Đây là trích đoạn trong bài thơ của Tùy Dạng Đế (569-618) viết vào đầu thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên (SCN). Tứ thơ trữ tình tựa như một lời nhắc nhở nhân thế về sau hãy nhớ mãi những tháng ngày dài hàng ngàn năm người Trung Quốc không ngại hy sinh máu xương xây dựng nên công trình quân sự vạn lý nhằm đẩy lùi âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang.
Sau hơn 2.000 năm, công trình quân sự nhân tạo dài nhất thế giới này mới hoàn thành. Phôi thai từ những ngày đầu hồi thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên (TCN), "Rồng Đất" gắn liền với nhiều vị hoàng đế của Trung Quốc, trong đó, nổi tiếng bậc nhất là đoạn tường thành do Hoàng đế Tần Thủy Hoàng hạ lệnh xây từ năm 220 TCN đến năm 206 TCN.
Dài hơn 8.000km (gồm cả tường thành do con người xây dựng và tường hào/rào chắn tự nhiên), Vạn Lý Trường Thành được dựng lên với mong muốn là tấm khiên dài, bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của quân xâm lược.
Mối đe dọa chính đối với người Trung Quốc đến từ các nước láng giềng phương Bắc - Những người chăn nuôi du mục đã có truyền thống sinh sống ở các vùng thảo nguyên giáp ranh Trung Quốc từ thế kỷ thứ 4 TCN.
Môi trường sống và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt dù không quật ngã được những người dân du mục nhưng, cuộc sống mới chỉ dừng ở mức cơ bản. Nhu cầu ấm, no, xa xỉ vẫn luôn khắc khoải. Điều này tất yếu dẫn đến những so sánh và đố kỵ với những thứ hàng hóa (như hàng dệt may cùng nông sản) và những sản phẩm thượng hạng khác mà người hàng xóm phương Nam (Trung Quốc) luôn sẵn có.
Kỳ lạ thay! Những khó khăn, thiếu thốn ấy lại tôi rèn một bản lĩnh quật cường, như ngấm vào từng thớ thịt của những người con du mục phương Bắc từ đời này qua đời khác. Và đó, chính là nỗi sợ đến ám ảnh cho người Trung Quốc ở phương Nam.
Không ám ảnh và canh cánh trong lòng sao được khi những vó ngựa khỏe khoắn phi nước đại trên thảo nguyên rộng lớn, tựa như muốn xé toạc cuộc sống bình yên, no ấm ở phương trời nào đó; hay những chiến binh kiêu hùng chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, trang bị những cung tên sắc nhọn kia hoàn toàn có thể tấn công lãnh thổ Trung Quốc bất cứ lúc nào bằng bản tính hoang dã nhất rồi chiếm lấy những gì họ muốn.
Vốn lo xa, các hoàng đế Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến lược để ngăn chặn ý định xâm chiếm lãnh thổ của người du mục phương Bắc, từ chiến tranh đến ngoại giao song phương và xây dựng công sự.
Vị hoàng đế đầu tiên có công thống nhất Trung Quốc - Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN), đã liên kết các công trình tường thành được xây dựng từ trước đó, rồi tiếp tục xây dựng tường thành thành một dải thống nhất đầu tiên dọc theo toàn bộ biên giới phía Bắc, nhằm đẩy lùi mối đe dọa cố hữu từ phương Bắc đến từ các cuộc tấn công xâm lược của người du mục Hung Nô.
Bất chấp sức mạnh quân sự không gì địch nổi của chính mình, để chống lại Hung Nô, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng vẫn hạ lệnh xây dựng một bức tường phòng thủ khổng lồ. Công việc được thực hiện bởi hàng trăm ngàn nô lệ và tội phạm trong khoảng từ năm 220 đến 206 TCN; hàng ngàn người trong số họ đã chết trong khi làm nhiệm vụ.
Nhiều năm sau đó, các hoàng đế thuộc triều đại nhà Hán tiếp tục thực hiện các chiến lược kinh tế cũng như quân sự để đối phó với các thế lực bên ngoài. Không chỉ chi tiền viện trợ (triều cống), các hoàng đế thời này còn triển khai các chiến dịch trên vùng thảo nguyên và tiếp tục xây dựng các bức tường thành phòng thủ mà các tiên đế thực hiện dang dở.
Vạn Lý Trường Thành là công trình
quân sự dài hơn 8000km, được khoảng 800.000 người xây dựng trong khoảng
thời gian 2000 năm. Nguồn: Internet
Phần lớn Vạn Lý Trường Thành được
triều đại nhà Minh xây dựng vào cuối những năm 1500 trong một nỗ lực
tối cao để bảo vệ Trung Quốc khỏi các bộ lạc xa xôi của thảo nguyên.
Nguồn: TOP PHOTO GROUP/AGE FOTOSTOCK
Một ngàn năm tiếp tục qua đi, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và dân du mục phương Bắc vẫn tiếp tục theo cách này.
Đến thế kỷ 13 SCN, một thủ lĩnh tên là Temüjin (Thiết Mộc Chân) với bản lĩnh sắt thép được tôi luyện từ thời thơ ấu khắc nghiệt, khốn khó, đã hợp nhất được các bộ lạc độc lập ở vùng đông bắc châu Á, lập nên Đế quốc Mông Cổ, hoàn toàn thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho người phương Bắc.
Sau khi trở thành Khả hãn Mông Cổ, Thiết Mộc Chân lấy tên Thành Cát Tư Hãn. Từ đây, cái tên này trở thành nỗi khiếp sợ không chỉ riêng mình Trung Quốc, mà nhiều quốc gia trên khắp khu vực Á-Âu đều sợ sệt, lo lắng bị vùi dập dưới vó ngựa của đoàn quân bất khả chiến bại do nhà quân sự lỗi lạc này dẫn đầu.
Bản vẽ mực này từ thế kỷ 15-16
cho thấy sức mạnh quân sự lớn nhất của người Mông Cổ: Ngựa nhanh nhẹn,
mạnh mẽ và cung thủ khéo léo. Nguồn: BRIDGEMAN/ACI.
Cháu trai và là người kế tục của Thành Cát Tư Hãn là Khả hãn Hốt Tất Liệt đã hoàn toàn thắng lợi khi chiếm được toàn bộ Trung Quốc và lập ra một triều đại mới có tên là nhà Nguyên.
Nhà Nguyên đoản mệnh, nhanh chóng bị lật đổ sau một cuộc nổi dậy của nông dân năm 1368. Người Mông Cổ nhanh chóng trốn khỏi kinh thành rồi lánh nạn trên thảo nguyên.
Triều đại mới của Trung Quốc là nhà Minh (tồn tại từ 1368 đến năm 1644) - đây là triều đại cuối cùng do người Hán kiến lập trong lịch sử Trung Quốc - nhanh chóng vào việc ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của nhà Nguyên.
Những năm đầu, triều đình Minh thực thi thể chế triều cống, mậu dịch triều cống cho nhiều hơn nhận và nhiều lần cống nạp cho Mông Cổ nhằm xoa dịu cũng như đẩy lùi nguy cơ bị xâm lược. Đó là lý do khiến cho ngân khố nhà Minh ngày càng thất thu.
Tuy vậy, việc cống nạp không phát huy hết khả năng dự tính của nó bởi nó đã thất bại trong việc ngăn chặn sự gia tăng của các cuộc tấn công biên giới của đội quân Mông Cổ khét tiếng. Do đó, buộc người Trung Quốc phải buôn bán hàng hóa trên thảo nguyên cho người dân vùng biên giới phương Bắc.
Theo Great Secretary Li Xian viết năm 1495, nhu cầu liên tục về thực phẩm, quần áo của người Mông Cổ là một tai họa đối với Trung Quốc.
Song song với các chính sách về ngoại giao và kinh tế, nhà Minh bắt tay vào xây dựng trường thành vào thế kỷ 16 và 17.
Phần tường thành khổng lồ do nhà Minh xây dựng được bảo toàn tốt nhất đến tận ngày nay. Bởi các hoàng đế nhà Minh hạ lệnh các bức tường thành được xây phải đáp ứng những điều kiện khắt khe nhất để phòng thủ thành công trước sự xâm lược của dân du mục cũng như sự tàn phá của thời gian và điều kiện thời tiết qua hàng trăm năm.
Trường Thành bất khả xâm phạm?
Cho đến nay, Vạn Lý Trường Thành trở thành nhân chứng của thời gian, không chịu khuất phục dưới sự xói mòn từ thời tiết và sự bào mòn của thời gian. Tuy nhiên, về hiệu quả của một công trình quân sự thì sử gia có phần khó đánh giá hơn.
Bởi, biên giới phía Bắc Trung Quốc tiếp tục hứng chịu nhiều cuộc tấn công xâm lược từ thế lực bên ngoài. Có những cuộc tấn công quy mô nhỏ từ một nhóm người du mục, nhưng cũng có những cuộc tấn công đến từ đội quân lên đến 100.000 người.
Nằm trong một khu vực sa mạc của
Cam Túc, Jiayuguan là cổng đầu tiên ở cuối phía tây của tường thành.
Được xây dựng như một pháo đài biên giới vào năm 1372, sau đó nó được
đưa vào Vạn Lý Trường Thành. Nguồn: PIXTAL/AGE FOTOSTOCK
Khi trèo thành công lên tháp canh, lính canh Trung Quốc vẫn không hề hay biết. Sự việc chỉ bị bại lộ khi tiếng ngựa của đoàn quân Mông Cổ hý vang giữa trời đêm.
Sử chép rằng, cuộc sống của những người lính canh gác trên tháp canh của trường thành vô cùng khắc nghiệt. Năm 1443, một tài liệu thừa nhận rằng những người lính canh gác dọc trường thành ở vùng biên giới phía tây bắc phải hứng chịu sự dày vò liên tục của giá lạnh. Họ phải xa gia đình và người thân trong nhiều tháng, nhiều năm, và tất nhiên thường ăn đói, mặc rét.
Quân lương vừa không được lãnh đủ, họ phải chi trả cho vũ khí và ngựa chiến. Cái đói, cái thiếu thốn mọi bề về vật chất là những nỗi khổ không ai có thể tả.
Điều tất yếu đã xảy đến.
Khi những nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng, tinh thần và ý chí chiến đấu của họ cũng sụt giảm theo. Năm 1554, người ta cáo buộc đội lính canh hèn nhát trước kẻ thù: Bất cứ khi nào kẻ thù mon men đến gần chân thành, những người lính canh với vai trò báo động ấy lại bỏ chạy mà không đưa ra bất cứ sự kháng cự nào.
Vạn Lý Trường Thành sẽ là một
công trình quân sự bất khả xâm phạm khi nó được bảo vệ bởi một đội quân
có kỷ luật nghiêm khắc. Nguồn: Internet
Năm 1533, quân lính trên tháp canh còn đóng vai trò là người chỉ điểm cho đội quân Mông Cổ tiến hành xâm lược lãnh thổ Trung Quốc. Thậm chí, lính Mông Cổ còn trà trộn vào lính canh và nắm giữ nhiều bí mật quân sự của Trung Quốc.
Trường Thành sẽ là một công trình quân sự bất khả xâm phạm khi nó được bảo vệ bởi một đội quân có kỷ luật nghiêm khắc!
Sự trỗi dậy của người Mãn Châu
Bị suy yếu bởi hai thế kỷ xung đột liên miên với người Mông Cổ, nhà Minh mất quyền lực trong nội bộ. Họ đã trao quyền lực cho người Mãn Châu sau cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 1644.
Người Mãn nhanh chóng thu phục nhà Minh và lập ra nhà Thanh, rồi mở rộng bờ cõi Trung Quốc về phía bắc, khiến cho Vạn Lý Trường Thành không còn trở thành công sự thiết yếu để phòng thủ trước các thế lực phương Bắc nữa.
Việc xây dựng Trường Thành cũng chấm dứt khi nhà Minh mất đi quyền lực. Ngày nay, công sự này không được xây thêm mà chỉ có các hoạt động trùng tu, bảo dưỡng.
Sau hàng loạt các tên gọi như "Rồng Đất", "Pháo Đài" hay "Rào Chắn", đến thế kỷ 19, công trình dài gần 10.000km này của Trung Quốc đổi tên thành Vạn Lý Trường Thành.
Công trình được xây dựng suốt hơn 2000 năm, với sự góp sức của 800.000 người, cùng sự ngã xuống của hàng trăm ngàn người chết trong quá trình xây dựng (biến nó trở thành "nghĩa trang dài nhất thế giới"), đã trở thành 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1987.
Mặc dù không bảo vệ hoàn toàn được Trung Quốc trước các cuộc xâm lược từ phương Bắc, nhưng Vạn Lý Trường Thành cho đến nay vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ cho sức mạnh xây dựng đoàn kết của người Trung Quốc thời xưa.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic Magazine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét