Người ta cho rằng ngày nay
truyền thông phát triển, nên nhiều gương xấu của người Việt mới bị bóc
mẽ trên báo đài, mạng xã hội, chứ ngày xưa cũng chẳng thiếu. Nhưng với
vốn hiểu biết hẹp hòi, tôi chỉ so sánh từ trong nhà, ra chợ nhỏ, trên
đường lớn của ta ngày nay, đã có nhiều chuyện khác xưa rồi.
Thời tôi còn trẻ, trong xã hội cũng có
những người máu nóng che mất trí khôn khi tham gia giao thông trên đường
nhưng đàn bà con gái, người già trẻ nhỏ vẫn được nhường đôi ba phần.
Giờ đây, chỉ vì tranh chấp khi tắc đường, đàn ông trai tráng nhổ thẳng
vào mặt phụ nữ, dẩy ngã người mang bầu, chửi người già hơn hát hay mặc
dù chỉ bằng tuổi con cháu các cụ.
Ngày xưa khi thực phẩm còn phải lấy theo
tem phiếu, ông tôi vẫn xếp hàng từ 4h sáng để nhận đồ. Ngày nay đồ ăn
thừa mứa, cũng chẳng phải đói khát gì nhưng người ta chen nhau mua, chen
nhau cướp. Bà tôi kể chuyện ngày xưa người ta thưa gửi, dạ vâng, hành
lễ từ xa và kính cẩn như thế nào. Ngày nay, cả đám trẻ lẫn người trưởng
thành đều thích ăn to nói lớn, văng từ không hay này tới chữ xấu xí nọ
bừa phứa nơi công cộng. Ngày xưa, người ta e thẹn chẳng dám khoe cả cái
bắp chân của mình trước mặt người khác, thì nay người ta ngang nhiên đi
tiểu tiện trong thang máy như chốn không người.
Từ những điều nhỏ nhặt đó nó phóng to ra
ở những tệ nạn lớn khác, chắc chắn ảnh hưởng tới phẩm chất và năng lực
quốc gia. Bởi đó đều là tự tư tự lợi, là nghĩ đến lợi ích, cảm giác của
mình chứ không cần quan tâm tới cái chung, cái đại nghĩa vì người khác,
vì cộng đồng.
Từ người kinh doanh thì chặt chém, lừa
đảo, luồn lách chạy cửa sau. Người nông dân “gia tăng năng suất” bằng
hóa chất, thuốc tăng trọng, tăng trưởng độc hại. Người chăn nuôi vứt lợn
chết, vịt gà chết vì dịch xuống sông ngòi. Các tập đoàn lớn hủy hoại
môi trường vì tối đa hóa lợi nhuận. Người có chức quyền thì tham ô, đục
khoét, lạm dụng quyền lực làm bừa, làm bậy… Cứ thế, chúng ta có một xã
hội tự tư tự lợi mà phần lớn người ta cho rằng mạnh về tiền, về danh là
kẻ mạnh thật sự.
Nhưng “phàm những kẻ mưu tiện lợi cho
mình mà bất tiện cho số đông đều không thể tha thứ được” – (Trích: Quốc
dân độc bản, 1907). Cái sự không thể tha thứ được ấy đâu có khó để lý
giải. Danh sĩ Phan Bội Châu từ cách đây 111 năm đã viết thế này:
“Nước mất là do rất nhiều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi; hai là nội trị hủ bại; ba là dân trí bế tắc; bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước; dân cũng tự tư tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao nội trị dân trí sở dĩ đồi bại như vậy cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước đê tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào” – (Trích: Việt Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu, 1908).
Cái họa mất nước của người Việt lúc nào
cũng treo lơ lửng trên đầu từ hàng nghìn năm hình thành nên nước Việt.
Muốn tự tin và ngạo nghễ thì nước phải mạnh, mạnh ở đây đâu phải chỉ ở
tiềm lực kinh tế riêng của mỗi một người, mà là cái mạnh chung của quốc
gia. Muốn quốc gia mạnh, thì từng người sao có thể chỉ vì cái lợi của
mình mà chiếm đoạt lợi ích chung của cộng đồng. Ai cũng lo kiếm lợi cho
mình, thì cái lợi nó chạy từ người này sang người khác, nhà này sang nhà
khác mà thôi. Nước vẫn nghèo, vẫn hèn, vẫn có hàng lớp người đi xuất
khẩu lao động, làm thuê làm mướn cho người ta, vẫn có tấm hộ chiếu xếp
hạng 90/107 trên thế giới (Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley &
Partners có trụ sở ở London công bố ngày 1/10). Như thế, cái lợi riêng
đã bóp chết cái lợi chung.
Từ cái lợi riêng, người ta sẽ thoái thác
trách nhiệm riêng, khi ấy thì trách nhiệm chung cũng nào còn được tôn
trọng. Từ cái tự tư tự lợi ấy không sớm thì muộn sẽ dẫn tới dân trí bế
tắc (khi người làm giáo dục cũng vì lợi riêng), rồi nội trị hủ bại (khi
người có quyền sẽ lạm dụng quyền để tư lợi), sau đó sẽ là ngoại giao hẹp
hòi (khi ngoại giao là đòi hỏi đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết
thảy). Từ đó, vận mệnh quốc gia chẳng phải sẽ rất đáng lo hay sao.
Người Việt quay về với văn hóa truyền
thống, biết đặt Nhân Nghĩa lên trên vị kỷ, vị tư (chỉ vì bản thân mình),
thì mới có thể tự hào khi nói đến dân tộc mình, nước mình được.
Đừng mãi tự hào rằng chúng tôi đã chiến thắng bao cuộc chiến oanh liệt, mà lại thua chính cuộc chiến gìn giữ nhân cách, gia phong và quốc hồn.
Thuần Dương (daikynguyen )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét