Được tổng thống thứ 34 của Mỹ Dwight D. Eisenhower thành lập năm 1958, hơn 10 năm sau, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lập nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong hành trình khám phá không gian của loài người: Đưa người đổ bộ Mặt Trăng.
Kể từ khi ra đời, NASA nắm vai trò quan trọng trong hành trình đưa nước Mỹ trở thành một trong những cường quốc vũ trụ của thế giới. Thành tựu lần đầu tiên đưa người đổ bộ Mặt Trăng trên phi thuyền Apollo 11 năm 1969 mà NASA của nước Mỹ thực hiện được tính cho đến nay vẫn chưa một quốc gia nào tái lập được.
Trong lịch sử hơn 60 năm phát triển của NASA (1958-2019), 12 người đã nắm giữ chức vụ Tổng thống Mỹ.
12 vị tổng thống đại diện cho 12 chính sách, ưu tiên khác nhau dành cho NASA. Điểm chung ở họ là khát vọng vươn tầm vũ trụ tột bậc, nhằm đưa nước Mỹ giữ vững vị thế số 1 trong hành trình khám phá không gian (làm bàn đạp để nâng cao vị thế chính trị toàn cầu của Mỹ).
Tổng thống thứ 43 của Mỹ George W. Bush từng nhấn mạnh rằng: Không gian là yếu tố tối quan trọng. Nước Mỹ phải dẫn đầu trong loạt sứ mệnh xây dựng một tiền đồn (có người ở) trên Mặt Trăng và đưa các nhà thám hiểm đổ bộ sao Hỏa.
Cho đến nay, NASA chưa một ngày ngừng nhiệt huyết cho loạt sứ mệnh lịch sử này. Gắn liền với NASA, mỗi vị tổng thống lại có những đóng góp của riêng mình cho phần lịch sử đó.
Riêng với Tổng thống John F. Kennedy, ông được dân chúng nhớ đến như một nhân vật có sức ảnh hưởng to lớn trong hành trình Mỹ đưa người đổ bộ Mặt Trăng nói riêng và chương trình không gian của Mỹ nói chung.
Vậy, trong hơn 6 thập kỷ qua, dưới thời của 12 ông chủ Nhà Trắng, NASA đã được bồi đắp như thế nào? Thành tích mà cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới này thiết lập gồm những gì và chúng gắn liền với các ông chủ Nhà Trắng ra sao? Cùng lật mở các vấn đề trong phần lược sử của chính NASA dưới đây.
Tổng thống Dwight D. Eisenhower là người phê duyệt sứ mệnh không gian đầu tiên trong lịch sử của Mỹ năm 1955 - Phát triển vệ tinh khoa học nhân tạo Vanguard1, nỗ lực của Mỹ trong chương trình Năm Địa vật lý Quốc tế 1957-1958.
Tổng thống Dwight D. Eisenhower là người phê duyệt sứ mệnh không gian đầu tiên trong lịch sử của Mỹ năm 1955 - Phát triển vệ tinh khoa học nhân tạo Vanguard1, nỗ lực của Mỹ trong chương trình Năm Địa vật lý Quốc tế 1957-1958.
Ngày 4/10/1957, Liên Xô chế tạo và phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử thế giới - vệ tinh Sputnik 1 ra ngoài quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Đứng trước thành tựu bất ngờ của Liên Xô, Tổng thống Dwight D. Eisenhower quyết định thành lập NASA ngày 29/7/1958, sau những ý kiến đóng góp của cố vấn khoa học James Killian về một cơ quan không gian dân sự riêng biệt nhằm đối chọi với các chương trình không gian (cả công khai và bí mật) của Liên Xô - địch thủ của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.
Khi Yuri Gagarin - phi hành gia người Liên Xô hoàn thành sứ mệnh bay ra ngoài không gian đầu tiên trong lịch sử năm 1961, Eisenhower dồn tất cả các phương tiện và khả năng cần thiết của Bộ Quốc phòng (trước đây đảm nhận các sứ mệnh không gian của Mỹ) cho NASA.
Ông cũng là người tiến cử nhà khoa học Đức Wernher von Braun chuyển sang làm việc NASA. Wernher von Braun với cống hiến không thể vĩ đại hơn trong hệ thống tên lửa đẩy Mặt Trăng Saturn V, đã trở thành 'cha đẻ của ngành vũ trụ Mỹ', giúp người Mỹ chạm tới Mặt Trăng thành công về sau.
John F. Kennedy là vị tổng thống Mỹ được NASA và công chúng Mỹ nhớ mãi với đề xuất nước Mỹ phải đổ bộ cho kỳ được Mặt Trăng trong thập niên 1960.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy không ngần ngại nêu rõ: "Tôi tin rằng, nước Mỹ nên cam kết thực hiện cho kỳ được mục tiêu đưa người đổ bộ Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất an toàn trước khi thập niên 1960 này khép lại."
Song song sau lời hiệu triệu đó, Tổng thống Kennedy nhanh chóng thực hiện các cam kết tài chính. Kết quả, ngân sách của NASA đã tăng 89% và thêm 101% vào năm 1962. Như hổ mọc thêm cánh, NASA bắt tay vào thực hiện Chương trình Apollo tiêu tốn hàng trăm tỷ đô, dưới sự đóng góp của hơn 400.000 khối óc, kéo dài trong hơn 10 năm.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, mục tiêu chính trị cao nhất của Tổng thống Kennedy chính là đánh bại Liên Xô. Do đó, vị tổng thống thứ 35 của Mỹ không cam tâm ngồi nhìn địch thủ gặt hái được hết thành công này đến chiến tích khác ngoài không gian. Ngành vũ trụ Liên xô khi ấy đang nắm giữ vị thế tiên phong, Mỹ hẳn nhiên lo sợ khả năng quân sự hóa của Liên Xô ngoài không gian.
"Mọi nỗ lực không gian của Mỹ là nhằm thực hiện cho kỳ được mục tiêu đổ bộ Mặt Trăng trước Liên Xô. Chiến thắng Liên Xô trong cuộc đua Mặt Trăng là ưu tiên hàng đầu của NASA, chính phủ và nước Mỹ." - Tổng thống Kennedy nói.
Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát. Giữa rối ren chính trị, Apollo và NASA vẫn miệt mài ngày đêm thực hiện cho kỳ được ước nguyện thủa còn sống của vị tổng thống Mỹ thứ 35.
Chiều tối ngày 20/7/1969, vài giờ sau khi thế giới sửng sốt hay tin Mỹ đưa người đổ bộ Mặt Trăng thành công, người ta tìm thấy một mẩu giấy kèm một bó hoa nhỏ đặt trên mộ của cố Tổng thống Kennedy ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Bên trong viết rằng: "Thưa Tổng thống! Đại Bàng hạ cánh thành công!"
Đại Bàng là mật danh của mô-đun Mặt Trăng do phi hành gia Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin điều khiển, đổ bộ trực tiếp Mặt Trăng ngày 20/7/1969 lịch sử.
Nói về thành công của Apollo 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama (tại nhiệm năm 2009-2017) cảm nghĩ: "Neil Armstrong là một trong những người hùng vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ. Khi anh ấy và đồng đội của mình lên đường thực hiện sứ mệnh trên phi thuyền Apollo 11 năm 1969, các anh ấy đã mang trên vai trọng trách cũng như khát vọng của dân tộc chúng ta. Chính họ đã cho thế giới thấy rằng chỉ cần có tinh thần Mỹ, chúng ta có thể làm được những thứ ngoài sức tưởng tượng."
Đúng như vậy! Nhờ có khát khao ngoài sức tưởng tượng của cố Tổng thống Kennedy, chiến tích vũ trụ của Apollo 11 mà NASA thực hiện thành công mỹ mãn vẫn được nhớ đến cho đến tận ngày nay và mai sau.
Sau khi nhậm chức, trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thượng nghị sĩ John McClellan vào tháng 3/1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson nói:
"Tôi hy vọng, mục tiêu đổ bộ Mặt Trăng sẽ không đi chệch đường ray. Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài để có những bệ đỡ bước đầu như ngày hôm nay. Liên Xô đang có những thành tựu đáng kinh ngạc, do đó, nước Mỹ cần hiện thực hóa những mục tiêu vĩ đại hơn thế nữa..."
Ngoài những mục tiêu chính trị liên quan đến nỗ lực không gian của Mỹ, Tổng thống Johnson còn khéo léo đạt được Hiệp ước Không gian của Liên Hợp Quốc, dựa trên các quy tắc Mỹ ban hành đầu tiên dưới thời Tổng thống Kennedy.
Hiệp ước ban hành việc cấm triển khai vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trong không gian, hạn chế sử dụng Mặt Trăng và các thiên thể khác cho mục đích hòa bình, và cấm bất kỳ quốc gia nào độc chiếm một thiên thể vì chúng được xem là di sản chung của nhân loại.
Tổng thống Lyndon B. Johnson
Vị tổng thống thứ 36 của Mỹ vẫn cam kết cung cấp hỗ trợ chính trị và ngân sách cần thiết nhằm mục tiêu cho NASA thực hiện sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng trước năm 1970, ngay cả khi sự cố Apollo 1 xảy ra tháng 1/1967 khiến 3 phi hành gia Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee thiệt mạng, thì sự hỗ trợ của ông dành cho NASA vẫn không bị dao động.
Ông phê duyệt cho NASA điều tra vụ tai nạn và thực hiện các bước cần thiết để đưa Apollo trở lại đúng hướng.
Tuy nhiên, vào những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của Lyndon B. Johnson, ngân sách dành cho NASA bắt đầu trượt dốc.
Vào thời điểm ông rời Nhà Trắng tháng 1/1969, chiếc cung tên với mục tiêu đưa người đổ bộ Mặt Trăng của NASA đã giương cao, nhưng cơ quan này không biết phải làm gì khi đưa người Mỹ lên Mặt Trăng. Mọi sự đều bối rối.
Khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin đang đi bộ trên Mặt Trăng ngày 20/7/1969, Tổng thống Nixon đang ngồi trong phòng Bầu Dục cùng Tham mưu trưởng Robert Haldeman và phi hành gia Frank Borman.
Cũng giống như các tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Nixon nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc đổ bộ Mặt Trăng đối với uy tín của Mỹ trên chính trường thế giới.
Khi thực hiện cuộc gọi điện đầu tiên từ Trái Đất lên Mặt Trăng với phi hành gia của Đại Bàng, ông cảm kích nói: Cuộc gọi từ Biển Yên bình (khu vực trên Mặt Trăng mà sứ mệnh Apollo 11 chọn hạ cánh) đã truyền cảm hứng sâu sắc đến cho tôi (Tổng thống Nixon) để nỗ lực gấp đôi trong sứ mệnh mang lại hòa bình và yên bình cho Trái Đất.
Đích thân Tổng thống Nixon cũng đã bay tới Thái Bình Dương để chào đón các phi hành gia tàu Apollo 11 trên tàu USS Hornet sau khi họ trở về Trái đất vào ngày 24/7/1969.
Tháng 11/1969, Nixon trở thành tổng thống đầu tiên tham dự một vụ phóng vũ trụ, đưa phi thuyền Apollo 12 tiếp tục bay tới Mặt Trăng.
Theo thời gian, khi chiến công của Apollo 11 tạm lắng xuống thì những ưu tiên dành cho NASA cũng dần phai nhạt. Tổng thống thứ 37 của Mỹ đã bác bỏ các kế hoạch hậu Apollo Program đầy tham vọng của NASA (bao gồm việc phát triển một loạt các trạm vũ trụ lớn, tiếp tục sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng và mục tiêu ban đầu lên sao Hỏa thập niên 1980).
Vào thời điểm Tổng thống Nixon rời Nhà Trắng, ngân sách NASA đã giảm từ 4% xuống chưa đầy 1%. Điều đáng nói là mức ngân sách này cứ giảm dần đều trong 30 năm sau đó. Với mức chi tiêu hạn hẹp, NASA buộc phải hủy bỏ các chương trình Mặt Trăng, gồm Apollo 18, 19 và 20; cũng như đóng cửa dây chuyền sản xuất cho tàu vũ trụ Apollo và tên lửa đẩy Saturn V.
Trong nhiệm kỳ 3 năm làm tổng thống của mình sau khi Tổng thống Nixon từ chức, Tổng thống Gerald R. Ford rất chú ý đến các chương trình không gian Mỹ. Ông là người ủng hộ NASA, giúp soạn thảo Đạo luật Vũ trụ năm 1958, đồng thời tổ chức thành công Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz giữa Mỹ và Liên Xô năm 1975.
Phát biểu tại buổi ghi nhận thành tích NASA phóng hai tàu vũ trụ Viking 1, Viking 2 đến sao Hỏa (thả thiết bị đổ bộ thành công đầu tiên xuống sao Hỏa) ngày 20/7/1976, ông nói: Thành tựu mà chúng ta đạt được không chỉ thể hiện sức mạnh kỹ nghệ vũ trụ mà còn phản ánh những giá trị tốt đẹp nhất của chúng ta, đó là khả năng sáng tạo, sự hy sinh và sự ham học hỏi, tìm tòi, sẵn sàng tiếp cận những điều chưa biết.
Năm 1976, đích thân Tổng thống Ford phê duyệt đồng thời hai sứ mệnh khoa học vũ trụ lớn của NASA là Kính viễn vọng Không gian Hubble và Tàu vũ trụ Galileo thăm dò sao Mộc.
Jimmy Carter có lẽ là người có ít ủng hộ nhất trong các nỗ lực không gian của Mỹ so với bất cứ tổng thống nào trong hơn 60 năm qua (kiểm soát vũ khí là ưu tiên hàng đầu của ông). Nhưng là một kỹ sư được đào tạo bài bản, ông hiểu và quan tâm đến khả năng có thể khám phá hành tinh sâu hơn.
Trong tuyên bố của chính phủ về chính sách vũ trụ được ban hành vào tháng 10/1978, ông nói: Chính sách không gian của Mỹ phải được 'tiến hóa' hơn nữa thay vì tập trung quá mạnh vào phát triển một kỹ thuật lớn. Các mục tiêu đa dạng sẽ tạo ra nhiều hướng đi cho những nỗ lực không gian trong tương lai.
Tổng thống Jimmy Carter (thứ 2 từ trái sang) gặp Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy, ông Lee Scherer năm 1978 tại sân bay khi ông đến thăm Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: NASA
Một trong những di sản đáng nhớ của Tổng thống Jimmy Carter dành cho NASA là phê duyệt chương trình tàu con thoi. Tàu con thoi của NASA, chính thức được gọi là Space Transportation System (STS), nghĩa là "Hệ thống Chuyên chở vào Không gian".
Dù bắt đầu trong cuối thập niên 1960, chương trình tàu con thoi của NASA thực sự phát triển dưới thời ông chủ Nhà Trắng thứ 39 với việc ông phê duyệt phát triển 4 (trên tổng 5 tàu con thoi NASA đề xuất) cho cơ quan này phát triển.
Tên lửa phóng tàu con thoi Challenger của NASA. Ảnh: NASA
Tên lửa phóng tàu con thoi Challenger của NASA. Ảnh: NASA
Ít ngày sau khi Tổng thống Jimmy Carter rời Nhà Trắng, ngày 12/4/1981—nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 chuyến bay vũ trụ của Yuri Gagarin, NASA phóng tàu con thoi Columbia đầu tiên từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Về sau, cùng với tàu con thoi Columbia, NASA lần lượt phát triển thêm các tàu con thoi còn lại là Challenger (1982), Discovery (1983), Atlantis (1985). Riêng tàu con thoi Endeavour được đóng thay thế Challenger và lên đường thực hiện sứ mệnh năm 1991.
Chú thích:
(1) Về sau vệ tinh Vanguard không được sử dụng do năm 1957 Liên Xô tiên phong phóng vệ tinh Sputnik 1. Vệ tinh nhân tạo Explorer 1 do Hải quân Mỹ sáng chế (là phiên bản cải tiến của Vanguard) của Mỹ lần đầu tiên được phóng ra ngoài không gian năm 1958.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét