Alibaba là người tốt hay người xấu?
-Anh không nghĩ ổng là người xấu.
-Vậy Morgiane là người tốt hay người xấu?
-À, thì cô bé là một người mưu trí và can đảm.
-Vậy người ta có thể làm một việc xấu mà không bị xem là một việc xấu không?
-Ừ thì đôi lúc chúng ta phải làm việc xấu để bảo vệ cho việc tốt…
Tiếng cạch cạch lạch tạch lạch tạch vang lên từ họng cô bé cắt đứt câu chuyện hai anh em đang bàn. Mặc dù mới quen nhau chỉ được hai tháng, từ ngày anh theo ba mẹ chuyển về đây nhưng hai đứa cứ như anh em ruột.
Giờ này có lẽ mẹ đã về rồi, sao giờ vẫn chưa thấy đâu. Mẹ bảo mẹ sẽ gắng cào nghêu, kiếm thêm chút tiền để mua tặng em một cái máy may vào dịp sinh nhật tới của em, bởi lẽ em thích nghề may. Mà cũng có thể là mẹ nghĩ làm một thợ may sẽ tốt hơn nhiều so với một người thở bằng muối biển, cào nghêu đổi gạo qua ngày như mẹ.
-Anh không thấy lạ à?
-Lạ gì?
-Tiếng cạch cạch lạch tạch lạch tạch.
-Ừ thì tiếng của em mà, có gì lạ.
-Có chứ, nghe cứ như tiếng người ta gõ nhịp chân máy may.
-Ừ thì cũng đúng thật.
-Lớn lên em sẽ làm thợ may.
Có phải thợ may là cái nghề định mệnh, đôi khi em nghĩ vậy. Mẹ nói rằng đó là tiếng nói đầu đời của em, khi em mười ba tháng tuổi. Hồi đó không dễ gì thư từ qua lại, cưới nhau bằng mấy trái cau xong, tháng sau ba lên đường ra biển, nhưng không phải đánh cá, để lại mẹ với cái bụng bầu. Mỗi năm thư được có đôi lần, nghe đâu nhờ có chuyến thuyền gửi mấy cái bánh thuẫn, mấy cái bánh chưng cho lính đảo ăn Tết mà thư của mẹ cũng đến được nơi. Sau này, như lời bác lái tàu, ba em đã mừng đến nhường nào.
‘Con gái hay con trai, đặt tên là gì’, theo dấu thư này thì hẳn giờ này mẹ đã sắp sinh em. Ba vui mừng như thể đứa bé thấy con còng chui bò qua lỗ cát. ‘Đặt tên May em nhé, nếu đó là con gái, đặt tên Khâu nha em, nếu là con trai’, lá thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng mực lem nước mà mẹ vẫn giữ đến tận giờ.
Mẹ sinh ra em là con gái và đặt tên là May, qua thư mẹ biết được ba sẽ chuyển quân sang đảo Gạc Ma vào mùa Xuân tới, mẹ cũng báo ba biết là cả nhà vẫn khỏe mạnh, ba cứ yên tâm.
“Em nghĩ con sẽ nói tiếng gì đầu tiên?”
“Chắc tiếng ba, má hay là la la gì đó em à”.
“Hay là nó nói tiếng ‘mùa Xuân nhỉ’, chắc xỉu luôn quá!”. Nhiều khi mẹ kể về những ý nghĩ của ba mẹ lúc đó mà em cứ ngỡ như thật. Rồi thì tao nôi của em đến, mẹ gói mấy cái bánh gói cúng trước sân, hướng ra biển, nơi ba em đóng quân, thể như để ba cùng mẹ cầu chúc em lớn lên khỏe mạnh, biết gói ghém mọi thứ, chắc là kiểu con hiền dâu thảo, nữ công gia chánh gì đó.
***
Bầy muống biển cứ vươn ngọn ra đến mép sóng, mẹ nhớ mùa xuân năm đó rất lạ, những tổ chim non ríu rít sáng hôm trước, sáng hôm sau không thấy còn một con, chim khác lại làm tổ, rồi lại dọn đi. Mẹ khều những tổ chim cũ trên những cành dương liễu bên bờ biển, kết thành những chùm đèn treo lơ lửng trước mái tranh để dỗ em ngủ mỗi trưa. Em nhoẻn miệng cười, nỗi nhớ của mẹ cũng nguôi ngoai. Rồi ngày em tròn mười ba tháng tuổi, mẹ rơi nước mắt khi nghe thấy em lẫm chẫm vịn nôi rồi hướng ra cửa, miệng em ‘cạch cạch lạch tạch lạch tạch’.
“Con đã chập chững bước đi, con đã bập bẹ nói tiếng đầu đời anh à. Anh chắc ngạc nhiên lắm khi tiếng đầu đời của con không phải ba ba, má má, không phải la la la, mà là cạch cạch lạch tạch lạch tạch anh à. Sao con có thể nói được một tràng dài như thế anh nhỉ. Anh ráng giữ sức khỏe, Tết nay anh về chắc con đã bước đi vững chãi, đã biết gọi tiếng ba rồi. Giữ sức khỏe nghe anh!”.
Lá thư cuối cùng mẹ gửi cho ba, những dòng chữ kể về em cuối cùng của mẹ. Mẹ tắt hẳn nụ cười của cô giáo làng tuổi hai lăm khi hay tin chồng tử trận. Chồng của mẹ đã chiến đấu đến cùng, anh đã bắn vào kẻ thù trước khi ngã xuống, mặc dù trước đó, lệnh cấm bắn, chỉ ôm súng đứng giữ đảo trước làn đạn như mưa rào được ban bố. Cha đã bị bắt, bị nhấn chìm, cha bị đói, chết, cha đã nghĩ về mẹ và em trước khi mất…? Em thường miên man suy nghĩ về sự hy sinh của cha mỗi khi thấy mẹ thắp nhang khấn vái về phía biển, tháng Ba hằng năm…
***
Có phải vì ba mất sớm nên mẹ phải cực nhọc không? Có phải vì ba mất sớm nên mẹ thường kể về ba với em không? Có phải vì ba mất sớm nên mẹ thỉnh thoảng thờ ơ với em không? Hai mẹ con nương tựa vào nhau cơm cháo qua ngày. Em ở nhà chăm con gà, đến trường học, nấu cơm và gỡ lưới giúp mẹ. Mẹ thả lưới gần cửa biển kiếm cá sống qua ngày. Từ ngày xóm có điện, mẹ đi cào thêm nghêu để dành tiền kéo điện về căn nhà lá này. “Con có học cũng không thể dùng đèn dầu mãi được, mai mốt có học chữ cũng vậy mà có luyện nghề may cũng cần điện”.
Hai mẹ con em cùng thích màu áo xanh, mẹ bảo đó là màu áo ba tặng mẹ, còn em, đó là màu trời xanh giữa trưa hè oi ả, khi thỉnh thoảng có những đám mây mang theo cả một ít cổ tích với hình con ngựa, ngọn núi, chiếc ti vi hay là chiếc váy đầm óng ánh, trôi rồi tan…
Ngày điện được kéo về, em thấy mẹ cười rồi khóc, cũng ngày tháng Ba trời trong xanh. Em lại lập bập cách cách lách tách, cái tiếng theo em từ thuở tập nói đến giờ. Mẹ nhìn em, ôm em rồi lại ra biển. Đôi khi vẫn vậy, mẹ không nói với em mấy ngày liền, mẹ chuẩn bị cơm cho em mỗi khi đi học về, mẹ nấu nước cho em tắm mỗi khi trời trở lạnh, vậy nhưng mẹ không nói với em lời nào.
Em đã từng khóc, vì nghĩ mẹ không thương em, thi thoảng em nghe người ta nói em giống cha y hệt. Cái thuở ba mẹ mới cưới nhau, mẹ là cô giáo mới chuyển đến ngôi làng chài này. Nói là trường học nhưng thực ra nơi mẹ dạy là một góc đình làng bên cạnh một khu mộ không mấy người coi sóc, cỏ mọc hoang vu. Thi thoảng, người ta còn hái được vài trái dứa rừng chín mọc cạnh các ngôi mộ. Trường có một lớp, và mẹ là cô giáo duy nhất, dạy trẻ học đếm, học hát, học viết chữ, thi thoảng mẹ còn bày cho học sinh nhỏ của mình cách khâu áo quần, tắm rửa…
Nhưng mẹ đã nghỉ dạy kể từ ngày đó, ngày em nói tiếng cạch cạch, ngày ba em hy sinh ngoài biển đảo. Mẹ ôm đứa con thơ ngồi trong nhà hai ngày liền khi nghe tin báo, ai nói gì mẹ cũng im lặng.
‘Con mang khuôn mặt của cha nhưng có đôi mắt đượm buồn của mẹ’. Trong một lần ghé thăm, người bạn cũ của mẹ, cũng là một cô giáo làng khác đã nói với em như vậy. Đã hơn mười năm trôi qua, mẹ vẫn thi thoảng không nói chuyện với em, phải chăng vì khuôn mặt giống cha của em khiến mẹ nhớ người chồng trai trẻ, yêu thương của mình, hay vì trong đôi mắt đen láy của em, mẹ nhìn thấy hình ảnh của một người phụ nữ không thiết sống khi thân xác của chồng không biết trôi dạt về đâu, nghĩ đến những con cá đói ăn, chúng đã rỉa… Tương lai của mẹ? Không, là cuộc đời của mẹ, một lần em sốt suốt mấy ngày, mẹ đã nói vậy. ‘Con là cuộc đời của mẹ’.
Cạch cạch lạch cạch lạch cạch…
Cái âm gán với em từ thuở em bi bô tập nói, gạch nối cuối cùng của những ý nghĩ về nhau của cha mẹ, hai con người đương sống, đương yêu thương, đương hướng về nhau và chờ đợi một cái Tết cùng chụp chung bức hình có đứa con nhỏ đã biết đi. Ba không bao giờ trở lại, sau cái tiếng cạch lạch cạch lạch đầu đời của em nơi vòm họng, hình như là vậy.
Nơi đảo xa đó, liệu có ai còn sống để vuốt mắt cho ba lần cuối, để có thể làm một việc giản đơn đó là giúp ba trở về lòng đất mẹ? Hay ở đó, xác ba dật dờ, phiêu diêu bất định, nảy lên theo nhịp sóng khi những con cá thi nhau rỉa. Rồi người ta có chìm tận đáy biển hay không, khi trên mọi thứ đã bị rỉa trọn vẹn? Mắt mẹ đau đáu mỗi tháng Ba về.
Tháng Ba năm nay sẽ khác, mẹ sẽ không để em một mình nữa, mẹ sẽ mua cho em một chiếc máy may, chẳng phải mẹ cào nghêu cả mùa Xuân này vì điều đó sao?
“May, không phải may mắn, đúng rồi, ba đặt tên cho con là May vì ba biết trước con sẽ là một thợ may giỏi, chẳng phải thế sao, chẳng phải tiếng đầu đời của con cũng là cạch cạch lạch tạch lạch tạch đó sao”.
Mẹ nói vậy, giọng mẹ có phần hồ hởi, xuân nay em tròn mười ba tuổi.
“Nữ thập tam, nam thập lục”, đã đến lúc con nghiêm túc nghĩ về việc mình nên làm gì rồi. Mẹ đã nói vậy và cũng nói rằng, em đủ lớn để mẹ mua cho em một chiếc máy may, để em có thể vừa học chữ vừa học may nếu em thích. Nhưng… liệu em có thích một chiếc máy may không? Chẳng phải ba mẹ đặt cho em cái tên May đó ư? Có phải những lần mẹ không nói chuyện với em cũng vì cái tên này, cái tên chẳng đem lại một chút may mắn gì cho một gia đình, hay vì cái tiếng cạch cạch lạch tạch lạch tạch mà vui hay buồn, thỉnh thoảng em vẫn phát ra từ vòm miệng mà không biết trước.
Nhưng rồi tháng Ba, một tháng Ba nữa lại đến, em nghẹn ngào làm được một việc mà mẹ không thể làm được cho ba: thả nắm đất tiễn mẹ về lòng đất.
***
-Ba mẹ đã chết để em được sống hay em còn sống nên cha mẹ phải chết?
-Ba mẹ đã lầm khi nghĩ em sẽ là một thợ may giỏi.
‘Ba mẹ em không lầm bởi em là một thợ may giỏi. Chẳng phải em đã khâu gắn vết thương cho gia đình anh đó sao. Anh đã không thể sống được nơi phố thị người ta suốt ngày ca cẩm về những mỹ từ của kinh tế mới, của thời cơm độn khoai lang. Anh đã đánh gãy chân của một tay trưởng thôn và người ta muốn bắt cha anh đi tù.
Cha mẹ anh dẫn anh đến đất này, anh không nghĩ mình sẽ có được những tháng ngày bình yên nhưng rồi em đến. Chính cô bé lúc nào cũng nói về mẹ giúp anh hiểu gia đình quan trọng thế nào, làm anh thấy hối hận vì những tháng ngày ngỗ nghịch làm cha mẹ anh phiền lòng. Những con cá biển tươi ngon, những người hàng xóm thân thiện, những ngôi mộ hoang vu cỏ làm người ta thấy đôi khi sống giữa một rừng mộ lại dễ thở hơn sống giữa một rừng người đào bới, mổ xẻ, chực đấu tố nhau’.
Sao hồi đó mình không nói vậy với em, sao mình không khẳng định với em rằng cuộc đời này ‘người ta có thể làm một việc xấu mà không bị xem là một việc xấu’, sao không nói với em rằng em là một thợ may giỏi.
Mẹ em bỏ em lại sau một lần cào nghêu, có lẽ vì đuối sức nên khi có con sóng lớn ập đến, mẹ đã không gượng dậy nổi.
Giấc mơ về những ngày mẹ luôn tươi cười với em tắt biến. Ngày em tròn mười ba tuổi là ngày em quấn chiếc khăn tang và cùng anh phát hoang một vạt cỏ. Em muốn tự mình làm vậy và không cho ai giúp ngoại trừ anh. Em muốn tự mình chuẩn bị chỗ nằm cho mẹ, bên cạnh gốc dương liễu có những cái tổ và những con chim con sắp ra ràng, chúng luôn đợi mẹ mớm mồi. Cũng giống như mẹ từng khều những chiếc tổ bỏ để làm đèn ru em ngủ trưa.
Em rời khỏi làng sau khi thắp nhang mộ mẹ một trăm ngày.
***
Bãi biển vi vu gió, thi thoảng một vài bông muống biển điểm trên cát, bên những hàng dương đang dần trở nên hiếm,bởi người ta thi nhau đốn rồi dựng lên những khu resort, những chòi cây để đặt ghế tắm nắng.
Những vị khách vãng lai không còn quá hiếm ở ngôi làng này. Họ đến từ thành phố, từ bên kia đại dương, họ vùi mình dưới cát và như thể những con kén vừa chui ra từ một vỏ trứng lạ của một thứ vũ trụ kỳ diệu và xa lạ nào đó. Góc nhà lá của em và mẹ giờ là một quầy bán vé dù lượn ca nô. Phía bên kia là gốc dương liễu già được giữ lại để giới thiệu cho khách về bề dày văn hóa của vùng này, nơi có những tổ chim già nua và khô khan thi thoảng rơi xuống vài cọng cỏ. Nước miếng chim đã khô và mộ mẹ em may mắn vẫn nằm đó, nép mình dưới tán dương liễu già, rời xa những ngôi mộ đã bị bứng đi để lấy đất làm đường.
Một chàng trai da ngăm ngăm vẫn lặng yên bên bờ biển, ngoài giờ làm ở công ty, anh ngồi đó vào mỗi buổi chiều và quan sát những nhóm người lạ. Đôi lần, anh gọi họ kịp để tránh xa những luồng xoáy mới nổi, nhưng cũng không ít lần, tay anh kéo tấm lưới cào, giúp tìm lại người một xác người, để gia đình đưa họ về lòng đất mẹ.
***
Những tiếng gào thét vang lên, đất đá chảy khắp nơi, người già trẻ em không ai kịp thoát. Những cánh rừng xanh biến mất, những đập thủy điện được xây lên, không biết bao nhiêu ngôi làng đã chìm dưới đất bùn nhão nhoét.
Ở đây không có tiếng sóng, ở đây không có những con còng ngoi lên bãi cát, cũng chẳng có ai thi thoảng kể vài câu chuyện cổ bởi mọi người chỉ trò chuyện qua ánh mắt khi tìm thấy được thứ họ đang tìm.
Người thợ may được mời đến nơi này bởi người ta vừa tìm thấy một lúc tất thảy ba cái xác, nhưng một vài phần trong đó bị thiếu vì đá đè biến dạng, cũng có thể vì lâu ngày nên đã bị phân hủy. Người thợ dùng chất bột và keo đặc biệt của mình để nặn lại những phần bị khuyết, cô luồn kim, khâu lại từng bộ phận, và khoác lên những thi thể không nguyên vẹn kia những tấm áo màu xanh cô vừa may xong.
Trăng cuối năm tròn trịa, suối trăng róc rách…! - Uyển Ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét