Olga Tokarczuk
♦ Chuyển ngữ: Trần C. Trí
♦ Chuyển ngữ: Trần C. Trí
Nhà văn nữ người Ba Lan Olga Tokarczuk sinh ngày 29 tháng Một năm 1962. Bà còn là một nhà hoạt động xã hội và một trí thức được mô tả là tác giả thành công cả về mặt nghệ thuật cũng như thương mại giữa những người cùng thời. Năm 2018, bà nhận giải thưởng Man Booker International (giải thưởng ở Anh Quốc dành cho các tác phẩm ngoại ngữ xuất sắc được dịch qua tiếng Anh) với tiểu thuyết Bieguni (bản dịch tiếng Anh là Flights (‘Những Chuyến Bay’) của Jennifer Croft). Tháng 10 năm 2019, bà được vinh dự nhận giải Nobel văn chương của năm 2018, bị trì hoãn vì vụ bê bối tình dục của một thành viên trong hội đồng chấm giải.
(chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của Jennifer Croft)
Phòng Trưng Bày Dị Vật
Hồi giờ tôi vốn không bao giờ mê những viện bảo tàng nghệ thuật. Tôi thà đi xem các phòng trưng bày dị vật còn hơn. Đó là những bộ sưu tập các món đồ hiếm hoi, độc đáo, kỳ cục hay đáng kinh khiếp. Những món đồ đó hiện hữu trong bóng tối của tâm thức chúng ta. Khi chúng ta ngắm những vật đó, chúng nhảy xổ ra khỏi tầm mắt của chúng ta. Vâng, đúng là tôi bị cái hội chứng không lấy gì làm hay ho này. Tôi không bị những bộ sưu tập ở những chỗ gần trung tâm thành phố thu hút, mà chỉ thích những nơi nào nho nhỏ nằm gần các bệnh viện. Thường thì những bộ sưu tập như vậy bị dời xuống tầng hầm vì người ta cho rằng chúng không xứng đáng với những địa điểm triển lãm có giá trị, và cũng vì chúng gợi lên cái gu đáng ngờ của những ai sưu tập chúng. Một con kỳ nhông hai đuôi, nằm tênh hênh trong một cái hũ cao cao, chờ ngày phán xét—bởi chưng muôn loài trên thế giới cuối cùng rồi cũng sẽ sống lại. Quả thận của một con cá heo ngâm trong phoọc-môn. Sọ của một con cừu, hoàn toàn dị dạng, có hai cặp mắt, hai đôi tai và hai cái miệng, đẹp không thua gì hình dạng của một vị thánh cổ đại có hai bản tính. Một thai nhi phủ đầy hạt đậu có dán nhãn viết cẩn thận bằng nét chữ thảo bay bướm “bào thai cổ Phi Châu 5 tháng”. Được sưu tập qua bao nhiêu năm tháng, những vật thể thiên nhiên đáng kinh khiếp này, cái thì có hai đầu, cái thì không có đầu, cái chưa mở mắt chào đời, thảy đều trôi nổi vật vờ trong hoá chất phoọc-môn. Hoặc giả xét trường hợp cái quái thai dính lẹo đến tận ngày nay vẫn còn trưng bày tại viện bảo tàng ở Pennsylvania—nơi tiến trình nghiên cứu hình thái học bệnh lý về một bào thai có một cái đầu và hai thân thể đã khiến người ta phải đặt lại vấn đề đối với nền tảng luận lý, xác quyết rằng 1=2. Và sau cùng là những mẫu vật cây nhà lá vườn nổi lềnh bềnh: những quả táo từ năm 1848, ngủ say trong rượu cồn, hình dạng méo mó; rõ ràng là có ai đó đã công nhận cái quyền trường sinh bất tử của những vật thể thiên nhiên đáng kinh khiếp này, và rằng chỉ có những gì lạ đời mới hòng được sống sót.
Tôi đã dấn bước trên đường viễn du như thế, chậm mà chắc, lần theo những lỗi lầm hay sai sót của tạo hoá.
Tôi tập thói quen viết trên xe lửa, trong khách sạn, trong những phòng đợi, hay trên cái bàn dùng làm khay để thức ăn trên máy bay. Tôi ghi chép trong bữa ăn trưa, dưới gầm bàn, hay trong buồng tắm. Tôi viết trong cầu thang của bảo tàng viện, trong tiệm cà phê, trong xe, hay bên lề xa lộ. Tôi ngoáy vội trên những mẫu giấy nhỏ, trong tập vở, trên bưu thiếp, trên bàn tay còn lại, trên giấy ăn, hay trên rìa sách. Thường đó là những câu ngắn, những hình vẽ nho nhỏ, nhưng cũng có lúc tôi chép lại những lời trích dẫn từ báo chí. Đôi khi có một hình bóng nào đó chợt nổi lên trong đám đông, thế là tôi vội đổi lộ trình của mình để đi theo nó trong chốc lát để bắt đầu câu chuyện của nó. Đó là một phương pháp khá hay mà tôi càng ngày càng trở nên thành thạo.Qua nhiều năm tháng, thời gian đã trở thành một đồng minh của tôi, như nó đã từng làm như vậy với mọi người đàn bà—tôi trở thành vô hình, nhìn xuyên thấu. Tôi có thể đi khắp nơi như một bóng ma, nhìn người ta mà họ không biết, nghe họ tranh cãi với nhau, nhìn họ ngủ, đầu gục lên ba lô, thấy họ lẩm bẩm nói một mình, không biết có tôi trước mặt, cứ nhếch môi tạo thành hình dạng những từ ngữ mà tôi sẽ phát âm giùm cho họ ngay.
Bảy Năm Du Ngoạn
“Năm nào chúng tôi cũng đi chơi, bảy năm nay rồi, từ lúc chúng tôi cưới nhau tới giờ,” người thanh niên trên chuyến tàu lửa thổ lộ. Anh ta mặc một cái áo măng-tô đen thật lịch lãm, tay xách một cái va-li trông khá giống một cái hộp chạm trổ cầu kỳ thường dùng để đựng dao muỗng.
Anh ta nói tiếp: “Chúng tôi chụp vô số hình, sắp xếp theo thứ tự nhất định. Miền nam nước Pháp, Tunisie, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Crete, Croatia—kể cả vùng Scandinavia nữa. Anh ta bảo hai vợ chồng cứ coi đi coi lại những tấm hình ấy không biết bao nhiêu bận: đầu tiên là cùng với mọi người trong gia đình, rồi với đồng nghiệp ở chỗ làm việc, cuối cùng là đến bạn bè, sau đó những tấm hình được cẩn thận cho vào các bìa nhựa, y như các vật chứng trong tủ của một viên thám tử—bằng chứng là họ đã đến những nơi đó.
Qua cửa sổ, anh ta trầm ngâm ngắm nhìn cảnh vật dường như đang vội vã chạy về một nơi nào đó. Chẳng hiểu anh ta có nghĩ câu nói “chúng tôi đã đến nơi đó” thật sự có ý nghĩa gì không. Hai tuần ở Pháp bây giờ đã đi về đâu? Những tuần lễ mà hôm nay chỉ còn gói ghém lại thành một vài kỷ niệm—cơn đói thình lình ập đến bên bức thành thời trung cổ trong thành phố và buổi chiều chập choạng tại một quán cà-phê có mái ngói phủ đầy dây leo. Na Uy đâu mất rồi? Chỉ còn nhớ lại cái lạnh lẽo của mặt nước hồ và ngày hôm đó như không bao giờ muốn chấm dứt, cảm giác thú vị được mua ly bia cuối cùng trước khi tiệm đóng cửa, hay lúc bàng hoàng nhìn cái vịnh lần trong tiên trong đời.
“Những gì tôi đã thấy đã trở thành của riêng tôi,” người thanh niên đột ngột kết luận, trở nên linh hoạt lại, vừa nói vừa khẽ vỗ bàn tay vào đùi mình.
Theo Lời Cioran
Một người khác—mềm mỏng và rụt rè—luôn luôn cầm theo một cuốn sách của Cioran khi đi du lịch hay đi làm, loại sách có những bài viết rất ngắn. Trong khách sạn, ông thường để nó trên cái tủ nhỏ đầu giường. Sáng nào cũng vậy, vừa thức giấc là ông lại mở nó ra ở một trang nào bất chợt để tìm những lời hướng dẫn cho ngày hôm ấy. Ông cho rằng tất cả những khách sạn ở Âu châu nên đổi các cuốn Thánh Kinh thành sách của Cioran càng sớm càng tốt. Từ Lỗ mã Ni qua đến Pháp. Làm như vậy với mục đích tiên đoán về tương lai, vì cuốn Thánh Kinh không còn hữu hiệu nữa. Chẳng hạn như vào ngày thứ Sáu của tháng Tư hay ngày thứ Tư của tháng Mười hai mà đọc một câu bất chợt như câu này thì phỏng được ích lợi gì: “Hết thảy đồ vật dùng để phụng sự trong đền thờ, dù với công dụng gì đi nữa, kể cả những cây cọc trong đền thờ hay ngoài sân, đều phải làm bằng đồng” (Sách Xuất Hành 27:19). Đọc như vậy thì biết làm cái gì? Dù sao đi nữa, ông ta bảo rằng cũng không nhất thiết phải là Cioran. Ông ta nói tiếp, ánh mắt đầy vẻ thách thức: “Cứ tự nhiên gợi ra một ý gì khác cũng được.”
Tôi không nghĩ ra được điều gì cả. Ông ta lấy trong ba-lô ra một cuốn sách mỏng đã sờn cũ, mở đến một trang bất chợt. Nét mặt ông ta rạng rỡ hẳn lên.
“Thay vì để ý đến gương mặt của những người qua lại trên đường phố, tôi thường nhìn vào chân của họ, và thấy tất cả những týp người bận rộn đều bước đi thật hối hả—để về đâu vậy? Vì thế tôi thấy rõ rằng sứ mạng của chúng ta chính là nhìn vào cát bụi để đi tìm một điều bí ẩn mà tầm nghiêm trọng đã bị tước bỏ đi mất cả.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét