16 thg 1, 2019

Một vụ treo cổ (Tạp Chí Da Màu )

G
♦ Chuyển ngữ:


Chuyện xảy ra ở Miến Điện, buổi sáng đẫm nước mưa. Ánh mặt trời yếu ớt như mảnh thiếc vàng vọt chiếu nghiêng trên bức tường cao xuống sân nhà tù. Chúng tôi đợi bên ngoài các xà lim phạm nhân, đó là dãy lán có hai hàng song sắt phía trước, như cái cũi nhốt thú nhỏ. Mỗi cạnh xà lim khoảng 3 mét, bên trong khá trơ trụi, chỉ có tấm ván giường và chậu nước uống. Trong một số xà lim bọn người da nâu lặng lẽ ngồi xổm ở chấn song bên trong, chăn quấn quanh thân mình. Họ là bọn tử tù sắp bị treo cổ trong một hay hai tuần nữa.
Một tù nhân được đưa ra khỏi xà lim. Anh ta theo Ấn giáo, một kẻ bé xíu, đầu cạo trọc, mắt ướt đục. Râu mép anh rậm lởm chởm, quá rậm tới mức lố bịch so với thân thể anh, tựa như bộ râu mép của một gã hề trên màn ảnh. Sáu ông cai tù cao lớn người Ấn canh gác anh và sửa soạn để đưa anh lên giá treo cổ. Hai ông cai cầm súng trường gắn lưỡi lê đứng bên cạnh, trong khi các ông kia còng tay anh, luồn dây xích qua chiếc còng và gắn vào thắt lưng của họ, rồi trói chặt cánh tay anh hai bên sườn. Họ vây kín xung quanh anh, tay họ luôn luôn cẩn thận và nhẹ nhàng giữ cứng anh, như thể cứ phải sờ thấy anh để chắc rằng anh đang ở đó. Tựa như người ta cầm con cá còn sống có thể nhảy xuống nước trở lại. Nhưng anh đứng không kháng cự, thõng cánh tay cho sợi dây trói, như thể anh không hiểu điều gì đang xảy ra.
Đồng hồ điểm tám giờ, tiếng kèn nhạt nhoà một cách tiêu điều từ doanh trại xa xa trôi lại trong bầu không khí ẩm ướt. Ông giám đốc nhà tù đứng tách rời chúng tôi, đăm chiêu chọc cây gậy của ông xuống sỏi, ngửng đầu lên khi nghe tiếng kèn. Ông là bác sĩ quân y, ria mép như cái bàn chải răng bạc xám, giọng khàn đặc. Ông cáu kỉnh nói: “Chúa ơi, nhanh lên, Francis. Lẽ ra lúc này nó đã chết rồi. Anh sửa soạn chưa xong à?”
Trưởng cai ngục Francis, mập mạp, gốc Dravidian,[1] mặc lễ phục trắng, đeo kính gọng vàng, vẫy bàn tay đen đúa. Anh ta quýnh lên: “Vâng thưa ông, vâng thưa ông. Mọi thứ xẵng xàng gồi. Đứa phụ trách treo cổ đang chờ. Mình tiếng hành liềng.”
“Ôi dào, vậy thì đi nhanh lên. Việc này chưa xong thì bọn tù chưa được ăn sáng đâu.”
Chúng tôi tiến đến giá treo cổ. Hai ông cai đi hai bên tù nhân, súng vác vai; hai ông cai khác đi sát bên cạnh, nắm chặt cánh tay và vai anh ta, như vừa đẩy vừa dìu đi. Những người còn lại, đám quan toà và viên chức, theo sau. Khi chúng tôi đi được mười thước thì đoàn người chợt dừng lại mà không có lệnh hay lời báo trước. Một điều gở đã xảy ra – một con chó có trời biết ở đâu ra xuất hiện trong sân. Nó vừa nhào vào giữa chúng tôi vừa sủa một tràng ầm ĩ, rồi nhảy cỡn lên quanh chúng tôi, vui mừng cuồng loạn vì thấy nhiều người cùng một lúc. Con chó nòi Airedale lai tạp, lông xù to lớn. Nó sấn xổ bên chúng tôi một hồi, rồi nhào tới người tù trước khi có người kịp ngăn nó lại, nó chồm lên cố liếm mặt anh ta. Mọi người đứng sững sờ, kinh ngạc đến nỗi không ai bắt lấy con chó.
Ông giám đốc tức giận: “Đứa nào để con chó khốn khiếp đó vào đây? Bắt lấy nó!”
Một ông cai tù tách khỏi nhóm hộ tống, vụng về đuổi theo con chó, nhưng nó nhảy nhót ngúng nguẩy ngoài tầm với của ông ta như đang chơi đùa. Một anh cai tù lai Á Âu còn trẻ bốc một nắm sỏi ném đuổi nó đi, nhưng nó né tránh và lại chạy đến chúng tôi. Tiếng ăng ẳng của nó vang dội vách nhà tù. Bị hai ông cai tù nắm chặt, người tù hờ hững nhìn theo, như thể đây cũng là một thủ tục của vụ treo cổ. Mấy phút sau họ mới bắt được con chó. Khi ấy chúng tôi luồn chiếc khăn tay của tôi qua cái vòng cổ con chó và lại đi tiếp, trong khi nó vừa kéo ghì vừa rên rỉ.
Lúc đó cách giá treo cổ khoảng 40 mét. Tôi nhìn cái lưng nâu trần của tù nhân đang đi phía trước mình. Anh đi lóng ngóng vì hai cánh tay bị trói, nhưng khá đều bước, dáng điệu nhún nhảy của người Ấn không bao giờ duỗi thẳng đầu gối. Cùng với mỗi bước chân, bắp thịt anh đặt gọn gàng vào chỗ, lọn tóc trên sọ ngoe nguẩy, bàn chân anh in trên sỏi ướt. Một lần, dù bị hai người nắm chặt hai bên vai, anh bước lách qua một bên để tránh vũng nước trên lối đi.
Thật lạ, cho đến lúc ấy tôi vẫn không hề hiểu thế nào là giết một người còn khoẻ và tỉnh táo. Khi tôi thấy người tù bước tránh vũng nước, tôi chợt thấy sự huyền bí, sự sai lầm không thể nói, của việc cắt ngắn một mạng sống khi nó đang sung mãn. Người đàn ông này không hấp hối, anh sinh động như chúng tôi. Mọi bộ phận trong cơ thể anh đang hoạt động – ruột tiêu hoá thực phẩm, da đang thay, móng đang dài thêm, tế bào đang thành hình – tất cả nỗ lực ấy trở thành cực kỳ vô nghĩa. Móng tay móng chân anh vẫn dài thêm lúc anh đứng trên giá treo cổ, lúc anh đang rơi giữa không trung trong một phần mười giây cuối đời. Mắt anh thấy viên sỏi màu vàng và bức tường xám, óc anh vẫn nhớ, vẫn suy đoán, vẫn nghĩ ngợi – nghĩ ngợi cả về các vũng nước. Anh và chúng tôi là nhóm người đang cùng nhau đi, thấy, nghe, cảm xúc, hiểu cùng một thế giới. Và trong hai phút nữa, với một cái giật đột ngột, một người trong số chúng tôi sẽ mất – mất đi một tâm hồn, mất đi một thế giới.
Giá treo cổ dựng trong một sân nhỏ mọc đầy cỏ gai cao, nằm tách khỏi sân chính của nhà tù. Nó là ba mặt tường gạch như ba mặt của cái lán, bên trên lót ván, trên nữa là hai cây cọc và cái thanh ngang treo lủng lẳng sợi dây thừng. Gã phụ trách treo cổ là một phạm nhân tóc bạc mặc đồng phục trắng của nhà tù, hắn đang đợi bên cạnh dụng cụ của hắn. Hắn khúm núm cúi chào lúc chúng tôi vào. Theo lệnh của Francis, hai cai tù nắm chặt tù nhân hơn, nửa dắt, nửa đẩy anh ta tới giá treo cổ và giúp anh ta lóng ngóng lên thang. Khi ấy gã phụ trách treo cổ leo lên quàng sợi dây thừng quanh cổ tù nhân.
Chúng tôi đứng đợi cách đó năm mét. Đám cai tù đã đứng thành vòng tròn quanh giá treo cổ. Khi dây thòng lọng đã tròng qua cổ, người tù bắt đầu kêu xin thần thánh của anh. Tiếng kêu cao vút, lặp đi lặp lại: “Ram! Ram! Ram! Ram!” không vội vàng sợ hãi như lời cầu nguyện hay kêu cứu, nhưng đều đều, nhịp nhàng, gần như tiếng chuông. Con chó nghe thấy bèn ư ử đáp lại. Gã phụ trách treo cổ vẫn đứng trên giá treo cổ, lấy ra cái túi nhỏ bằng vải như túi bột và trùm qua mặt tù nhân. Nhưng dù bị miếng vải che, tiếng kêu vẫn lặp đi lặp lại: “Ram! Ram! Ram! Ram!”
Gã phụ trách treo cổ leo xuống rồi đứng chờ, tay cầm cần gạt. Dường như nhiều phút đã trôi qua. Tiếng kêu bằn bặt của người tù vẫn đều đều: “Ram! Ram! Ram!” không hề vấp váp một tích tắc. Ông giám đốc cúi gằm xuống ngực, chầm chậm thọc cây gậy lên mặt đất. Có lẽ ông đang đếm tiếng kêu, cho phép người tù kêu đến bao nhiêu tiếng – có lẽ năm mươi, hay một trăm. Mọi người đều biến sắc. Bọn người Ấn tái đi như cà phê loãng, một vài lưỡi lê run rẩy. Chúng tôi nhìn người bị trói, đầu bị trùm kín, và nghe tiếng kêu của anh ta – mỗi tiếng kêu là một tích tắc của cuộc sống. Tất cả chúng tôi đều nghĩ: ồ, giết hắn nhanh lên, làm cho xong đi, dứt cái tiếng dễ sợ đó đi!
Bất chợt ông giám đốc quyết định. Ông ngửng đầu lên, cây gậy của ông vung ra, ông gọi to gần như hung tợn: “Chalo!”[2]
Có tiếng loảng xoảng, rồi im lặng đáng sợ. Tù nhân đã biến mất, chỉ thấy sợi dây thừng vặn vẹo. Tôi buông con chó, nó phóng ngay tới phía sau giá treo cổ. Nhưng khi tới nơi nó đứng sững lại, sủa, rồi lùi về góc sân đứng giữa đám cỏ dại, sợ hãi nhìn chúng tôi. Chúng tôi đi vòng ra sau giá treo cổ để kiểm tra cơ thể người tù. Anh ta lủng lẳng, ngón chân chỉ thẳng xuống đất, chầm chậm xoay tròn, cứng đơ như hòn đá.
Ông giám đốc đưa cây gậy chọc vào cái xác trần trụi, nó khẽ dao động. Ông giám đốc nói: “Nó được rồi.” Ông lùi ra khỏi phía dưới giá treo cổ, thở hắt một tiếng. Vẻ cáu kỉnh biến mất tức khắc trên khuôn mặt ông. Ông liếc đồng hồ đeo tay: “Tám giờ tám phút. Ôi dào, chúa ơi, sáng nay thế là xong.”
Đám cai tù tháo lưỡi lê và giải tán. Con chó tỉnh lại và biết nó đã làm bậy, lấm lét theo sau họ. Chúng tôi ra khỏi sân dựng giá treo cổ, đi ngang các xà lim có tù nhân đang đợi, vào cái sân lớn ở giữa nhà tù. Phạm nhân đang nhận phần ăn sáng theo lệnh của các cai tù cầm gậy bịt sắt. Họ ngồi xổm thành hàng dài, mỗi người cầm cái bát bằng thiếc, trong khi hai cai tù khiêng thùng vừa đi vừa múc cơm ra bát. Quang cảnh dường như khá thân mật, vui vẻ, sau vụ treo cổ. Bây giờ chúng tôi cảm thấy hết sức nhẹ nhõm vì đã xong việc. Một cảm giác thôi thúc muốn hát, muốn vùng lên chạy, muốn cười đùa. Mọi người tranh nhau nói huyên thuyên vui vẻ.
Gã lai Á Âu bước bên cạnh tôi, hất hàm tới chỗ chúng tôi vừa ra khỏi, mỉm cười ra vẻ biết chuyện: “Ông có biết là anh bạn của mình (gã ám chỉ người chết) lúc nghe đơn kháng cáo bị bác, hắn đái ra sàn xà lim. Vì sợ… Mời ông hút điếu thuốc. Ông không thấy cái hộp bạc mới tinh của tôi đẹp quá xá chừng a? Mua của thằng bán rong mất hai rúp tám xu đấy. Kiểu Âu châu sang trọng.”
Vài người cười – hình như chẳng ai biết họ cười cái gì.
Francis vừa đi bên cạnh ông giám đốc, vừa nói liến thoắng: “Ồ, thưa ông, mọi chiệng xong xui cực kỳ đúng cách cả. Xong xui hết trọi – tách cái là xong! Hổng phải lầng nào cũng dzậy đâu – ồ, không đâu! Tui biếc nhiều ca ông bác sĩ phải chui xuống dưới giá treo cổ gồi kéo cẳng thằng tù để chắc là nó chết. Khó chịu dễ xợ!”
Ông giám đốc nói: “Ngọ nguậy hả? Thế thì tệ.”
“Ối, thưa ông, níu tụi nó bướng thììì còn tệ hơn! Tui nhớ một đứa bám chặt cái chấn song xà lim của nó lúc tụi tui tới đem nó ra. Ông khó mà tin phải mất sáu đứa cai tù mới gỡ được nó, mỗi cẳng ba đứa kéo. Tụi tui nói phải trái với nó là ‘Anh bạn ơi, nghĩ coi anh làm tụi tui khổ sở phiền toái quá chừng à!’ Nhưng nó cứ hổng chịu nghe! Ối dào, nó thiệt làà phiền toái!”
Tôi thấy mình đang cười rất to. Mọi người đều cười. Thậm chí ông giám đốc cũng khoan hồng nhe răng cười. Ông nói khá vui vẻ: “Các anh ra hết ngoài kia làm một ngụm. Trong xe tôi có chai rượu mạnh. Mình làm nó đi.”
Chúng tôi đi qua cái cổng đôi to lớn của nhà tù, ra đường. Ông quan toà người Miến Điện bỗng thốt lên: “Kéo cẳng nó!” rồi bật cười khúc khích. Chúng tôi lại cười. Lúc ấy câu chuyện của Francis hình như nực cười một cách phi thường. Chúng tôi, dân bản xứ cũng như người Âu, cùng nhau uống một cách rất thân tình. Người chết cách đó một trăm mét.


Dịch theo bản tiếng Anh “A Hanging”, in lần đầu tiên trên tạp chí The Adelphi, London, tháng 8/1931.

[1] Nhóm người ở nam Ấn Độ và bắc Sri Lanka, bao gồm người Tamil, Telugu, Mã Lai và Kannada. (Mọi ghi chú của người dịch)

[2] Tiếng Ấn, nghĩa là “làm nhanh đi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét