18 thg 3, 2021

NGƯỜI CHA - Chuyện Ngắn Của Ban Mai

 Người cha

 

Ảnh Internet

 
1. Mảnh đất đó bỏ hoang 50 năm rồi, với biết bao biến động, thăng trầm của cuộc sống.
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội.
Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm.

Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nữa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
Những hàng cột tiêu ai trồng giăng kín một góc vườn.

Chúng tôi bước sang một con ngõ khác, dẫn đến một cánh đồng rộng, bên cạnh là một hàng chuối đang trĩu quả. Anh hai dẫn tôi đến căn nhà cũ của ba mẹ. Ngôi nhà đã phá bỏ thời chiến tranh chỉ còn nền nhà cũ, u già dựng tạm một căn nhà gạch ba cho ở đó trông khu vườn và mảnh ruộng trước nhà. Bước vào khu vườn, u già lưng còng cười món mém không nhận ra ai. Anh hai nói, u có nhớ con không, thằng Trinh đã về đây.

U nói, giống ông quá, thằng Trinh mà sao không biết.
Rồi tụi bay cũng trở về.

U nói: Muối mặn trăm năm sau vẫn còn mặn.
Câu nói bình dị của u già làm tôi sững sờ, sao u có thể nói được những lời thâm sâu mà chúng tôi có học mãi cũng không thốt nổi những lời như vậy.

Tôi đứng trước hiên nhà, nghe mùi hương lúa, ngắm nhìn những buồng cau chín mọng nhưng không người hái, u sống một mình. Có phải u là người đã đút cho tôi ăn khi tôi mới mấy tháng tuổi mà mẹ tôi thường kể. U gọi Thúy Thúy hà hà là tôi há miệng ra. Đây là mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của tôi, cuốn rốn của tôi mẹ đã chôn ở góc cau nào, có phải góc cau trĩu qủa mà tôi đang đứng hay không? mày có quẫy đạp dưới lòng đất khi nhận ra tao, những tế bào của tôi đang run rẩy.

Ngày ấy, tôi mới sinh được vài tháng là xảy ra biến cố đảo chính Ngô Đình Diệm, ba đang làm việc ở Quy Nhơn, cho người về báo tin nói mẹ hãy bỏ tất cả mà vào thành phố gấp. Quê mình sẽ mất an ninh, ngày quốc gia đêm cộng sản, sẽ là vùng xôi đậu. Mẹ tất tả bồng tôi, nội dắt hai người chị xuôi về thành phố.

2. Quy Nhơn những năm 60, cái thị xã nhỏ bé nằm bên một rẻo biển miền Trung ngập tràn gió cát. Căn nhà trên đường Nguyễn Huệ ba mua gần Tòa án, Tòa Tỉnh, Bệnh viện, ông nói thích nơi này vì gần các công sở và trường chúng tôi học. Tôi yêu căn nhà lồng lộng gió, hương biển mặn nồng. Đêm nghe tiếng sóng vỗ vào bờ cát, tiếng ghe thuyền đánh cá và tiếng í ới của ngư dân ra khơi sớm.

Chị Nhị đưa võng hát ru tôi ngủ “Một ngàn năm nô lệ giặc tàu/một trăm năm đô hộ giặc tây/hai mươi năm nội chiến từng ngày/gia tài của mẹ, để lại cho con/gia tài của mẹ, là nước Việt buồn”... “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình/ Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh…”...tôi thuộc bài hát của Trịnh Công Sơn từ thuở nhỏ, ca từ của ông đã thấm vào hồn tôi khi tôi chưa hiểu biết gì qua giọng hát chị Nhị ru hời hàng đêm.

Sau năm 1975, chị Nhị trôi giạt phương nào tôi không hề biết, đôi lúc nhớ chị tôi hỏi, mẹ cũng không biết. Người chị giúp việc, chăm sóc chị em tôi lúc nhỏ khi ba mẹ bận bịu làm ăn. Tôi vẫn nhớ giọng hát buồn, trầm lắng của chị những buổi trưa hè, bàn tay chị xoa lưng tôi ngủ. Cuộc đời chị rồi đã ra sao, tôi vẫn luôn thắc mắc.

Ngày xưa, chiến sự nơi nào tôi không biết, riêng cuộc sống gia đình tôi vẫn nhàn nhã nơi này. Ba làm công chức, mẹ làm y tá có tiệm thuốc Tây. Chị em tôi ngày ngày đi học, chiều về qua nhà sách chú Thiệu chờ xe báo Sài Gòn chở về để theo dõi từng số truyện tranh Tin Tin, Xì Trum…Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm, với ngôi trường Mai Xuân Thưởng thầy hiệu trưởng Hồ Phú Quế, cao gầy. “Ngày xưa Mai Xuân Thưởng hùng anh, nêu gương sáng liệt oanh tiếng thơm ghi trang sử xanh…” bài hát của Trường đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tôi tham gia đội văn nghệ trường, cùng với Sương cô bạn thời thơ ấu tham gia múa đôi “Xuân và Tuổi trẻ”, hoạt cảnh “Tình bạn”. Tiết mục được chọn đi thi hội diễn tại Trường Sư phạm Quy Nhơn. Ngày ấy, tụi tôi được dẫn ra ngoại ô tìm những cảnh đẹp để quay ngoại cảnh lên Đài truyền hình Bình Định. Thời tiểu học, buổi sáng vào lớp chúng tôi được phát bánh mì ăn sáng, giờ ra chơi bắt xếp hàng uống sữa theo chương trình học đường của Bộ Giáo dục, sữa nóng trong thùng, mỗi nhóc một ly uống cho hết, tôi ghét uống sữa nhưng sợ bị phạt, lần nào cũng lén đỗ bớt một nữa, rồi vội chạy ra chơi nhảy dây với mấy đứa bạn đứng chờ.

Những trưa nắng trốn ngủ tôi cùng lũ bạn hàng xóm chạy trốn tìm trong những con hẻm ngập cát và cây xương rồng, ra bờ biển nhảy sóng, nhìn những ngọn sóng tung bọt trắng xóa và ruổi theo, tiếng cười trong như pha lê của lũ con nít chúng tôi như còn ngân vang trên từng lớp sóng.

3. Sài Gòn năm 1975 tràn ngập dân di tản.
Những ngày đầu vào Sài Gòn, tôi và mấy nhóc nhỏ cùng mẹ ở nhà ông Chín. Căn nhà gác hai tầng sát bên cạnh một ngôi chùa nhỏ, trong một con hẻm ở Bà Quéo. Cái tên lạ hoắc mới nghe mấy nhỏ em tôi tức cười vì tụi nó còn ngọng nghịu phải uốn miệng nhiều lần mới phát âm được. Ba và các anh chị lớn ở nhà ông Tám gần chợ Bà Chiểu. Không hiểu sao gia đình tôi lại tách làm hai.
Bổng nhiên tôi trở thành cô chị cả trông coi 4 nhóc tì. Ngày nào cũng dẫn tụi nó qua ngôi chùa bên cạnh chơi đồ hàng, hái trứng cá. Nằm dưới các gốc cổ thụ ngắm lũ Thạch Sùng bò trên cây. Cuốn thần thoại Hy Lạp tôi đọc lần đầu tiên là ở nơi này, tôi ngấu nghiến, nghiền ngẫm các vị thần cho hết thời gian trống vắng...sung sướng lạc vào không gian huyền ảo trên đỉnh Olympia, với thần Zeus cải trang thành một con thiên nga quyến rũ nàng Leda, hồi hộp lạc vào trong hang động của 3 vị thần khổng lồ một mắt Cyclop hung bạo, đắm say với những truyền thuyết về các nữ thần Hera, Aphrodite, Apollo...những huyền thoại Hy Lạp đã khai mở, ảnh hưởng tâm hồn tôi rất nhiều.
Nhưng cuộc đời không như huyền thoại, tuổi niên thiếu tôi bị đẩy vào thực tế cuộc đời hỗn độn, rối bời sau thời hậu chiến ở cư xá Thanh Đa.
Gia đình tôi chạy giặc từ Quy Nhơn vào Sài Gòn mất hơn một tháng, trãi qua bao biến cố. Ba mẹ tôi trắng tay, chiến sự quá nhanh tiền ở nhà băng chưa rút kịp, bao nhiêu vòng vàng, nữ trang mẹ trút hết cho chuyến xe cuối, giá nào cũng phải vào Sài Gòn trước khi quân miền Bắc đến. Chúng tôi chạy đua với thời gian, nhưng tất cả đã trễ.
Chợ Bà Chiểu một buổi chiều đầu tháng 5.1975, chú Hoàng xếp đặt cho các anh chị con bác và mấy người chị lớn của tôi ngồi bán thuốc lá. Những cây thuốc Rube, Boston, Salem chất ngập đầu trên các sạp. Chúng tôi chỉ bán sĩ. Bạn chú Hoàng lấy đâu ở các kho hàng của Mỹ. Những ngày đầu tháng 5 Sài Gòn tràn ngập bộ đội, đi đâu cũng thấy mũ cối. Những gương mặt xanh bủn, lơ ngơ đi trên phố. Phần đông, những người lính Miền Bắc lúc ấy là các sinh viên, học sinh được trưng dụng ra chiến trường, họ tò mò sà vào các lề đường xem sách cũ Miền Nam, nhạc vàng Khánh Ly bày la liệt trên các vỉa hè. Những buổi chiều, tôi theo xe lam từ cư xá Thanh Đa ra chợ Bà Chiểu đến các sạp của chị dọn giúp hàng, được dịp đi lang thang. Không biết ngày ấy, nhà văn Dương Thu Hương đã ngồi ở lề đường nào mà bật khóc khi bà cảm nhận được thế hệ của bà đã bị lừa dối, khi bất ngờ nhận thấy nền văn minh và sự tráng lệ của Hòn ngọc Viễn Đông. Điều mà thế hệ bà được tuyên truyền là người dân Miền Nam đang đói khổ, rên xiết dưới chế độ Mỹ Ngụy. 
Chú Hoàng em út của ba, đẹp trai tài tử kiểu Alain Delon làm các cô chết ngộp. Chú làm ở Trung tâm bảo trợ nhi đồng Anh quốc. Ngày xưa, chú yêu một cô vũ nữ xinh đẹp, nhưng bà nội nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng, chú lấy một cô gái đảm đang mà nội chọn. Thiệt mệt. Dòng họ tôi sống theo kiểu “Áo mặc không qua khỏi đầu”. Chú Hoàng lanh lợi, tháo vát năm 1979 chú nộp vàng ra đi theo diện người Hoa. Mấy năm bươn chải chú chuyển từ Cali sang Texas cho mỗi người con một siêu thị mini kiếm sống, và mấy căn nhà cho thuê. Khu chú sống thường là dân Do Thái và Tây ít người Việt. Có lần tôi thắc mắc, như vậy buồn quá. Chú nói chú thích đi xa cộng đồng người Việt càng tốt, ở gần rất nhiêu khê, nói cháu không hiểu. Bây giờ, chú đã nằm đâu đó trong nghĩa trang Houston xa lắc xa lơ.
Ba chuyển chúng tôi từ Bà Quéo sang cư xá Thanh Đa sau sự cố hai nhóc tì đang chơi đồ hàng trên lancan căn gác ông Chín bị té, may sao bé mười rơi trúng chiếc xe Vespa nên khi xuống đất đã không hề hấn gì. Tôi từ giã cuốn huyền thoại Hy Lạp trở về trần gian.
Cư xá Thanh Đa, lô G, tầng 3 nguyên một dãy là nhà bà con họ hàng bên nội, mỗi gia đình một căn hộ hai phòng,

 

có buồng tắm, nhà bếp. Khu cư xá dành cho công chức và sĩ quan của chế độ Cộng Hòa Miền Nam vừa xây xong chưa kịp phân người ở đã được trưng dụng cho người di tản tứ phương tá túc. Chị em tôi quen sống trong căn nhà thoáng đãng, nên khi vào khu chung cư bịt bùng, tôi có cảm giác mình đang bị cầm tù.

Buổi sáng ba mẹ và các anh chị lớn đều ra chợ Bà Chiểu chạy hàng. Tụi con nít chúng tôi không biết phải làm gì ngoài việc chạy ra công viên phía trước nhà chơi cầu tuột, xích đu, bập bênh, hái hoa dại. Mấy tuần sau, những đứa trẻ trong cư xá được tập trung vào đội thiếu nhi, thiếu niên tiền phong sinh hoạt, do các anh chị lớn phụ trách. 
Một hôm, ba đột ngột quyết định trở về Quy Nhơn, ông bà nội, họ hàng bên nội không ai đồng ý, tất cả đều ở lại. Nhưng ba nhất quyết sắp xếp lại mọi việc, ở nơi này ba không thể gầy dựng theo cách của ông. Ba nói sắp đến ngày tựu trường ở Sài gòn các con không thể học hành đến nơi đến chốn, về quê thôi. Chị tư phải ra Huế tiếp tục học đại học, còn hai năm nữa ra trường con sẽ có việc làm, không thể bỏ dỡ dang, nghề giáo người ta không làm khó dễ mình đâu. Tụi nhỏ phải đi học tiếp không thể lông bông.
Anh hai không về quê, nhận nuôi tôi và chị năm, anh nói sẽ cho hai đứa ăn học. 
Đêm đầu tiên ở lại Sài Gòn, giữa khuya tôi tỉnh giấc, chung quanh trống vắng, cả nhà đã về Quy Nhơn, sự sợ hãi làm tôi run bần bật, khóc thút thít suốt đêm làm chị năm la.
Ban ngày anh hai và chị năm chạy hàng ở chợ Bà Chiểu, tôi một mình lông ngông không biết làm gì. Gần trung thu, chị phụ trách thiếu nhi tập văn nghệ, tôi và con bé Trang tầng 1 dân Sài Gòn chính cống, có lẽ nhìn mặt mày sáng sủa nên được chọn trong đội văn nghệ thiếu nhi Thanh Đa, tôi hát đơn ca bài “Thằng cuội yêu chị hằng nga nói dối ông bà lên sống mặt trăng... ố tang tình tang ố tang tình tình...”, rồi đi cắm trại, hôm sau về tôi bị tắt tiếng, cổ họng khô rát và không nói được. Mấy ngày đó, chị năm ở nhà làm nước chanh đường cho tôi ngậm nhưng cũng không ăn thua. Tôi sợ bị câm, cứ nhìn chị mà khóc. Thằng nhóc ở tầng 3 tên gì tôi đã quên, xúi tôi uống nước mắm sẽ nói được, tôi tưởng thiệt, uống một ngụm, kết quả câm nguyên tuần.

Rồi một ngày, anh hai chở tôi đến nhà bạn gái của anh ở cầu Thị Nghè, anh nhờ chị xin cho tôi học trường nữ Gia Long. Chị dễ thương có nút ruồi duyên dưới cằm, với giọng Miền Nam ngọt ngào chị cứ gọi tôi là cưng, tôi hăm hở cho niên học tới với chiếc áo dài tinh khôi và những tập vở xích lô trắng tinh, hàng văn phòng phẩm vẫn còn sót lại sau thời hậu chiến, rồi đây tôi sẽ không ngờ mấy năm sau mình sẽ viết trên những tập vở vàng xỉn, tất cả đều thiếu thốn. Niềm háo hức của tôi vỡ tan khi anh hai nói tôi không thể nhập học vì hồ sơ không có, ngày chạy loạn gia đình tôi đã bỏ mất trên đường. Muốn xin học, phải về Quy Nhơn đến trường Nữ Trung học xin lại giấy tờ lớp Đệ thất và làm lại giấy khai sinh. Ngày khai trường đã trôi qua, lòng tôi như lửa đốt, mỗi buổi chiều tôi ra cầu Kinh chờ anh chị tôi đi làm về, nhìn đám lục bình trôi bềnh bồng trên sông Sài Gòn, thấy mình như đám lục bình trôi.
Ba nhờ người đem thư nhắn tin, bảo anh hai bằng mọi cách phải đem tôi và chị năm về gấp ba xin nhập học, tôi nhớ như in lời ông viết “nếu có đi ăn xin ba cũng phải cho tụi con đi học, thời nào người ta cũng trọng con chữ”. Xe đò của dì Út ở gần nhà chạy tuyến Quy Nhơn - Sài Gòn, anh hai gửi chị em tôi theo xe trở về. Ngày đó, xe đò chạy ban đêm dừng lại ven đường có các chòi tranh cho hành khách xuống ngủ, sáng sớm chạy, không đi suốt đêm như bây giờ.

 

4. Về nhà.
Căn nhà của tôi trống hoác, bước chân vào tôi kinh ngạc. Tất cả mọi vật dụng của gia đình không cánh mà bay. Suố
ba tầng lầu hoàn toàn rổng. Chị em tôi nằm lăn dưới nền gạch hoa, mẹ mua mấy chiếu mới. Tôi hỏi các nhóc tì, nhà mình sao vậy? tụi nhóc nói lúc em về, nhà mình làm nơi sinh hoạt thiếu nhi của phường, ba làm đơn xin lại.

Đồ đạc trước khi di tản ba gửi một người bạn, chỉ còn sót lại ba máy đánh chữ Olympia, cái tivi đen trắng, thùng chén đĩa Nhật của mẹ. Ủy ban phường tịch thu hai cái máy đánh chữ, còn một cái nhỏ để lại cho gia đình, sau này chị em tôi được ba dạy đánh máy chữ, làm nghề thảo đơn từ và đánh máy thuê. Lên lớp 8 tôi đã đánh máy thuê nhanh thoăn thoắt. Nhờ biết đánh máy chữ từ nhỏ mà sau này mấy chị em tôi được nhận làm thư ký cho các công sở.
Suốt con phố dọc nhà tôi, tất cả dường như đảo ngược. Nhà sách của chú Thiệu cửa đóng im ỉm, gia đình chú di tản vào Sài Gòn và không bao giờ trở về. Cánh cửa gỗ bị nạy hở một mảng, buổi chiều tôi thường đến nhìn vào trong, nhớ mùi sách cũ, thèm sờ vào những cuốn truyện thiếu nhi thơm mùi giấy mới. Tất cả hoàn toàn im vắng, những kệ sách trống rổng. Chỉ có ánh mắt buồn bã của con mèo tam thể trên chiếc ghế gãy gương mắt nhìn tôi. Tôi chạy vào con hẻm bên nhà, tìm căn nhà Dũng, người bạn tuổi nhỏ chơi đồ hàng với tôi mãi mãi biệt tích. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn băn khoăn bạn còn hay mất.
Một buổi chiều, tôi ra biển sau nhà, thấy một con bé mặc chiếc áo bành tô lông cừu mà anh hai mua cho tôi khi anh học ở Đà Lạt, tôi chạy theo nó nhưng không dám nói một lời. Về nhà tôi khóc, con thấy con nhỏ đó mặc chiếc áo của con.
Những gia đình ở lại không di tản bổng bất ngờ trở nên giàu có, những người bạn của ba mẹ tôi không còn ai, tất cả đã ra đi, một số người học tập cải tạo, đi kinh tế mới. Những ông giáo đáng kính, những người làm công chức cũ phút chốc thất nghiệp, ra đường đạp xích lô, bơm xe đạp, làm đủ mọi nghề. Ba mẹ tôi gầy xác xơ, bắt đầu gây dựng lại với hai bàn tay trắng khi tuổi đời của họ đã trên tứ tuần. Tôi nhớ những đêm khuya lạnh, khi chúng tôi còn ngủ say, tiếng cửa sắt bên hông nhà kêu ken két là tôi biết ba đang lách mình ra ngoài sương đêm để kịp lên rừng làm song mây, đi làm thủy lợi. Có nhiều khi tôi nghĩ, nếu là tôi trong thời loạn ly, tôi sẽ làm gì nuôi đàn con dại khi thời thế đổi thay, khi chung quanh không bạn bè chí hướng. Ba tôi, luôn là người đàn ông kiêu hãnh, đầy trách nhiệm. 

Những ngày này, tôi nhớ ông nhiều lắm.
Nhớ bóng ba in trong chiều tà tỉ mỉ tỉa cành, chăm chút mấy cây mai vàng trên sân thượng, nhớ dáng ông loay hoay bên mấy chậu cây kiểng phòng khách, nhớ giọng ông reo vui nhắc đàn con treo những cánh thiệp xuân. Nhớ cái cách ba treo phong pháo đỏ nối dài từ tầng thượng xuống đất, cho pháo nổ giòn. Nhớ sáng mồng 1 năm nào lũ chúng tôi cũng thức dậy sớm mặc đồ mới đứng xếp hàng chờ ba lì xì, bao giờ ông cũng chúc tụi tôi ngoan, học giỏi. Con cái phải giữ nếp nhà. 
Ngày chúng tôi khôn lớn, ông đã già, lúc đó tụi tôi còn vất vả, đứa nào cũng bươn chải trên đường đời, với nổi lòng ngổn ngang. Thỉnh thoảng, buổi chiều tạt về thăm cha, ông căn dặn đi đường cẩn thận nghe con, nhớ giữ ấm. Ông dõi theo bước chân chúng tôi khi đã lập gia đình, tiếng thở dài ba nén lại, khi thấy cuộc sống con mình không vui.
Ngày nay, khi chúng tôi đã vững vàng, ông không còn nữa. Mong muốn đền ơn cha, nhưng biết làm sao. Nhiều khi, tôi ước gì ông còn sống, chỉ muốn nói với ông một lời “Con yêu ba nhiều lắm ba ơi”.

 

Quy Nhơn, 09.02.2015

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét