17 thg 3, 2021

Về Thơ BÀNG BÁ LÂN

 https://haibatrung12e1985.files.wordpress.com/2014/11/ban-ba-lan-1.jpg?w=497

Bàng Bá Lân (17/12/1912 - 20/10/1988) tên thật là Nguyễn Xuân Lân, là nhà thơ, nhà giáo, và là nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Ông là người ở làng Đôn Thư (tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), nhưng sinh ra ở phố Tân Minh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. 
Năm 1916-1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 1920-1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu. 
Năm 1929-1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên Tiếng thông reo. Trước Cách mạng tháng Tám ông đã có những tác phẩm Tiếng thông reo (19… 

Chùm thơ Bàng Bá Lân


 Tiếng sáo diều


Lòng quê gởi tiếng sáo diều, 
Ai ơi, hãy đợi những chiều gió lên. 

Đêm vắng đìu hiu. Sáo nỉ non, 
Giãi niềm thương nhớ với trăng tròn. 
Muôn lời tình tứ yêu đương ấy, 
Làng gửi vào trong miệng sáo con. 

Từng sợi dây duyên kết giữa trời, 
Nối liền dây đấy, chị Hằng ơi! 
Hồn làng vơ vẩn năm canh vắng, 
Mãi mãi muôn đêm nhớ một người. 

Vì chỉ xa trông, chẳng được gần, 
Mượn diều thủ thỉ với trăng tân. 
Nàng trăng cảm ý, buồn man mác, 
Lặng lẽ nhìn lâu xuống cõi trần. 

Ta giống làng khuya, em giống trăng; 
Làng buông diều sáo tới cung Hằng. 
Làng kia còn có diều xe mối, 
Ta gối tình yêu chẳng nói năng!



Tết xưa


Tết về, nhớ bánh chưng xanh, 
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà. 
Nhớ cành đào thắm đầy hoa, 
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang. 
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam, 
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành. 
Nhớ tam cúc đẹt: Nhớ... mình! 
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì... 

Bắc, Nam từ buổi chia lìa. 
Xuân sang mỗi độ nhớ về xa xưa. 
Đã tàn hơn một giấc mơ, 
Ngược dòng kỷ niệm ấu thơ ngại ngùng!


(Miền Nam, xuân Đinh Dậu)



Quê tôi


Quê tôi có lúa, có dâu, 
Có đàn cò trắng, có câu huê tình. 
Có cây đa, có mái đình, 
Có bầy thôn nữ xinh xinh dịu dàng. 
Mùa thu có những hội làng, 
Có cây đu buổi xuân sang dập dìu. 
Gío vi vu tiếng sáo dìều, 
Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê. 
Chợ làng có lắm quà quê; 
Bánh đa, bánh đúc, bánh kê, bánh dầy... 
Đầu thôn có túp quán gầy: 
Tình quê như bát nước đầy chè tươi. 
Ngõ tre khúc khích gió cười. 
Vườn quê thơm mát hương nhài hương cau. 
Tháng tư chanh cốm gội đầu, 
Hương sen ngát cả vườn rau ao bèo. 
Tháng hai hoa bưởi rơi nhiều, 
Ong ong, bướm bướm dập dìu tìm hoa. 
Khum khum giàn mướp ao nhà, 
Cầu tre lũ trẻ vui đùa tập bơi. 
Tiếng gà trưa lắng chơi vơi, 
Tiếng chim cu gáy: Buồn ôi là buồn! 
Ngày ngâu gió kép mưa đơn 
Mái tranh rỏ những lệ buồn vu vơ. 
Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa 
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về... 
Nhớ nhung, sầu mắc lê thê, 
Xa xôi, nghe dậy hồn quê não nùng!



Giếng làng


Hẹn nhau bên bờ giếng 
Chờ nhau lúc rạng trăng 
Nàng vân vê dải yếm 
Chàng nắn sửa vành khăn. 

Dưới trăng nàng bối rối 
Dưới trăng chàng băn khoăn 
Nhìn nhau mà chẳng nói 
Bốn mắt đọng trăng rằm... 

Hẹn nhau bên bờ giếng 
Chờ nhau lúc rạng trăng 
Trăng đến, nàng không đến 
Chàng lo buồn đăm đăm. 

Nàng đã đi làng khác 
Theo một người khăn đen 
Không còn nghe giọng hát 
Bên đình lúc nguyệt lên. 

Ai cúi mình trên giếng? 
Ai thả gầu múc trăng? 
Ai cười yêu nửa miệng? 
Tan rồi mộng gối chăn! 

Không hẹn bên bờ giếng 
Không chờ lúc rạng trăng 
Đêm đêm chàng vẫn đến 
Bên giếng khóc âm thầm. 

Đêm nay chàng lại đến 
Bên giếng khóc âm thầm 
Bỗng gặp bên bờ giếng 
Đôi bóng người dưới trăng. 

Nàng cũng vê dải yếm 
Chàng cũng nắn vành khăn 
Cũng nhìn nhau âu yếm 
Bốn mắt đọng trăng rằm. 

Giếng trăng, nơi hò hẹn 
Giếng trăng, nơi hẹn hò 
Từ xa xưa đến bây giờ 
Giếng làng ghi dấu bao trò hợp tan.



Chiều quê


Mặt trời đỏ thẫm sau tre, 
Tiếng trâu nghé ọ trên đê gọi đàn. 
Buồn thiu trong mảnh ao làng, 
Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon.



Gái xưa


Nhớ em da trắng tóc dài 
Khăn vuông mỏ quạ, dáng người thon thon 
Lăn mình trong áo nâu non, 
Môi hồng cắn chỉ trầu thơm miệng cười, 
Răng đen nhánh, má đào tươi, 
Mắt bâng khuâng nói những lời yêu đương. 
Giọng êm đầm ấm dễ thương. 
Lời ca tình tứ, vấn vương ngọt ngào. 
Tiếng cười trong trẻo làm sao. 
Ban mai trời đổ mưa rào giòn tan 
Em là con gái Bắc Giang 
Đôi dòng trong đục sông Thương... ỡm ờ. 
Nói cười ra giọng lẳng lơ, 
Niềm ăn nết ở xem thừa đoan trang. 
Sớm chiều dưới ruộng trên nương, 
Gặp em nghe dậy niềm thương dạt dào. 
Nhớ cô em gái vùng Lim, 
(Ô kìa nghe đập con tim thuở nào!) 
Mưa bay, gió lạnh, hoa đào... 
Giọng ca quan họ ngọt ngào ái ân. 
Nhớ nàng con gái mười lăm, 
Cười tươi như ánh trăng rằm đêm nao. 
Nhớ em cô gái làng Bo, 
Ven sông Bố Hạ quanh co đầy thuyền. 
Gần em quên hết ưu phiền, 
Tình em như trái cam hiền ngọt thơm...


(Vào thu - gái quê Kinh Bắc) 



Nhà dột


Bốn bề gió lạnh vào thăm 
Ba gian mưa ướt biết nằm nơi nao? 
Dế ngâm thơ ở khe nào? 
Báo cho ta biết ta vào trú mưa.


(1943) 



Người "trâu"


Trời xám thấp, rặng tre già trút lá 
Đầy ngõ thôn hun hút gió chiều đông 
Sương mù bay phơi phới toả đầy đồng 
Hơi lạnh cắn vào làn da cóng buốt. 
Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước 
Đôi bóng người đang chậm bước đi đi... 
Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì 
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót. 
Họ là những nông phu nghèo bậc chót 
Không có trâu nên người phải làm... trâu. 
Hô bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu 
Nước đến bụng, ôi rét càng thêm rét! 
Áo rách tướp hở ra từng miếng thịt 
Tím bầm đen trong gió lạnh căm căm. 
Hì hục làm thỉnh thoảng lại dừng chân 
Véo là ném lên mặt đường từng vốc... 
- Nhác trông ngỡ nắm bùn hay nắm đất - 
Nhìn lại xem: ô đống đỉa đen sì... 

Ta rùng mình quay mặt bước chân đi 
Lòng tê tái, một mối sầu u ám 
Trời càng thấp. Tầng mây chì càng xám 
Mưa phùn gieo ảm đặm khắp đồng quê 
Gió chiều nay sao lạnh buốt, lê thê.


Nguồn: Mùa đông trong thi ca


 

 Tiếng võng đưa


Nắng lửa rung rinh 
Xóm tre lặng lẽ 
Tiếng võng nhà ai ru trẻ 
Nặng nề chậm chạp đong đưa... 

Nặng nề chậm chạp đong đưa... 
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời 
Bồng bông bông... Ạ ời ời... 
Cót ca cót két muôn đời nhịp thơ. 

Ta say sưa 
Nghe tiếng võng đưa 
Ru hồn mơ 
Trong lời thơ 
Dân tộc, 
Mơ màng lắng nghe tiếng khóc 
Của thời măng sữa xa xôi 

Ạ ơi ơi... 
Ạ ời ời... 
Cót ca cót két 
Muôn đời 
Nhịp thơ... 

Tiếng võng đưa 
Cót ca cót két 
Trưa hè nắng khét 
Bà ru cháu say sưa... 

Tiếng võng đưa 
Cót ca cót két 
Mẹ đi biền biệt 
Chị ru em ời ời... 
... 
Ạ ơi ơi... 
Ạ ời ời... 
Cót ca cót két 
Muôn đời 
Nhịp thơ. 
Và đây những vần thơ 
Nhịp theo tiếng võng đong đưa 
Nhịp theo lời ru êm ái. 
Tình quê hương vời vợi 
Hồn dân tộc mang mang... 
Bao giờ nối lại giang san 
Mà nghe tiếng võng mơ màng đó đây.


6.1957 

Nguồn: Mùa hạ trong thi ca,



Trưa hè


Dưới gốc đa già, trong vũng bóng, 
Nằm mát, đàn trâu ngẫm nghĩ nhai. 
Ve ve rung cánh, ruồi say nắng; 
Gà gáy trong thôn những tiếng dài. 

Trời lơ cao vút không buông gió; 
Đồng cỏ cào phô cánh lượt hồng, 
Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa; 
Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng. 

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng, 
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu 
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm... 
Đứng lặng trong mây một cánh diều. 

Cành thưa, nắng tưới, chim không đứng; 
Quả chín bâng khuâng rụng trước hè. 
Vài cô về chợ buông quang thúng 
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre. 

Thời gian dừng bước trên đồng vắng; 
Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao. 
Như mơ đường khói lên trời nắng; 
Trường học làng kia tiếng trống vào.


Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, 

Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007


 

Chưa bao giờ thương thế


Đời ta bao lần dại,
Chỉ vì nhiều tự áị
Đòi hỏi nơi người tình
Một lòng yêu băng trinh.

Em yêu ta đã rõ,
Còn thử thách hoài hoài.
Năm với năm là mười,
Vẫn chưa cho là đủ!

Hơn một chút là giận,
Chưa chi đã vội hờn.
Để làm em đau buồn,
Không tiếc lời cay đắng...

Em cắn răng chịu đựng
Phản ứng thiệt dịu dàng.
Được thể, ta lại càng
Làm em thêm đau khổ!

Em được gì kia chứ?
Mà phải chịu đau buồn.
Ta được gì kia chứ?
Mà làm em đau thương.

Đêm nay em chợt ghé,
Em mở lòng cho xem:
Ôi thương em, thương em!
Chưa bao giờ thương thế!


Bàng Bá Lân





🌼🌼🌼🌼🌼🌼


Xem Thêm :HAI BÀI THƠ KHÔNG THỂ QUÊN... (Sách GK trước 1975 )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét