24 thg 1, 2019

QUÊ ƠI - Túy bút của Phạm Quang Long


Tôi không phải là người ít về quê đến mức trẻ em trong làng nghe tiếng nói vẫn nhận ra người quê nhưng nhìn mặt lại ngỡ là khách lạ. Chuyện xưa nếu có thế thì dấu ấn trong lòng người vẫn chỉ là nỗi xót xa. Vì sinh kế hay vì bất cứ lý do gì thì sự li hương đến mức trở thành xa lạ ở chính quê mình cũng là điều không ai muốn. Nó là một trải nghiệm buồn. Nhưng, đời mỗi người làm gì chỉ có chuyện vui?

Quê tôi nghèo, ở vào một vùng hẻo lánh, ba bề bốn bên là sông với biển. Đất quê tôi là đất sét pha, những năm đường sá còn chủ yếu là đường đất, qua sông ai cũng phải luỵ đò thì những dâu, rể quê tôi mỗi dịp Tết về là thêm một lần hành xác. Không nói ra miệng nhưng tâm lý “ quê anh (em), anh (em)về “ chắc cũng là tâm lý của nhiều người đã trót nặng lòng với người quê tôi mà chưa chịu điều tra cơ bản kỹ càng.

Quê tôi có lệ hàng năm cứ đến rằm tháng Chạp là con cháu đi làm ăn, sinh sống xa đều cố gắng thu xếp về thăm mồ mả tổ tiên, mời các cụ về ăn tết và mỗi họ lại tổ chức họp toàn họ để mọi thành viên gắn bó với nhau hơn, nhắc nhau cùng chung một ông tổ, cùng có trách nhiệm sẻ chia nhiệm vụ chung là phát triển dòng tộc.

Tôi có mặc cảm xấu hổ khi nghe một cháu gái trạc 40 tuổi chào bằng một câu hỏi” chú về chạp họ có một mình thôi ạ? Đố chú biết cháu là đứa nào?”. Câu hỏi khó vì cháu là dâu thì rõ rồi còn con dâu ai thì tôi chịu. Tôi chữa thẹn” Chú đi khỏi quê lúc cháu chưa đẻ thì làm sao chú biết cháu con dâu nhà nào? Cháu về làm dâu từ bao giơ?”” Cháu về làm cháu dâu chú hơn hai mươi năm rồi ạ. Cháu đã đến nhà chú ở HN rồi, hồi còn bà cơ”. Thế này thì mình dở thật. “ Thôi, chú xin. Chú kém quá”. Rồi lại cười trừ chứ biết làm sao?

Nghĩa địa gần làng, bên dòng sông xưa bây giờ đã gần hết chỗ. Nghĩa địa mới xa hơn, rộng rãi hơn nhưng cũng ít người muốn ra nơi ấy. Mọi nhà đều muốn ở chỗ cũ, có vẻ như ấm cúng hơn. Dòng sông xưa giờ chỉ còn như một lạch nước nhỏ. Mộ ông bà, thầy mẹ và những người thân của tôi nằm ở đây, giữa những người trong dòng họ, người làng. Tôi gặp ở nghĩa địa mươi người cùng cảnh ngộ, về thắp hương cho tổ tiên, cha mẹ, gặp chớp nhoáng nhau rồi lại ra đi. Những nén hương đen Lai Triều thơm dịu dàng càng làm cho không gian nghĩa địa buồn hơn. Tôi như thấy lửng lơ giữa làn hương thoang thoảng linh hồn những người đã mất, họ đang chứng giám tấm lòng của con cháu. Những lời khấn dâng lên hương hồn tổ tiên. Những lời hẹn “ sang năm về nhé”, những câu hỏi“ bao giờ anh đi?” “tết có về không? “ nghe cứ da diết một nỗi niềm.

Tôi nhìn ra xung quanh. Trời không mưa nhưng không gian cứ u ám một màu chì. Mọi người ra về rồi, chỉ còn mình tôi đứng lại. Chả làm gì mà cứ loanh quanh hết chỗ này lại ra chỗ khác. Nơi này còn thiếu mộ của bác và anh tôi. Một người nằm đâu đó tận Hải Phòng từ năm 1949 còn một người thì tan vào cỏ cây, sông nước Trị Thiên từ năm 1970. Tôi đang miên man theo ý nghĩ về hai người thân của mình, chợt nghe tiếng hỏi” ông ngắm gì thế? Định chọn chỗ cho mình à?”. Ngẩng lên, một gương mặt không quen đang cười cười. “ Không. Tôi chỉ thắp hương cho các cụ thôi. Chưa nghĩ đến chuyện ấy”. “Ồ, chắc ông không nhận ra tôi. Tôi cùng lứa ông, ở làng trên. Giờ sống với con ở làng ông. Cũng chọn cho mình một chỗ đi là vừa. Tôi đã chọn cho mình một chỗ rồi ông ạ. Tôi phải lo cho mình nên tôi lo dần lúc còn lo được. Sợ sau này không ai lo cho mình”.

Chia tay người đàn ông không quen, ý nghĩ phải lo cho mình lúc còn có thể cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Mình vô tâm hay mình chưa nghĩ tới điều đó? Có lẽ cũng phải nghĩ đến rồi. Về đâu nhỉ, khi cái ngày ấy đến, khi mình đã phó mặc tất cả cho người khác rồi? Có lẽ ở đâu thì cũng có mặt nọ, mặt kia. Quê nhà thì gần mẹ cha mà xa con cháu, lại làm chúng nó vất vả những lúc thế này. Nhưng có quê mà đến lúc ấy lại li hương? Xa quê gần hết đời rồi. Quê nhà, cái sợi dây vô hình mà sức níu kéo cũng ghê gớm. 
Như từ vô thức, chợt bật ra hai tiếng, “tôi về, quê ơi”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét