Nơi tôi dạy ngày trước là một trường nữ trung học nổi tiếng ở Thủ Đô. Thành phần ban giảng huấn đa số là phái nữ, nam giáo sư chỉ có vài vị. Hôm khai giảng năm đó có một nam giáo sư mới đổi về và hiện diện trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng giáo sư. Bà hiệu trưởng giới thiệu chàng với mọi người. Đôn đứng lên cúi đầu chào. Hội đồng gíao sư vỗ tay mừng đón Đôn. Đôn cúi đầu một lần nữa như để cám ơn tràng vỗ tay của các bạn đồng nghiệp rồi mới ngồi xuống. Đôn ngồi bên tôi. Chàng người nhỏ bé, dáng dấp hiền lành và hơi nhút nhát trước trước các nữ đồng nghiệp. Đôn còn rất trẻ, có thể kém tôi cả mười tuổi, đó là ý nghĩ ban đầu của tôi về chàng. Đôn dạy toán còn tôi dạy môn Việt Văn. Tôi với chàng dạy cùng giờ và những lúc ra chơi Đôn hay đến ngồi bên tôi để nói chuyện. Tôi nghĩ sở dĩ Đôn hay ngồi bên tôi có lẽ vì ngày đầu Đôn đã ngồi bên tôi nên như là một thói quen? Ngày tháng kế tiếp nhau, Đôn vẫn nói chuyện với tôi bình thường nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp đôi mắt chàng hơi khác lạ. Cái giác quan thứ sáu cho tôi biết là Đôn thích tôi nhưng chàng rất kín đáo theo cái kiểu “yêu trộm nhớ thầm”. Tôi đã lập gia đình và có một con. Có lẽ “gái một con trông mòn con mắt” nên chàng thích nói chuyện với tôi ? Nhưng cả Đôn và tôi không ai nói ra điều gì, vậy mà không hiểu tại sao một số đồng nghiệp đã bàn tán về Đôn và tôi, có lẽ họ thấy Đôn hay ngồi nói chuyện với tôi chăng? Khi tôi sinh đứa con thứ ba thì Đôn lấy vợ, thế là bao nhiêu đồn đãi, xầm xì Đôn mê tôi được dẹp tắt. Ngày đám cưới của Đôn đa số đồng nghiệp trong trường đều đến dự, nhưng tôi chỉ gửi quà mừng và không tới. Tôi vất vả với 3 đứa con, không đi đâu được, còn chồng tôi từ ngày tôi sanh đứa con thứ hai thì không bao giờ đi chung với tôi nữa. Tôi không muốn nghe người ta hỏi “Anh đâu hở chị ?” hoặc “Anh có đi không ?”. Tôi không thích mọi người biết cái thiếu hạnh phúc của tôi… Tôi với chồng tôi luôn khác ý nhau, tôi cố gắng giữ gìn cho gia đình khỏi đổ vỡ và các con tôi khỏi buồn. Rồi tôi sinh đứa con thứ 4, thứ 5 và thứ 6, mỗi đứa chỉ cách nhau chưa đầy 18 tháng. Trong khi đó thì chồng tôi không để ý đến nỗi vất vả của tôi phải chăm sóc 6 đứa con. Chồng tôi hay tìm cách gây gổ với tôi, đôi khi còn dùng thói vũ phu đề đánh tôi nữa. Tôi cố gắng chịu đựng vì thời đó đâu mấy ai ly dị chồng, nhất là nghề “cô giáo” càng không cho phép tôi làm điều đó. Hình như chồng tôi đã có vợ hai và đã có con với người này. Tôi vì quá chán nản nên chẳng cần tìm hiểu và cũng chẳng ghen tuông làm gì, tôi chỉ mong sao cho chóng thoát ra khỏi cảnh này. Rồi một ngày phải đến đã đến, sức chịu đựng của tôi có giới hạn và tôi đã phải đi đến quyết định ly dị chồng. Cái tin tôi ly dị chồng đã làm rung động trường tôi dạy. Tất cả các giáo sư và nhân viên trong trường đều biết chuyện. Họ không hiểu tại sao một cô giáo đã một thời nổi danh là đẹp, có nước da trắng hồng và mịn màng, mái tóc lúc nào cũng óng mượt, đã có 6 mặt con mà còn ly dị chồng. Đa số nhìn tôi không mấy thiện cảm. Họ không hiểu được nỗi khổ của tôi. Họ chỉ nhìn bề ngoài, một nữ giáo sư đẹp, có 6 con chắc là phải có hạnh phúc lắm. Họ nghĩ tôi ly dị chồng là để cặp với một anh chàng nào khác chăng ? Cũng may là Đôn đã lấy vợ nếu không họ sẽ nghi ngờ Đôn với tôi. Tôi rất khổ tâm trước búa rìu của dư luận. Ban đầu tôi cũng buồn lắm, nhưng rồi tôi tự an ủi là tôi sống cho tôi, tôi sống theo lương tâm của tôi, tôi không làm điều gì sai trái với đạo đức. Lấy chồng được hơn 10 năm, tôi đã cố gắng chịu đụng để khỏi mang tiếng xấu, có hại cho thanh danh của tôi, thanh danh của một nữ gíao sư, nhưng tôi không còn con đường nào khác hơn nên đành phải đi đến quyết định ly dị chồng.Trích trong tập truyện “Mẹ Và Những Mùa Xuân” của Hoàng Nguyên Linh.
Từ khi ly dị, chồng tôi không ngó ngàng gì tới các con. Tòa án chỉ ra lệnh trừ một phần lương của chồng để chu cấp cho các con. Đời sống kinh tế thật vất vả. Tôi phải xin đi làm thêm việc thứ hai. Nhờ có kiến thức ngoại ngữ nên tôi xin được việc làm bán thời gian cho môt hãng thầu ngoại quốc. Các giờ dạy của tôi được xếp vào buổi sáng nên nguyên buổi chiều tôi đã đi làm thêm và mướn người trông coi các con và chợ búa, cơm nước, tối về tôi kèm các con học bài. Tôi sống trong cô đơn nhưng được tự do và từ nay không bị người chồng quấy rầy nữa. Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi, các con tôi khôn lớn dần và học hành rất chăm chỉ. Họ hàng rồi đến bạn bè bắt đầu nể nang tôi và khâm phục tôi là người đảm đang. Thời gian này tôi ít gặp Đôn vì tôi với chàng dạy khác giờ nhau và mỗi người có một cuộc sống riêng… Biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra, bẩy mẹ con tôi được hãng thầu Mỹ cho đi định cư tại Hoa Kỳ. Chính người xếp chở chúng tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất rồi đưa lên máy bay C130 cùng với một số đồng bào Việt Nam khác. Máy bay tới thẳng đảo Guam ở Thái Bình Dương, hai tuần lễ sau mấy mẹ con tôi tới trại Fort Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas miền trung nước Mỹ. Fort Chaffee là một căn cứ cũ của quân đội Mỹ cũng giống như trại Campleton ở California do chính phủ Mỹ dùng cho những người tỵ nạn tạm trú. Chúng tôi ở trại Fort Chaffee hơn một tháng thì được nhà thờ Peace Lutheran Church ở St. Louis thuộc tiểu bang Missouri bảo trợ. Hội viên nhà thờ luân phiên nhau săn sóc gia đình tôi. Họ đưa tôi đi chợ, đưa các con tôi đi học. Tôi được hội thiện nguyện Lutheran tìm cho một việc làm rất thích hợp với khả năng tôi đó là chương trình giới thiệu văn hoá Á Đông cho học sinh bản xứ. Đầu tiên tôi chỉ cho học trò cách viết của người Việt Nam và người Trung Hoa. Nét đặc biệt của chữ Việt là các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã , nặng. Các dấu này mà thay đổi thì ý hoàn toàn khác. Tôi viết lên bảng năm chữ : HAY TRONG CAY VAO CHUA rồi thay đổi các dấu, câu này sẽ trở thành “ Hãy trông cậy vào Chúa” hoặc “ hãy trồng cây vào chùa”, chữ VO DE sẽ trở thành “vợ đẻ” hay “vỡ đê” vân vân. Về chữ Tàu cũng vậy. Người Tàu hay dùng lối tượng hình để tạo nên chữ viết. Từ hình mặt trời người Tàu có chữ “Nhật”, từ chữ “nhật” thêm đám mây bay qua sẽ thành chữ “Nguyệt”, cao hơn “Đại”(lớn) là “Thiên” (trời). Hình hai cánh cửa là chữ “Môn” (cửa), để chữ “Thị” (chợ) vào chữ “môn” thành chữ “Náo” (ồn ào), để chữ “Nguyệt” (mặt trăng) vào chữ “môn” thành chữ “Nhàn” (nhàn hạ). Tôi liên tưởng tới câu thơ của cụ Nguyễn công Trứ “ Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn” (chợ ở trước cửa thì ồn ào, mặt trăng đến trước cửa thì nhàn hạ), nhưng tôi chỉ nghĩ và mơ hồ về ngày xưa trong những giờ dạy Việt Văn chứ không dám nói nhiều sợ học trò không hiểu. Tôi nghĩ đến ngôi trường tôi dạy, nhớ đến bạn cũ, trường xưa, nhớ đến đám học sinh với áo dài trắng, tóc thề xõa bên vai:“ Chừ em tóc xoã bờ vai
Nghiêng nghiêng vành nón chờ ai cổng trường
Gặp em hồn bỗng vấn vương
Thấy em như thấy tình thương thuở nào
Mới nhìn lòng đã xôn xao
Bâng khuâng chưa biết làm sao bây giờ
Nghe đâu tiếng hát vu vơ:
“Cho tôi gửi một bài thơ yêu nàng”
Nhưng rồi không dám bước sang
Ngày ngày đứng đợi xem nàng cười duyên”…
Mấy câu thơ tôi đã đọc trong một tạp chí nào đó bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Người ta thích các em, người ta mê các em là phải. Các em học sinh của tôi, không bao giờ tôi quên được hình ảnh các em. Các em bay lượn như bướm, lứu lo như chim. Tôi nay phiêu bạt ở phương trời này, tên các em, nét mặt dễ thương của các em như Mặc Lan, Ngọc Lan, Ngọc Hà, Ngọc Huệ, Ngọc Duyên, Kim Oanh, Kim Anh, Tuyết Tường… tôi vẫn còn nhớ. Nay tôi đứng ở đây, cũng bảng đen, phấn trắng nhưng thấy xa lạ làm sao. Tôi khẽ thở dài rồi cố gắng quay về với hiện tại… Các lớp tôi dạy, học sinh đều thích thú và nhà trưởng rất toại nguyện về việc làm của tôi nhưng công việc này chỉ có tính cách tạm thời và được ký từng năm một, không có bảo hiểm sức khỏe nên ông hiệu trưởng đề nghị tôi thi lấy bằng hành nghề giáo viên và ông đã hướng dẫn tôi. Ba năm sau tôi trở thành giáo viên chính thức của School District tại St. Louis và hội nhập với đời sống mới. Lâu dần tôi cũng cảm thấy mến trường, mến bạn và thương yêu đám học trò và cũng có những học trò đến thăm tôi, thư từ cho tôi, gửi những thiệp Giáng Sinh, thiệp sinh nhật cho tôi. Trong khi đó các con tôi lần lượt tốt nghiệp đại học, đi làm và ra ở riêng. Hơn 25 năm sau tôi xin về hưu trí. Những giờ rảnh rỗi tôi tham gia làm những việc từ thiện trong nhà thờ như giúp họ điền những giấy tờ, hướng dẫn cách khai thuế cá nhân hoặc đưa đón những người không có phương tiện di chuyển. Tôi cũng bắt đầu liên lạc với hội cựu giáo sư và học sinh nơi trước kia tôi đã dạy ở Việt Nam. Các học trò cũ của tôi hàng năm vẫn tổ chức những cuộc họp mặt bạn bè và mời thầy cô tham dự. Tôi được Măc Lan, học trò cũ khẩn khoản mời về chơi. Mặc Lan giữ kín không cho biết những ai tham dự và chỉ nói đông lắm, cô đến cô sẽ thấy và Mặc Lan hẹn sẽ đón tôi ở phi trường LAX khi tôi về đến nơi. Ngày ra đi tôi hồi hộp gặp lại bạn bè và học trò. Tôi ra khỏi máy bay và đi qua chỗ thân nhân đứng đợi nhưng không thấy ai đón tôi. Tôi nghĩ có lẽ Mặc Lan bị kẹt xe nên đến trễ. Tôi định đi thẳng đến chỗ lấy hành lý rồi mới gọi điện thoại, bất ngờ tôi gặp Đôn. Chàng chạy lại ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi sau gần 30 năm trời không gặp. Đã lâu lắm rồi tình cảm tôi như đã nguội lạnh, bây giờ tôi mới được một người đàn ông ôm tôi. Vòng tay chàng thật chặt, hình như má chàng cũng chạm vào má tôi. Tôi như sống lại trong thời xuân sắc. Tim tôi rộn ràng, hồi hộp mà tôi tưởng chừng như đã chết từ lâu. Buông tôi ra rồi Đôn mới nói:
- Rất vui mừng gặp lại chị. Sao chị có khỏe không ?
- Cám ơn anh. Tôi cũng thường. Lâu quá rồi anh nhỉ ? Sao may lại gặp anh ở đây.
- Cô học trò tên Mặc Lan cho biết chị đến nên tôi xin ra đón chị.
Tôi xúc động:
- Thì ra anh đi đón tôi. Cám ơn anh nhiều. Tôi lại tưởng anh đi chơi đâu về chứ.
Chúng tôi vừa đi đến chỗ lấy hành lý vừa nói chuyện tiếp:
- Các bạn đồng nghiệp anh có gặp ai không ?
- Tôi có gặp một vài vị nhưng các chị ấy nghiêm trang quá, tôi sợ nên không dám quen thân.
- Sao anh không sợ tôi, anh còn dám ôm tôi nữa ?
- Xin lỗi chị, tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ tại mừng quá. Ngày xưa ở trong trường tôi cũng chỉ hay nói chuyện với chị thôi mà.
- Không sao đâu. Tôi cũng nghĩ vậy nên để nguyên cho anh ôm và không phản đối. Tôi cũng vui mừng và xúc động lắm khi gặp lại anh.
- Chị biết tính tôi. Lúc đầu tôi không muốn tham gia hội hè gì cả, sau Mặc Lan nói có chị về nên tôi mới tới dự. Tôi xin đi đón chị trước các cô ấy không cho đi, tính bắt bí, tôi phảỉ nằn nỉ mãi mới được đi đón đó.
Nghe Đôn nói tôi thấy chàng vẫn chân tình như ngày xưa nhưng bạo dạn hơn. Tôi mơ hồ như có chuyện gì sắp xẩy ra. Tôi vừa vui lại vừa lo. Tôi bảo Đôn:
- Mải nói chuyện nên quên chưa hỏi thăm anh lúc này ra sao ?
- Bà xã tôi mất cách nay bẩy năm rồi. Các con đã lập gia đình và ở riêng. Tôi bây giờ sống một mình…
Sợ Đôn buồn nên tôi không hỏi thêm về gia đình chàng nữa. Đôn giúp tôi lấy hành lý rồi chúng tôi ra xe để về nhà Mặc Lan, học trò cũ của tôi và Đôn.
Trên đường về, cả Đôn và tôi mỗi người như theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hình ảnh trường xưa bạn cũ hiện ra nơi tôi. Thời gian qua mau tôi tưởng như mới ngày nào… Xe dừng lại đánh thức tôi trở về với thực tại. Đôn phải khó khăn lắm mới tìm được chỗ đậu xe. Khi chúng tôi vào nhà mọi người đã đông đủ. Tiếng vỗ tay vang lên xen lẫn với tiếng cười. Trong buổi họp mặt hình như chỉ có tôi từ xa đến còn đa số các gíáo sư khác đều ở Orange County hoặc Los Angeles County. Các bạn đồng nghiệp và học sinh cám ơn tôi đã đến họp mặt dù đường xá xa xôi. Người vui nhất và săn sóc tôi nhiều nhất là Đôn. Cả học trò và giáo sư thỉnh thoảng cũng xen vào những câu nói đùa tôi với Đôn. Tôi thấy thật vui khi gặp lại đông đủ mọi người. Bao kỷ niệm được gợi lại. Có học sinh đem khoe hình ảnh chụp với thầy cô ngày trước, có em đưa ra khoe cuốn lưu bút ngày xanh, Mặc Lan mang quyển Thông tín bạ ra khoe, có kèm theo lời phê và chữ ký của tôi trong đó: “Học hạnh song toàn, kết quả mỹ mãn”. Tháng trước Mặc Lan có gọi điện thoại cho tôi và nói em rất cảm động và biết ơn tôi về lời phê bình đó. “Lời phê bình này em chỉ có một lần trong đời và em luôn ghi nhớ, chính nhờ lời phê bình đó mà em đã cố gắng sao cho xứng đáng với nhận xét của cô về học vấn và đức hạnh, em đã mang theo cuốn học bạ này sang Mỹ và sẽ giữ mãi trong đời em…”. Những người học sinh Việt Nam có tình như thế, có lòng như thế tôi tin là họ phải thành công trên trường đời. Ngày nay Mặc Lan đã là một nữ bác sĩ nổi danh và nhiều em khác nữa cũng thành công không kém. Bữa tiệc họp mặt kéo dài đến gần nửa đêm mới chấm dứt mặc dù cuộc hành trình khá xa nhưng vì quá vui nên tôi vẫn không thấy mệt. Mặc Lan dành cho tôi phòng riêng và tôi ở lại chơi một tuần. Ngày nào Đôn và học trò cũng luân phiên nhau đến đưa tôi đi chơi.
Đôn và các học trò đề nghị tôi bỏ St. Louis về sống ở California. St. Louis là một thành phố cổ kính, người dân ở đây rất mộ đạo. Nhà thờ san sát trong thành phố, cứ cách mấy con phố lại có một nhà thờ. Ngày Chủ nhật là ngày của Chúa. Chợ và các tiệm lớn đều đóng cửa để mọi người đi lễ nhà thờ. St. Louis mùa Đông rất lạnh và buồn, khó thích hợp với người về hưu trí như tôi. Các con tôi nay đã lớn và ở riêng, nhưng tôi chỉ hứa để về suy nghĩ và bàn lại với các con chứ chưa có quyết định gì cả.
Ngày vui qua mau. Tôi phải trở lại St. Louis. Đôn bịn rịn đưa tiễn tôi tận phi trường. Từ đó tuần nào Đôn cũng gọi điện thoại cho tôi. Rồi một hôm Đôn đến St. Louis thăm tôi và đề nghị tôi về chung sống với chàng. Tôi thật khó nghĩ, không biết tính sao, mấy chục năm nay tôi vẫn sống độc thân được thì nay cứ tiếp tục như vậy đâu có sao. Tôi gọi các con tôi về để giới thiệu Đôn và tôi hỏi ý kiến các con. Tất cả các con đều vui vẻ tán thành nhưng tôi vẫn thấy e ngại vì tôi nay đã lớn tuổi và đã có cháu nội, cháu ngoại. Các con tôi tán thành là một việc nhưng còn người thân và bè bạn nữa. Họ sẽ ngạc nhiên lắm khi một bà giáo có 6 mặt con trước đã ly dị chồng, nay từng này tuổi đầu mà còn tái giá. Làm sao tôi tránh khỏi miệng lưỡi người đời…
Tôi đang chần chừ suy nghĩ thì nhận được thư của con trai lớn từ Washington DC gửi về. Đại ý con trai tôi viết:
Thưa mẹ,
Con đã hỏi ý kiến các em. Nay con viết thư này kính tin mẹ rõ. Tất cả chúng con không những chỉ yêu mẹ mà chúng con còn kính phục mẹ nữa. Một mình mẹ đã đảm đang, nuôi nấng và dạy dỗ chúng con nên người. Mẹ vất vả mà không hề kêu than, mẹ cô đơn mà không hề oán trách. Mẹ cố gắng vươn lên trong mọi tình huống khó khăn. Mẹ là tấm gương cho chúng con noi theo. Chúng con hiểu đời sống tình cảm của mẹ rất cô đơn nhưng mẹ lấy cái vui của chúng con làm nguồn vui của mẹ. Nay chúng con đã trưởng thành, đã đi làm và không được ở gần mẹ. Mẹ đã sống vì chúng con và sống cho chúng con. Chúng con không khỏi xúc động khi những việc hệ trọng, liên quan đến đời sống tình cảm của mẹ mà mẹ cũng đặt chúng con lên trên những quyết định của mẹ. Mẹ nói nếu một trong các con phản đối thì mẹ sẽ từ chối đề nghị của chú Đôn.
Chúng con đã gặp chú Đôn tháng trước, tất cả các em con đều vui mừng khi có người sẵn sàng cùng mẹ đi nốt quãng đường còn lại. Chú Đôn đã yêu mẹ từ lâu, chúng con mong mẹ nhận lời chú để mẹ và chú sống với nhau, an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Tất cả chúng con đều yêu thương mẹ nhưng chúng con đều đã có gia đình và ở xa. Chúng con tin là chỉ có chú Đôn mới làm được việc này…
Cuối thư tất cả các con cùng ký tên và viết thêm hàng chữ “con yêu mẹ nhiều”.
Tôi như muốn trào nước mắt khi đọc xong lá thư của các con và cũng thầm phục con trai lớn đã cẩn thận lấy chữ ký của các em cho tôi yên tâm.
*
Ngày đám cưới của Đôn với tôi được tổ chức đơn gỉản tại Peace Lutheran Church. Tôi không phải là tín đồ đạo Tin Lành nhưng nhà thờ này đã bảo trợ và giúp đỡ gia đình tôi nên tôi tổ chức ở đây như là một lời cám ơn đối với họ. Tất cả các con và các cháu tôi đều về tham dự. Ngoài một số hội viên nhà thờ, tôi không mời ai cả. Tôi chỉ gửi thiếp báo tin đến một số bạn bè và kèm theo thư cám ơn đến nữ Bác Sĩ Trần Nguyễn Mặc Lan, cô học trò đã cho tôi cơ hội gặp lại Đôn.
Con gái và con dâu đã lo quần áo đám cưới và giúp tôi trang đìểm. Tôi soi bóng mình trong gýõng thấy tôi ðẹp và trẻ hẳn ra. Tôi hồi hộp sung sướng. Đôn giắt tay tôi ra xe để đi đến nhà thờ. Ngồi sau hàng ghế Đôn nói nhỏ bên tai tôi “anh yêu em ngay từ ngày đầu tiên đổi về trường nhưng hôm nay mới thật sự có em” . Tôi ngả đầu lên vai Đôn và nắm thật chặt tay chàng như muốn giữ chàng mãi bên tôi và nói nhỏ trong nghẹn ngào “ em cám ơn anh. Chúng mình sẽ ở bên nhau mãi nghe anh”.
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang như để đón mừng mối tình mới đang nồng nàn yêu thương nhau…
Hoàng Nguyên Linh
(Thanh Điệp chuyển )
Chuyện tinh của cô Đinh Thi Nại,GS.trường TH.Trưng Vương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét