22 thg 3, 2021

Vicky Nguyễn/ NBC: Đã đến lúc phải lên tiếng bảo vệ người gốc Á


Vicky Nguyễn/ NBC:
Dịch giả: Ian Bui
 
Một trong những nguyên tắc vàng của nghề báo chí là: tường thuật, nhưng đừng để mình trở thành câu chuyện. Đồng thời, người ký giả phải ý thức rằng mặc dù họ có những suy nghĩ riêng, nhiệm vụ của họ là mô tả sự kiện một cách khách quan, không thiên lệch.
Trong khi tin tức về cơn đại dịch ngập tràn báo chí, có một đề tài mà tôi chưa có dịp tường trình; đó là nạn người Mỹ gốc Á ngày càng bị tấn công nhiều hơn vì kỳ thị.
Chỉ một tuần sau khi trang web ‘Stop AAPI Hate’ ra đời nhằm ngăn chặn cơn bệnh kỳ thị chủng tộc đang lây lan song song với dịch khuẩn coronavirus, hơn 650 sự kiện đã được các nạn nhân báo cáo.
Nhiều đồng nghiệp gốc Á của tôi đã bước ra khỏi vùng an toàn để công khai phát biểu trên mạng xã hội hoặc viết xã luận lên án tình trạng này, nhất là quanh vùng Bay Area Bắc Cali, nơi nạn kỳ thị người gốc Á đã hiện diện từ trước khi cơn dịch bùng phát.
Cuối cùng thì tôi cũng được hỏi có muốn lên tiếng không. Tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm.
Thật tình mà nói, lần đầu tiên mà tôi trực tiếp phản hồi tổng thống trên Twitter là khi ông gọi COVID-19 bằng chữ “khuẩn Tàu” (Chinese virus). Tôi tweet lại như vầy: “Xin ông làm ơn gọi nó là coronavirus hay COVID-19, vì chữ ‘khuẩn Tàu’ sẽ kích thích kỳ thị chủng tộc và tội ghét thù [hate crimes]”.
Như kẻ đánh bạc, ông đặt gấp đôi số chip lên bàn và tiếp tục gọi nó là “khuẩn Tàu”.
Mặc dù tôi cảm thấy hết sức ấm lòng khi các nhà lập pháp của cả hai đảng cũng như một số nhân vật nổi tiếng đồng thanh phản đối chuyện này, tôi cũng nghiệm ra rằng ở những nơi cao nhất của quyền lực, ngọn lửa kỳ thị chủng tộc vẫn có thể bùng lên dễ dàng và lan rộng rất nhanh. Đến như một nữ phóng viên gốc Á chuyên tường trình từ toà Bạch Ốc đã bị một nhân viên Nhà Trắng nào đó gọi là “Kung Flu”, gây nên một trận bão trên Twitter. Nhiều người đã lên tiếng bảo vệ cô; nhưng cũng có người cho rằng cô này đặt điều nói dối vì không chịu nêu tên nhân viên nọ.
Dù đó là câu nói đùa hay nói móc, chuyện này vẫn làm tôi nhớ đến những lần mình từng bị người khác xếp loại hay đánh giá bởi ngoại hình. Thường thì người đối diện không đoán được tôi thuộc “loại dân Á Châu” nào. Thái? Tàu? Hàn? “Ồ, Việt Nam hả! Vậy mà tôi tưởng cô người Thái chứ,” là câu tôi được nghe nhiều nhất…
Hồi tôi còn bé, lớn lên trong vùng Bay Area, đám con trai trong xóm hay nhạo tôi bằng câu hát “Tụi tau là hai con mèo Xiêm” [từ phim Disney hoạt hoạ Lady and the Tramp]; chúng vừa hát vừa lật mí mắt lên giả đò làm bộ mặt Á Châu. Khi tôi làm cho đài TV ở Orlando [Florida], người ngoài đường hay hô, “Ê, Connie Chung kìa!” Dù hơi cổ lổ nhưng tôi không màng cho lắm. Bà ta là nữ phóng viên TV đầu tiên tôi biết mà nhìn có vẻ giống mình. Thời làm việc ở Reno [Nevada], có người còn gởi email cho đài và hỏi “Sao con nhỏ đó không biết nói tiếng Anh vậy?”
Xưa nay tôi luôn nhún vai bỏ ngoài tai những lời nói xàm kiểu vậy. Tôi chẳng bao giờ quan tâm xem cái gọi là chủng tộc nó có làm được gì hay không làm được gì cho mình; nó chỉ là một phần bất biến của con người tôi, thế thôi. Nếu ai đó đối xử khác biệt với tôi vì màu da, giới tính, hay vì tôi là di dân, tôi sẽ tìm cách đi vòng để vượt qua chướng ngại họ dựng chắn. Quan niệm sống của tôi là: Không bận tâm bởi những gì mình không thể thay đổi; dồn năng lực cho những việc ta có thể thay đổi được.
Tôi không thể thay đổi màu da hay chủng tộc của mình, nhưng tôi có thể dùng tiếng nói và việc làm của mình để xin mọi người tạm ngừng tay giây lát và xét lại những từ ngữ đang được bá tánh tung hê. Nhiều chính trị gia vẫn còn dùng chữ “dịch khuẩn Vũ Hán” mặc dù các cơ quan y tế trên thế giới, ít nhất từ 2005, đã khuyến cáo ta không nên dùng địa danh để đặt tên cho dịch bệnh nữa.
Bởi vì sao? Chính vì những điều ta thấy đang xảy ra. Tâm lý kỳ thị chủng tộc rất dễ được đám đông a dua chấp nhận và trở thành bình thường. Trong một câu chuyện mà tôi được đọc, điều xót xa nhất không phải là nạn nhân bị hành hung mà vì anh ta kể rằng, đã cảm thấy vô cùng cô độc khi mấy chục người đứng gần quanh không ai phản ứng gì cả, thể như họ ngầm cho rằng việc có người bị bạo hành giữa chốn công cộng là hoàn toàn chấp nhận được.
Đối với nhiều người trong cộng đồng Á Châu, đây là một nỗi sợ mới mẻ. Ít ra là nó mới đối với tôi. Là một người Mỹ gốc Á, tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi khi bước ra đường. Nhưng trong bầu không khí hiện tại tôi chợt lo cho Bố Mẹ mình, ông bà năm nay đã 60-70 tuổi. Tôi không biết mình có nên tiếp tục khuyến khích hai người ra ngoài đi bộ để tập thể dục và hít thở khí trời hay không. Phần mình, mỗi khi đi chợ tôi không muốn đeo khẩu trang vì sợ bị tình nghi là đem “khuẩn Tàu” vào Hoa Kỳ. Tôi chợt cảm thấy bất an tại nơi mà xưa nay tôi cảm thấy yên tâm nhất – New York City.
Ngay cả trong giới truyền thông, chúng tôi cũng bị cáo buộc là đã liên tiếp dùng hình ảnh Chinatown và những người Á Châu bịt khẩu trang kín mặt khi tường thuật về dịch coronavirus, tuy rằng chúng tôi không nói cho độc giả biết chủng tộc của người mắc bệnh là gì. Những hình ảnh mập mờ, không phân biệt rõ các giống dân Á Châu như vậy càng củng cố mối nghi kỵ của công chúng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung.
Trong một cú tweet gần đây, Tổng thống Trump bỗng thay đổi cách nói: “Chúng ta cần bảo vệ cộng đồng Á Châu ở Mỹ, và trên khắp thế giới. Rất quan trọng. Họ là những dân tộc đáng nể. Việc dịch khuẩn lây lan KHÔNG PHẢI lỗi của họ, vì bất cứ lẽ gì. Họ đang làm việc với chúng ta để đánh bại dịch bệnh. CÙNG NHAU TA SẼ CHIẾN THẮNG.”
Tổng thống còn nói thêm là ông sẽ không dùng chữ “khuẩn Tàu” để gọi coronavirus nữa.
Thế có đủ chưa? Như dịch bệnh, sẽ cần nhiều thời gian để đo lường sự thiệt hại đã gây ra.
Nhưng khác với cuộc chiến chống dịch COVID, an trú tại gia thôi không đủ. Chúng ta phải tận dụng kinh nghiệm cũng như tiếng nói của mình để thẳng thắn phê phán cái sai. Ta phải nói giùm những người không có khả năng chống trả. Phải chia sẻ những thông tin chính xác nhất. Phải đòi hỏi người nắm quyền lực chịu trách nhiệm. Phải có khả năng lãnh đạo, không chỉ ở cấp trên mà cả nơi chúng ta. Tôi tin rằng khi con người có đầy đủ thông tin và cơ hội, đa số sẽ chọn làm điều đúng.
Trở lại với nguyên tắc vàng.
Tôi không làm nghề phóng viên để biến mình thành câu chuyện. Tôi làm nghề này để kể những chuyện cần phải kể, để nói giùm những người không tiếng nói. Giờ đây, trong cơn đại dịch, tôi được làm cả hai.
🌺🌺🌺🌺 

Bài này viết từ tháng 3/2020 trước khi có nhưng xung đột trầm trọng về sắc tộc xảy ra ở Mỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét