11 thg 1, 2019

3 Chuyện Chơp Của Murakami Haruki - Hoàng Long dịch (Từ Tạp Chí Da Màu )

Ba truyện chớp sau đây được chúng tôi dịch từ nguyên tác Nhật ngữ trong tập truyện cực ngắn “Khỉ Nam Mỹ ban đêm”(夜のくもざる) của nhà văn Murakami Haruki (村上春樹), do Nxb Tân Triều Văn Khố (新潮文庫) tái bản lần thứ sáu năm Bình thành 26 (2014). Đây xin được xem là một món quà cuối năm (Oseibo お歳暮) dành tặng quý độc giả trang Da màu.




QUÀ TẶNG CUỐI NĂM
Tôi đang làm việc ở nhà thì có một cô gái đến thăm. Một cô gái trẻ trung xinh đẹp tầm khoảng mười tám mười chín tuổi, khoác áo dạ màu xanh lá. Nàng đứng rụt rè ngoài cửa, mân mê cái móc gài nơi túi xách tay.
“Xin lỗi, tôi đến vì chuyện quà tặng cuối năm[1] đây ạ”, nàng khe khẽ nói.
“À, vậy tôi có phải đóng dấu ký tên gì không?”
“Không cần đâu ạ. Em chính là quà tặng cuối năm đây”
“Chuyện gì vậy? Tôi chẳng hiểu gì cả”
“Dạ, có nghĩa là anh có thể thương mến em cũng được. Dù gì đi nữa, em cũng là quà tặng cuối năm mà. Người phụ trách bộ phận tặng quà cuối năm của công ty K bảo em đến đây đấy ạ”
“Hừm”, tôi lẩm bẩm. Công ty K vốn là công ty xuất bản lớn mà tôi từng cộng tác mấy lần rồi. Tôi nhớ có lần say rượu, nghe hỏi là “anh muốn quà tặng cuối năm là gì thế?”, tôi đã trả lời rằng “một cô gái đẹp thì tuyệt”. Dĩ nhiên đó hoàn toàn là lời nói đùa chơi, cho dù nằm mơ đi nữa thì tôi cũng không nghĩ ra được công ty xuất bản tầm cỡ như vậy lại có thể thực sự làm chuyện này.
“Xin lỗi cô nhưng thiệt tình giờ tôi đang rất bận. Ngày mai là hạn cuối phải nộp bản thảo rồi, không còn lòng dạ nào mà làm tình với cô đâu. Hơn thế giờ tôi còn phải tóm gọn chỉnh sửa lại chỗ này nữa chứ. Nếu biết trước hôm nay cô đến thì chắc tôi đã để dành sức lực đàng hoàng rồi”
Nghe tôi nói vậy nàng bắt đầu khóc thút thít. “Em thật là vô dụng. Có làm quà tặng cũng không được nữa. Em chẳng làm được chuyện gì cả. Ngay cả bằng lái xe cũng không lấy được nữa mà”
“Thôi đi mà”, tôi nói.
Tuy thế, nàng vẫn cứ đứng ngoài hành lang mà thút thít suốt như vậy mà tôi thì cũng muốn giữ thể diện với làng xóm nên bất đắc dĩ phải mời nàng vào nhà, pha cà phê tiếp đãi.
“Nếu không làm tình với em, anh có thể giao cho em việc gì khác mà em có thể làm được đi. Cấp trên nói em phải phục vụ đủ hai tiếng đồng hồ mà. Em cũng có thể hát karaoke đấy. Em có thể hát bài “Ellie tình yêu của tôi”[2] của nhóm nhạc rock Sazan hay lắm đó anh”
“Nếu là hát hò thì thôi xin miễn giùm cho”, tôi vội vàng ngăn lại. Nghe nàng ta hát thì sao còn tập trung làm việc được cơ chứ.
“Vậy em sẽ làm bánh khoai[3] cho anh nghe. Em làm bánh khoai korokke ngon lắm đó”
“Hay đấy”, tôi tán thành. Cho dù nói gì đi nữa thì tôi cũng rất thích bánh khoai mà.





BÀI BẠC

Sau khi đĩa nhạc của Julio Iglesias đã mòn nhẵn thì tôi chẳng còn lấy một phương cách nào có thể bảo vệ mình khỏi cuộc tấn công của con rùa biển nữa. Cứ mỗi đêm tôi cho chạy bài “Begin the Beguine” của Julio Iglesias là con rùa biển tức khắc tránh xa khỏi nhà tôi ngay.
“Chúng ta hết cách rồi”, nàng nói. “Cả nhang muỗi lẫn đĩa nhạc Julio cũng chẳng còn lại gì”
“Không, chắc chắn phải có cách nào khác chứ”, tôi an ủi.
“Liệu dĩa nhạc của Willie Hugh Nelson hay ABBA, Richard Clayderman có được không nhỉ?”
“Không được đâu. Đối với rùa biển thì có nhạc của Julio mới có tác dụng thôi em ạ”. Tôi biết rõ điều này.
Tôi một mình đi ra bờ biển, trèo lên mỏm đá nhô ra nhìn về phía biển xa xăm. Con rùa biển chắc vẫn nằm dưới đáy biển sâu, cuộn mình say giấc ngủ trưa như thường lệ. Nó phải dành sức cho cuộc tấn công buổi tối mà. Tuy nhiên cho dù phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống con rùa biển như thế đi nữa, tôi cũng vẫn chẳng thể nghĩa ra cách đối phó mới mẻ nào khác cả. Có lẽ do tôi quá sức mệt mỏi nên không thể nào phát huy được trí tưởng tượng của mình chăng?
Lần này thì đúng là mình hết cách thật rồi, tôi nghĩ thầm. Tuy nhiên kết thúc cuộc đời do bị rùa biển ăn thịt thì thật thê thảm làm sao. Mẹ tôi nghe được tin này sẽ nghĩ như thế nào đây? Thiếu gì cách mà đứa con trai duy nhất lại chọn cách kết thúc cuộc đời cho rùa biển ăn thịt chứ?
Với tâm thế chuẩn bị sẵn sàng, tôi ăn bữa cơm cuối cùng, nhấm nháp lý trà chờ con rùa biển đến. Tiếng bước chân lạch bạch tiến đến mỗi lúc một gần, và con rùa biển đi một vòng quanh nhà.
“Kết thúc rồi anh”, nàng nắm chặt tay tôi.
Tiếng cửa mở ra nghe ken két và con rùa biển thò đầu vào nhìn, kiểm tra xem trong phòng có nhang muỗi và dĩa nhạc của Julio Iglesias hay không. Tay nó nắm chặt một bộ bài.
Bài bạc à?
Thế là từ đó mỗi đêm chúng tôi đều cùng nhau chơi bài. Tuy không thú vị cho lắm nhưng so với việc bị ăn thịt thì chuyện này đã tuyệt diệu lắm rồi. Mà hơn nữa chúng tôi đâu có thích nghe nhạc Julio Iglesias mỗi đêm đâu cơ chứ.



ĐỒ GỌT BÚT CHÌ

HAY LÀ MAY MẮN DO ANH WATANABE NOBORU MANG ĐẾN

Nếu như không có người tên là Watanabe Noboru đó thì chắc có lẽ tôi vẫn còn sử dụng cái đồ gọt chút chì cùn mòn cũ kỹ đó cho đến tận bây giờ. Nhờ anh Watanabe mà tôi có thể sở hữu được một cái đồ gọt bút chì mới tinh tươm sáng bóng. Sự may mắn như vậy không phải là bình thường đâu.
Khi anh Watanabe bước vào bếp, lập tức dừng mắt ngay tại cái đồ gọt bút chì cũ kỹ tôi để trên bàn. Ngày hôm đó tôi muốn đổi gió nên mới làm việc nơi chiếc bàn trong nhà bếp. Vì thế mà đồ gọt bút chì được đặt giữa hũ muối và lọ nước tương.
Anh Watanabe Noboru vừa sửa ống nước nơi bồn rửa chén vừa thỉnh thoảng liếc nhìn về cái bàn (anh vốn là thợ sửa ống nước mà). Nhưng mà lúc đó tôi nào đâu hay anh là người đam mê sưu tập đồ gọt bút chì chứ vì thế mà không tài nào đoán ra được anh ta liếc nhìn về cái bàn vì hứng thú với điều gì cả. Trên bàn đồ đạc vương vãi khắp nơi.
“Này, cậu chủ nhà. Cái đồ gọt bút chì kia tuyệt lắm đấy”
Anh ta cất lời sau khi việc sửa chữa đường ống nước đã xong xuôi.
“Cài này ư?”
Tôi quá sức ngạc nhiên, cầm cái đồ gọt bút chì đặt trên bàn lên xem thử. Ngoài việc tôi đã sử dụng đó hơn hai mươi năm kể từ thời trung học ra thì chẳng có điểm gì khác biệt so với những đồ gọt bút chì thông thường cả. Phần lưỡi kim loại đã rỉ sét khá nhiều, còn trên cùng thì dán tem hình cậu bé tay sắt Antom[4]. Ngắn gọn thì nó cũ kỹ và dơ bẩn.
“Cái này được gọi là đồ gọt bút chì Makusu PSD năm 1963 đấy, khá hiếm chứ không phải đùa đâu”. Anh Watanabe nói. “Khớp lưỡi dao gọt hơi khác cho nên vết gọt bút chì cũng khác biệt một chút so với những cái tương tự đấy”.
“Vậy ư?”
Và như thế là tôi có được cái đồ gọt bút chì mới tinh còn anh Watanabe Noboru thì lấy cái đồ gọt bút chì Makusu PSD có hình cậu bé tay sắt Antom đó. Trong cái cặp của anh Watanabe lúc nào cũng có sẵn vài cái đồ gọt bút chì mới dùng để trao đổi như vậy. Mặc dù chuyện này có thể lặp lại đi nữa thì sự may mắn như vậy trong đời người cũng không có được mấy lần đâu.


Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ


[1] Nguyên văn là Oseibo (お歳暮), món quà tri ân mà người Nhật tặng nhau vào dịp cuối năm để mong có quan hệ tốt đẹp trong những năm kế tiếp. Thời gian tặng quà là từ đầu đến giữa tháng mười hai.
[2] Nguyên văn là “いとしのエリー” của ban nhạc rock Nhật Bản Southern All Stars (サザンオールスターズ Sazan Ōrusutaazu), còn gọi là Sazan (サザン) hay SAS được thành lập vào năm 1974.
[3] Nguyên văn là Korokke “コロッケ”, một món chiên giòn gồm khoai tây rau củ với thịt hay cá, có liên quan đến món ăn Pháp croquette.

[4] Nguyên văn Tetsuwan Atomu (鉄腕アトム), nhân vật anh hùng trong bộ truyện tranh nổi tiếng của họa sĩ Osamu Tezuka.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét