Nữ khoa học gia bị cá sấu lôi đi... sống sót kể lại câu chuyện của mình ( Từ Trithucvn.net )
Khi con cá sấu ngoạm lấy chân và bắt đầu kéo cô đi, Melissa
Cristina Márquez đã làm được điều tưởng chừng như không thể: BÌNH TĨNH.
nhà sinh vật học đại dương Cristina Márquez (ảnh qua jezebel.com)Công việc của một nhà sinh vật học đại dương yêu cầu Cristina Márquez
phải không biết sợ khi đứng trước những động vật săn mồi khổng lồ. Cô
thường xuyên được tiếp xúc với những con cá mập trắng lớn hay những con
cá mập hổ vì công việc của cô chính là nghiên cứu thói quen của loài cá
sụn. Chính điều này đã khiến sự bình tĩnh trước lũ cá trở thành bản năng
tự nhiên đối với cô. “Tôi chết mê chết mệt với những con thú săn mồi hay bị hiểu nhầm,
và chúng lại vừa hay là những loài bị hiểu lầm nhiều nhất. Vậy nên tôi
chưa bao giờ cảm thấy sợ chúng.” Marquez tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Từ trước cho đến đầu năm nay, lần hú vía nhất với Marquez là khi một
con bọ cạp họ centruroides cực độc trốn trong áo bơi và chích vào cánh
tay của cô khiến nó bị tê liệt trong 3 tuần. Và rồi cô ấy gặp con cá sấu ấy. Tháng 4 năm 2018, Marquez đang quay
phim cho chương trình Shark Week của kênh Discovery tại quần đảo
Jardines de la Reina (Những khu vườn của Nữ hoàng) ở Cuba. Bộ phim tài
liệu kể về quá trình Marquez và đoàn của mình tìm kiếm con cá mập đầu
búa lớn huyền thoại có tên La Reina (Nữ hoàng). Trong khi bơi qua khu
vực nước nông, Marquez đã gặp một con cá sấu. Ngày hôm sau cô đã tweet một cách ngắn gọn về màn chạm trán này như sau: “Tôi làm việc với những động vật săn mồi lớn. Tôi cho chúng không
gian, tôi tôn trọng chúng, và tôi luôn luôn giữ trong đầu ý nghĩ rằng
chúng có đủ năng lực giết tôi. Là một người nghiên cứu các hành vi của
động vật săn mồi, tôi vui mừng vì đã biết phải làm thế nào khi bị một
con cá sấu cắn vào bắp chân và kéo đi tôi đêm hôm qua.” “Điều tôi làm để có thể cứu lấy cái chân mình là: giữ bình tĩnh.
Tôi cố gắng không cử động chân khi nó kéo mình đi để nó không ngoạm mạnh
hơn. Cá sấu có lực cắn mạnh khủng khiếp và mọi người biết tôi rồi đấy:
tôi bé xíu. Nó có thể dễ dàng cắn gãy chân hoặc giật đứt chân tôi.” Câu chuyện ly kỳ này đã được kể lại trên tập phim tài liệu Động Cá Mập bí mật ở Cuba của chương trình Shark Week. Marquez đã thuật lại câu chuyện của mình với tờ Jezebel như sau: MARQUEZ: Điều trớ trêu là tôi là bị một con cá sấu
cắn trong khi đang làm chương trình về cá mập Shark Week. Một nhà khoa
học khác và tôi đang quay phim tại Jardines de la Reina, tìm kiếm con cá
mập đầu búa to lớn mà người dân Cuba hay gọi là Nữ hoàng, La Reina.
Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu nó là một con cá mập cái lớn, hay là
một nhóm các con cá mập lớn, vì Cuba rất biệt lập với phần còn lại của
thế giới. Quần đảo Jardines de la Reina chỉ cho phép khoảng 1.000 thợ lặn đến
đây mỗi năm. Chúng tôi thực sự rất được ưu ái và may mắn khi được đến
địa phương tuyệt đẹp này. Trong một lần lặn, tôi nảy ra ý tưởng đến
những chỗ nông vì cá mập đầu búa thường săn cá đuối ở những khu vực nước
nông này. Đó là một nơi săn mồi tốt cho chúng. Trong khi lặn ở các vùng
nước nông, chúng tôi đột nhiên nhìn thấy một cái bóng lớn. Và khi chúng
tôi rọi đèn tới đó, chúng tôi nhận ra đó là một con cá sấu châu Mỹ.
Chúng tôi đã biết là có cá sấu ở gần đó, nhưng chúng tôi chỉ không biết
rằng chúng ở gần tới vậy. Đến cuối ca lặn của chúng tôi, khi nhóm bắt đầu tháo bỏ đèn và các
phụ kiện, mặt nạ đàm thoại của tôi bắt đầu dở chứng. Tôi gặp khó khi
muốn giao tiếp với mọi người. Tôi không thể nghe thấy điều gì đang diễn
ra, và lúc đó tôi bị nước mặn tấp vào mặt. Cảm giác lúc đó thật sự không
được thoải mái lắm. Vậy là khi một người bạn cùng lặn với tôi ra ký
hiệu, “Này, tôi lên trên đây,” tôi liền trả lời, “Hoàn hảo.” Anh ấy ngoi lên và tôi cũng chuẩn bị làm như vậy, tôi chống đầu gối
xuống bề mặt cát. Chỗ đó không sâu lắm. Tôi có thể đứng được. Đột nhiên
tôi cảm thấy áp lực rất lớn ở bắp chân, tôi nghĩ, “Thật quái lạ.” Tôi
nghĩ, “Đó là chân vịt của mình.” Và đột nhiên tôi bắt đầu bị kéo giật về
phía sau, “Không, không phải chân vịt của mình.” Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi là, “Được rồi, đây chắc hẳn là một con cá sấu, vì cá mập không làm vậy.”
Nhưng cá sấu hoàn toàn xa lạ với tôi. Người gần nhất tôi từng làm việc
chung biết về cá sấu là một người Florida bản địa và biết phải làm gì
khi gặp chúng. Tôi biết một vài điều về thói quen săn mồi của cá sấu,
vậy nên điều đầu tiên xuất hiện trong tâm chí tôi là, “Bất kể thế nào, đừng cử động chân.”
Chân tôi đang ở trong mồm nó, và cái mồm rất mẫn cảm với mùi vị.
Tôi hy vọng nó không cắn mình quá chặt. Tôi không cảm thấy như vậy.
Tôi không cảm thấy đau. Tôi cảm thấy áp lực rất, rất lớn, nhưng thực tế
lại không đau. Vậy nên tôi hy vọng, “Được rồi, hy vọng là, vì mình có
mặc đồ lặn, nên không có máu chảy ra, vậy nên nó sẽ không nếm được vị
máu. Quan trọng nhất là nó không nếm được vị thịt ở chân mình. Nó chỉ
cắn được cao su thôi, và nó sẽ để mình đi.” Tôi nghĩ, “Đừng giãy giụa,” vì có hai điều có khả năng xảy ra. Cá sấu
sẽ cắn mạnh hơn, và rồi tôi sẽ bắt đầu cảm thấy đau, và sau đó: mình sẽ
loạn trí. Nếu nó cắn mạnh hơn, thì không chỉ sẽ đau hơn, mà còn có thể
ngoạm đi một phần lớn chân của tôi. Hoặc, kịch bản xấu nhất là nó sẽ
ngoạm mất một phần của chân tôi. Đó là cách mà rất nhiều con cá sấu
thường làm để khiến con mồi kiệt sức. Nó ở ngay dưới đầu gối của tôi, vậy nên tôi nghĩ, “Hoặc là từ đầu gối trở xuống sẽ bay mất, hoặc là cả chân mình sẽ bay mất. Kiểu nào thì mình cũng chảy máu đến chết.”
Cuba rất biệt lập, đặc biêt là nơi chúng tôi đang ở. Chúng tôi đang ở
cách phía Nam Cuba 80km. Tôi sẽ chảy hết máu trước khi được chăm sóc y
tế. Đặc biệt là vì lúc ấy đang vào đêm muộn, vậy nên tôi nghĩ, “Dù gì đi nữa, không được cử động chân.”
Khi ý nghĩ đó lướt qua trong đầu, điều tiếp theo tôi làm là cào trên
cát, để xem liệu có hòn đá hay vật gì đó có thể nắm lấy hay không. Nhưng tôi không thể tìm thấy vật gì. Và vào lúc đó, tôi bị kéo vào trong bóng tối. Nó kéo tôi ra khỏi vùng
có ánh sáng. Nó không kéo tôi đi nhanh – nó kéo rất chậm. Đây là một
con cá sấu dài 3m. Trọng lượng ư, tôi không biết, nhưng đó là một con cá
sấu lớn so với kích thước trung bình của chúng. Tôi bắt đầu nhấn
microphone, hy vọng ai đó sẽ nghe được lời tôi, mặc dù tôi không thể
nghe thấy họ nói gì. Tôi bắt đầu nói, “Này, tôi đang bị kéo đi, tôi bị cắn.”
Tất cả diễn ra trong khoảng 10 giây là tối đa. Nhưng thời gian dường
như trôi rất chậm. Mọi thứ đều chậm lại, và đầu óc tôi giống như kiểu bị
quá tải. Vào giây cuối cùng, nó chợt mở miệng ra và cho tôi thoát. Tôi không chống cự hay làm gì cả. Tôi nghĩ nó rốt cuộc nhận ra rằng, “Không, cái này không phải thứ mình hay ăn. Thứ này mùi vị lạ quá, và nó cũng không chống cự, v.v”
Ngay lúc nhận ra mình không còn nằm trong mồm nó nữa, tôi giật áo BCD
(thiết bị kiểm soát nổi) của mình và phóng thẳng lên trên. Đó không phải là cách nổi lên tốt nhất. Thường thì bạn phải có một
vài lần dừng lại vì lý do an toàn, nhưng tôi nghĩ, “Không, không dừng
lại, mình đang chảy máu, mình cần phải xem vết thương.” Tôi nổi lên, và
người bạn nhìn tôi cứ như thể “Chuyện gì vậy? Sao cô ấy lâu vậy?” Tôi cố
gắng mãi mới tháo được mặt nạ ra. Tôi cố gắng không di chuyển chân
nhiều lắm. Tôi không biết tình hình thế nào, tôi chưa biết vết thương ra
làm sao. Tôi nói, “Tôi bị cắn, và bị kéo đi.” Tôi có phần bị sốc một chút, vì
tôi không nhớ điều gì xảy ra tiếp theo. Tôi nhớ mọi người hét lên, “Kéo
cô ấy lên trên sàn, đưa cô ấy lên tàu!” tôi nhớ có ba người quanh tôi,
tất cả đều kéo bình khí của tôi để giúp tôi di chuyển trong nước nhanh
hơn. Tôi có nhớ một người đàn ông xoay tôi về phía anh ấy để tháo chân
vịt ra và nói, “Cô không sao cả, cô không sao cả.” Và rồi tôi bị nhấc
lên khỏi mặt nước và đặt lên trên sàn, họ bắt đầu tháo đồ của tôi ra. Ít
nhất là toàn bộ đồ lặn nặng nề của tôi.
Tôi vẫn mặc quần áo lặn, và tôi nhìn thấy chân mình vẫn còn ở đó, thật tốt.
Sau đó bác sĩ Mike mang túi y tế đến, và mở bộ đồ lặn mới tinh của
tôi ra, thật là xót của. Anh ấy dùng kéo rạch nó ra. Và tôi nghĩ, “Ôi,
Không!” Đó là lúc chúng tôi nhìn thấy vết cắn. Ở mặt ngoài chân trái của tôi, có 2 vết đâm sâu. Và mặt trong, có dấu
của cả hàm răng. Không phải tất cả đều sâu, một số cái sâu hơn, vì răng
của cá sấu không cùng kích cỡ với nhau. Đêm hôm đó chỉ có vài vết
thương chảy máu. Phần còn lại bị thâm tím. Năm phút sau khi bị cá sấu
cắn, các vết thương đã bị sưng tấy lên. Vì tôi không ở trong tình cảnh
nguy hiểm cấp bách bị ngoạm đứt chân, họ cho tôi thở ôxy và cố gắng làm
người tôi nóng lên. Trong khi những người xung quanh gọi cho DAN (Mạng lưới Báo động Thợ
lặn) và các bác sĩ khác, anh bác sĩ trên tàu làm sạch vết thương cho
tôi. Nếu cú cắn không giết chết bạn, thì sự nhiễm trùng sẽ làm điều đó,
vì bạn không thể biết có gì trong cái mồm kinh tởm của nó. Họ đưa thuốc
vào trong vết thương của tôi thông qua một ống áp lực cao. Điều này còn
đau hơn cả vết cắn. Tôi trả lời các câu hỏi của người bác sĩ, và vào khoảng giữa các câu
hỏi, có lúc tôi nói, “Ôi Chúa ơi, chuyện gì vừa xảy ra vậy?” Anh ấy chú ý
và nói, “Cô ổn rồi, cô ổn rồi!” Tôi gật đầu và nói, “Tôi chỉ buồn vì bộ
đồ bơi mới thôi!” Mọi người đều cười, và sự căng thẳng chấm dứt. Họ
biết là tôi ổn vì tôi vẫn đủ tỉnh táo để chọc cười cả bọn. Vì chúng tôi đang sống ở Cuba, và tôi biết nói tiếng Tây Ban Nha, nên
tôi đã làm luôn công việc phiên dịch giữa các bác sĩ Cuba và bác sĩ nói
tiếng Anh, “Đây là điều họ đang làm, đây là điều họ khuyên nên làm.” Đêm đó thật sự khó khăn. Có 20 phút hỗn loạn. Tôi được cho dùng một
số kháng sinh rất mạnh, chúng đã cứu cái chân tôi khỏi bị nhiễm trùng
thêm, nhưng lại khiến tôi đau dạ dày, thực sự, thực sự kinh khủng. Và
ngày hôm sau (chính xác là đêm hôm sau), tôi bị nôn khan. Tôi nghĩ đó là
do bị sốc và sự kết hợp của ban đêm với cú sốc và tác dụng của liều
thuốc mạnh đưa vào trong dạ dày của tôi. Đó là khi chúng tôi bắt đầu
nghĩ đến chuyện đưa tôi về cấp cứu ở Hoa Kỳ. Chúng tôi đã nói về chuyện
này với nhiều bác sĩ và cuối cùng chúng tôi đã quyết định là tôi sẽ ở
thêm một ngày nữa. Nhưng tôi sẽ về nhà sớm hơn một chút so với các thành
viên khác trong đoàn để các bác sĩ chuyên nghiệp có thể điều trị cho
tôi trong điều kiện y tế đầy đủ hơn, nhưng tôi không có ý nói rằng những
người có mặt trên tàu không chuyên nghiệp. Tôi chắc chắn là bệnh nhân
được yêu thích nhất ở bệnh viện Miami vào hôm đó, vì mọi người đều đến,
trong đó có cả một lớp học, họ tới để xem vết cắn của con cá sấu. Một số vết thương hiện nay vẫn đang tiếp tục lành lại. Tôi có hai vết
cắn rất sâu, chúng vẫn mở và đang đóng dần lại. Vết cắn không bị rách
ra. Chúng thực sự là những vết đâm rất sâu. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy
đau một chút, giống như một dạng chuột rút vậy. Ngoài đó ra, sự thực là
tôi có thể quên chuyện đó đi và bước ra khỏi đó, vết cắn của cá sấu đã
khiến tôi có một biệt danh mới – “người sống sót sau khi bị cá sấu tấn
công” mà lại là một nhà khoa học về động vật ăn thịt. Tôi có thể thoải mái nói với mọi người về chuyện này. Điều đầu tiên tôi nói với mọi người là:
Tôi không trách con cá sấu, tôi cũng không đổ lỗi cho những người trong đoàn.
Chúng tôi có hàng sa số thiết bị an toàn được lắp đặt, và những sự
việc quái dị vẫn xảy ra. Là như vậy đấy. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai,
và nó tình cờ xảy ra với tôi. Nhưng trong cái rủi có cái may, chỉ bị
như vậy là điều may mắn nhất với tôi. Tôi kể lại sự tình cho những bè bạn của mình, và họ hỏi lại, “Ồ, họ
có giết con cá sấu không?” Và tôi trả lời, “Gì cơ? Không, họ không giết
nó!” Kiểu phản ứng vô trách nhiệm như thế thực sự khiến tôi buồn. Những
loài động vật săn mồi này thường bị mang tiếng xấu như vậy. Tôi nghĩ có
thể là vì con vật bị mất phương hướng do đèn của chúng tôi, nó đang bơi ở
dưới đáy biển và vô tình đâm phải chân của tôi, rồi thử cắn xem đó là
cái gì. Đó là bản năng của động vật săn mồi. Tôi rất vui khi được kể lại
câu chuyện của mình và giải thích cho mọi người hiểu, “Ồ, các bạn biết đấy, đó không phải là lỗi của con vật. Những việc như thế này đôi khi chỉ vô tình xảy ra thôi.” Theo JezebelQuốc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét