Trong lịch sử Việt nam có bốn công chúa của các triều đại có ảnh hưởng nhất, có công nhất góp phần gìn giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng đã từng là những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để bậc cha anh làm nên nghiệp lớn. Đó là 4 công chúa của các triều đại phong kiến Việt Nam được đánh giá ảnh hưởng nhất trong lịch sử mà lại ít thấy có tài liệu nào vinh danh công nghiệp của họ. Thật là đáng tiếc! Nhưng họ là ai?
Đó là các công chúa Huyền Trân, An Tư, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa.
1- HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA:
Công chúa HUYỀN TRÂN, chữ Hán là: 玄珍公主; sinh năm 1287, mất 09 tháng 01 năm 1340) là con gái vua Trần Nhân Tông và Hoàng hậu Thiên Cảm, là em gái của Trần Anh Tông. Sách Việt sử giai thoại viết: "Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa trước đó của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đem Công chúa Huyền Trân gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân đã đem đất hai châu Ô và châu Lý - vùng tương ứng với phần phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay - dâng cho Đại Việt làm sính lễ". Nhờ cuộc hôn nhân nầy mà lãnh thổ nước ta được kéo dài về phía Nam rất xa. Sử ghi:
Năm 1301, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào nước Chiêm Thành, được Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Thái Thượng hoàng có hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Tapasi, người Java (Indonesia ngày nay). Sau đó nhiều lần, Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.
Năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14 (1306), tháng 6, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm sính lễ hồi môn, vua Trần Anh Tông khi đó mới đồng ý gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Công chúa khi về Chiêm Thành, được phong làm Vương hậu thứ 2 với phong hiệu là Paramecvari.
Đền Huyền Trân Công chúa – Huế
Một năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được vua Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung cướp về (vì sợ theo tục lệ Chiêm Thành, hễ Vua mất thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo). Sau đó, bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
Câu chuyện về công chúa được truyền tụng trong dân gian, khiến Huyền Trân trở thành một trong những công chúa nổi tiếng nhất và ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam. Các triều đại về sau đều sắc phong bà là “Nữ Thần hộ quốc”. Hoàng Đế triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần.
Tượng thờ Công chúa Huyền Trân ở chùa Nộm Sơn-Huế
Cụ Ngô Thời Nhậm (1786-1803) có sáng tác bài thơ chữ Hán nói về Công chúa Huyền Trân, được Vũ đình Liên dịch Nôm như sau:
“Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình,
Ðêm xuân mai đọng lệ trên cành.
Hững hờ nước bạc thù son phấn,
Non yểu chồng ngu hổ ngọc lành.
Sính vật hai châu còn đất tốt,
Giai nhân một kiếp chịu oan tình!
Oán hờn theo sóng trào dâng mãi,
Xóm bến mưa dầm tối lạnh canh!”
2- CÔNG CHÚA AN TƯ:
An Tư Công chúa, còn gọi là Thiên Tư công chúa, là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Bà cũng là em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Cuộc đời của An Tư công chúa được sử Việt chép rất sơ lược, không đề cập rõ đến cả năm sinh năm mất của bà.
Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ chỉ ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để chống cự lại, nhưng không ngăn cãn được quân thù. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư Công chúa dâng cho chúng, để tránh nạn cho nước".
Đầu năm 1285, quân đội nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thánh Tông Thái Thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9/3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua.
Để có thời gian củng cố lực lượng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân, dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa. Sau đó, quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải "chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy" để thoát được về Tàu.
Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Chỉ có sách An Nam chí lược của Lê Tắc Trắc - một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong chép rằng: "Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con...". Điều đó là không đúng. Người con gái sinh hai con với Thoát Hoan không phải An Tư mà là con Trần Di Ái, em gái Trần Tú Viên. Cuộc hôn nhân này diễn ra năm 1336 (An Nam chí lược tr. 249), chứ không phải năm 1285.
Đền Thôn Viên xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm, Hà Nội thờ một công chúa nhà Trần là Trần Khắc Hãn. Theo chúng tôi thì tên Khắc Hãn không phải là tên thật mà chỉ là tên "biểu trưng" của công chúa An Tư đã hi sinh thân mình để chế ngự sự hung hãn của kẻ thù Nguyên-Mông.
Giáo sư Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á cho rằng nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên, đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á - Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có Công chúa An Tư.
Theo ông, người con gái "lá ngọc cành vàng" ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7/1285, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư.
Năm 1943, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử An Tư để nói về cuộc đời của nàng công chúa nhà Trần mà không được lịch sử nhắc đến.
3- CÔNG CHÚA NGỌC VẠN:
Công nữ Ngọc Vạn (公女玉萬), họ tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn hoặc Nguyễn Phúc Thị Ngọc Vạn, gọi tắt là Ngọc Vạn, sinh vào khoảng năm 1605, mất sau năm 1658. Công chúa (công nữ) Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, không có tài liệu ghi rõ năm sinh, năm mất, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (thời gian ở ngôi: 1613-1635). Bối cảnh lịch sử lúc này, dù nhà Lê vẫn là vương triều chính thống, tuy nhiên quyền lực thực sự nằm trong tay Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vì vậy, một số tài liệu gọi bà là công nữ (là con của chúa), chứ không gọi là công chúa (là con vua).
Năm 1620, Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp (tên cũ của nước Miên) là Chey Chetta II và trở thành Hoàng hậu nước này với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Một góc trong hoàng cung vua Chân Lạp tại Nam Vang.
Chúa Sãi lên ngôi chúa năm 1613, và để củng cố vị thế của mình, vị chúa này đã tìm cách giao hảo với các nước phương Nam khi đó là Chiêm Thành và Chân Lạp.
Khoảng thời gian đó, triều đình Xiêm La gần như trực tiếp thống trị Chân Lạp. Vì vậy, khi lên ngôi vua, Chey Chetta II (ở ngôi: 1618-1628), liền cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong (Vũng Long hay Long Úc) và cầu thân với chúa Nguyễn cứu viện để chống lại sự khống chế của quân Xiêm La (nước Thái lan ngày nay).
Năm 1620, theo lời cầu xin của vua Chey Chetta II, chúa Sãi thuận gả công chúa Ngọc Vạn cho ông, và bà trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac, dù bản thân vua đã có chính cung là người Chân Lạp, nhị cung là người Lào.
Vừa đẹp người, đẹp nết, nên bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô. Nhiều người Việt theo phong trào này di tản vào vùng đất Chân lạp canh tác, trồng trọt ngày càng phát triển trong miền đông và tây nam nước ta ngày nay như Bà Rịa, Biên Hòa, Gia định, Tây ninh, Cần thơ…v…v
Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi còn cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay. Đây là dinh điền chính thức đầu tiên trên đất Chân Lạp). Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, nên cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II vui lòng chấp thuận. Vua Chey Chetta chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn rồi lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, còn phái một tướng lãnh đến đóng ở Prey Kôr nữa. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai (trích trong cuốn “Việt sử xứ Đàng Trong”, phần “Chúa Nguyễn gây ảnh hưởng trên đất Chân Lạp”).
Đổi lại, chúa Sãi hai lần giúp con rể (Chey Chetta II) đẩy lui quân Xiêm sang xâm lược. Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri ở Quy Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ Đàng Trong tiến sang Cao Miên, nên đã ghi lại trong cuốn Hồi ký của mình (xuất bản năm 1631) như sau:
“Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm…”
Chuyện công nữ Ngọc Vạn không được sử nhà Nguyễn đề cập đến, Giáo sư Phan Khoang trong cuốn Việt sử Đàng Trong viết rằng: "Việc này, sử ta không chép, có lẽ các sử thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp, nên giấu đi chăng? Nhưng nếu họ quan niệm như vậy thì không đúng. Hôn nhân chính trị, nhiều nước đã dùng, còn ở nước ta thì chính sách ấy đã đem lại nhiều lợi ích quan trọng....
Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn, thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này". Trước 30-4 năm 1975, để ghi lại công lao của bà, Tỉnh Tây ninh được Bộ Giáo Dục cho phép một trường Nữ Trung Học lớn nhất của tỉnh mang tên “Nữ Trung học NGỌC VẠN” vinh danh bà; nhưng ngày nay không còn tên đó nữa.
4- CÔNG CHÚA NGỌC KHOA:
Ngọc Khoa tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa chữ Hán là 阮福玉誇 公女, con gái thứ 3 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và là em gái của công chúa Ngọc Vạn. Tương tự như số phận của chị gái, Ngọc Khoa cũng không được sử sách nhắc tới. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, phần tiểu truyện của Ngọc Khoa cũng đề là "khuyết truyện".
Tuy nhiên, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do chính Hội Đồng Nguyễn Phúc tộc viết lại, đã chép rằng: "Năm Tân Mùi (1631) bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (Sãi Vương) gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm được tốt đẹp...".
Nhận xét về vai trò của Ngọc Vạn, Tiến sĩ Trần Thuận cho rằng cuộc hôn nhân này dù không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam...”.
Sử sách không ghi lại là bà Ngọc Khoa đã làm những gì ở triều đình Chiêm Thành, chỉ biết rằng truyền thuyết cũng như tục ngữ Chiêm Thành đều có ý trách cứ, cho rằng bà Ngọc Khoa đã làm cho vua Po Romê trở nên mê muội và khiến cho nước Chiêm sụp đổ.
Trong bài ca Chiêm Thành Ni Danak Po Romé có câu: Vua Po Romê có ba vợ: hai người giống da sậm và một người Việt Nam, cả ba người đều ghen nhau, cãi vã ồn ào trong cung điện nhà vua."
Trong Cổ Tích Chiêm Thành Po Romê có ghi: Do biết tính háu sắc của Po Romê, vua ở Huế bèn chọn công chúa đẹp nhất rồi giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô nàng xinh đẹp đến tai Po Romê. Vua cho vời đến, vừa trông thấy mặt nàng là say mê, rước về làm vợ, tức là nàng Bia Út, hoàng hậu Út."
Theo truyền thuyết Chiêm Thành, bà Ngọc Khoa hay Bia Ut đã dùng sắc đẹp mê hoặc Po Romê, khiến ông chặt bỏ cây "kraik", biểu tượng thiêng liêng của vương quốc Chiêm Thành, vì vậy sau đó vương quốc nầy sụp đổ.
Ngoài ra, người Chăm còn dùng tên bà Bia Ut trong một câu thành ngữ để mỉa mai những phụ nữ béo mập: Béo như bà Ut (Limuk you Bia Ut).
Ngoài việc thần linh hóa câu chuyện, truyền thuyết trên đây đã phản ảnh một phần sự thật lịch sử, đó là nước Chiêm Thành, một lần nữa suy yếu hẳn đi sau cuộc hôn nhân Việt Chiêm năm 1631, nhờ đó, người Việt nhanh chóng vượt qua Chiêm Thành, xuống đồng bằng sông Cửu Long. Như thế, hai công nữ Ngọc Khoa và Ngọc Vạn, tuy không chính thức đem lại đất đai như công chúa Huyền Trân, nhưng cả hai đều đã mở đường cho cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn...
Trong sách của Tân Việt Điểu cũng có một bài thơ nói về công lao của hai chị em Ngọc Vạn và Ngọc Khoa đối với đất nước:
Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm,
Vì ai, tô điểm nước non tiên?
Chị lo giữ vẹn tình Miên-Việt,
Em nhớ làm tròn nghĩa Việt-Chiêm
Phan Rang, Phan Rí mở hai miền
Non sông gấp mấy lần Ô, Lý
Nam tiến, công người chẳng dám quên.
HỌA của Hồ Nguyễn:
HỌA: NHỊ NGỌC NGUYỄN TRIỀU
Ngọc Khoa Ngọc Vạn giữ chung niềm,
Hãnh diện con Rồng với cháu Tiên.
Ngọc Vạn vẹn phần dâu giữ thệ,
Ngọc Khoa trọn nghĩa Việt cùng Chiêm.
Biên Hòa Bà Rịa thêm ngàn dặm,
Phan Rí Phan Rang đất rộng miền.
Nước Việt Trung Nam nay có được,
Ơn dày Khoa Vạn khó mà quên!
5- PHẦN KẾT:
Trong lịch sử dân tộc, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... góp phần giành giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ âm thầm lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như các công chúa Huyền Trân, An Tư, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa...trên đây. Chính họ là những con gười làm nên lịch sử. Thật đáng tôn kính thay!.
*
Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm và bố cục lại________________________________
Xem Thêm :NN.Việt :HAI CHỮ NHÀ TÔI (Số Tết 2019 )
Xem Thêm :NN.Việt :HAI CHỮ NHÀ TÔI (Số Tết 2019 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét