Một nhà máy có thể sản xuất 80 nghìn tỷ viên nhựa/năm. Không biết bao nhiêu trong số chúng bị rò rỉ ra môi trường.
Khoảng
30 dặm về phía bắc thành phố Pittsburgh tọa lạc một thị trấn giáp ranh
với khu rừng của tiểu bang Pennsylvania. Ngổn ngang ở đó bây giờ là một
nhà máy mà gã khổng lồ Royal Dutch Shell đang xây dựng.
Tập
đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ hai thế giới đang đặt cược cả tương lai
của mình vào đó, nhà máy sẽ sản xuất một sản phẩm mới, nhựa nguyên
sinh. Vừa mới tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã ghé thăm khu xây
dựng của Shell. Như thường lệ ông ấy nhấn mạnh vào 5.000 việc làm mà nó
đã tạo ra.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là
một trong số hơn 300 cơ sở sản xuất nhựa nguyên sinh được đề xuất hoặc
đã được cấp phép xây dựng ở Mỹ tới đây. Giữa bối cảnh giá khí đốt giảm
mạnh, Shell cùng những gã khổng lồ dầu khí khác như Exxon, chợt trông
thấy một đại lộ tăng trưởng bền vững mới dành cho họ: Nhựa!
Nếu
không thế bán được khí đốt để kiếm lời, Shell chắc chắn không muốn phí
phạm nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà họ đã khai thác được. Điểm
mấu chốt là khí đốt bỏ đi vẫn có thể làm ra nhựa.
Về
lâu về dài, đó là một chiến lược giúp họ tồn tại trong một thế giới
đang từ chối sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguồn năng lượng. Ngành
công nghiệp dầu khí đã đặt mục tiêu từ giờ cho tới năm 2025, họ sẽ đẩy
sản lượng nguyên liệu nhựa tăng thêm ít nhất 33%.
1. Một nhà máy sản xuất 80 nghìn tỷ viên nhựa/năm
Nhà
máy mà Shell đang xây dựng dựa vào một quá trình được gọi là “cracking
ethane”. Trong đó, khí ethane (C2H6) bị “crack” để biến thành ethylene
(C2H2). Từ một phụ phẩm vô dụng của quá trình khai thác khí đôt, bây giờ
họ sẽ có được nguyên liệu chính để làm ra nhựa.
Dự
kiến sau khánh thành, một mình cơ sở mới của Shell có thể sản xuất 1,6
triệu tấn nhựa mỗi năm. Trong một thế giới nơi người ta có thể mua nhựa
mới nguyên sinh với giá rẻ hơn cả nhựa tái chế, Shell đã nhìn thấy trước
một thị trường đang háo hức chờ đợi sản phẩm của họ.
Đáng
nói là ở chỗ, giống như đại đa số lượng nhựa nguyên sinh được tạo ra
cho đến nay, phần lớn chúng không hề được tái chế. Rác thải nhựa khi bị
bỏ đi gần như vĩnh viễn không phân hủy. Chúng chỉ vỡ vụn ra thành các
hạt vi nhựa đang xâm chiếm mọi ngóc ngách trên Trái Đất.
Nhưng hãy dừng lại một chút. Bản thân nhựa nguyên sinh đã là một nguồn ô nhiễm lớn nhưng lại thường bị bỏ qua.
Nhựa
nguyên sinh là nhựa được sản xuất ra một cách trực tiếp từ dầu mỏ hoặc
khí đốt. Nó còn được gọi là nhựa mới, nhựa nguyên chất, bởi từ đây, tất
cả các loại đồ nhựa khác mới ra đời.
Nhựa
nguyên sinh đứng đầu trong chuỗi sản xuất đồ nhựa. Nó là nhựa tinh
khiết, chưa từng và không lẫn nhựa tái chế. Để trở thành nguyên liệu
thuận tiện sản xuất ra các sản phẩm nhựa khác, nhựa nguyên sinh được chế
tạo dưới dạng hạt hoặc viên gọi là nurdle.
Chính
nhựa viên cũng là một trong những nguồn ô nhiễm khổng lồ, một khi chúng
thoát ra ngoài môi trường trước khi có cơ hội được nấu chảy và đúc
thành các vật dụng hữu ích.
Nếu tính
trung bình 48.500 viên nhựa nặng 1 kg, theo công suất dự định mỗi năm
nhà máy của Shell sẽ sản xuất ra khoảng 80 nghìn tỷ viên nhựa.
Nhưng
hiện nay, rất ít nghiên cứu có thể định lượng bao nhiêu phần trăm trong
số những viên nhựa trước thành phẩm có thể bị rò rỉ ra ngoài môi
trường. Những tài liệu có thể được sử dụng để ước tính số lượng đó vẫn
còn rất cục bộ.
Ví
dụ một nghiên cứu gần đây cho thấy các cơ sở sản xuất ở Anh bị rò rỉ từ
5 tỷ đến 35 tỷ viên nhựa mỗi năm. Vào năm 2017, hai tàu vận chuyển va
chạm với nhau đã đổ 49 tấn nhựa viên xuống biển, 2.000 km đường bờ biển
của Nam Phi đã bị bao phủ bởi những viên nhựa.
Không
có bất kỳ định lượng cụ thể nào, nhưng các nhà nghiên cứu biết rằng
nhựa viên góp một phần lớn vào toàn bộ hiện trạng ô nhiễm nhựa trên toàn
thế giới. Một số ước tính cho thấy một nửa số hạt vi nhựa thực ra có
thể chính là dạng bào mòn của những viên nhựa trước thành phẩm này.
“Nhựa viên chính là loại hạt vi nhựa thứ hai mà chúng ta biết đến“,
nhà nghiên cứu ô nhiễm nhựa Sherri Mason tại Đại học Pennsylvania cho
biết. Trước đây, Mason đã thực hiện nhiều nghiên cứu cơ bản về hạt vi
nhựa được tìm thấy ở các vùng nước ngọt.
Dành phần lớn thời gian của mình trong đó, cô phải tỷ mỉ thu thập và đếm các mảnh nhựa xuất hiện trong môi trường. “Tôi có thể đi đến bất kỳ bãi biển nào, chỉ cần cho tôi năm phút và tôi sẽ tìm được một hạt nhựa viên“, Mason nói. “Dọc
theo một con sông thì cần 10 phút. Nhưng một khi bạn biết những viên
nhựa ấy trông như thế nào, bạn có thể tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi“.
Hạt
nhựa viên có kích thước bằng một hạt đậu lăng. Và giống như bất cứ thứ
gì nhỏ bé và tròn trịa, chúng rất khó để ý. Chúng lăn đi. Chúng đổ xô
xuống những dòng nước chảy. Gió có thể thổi chúng đi loanh quanh. Trong
khu vực lân cận các nhà máy sản xuất hoặc đóng gói nhựa, những hạt nhựa
nguyên sinh này tràn xuống mặt đất và rơi ra khỏi đường ống xả nước
Các
nhà sản xuất thường sử dụng ống khí nén, tương tự như máy hút bụi, để
di chuyển các viên nhựa từ nơi này sang nơi khác. Bất cứ nơi nào những
ống đó kết nối và ngắt kết nối với nhau để lấp đầy những chiếc xe lửa
hoặc xe tải, những viên nhựa lại có thể rớt ra.
Trong kế hoạch, Shell sẽ xây dựng cả một hệ thống đường sắt riêng để vận chuyển nhựa, với 3.300 toa xe chở hàng.
Miriam
Gordon, giám đốc một nhóm vận động chính sách liên quan đến nhựa có tên
là Upstream, đã dành thời gian đi bộ xung quanh các khu vực xử lý nhựa ở
California, chụp ảnh những đống nhựa viên bên dưới những vòi hút.
“Mỗi một toa xe này có hai hoặc ba van, nơi những vòi hút được nối vào“, Gordon nói, “Và bạn sẽ thấy dưới mỗi van đó đều có một đống nhựa viên hoặc bột nhựa“.
“Một
khi những viên nhựa này bị rơi trên mặt đất, các nhà máy sẽ không đưa
chúng trở lại quy trình sản xuất nữa, bởi vì chúng đã bị nhiễm bẩn“, Mason nói. “Vì
vậy, họ xối thẳng chúng xuống cống. Không phải qua bất kỳ một nhà máy
xử lý nước thải nào, nhựa viên đi thẳng vào dòng nước mặt“.
2. Kẽ hở của luật pháp
Ở
Texas, một trong những tiểu bang sản xuất nhựa lớn nhất ở Mỹ, công ty
hóa dầu Formosa Plastic đã xả hàng triệu viên nhựa xuống Lavaca Bay, một
vịnh nhỏ đổ vào Vịnh Mexico. Trong giấy phép xử lý nước thải, Sở Quản
lý Chất lượng Môi trường Texas đã cấm hoạt động rò rỉ hạt nhựa “vượt quá
mức vi mô”.
Nhưng sự thật là cơ quan
này đã không định nghĩa thế nào là mức vi mô. Các nhà vận động ô nhiễm
nhựa nói rằng đó là một lỗ hổng. Nó có nghĩa là suốt nhiều năm nay,
Formosa Plastic đã thải nhựa viên ra môi trường mà không hề bị coi là
gây ô nhiễm.
Cùng
khoảng thời gian đó, cư dân quanh khu vực đã chán ngấy với những bãi
biển phủ đầy nhựa viên. Không có cơ quan nào quản lý giám sát, họ phải
chèo thuyền kayak quanh một con lạch gần đó, tự mình thu thập dữ liệu về
những viên nhựa được thải ra từ nhà máy của Formosa Plastic.
Tháng
Sáu này đánh dấu hơn 1.000 ngày vi phạm của Formosa được ghi lại bởi
những tình nguyện viên đó, thẩm phán liên bang đã ra phán quyết rằng
Formosa có thể phải chịu trách nhiệm khi đã cố tình vi phạm luật ô nhiễm
nước của tiểu bang và liên bang.
Nhưng
trong khi nhà máy của Royal Dutch Shell đang mọc lên ở Pennsylvania,
nhiều nhóm hoạt động môi trường và các nhà khoa học đang rất lo lắng về
việc thiếu quy định pháp luật để giải quyết ô nhiễm nhựa viên.
Mặc
dù California là tiểu bang duy nhất ở Mỹ có các quy định kiểm soát ô
nhiễm nhựa viên cụ thể, nhưng Gordon – người đã giúp xây dựng bộ luật
được thông qua vào năm 2008 cho biết việc áp dụng các quy tắc là không
đủ.
Thực thi luật là một thách thức
lớn nhất. California chưa từng có bất kỳ nhà máy sản xuất nhựa nào như
của Shell ở Pennsylvania, nhưng tiểu bang này có khoảng 7.000 công ty
vận chuyển, đóng gói hoặc sản xuất các sản phẩm từ nhựa viên.
Tiểu
bang quá buông lỏng hoạt động thanh kiểm tra tất cả các cơ sở này,
Gordon nói. Ngày càng có nhiều báo cáo về sự cố tràn và xả thải nhựa
bột, nhựa viên vào hệ thống thoát nước.
Mới
năm ngoái, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cũng đã phạt hai công ty
nhựa ở Los Angeles vì xả thải nhựa viên, trích dẫn Đạo luật Nước sạch
của Mỹ, mặc dù không có quy định nào của liên bang đề cập cụ thể đến
những viên nhựa.
Thay vào đó, các
tiểu bang đang cho phép các công ty tự thiết lập tiêu chuẩn riêng cho
chính họ. Ngay bây giờ, chương trình quốc gia duy nhất về nhựa viên cũng
dựa trên tinh thần tự giác và được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp.
Hội
đồng Hóa học Hoa Kỳ và Hiệp hội Công nghiệp Nhựa, hai nhóm thương mại
lớn hiện đang duy trì một chương trình có tên là Clean Clean Sweep, nơi
các thành viên tự nguyện cam kết thực hiện một bộ thực hành sản xuất tốt
nhất, để ngăn chặn nhựa thô tràn ra môi trường.
Người
phát ngôn của Shell cho biết nhà máy mới của họ ở Pennsylvania được
thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn của Clean Sweep Blue, theo phiên bản
mới nhất và nghiêm ngặt nhất của chương trình. Mặc dù vậy, Clean Sweep
Blue không yêu cầu báo cáo, hoặc có bất kỳ cơ chế giám sát nào.
Nhưng
từng chút một, những nhà đầu tư có trách nhiệm đang cố gắng thay đổi
điều đó. As You Sow, một nhóm nhà đầu tư xanh ở Mỹ đã tuyên bố hồi tháng
Một rằng họ đã đệ ra một nghị quyết cổ đông chống lại DowDuPont,
ExxonMobil, Chevron Phillips Chemical và Phillips 66, yêu cầu các công
ty nộp báo cáo hàng năm về sự cố tràn nhựa và những gì họ đang làm để
ngăn chặn chúng.
Sau
đàm phán, As You Sow đã đồng ý rút lại nghị quyết của họ khi Chevron
Phillips Chemical và ExxonMobil cho biết sẽ công bố các báo cáo về số
lượng nhựa viên đã rò rỉ vào năm 2018.
Tháng
trước, Chevron Phillips đã thực hiện tốt thỏa thuận này, công bố một
báo cáo vào cho biết công ty chỉ bị tràn 4 pound tương đương khoảng
88.000 viên nhựa vào năm 2018. Họ cũng thừa nhận đã gặp sự cố với 31,5
triệu pound nhựa viên, nhưng đã thu dọn chúng trước khi lượng nhựa khổng
lồ này xuất hiện bên ngoài môi trường.
Exxon cũng đang bị thúc giục. “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bản báo cáo của Exxon. Đã quá thời hạn từ khi công ty nói rằng họ sẽ công bố nó“,
Kelly McBee, điều phối viên chương trình chất thải As You Sow cho biết.
Gần đây, Dow DuPont cũng hứa với nhóm rằng họ sẽ công bố thông tin về
sự cố tràn nhựa năm 2018, sau khi nghị quyết của As You Sow đã được các
cổ đông bỏ phiếu, McBee nói.
Tháng
Bảy, 280 nhóm y tế công cộng, môi trường và các nhóm dân sự địa phương
đã ký vào một bản kiến nghị thúc giục EPA cập nhật các quy tắc ô nhiễm
nước đã quá cũ của mình. Suốt 26 năm, những quy tắc này chưa được cập
nhật nhưng vẫn được EPA sử dụng để phê duyệt các dự án sản xuất nhựa
công nghiệp.
Với 300 cơ sở sản xuất
nhựa mới hiện đang được đề xuất ở Mỹ, kiến nghị này yêu cầu EPA cần có
các quy tắc cụ thể để quản lý hoạt động sản xuất và xử lý, xả thải nhựa
thô. Khi được yêu cầu bình luận về điều này, EPA đã từ chối trả lời.
Trở
lại Pennsylvania, các cơ quan quản lý tiểu bang cho biết tiêu chuẩn
chất lượng nước của họ hiện đã đủ để quản lý hoạt động sản xuất nhựa
viên. Ghi trong đó, các tiêu chuẩn này đã nghiêm cấm xả thải ô nhiễm “ở
nồng độ hoặc lượng đủ để xâm hại hoặc gây hại đến an ninh nguồn nước
hoặc tới đời sống của con người, động vật, thực vật hoặc thủy sinh“.
Nhưng Mason nói rằng không có dữ liệu nào để biết đạt tới mức độ nào thì nhựa viên sẽ vi phạm các tiêu chí đó. “Chúng ta không có kiến thức về các tác động của nó tới con người hoặc môi trường nước và đâu là giới hạn thích hợp“, cô cho biết. “Chưa có bất kỳ đánh giá [về nhựa viên ảnh hưởng tới] sức khỏe con người nào“.
“Đó vẫn là những gì khoa học còn chưa biết, là nơi chúng ta đang cố gắng đi tới bằng sự hiểu biết hiện tại của mình“.
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét