơ, làm sao họ hiểu được “nỗi khổ, niềm đau” của công chúa. Công Chúa không hề bị chuyện xấu quỵ, gục, ngã mà biết tìm cõi tu để trong tâm, sạch hồn trước những mất mát lớn: mất chồng, mất con, kể cả mất người yêu. Ngay trong cõi tu, Công Chúa vẫn giúp được dân lành qua bao chuyện công điền, cấy cầy... mà ngày nay dân địa phương (chung quanh ngôi chùa mà công chúa là chủ trì) vẫn khiêm cẩn thờ Công Chúa.

Soi xưa để thấy tỏ nay: bao nhiêu phụ nữ hiện nay đấu tranh vì nhân quyền, dân chủ, công bằng... tức là vì một Việt tộc sống có nhân cách. Họ chịu cảnh ngục tù như những tù nhân lương tâm, cùng lúc bị bọn văn nô, bồi bút bôi nhọ, vu khống, chụp mũ, vấy bùn trên cái đẹp của nhân cách các phụ nữ Việt khi họ biết nhận nghĩa- phận với Việt tộc. Bọn văn nô, bồi bút này chỉ là ký sinh trùng trong dưới sự chỉ đạo của bạo quyền tuyên huấn, bạo hành công an... Chúng chỉ có thể lấy lại nhân cách của chúng khi nào chúng hiểu thế nào là đạo lý của sứ mệnh, luân lý của bổn phận, đạo đức của nghĩa vụ: “phải cứu nước, cứu dân”. Nhất là loại lãnh đạo nam giới bất tài hiện nay ngày ngày hiếp đáp phụ nữ Việt, thì nên (ít nhất trong ngày này 08 tháng 3, ngày quốc tế phụ nữ) biết cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước nhân cách lịch sử của Công Chúa Huyền Trân

Chủ thể nhân nghĩa biết chế tác ra nghĩa khí


Chủ thể xuất hiện để bảo vệ nhân phẩm mỗi lần nhân phẩm bị bạo quyền vùi dập, đày đọa. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ nhân tính mỗi lần nhân tính bị bất công biển thủ, gian lận. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ nhân đạo mỗi lần nhân đạo bị độc tài cướp đường đi, nẻo về. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ nhân nghĩa mỗi lần nhân nghĩa bị tham nhũng lũng đoạn, tha hóa. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ Nhân từ mỗi lần Nhân từ bị bạo lực đàn áp, bóp nghẹt. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ Nhân lý mỗi lần Nhân lý bị ý thức hệ thao túng, vu khống. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ Nhân tri mỗi lần Nhân tri bị bất tài ruồng rẫy, đào thải. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ Nhân trí mỗi lần Nhân trí bị ngu dân trùm phủ, nhiễm ô. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ Nhân luận mỗi lần Nhân luận bị toàn trị che lấp, xóa trắng. Chủ thể xuất hiện để bảo vệ Nhân loại mỗi lần Nhân loại bị bị ám bởi ma quyền, quỷ lực!

Chúng ta nhận diện rõ chân dung chủ thể của Bùi Thị Xuân, một nữ tướng lớn lên trên quê hương của Tây Sơn, chọn đường võ nghiệp ngay từ đầu, bạn đời của Thiếu phó Trần Quang Diệu, một trong tứ trụ đại thần của Quang Trung. Cuộc đời của võ tướng làm sáng lên ba chân lý là phụ nữ Việt đã: thành công trong võ nghiệp, thành tài trong quân nghiệp, thành tựu trong chính nghiệp, giữa thời chiến mà Nữ tướng đã được phong làm Đô Đốc. Nữ tướng áo đỏ có biệt tài về tượng binh, với chiến thuật xáp trận đặc sắc, với cách dàn binh, bố trận đoạt hồn, cướp vía giặc mà sử liệu quân Thanh còn ghi lại, mà các quan sát viên phương Tây thời đó cũng công nhận. Khi Nguyễn Ánh lấy thế kẻ thắng mà hỏi “Có muốn ta tha cho không?” Bà trả lời “Ta đâu vì ham sống mà chịu nhục!” và Bà đã bị áp dụng án tử hình voi dày. Người đời cúi đầu khâm phục khí tiết của Nữ tướng. Theo truyền thuyết thì chính con voi thi hành án đó đã từ chối hành sát Bà. Nguyễn Ánh phải quấn Bà vào vải rồi tẩm dầu mà đốt, Bà đã đứng thẳng lưng trong lửa đang thiêu thân đó.

Dường như Nguyễn Ánh luôn thua Bà trong cả ba lần gặp trên chiến trận, Bà đã thắng trong thế thẳng lưng: lần thứ nhất trên chiến trường đấu trí thua tài, lần thứ hai cũng trên chiến trường đấu lực thua dũng, và lần cuối khi Bà là tù binh thì đấu khẩu thua lý. Nữ tướng áo đỏ còn có khí khái nhân từ, Bà đã tha mạng cho Võ Văn Dũng, sau khi nhân vật này đã hãm hại Bùi Đắc Tuyên, chính là cậu ruột của Bà; chính lòng nhân từ vì nước quên tư thù này mà sau đó Võ Văn Dũng nhớ ơn, đã trung thành cận kề cùng chồng của Bà là Trần Quang Diệu trong thăng trầm của binh đao. Dân Bình Định đã thờ, đã phụng, luôn tôn kính Bà, bất chấp các cấm đoán của Nguyễn Ánh, trong cả thời nhà Nguyễn. 
....

Lê Hữu Khóa

*
* Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sưLê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa

(

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét