9 thg 1, 2019

KHÓ XỬ - Chuyện Ngắn của Hồ Thị Đậm

                     KHÓ  X
            

Trong chiếc xe nhỏ, cha mẹ và Lâm, người nào cũng ăn mặc chỉnh tề. Ngoài giỏ trái cây để ở phía sau “cốp xe”, mẹ Lâm cầm một hộp bánh to có bọc giấy màu đỏ. Lâm hăm hở ôm bó hoa hồng tươi rói. Xe chạy bon- bon về hướng nhà Hồng, ý –trung-nhân của Lâm. Hôm nay gia-đình đi hỏi vợ cho Lâm.

Sau khi xe ngừng, cha mẹ Lâm thích thú ngắm cảnh vật ở thôn quê. Nhà của ông bà sui tương lai thật thơ-mộng, nằm bên cạnh sông Đồng –nai, nước chảy lững-lờ với những chiếc ghe xuồng xuôi ngược trên sông. Cách bờ sông độ sáu bảy mét là con đường đất đỏ, rợp mát bóng cây. Bên trong con đường là khu vườn cây ăn trái, bao quanh cái sân to và một ngôi nhà ngói xưa rộng lớn. Ba người thong-thả đi vào nhà. Họ băng qua cái sân xi măng bằng-phẳng. Trước thềm nhà có mấy chậu kiểng to được cắt xén công-phu. Xen kẽ mấy chậu kiểng là những chậu hoa cúc, hoa hồng đang nở rộ.

Ông Khôi, cha Lâm đi trước, mẹ Lâm mang hộp bánh đi kế, sau cùng Lâm đang khệ-nệ xách giỏ trái cây và bó hoa tươi. Họ vừa bước lên thềm nhà, cha mẹ Hồng trân-trọng cúi đầu chào khách. Ông Khôi bắt tay ba cô Hồng. Khi nghe giọng nói quen thuộc, mắt ông nhìn thẳng vào ông sui tương lai, bỗng chân ông dường như loạng-choạng, mất bình tĩnh, tim đập mạnh, mắt như hoa lên. Bao nhiêu câu nói, ông đã tập-tành trong óc sẵn, chờ khi gặp vợ chồng ông sui tương lai, ông sẽ “trổ tài ăn nói”. bây giờ những ngôn từ ấy biến đâu mất. Ông nói lắp-bắp, ngọng-nghịu, khó nghe.Mẹ Lâm và Lâm lấy làm lạ vì ông Khôi vốn là người nói năng hoạt-bát, tại sao bây giờ ông có vẻ sợ sệt, nói không suông lời, cử chỉ lúng túng, thật khó coi.

Khi xong thủ tục ngỏ lời xin cưới Hồng cho con trai của mình và bữa tiệc cũng vừa kết thúc; đợi đến lúc hai bà sui mới đang bận trò chuyện và hai trẻ rủ nhau ra vờn tâm-sự. Ông Khôi khúm-núm hỏi ông Triết, ba của cô Hồng:

---Xin lỗi, trước kia ông dạy ở trường trung học Hưng-Đạo, Sài-gòn phải không?

Ông Triết hơi sửng-sốt, gật đầu:

---Dạ,trước kia tôi dạy môn hóa học ở đó. Khi già, chán nơi ồn-ào, náo-nhiệt nên về vườn, giữ miếng đất của tổ tiên.

Ông Khôi nhỏ giọng nói:

---Vậy thầy còn nhớ Khôi, người học trò hay phá phách trong lớp Đệ Nhị B niên học 1960-1961 Không? Là em đó.

Ông Triết cầm tay ông Khôi, vẻ vui mừng lộ rõ trên nét mặt và nói:

---Vậy là em Khôi đây sao? Hơn ba mươi năm xa cách, bây giờ mới gặp lại em, hồi nãy tôi thấy em hơi quen quen, nhưng không nhớ ra.

Với vẻ trịnh-trọng ông Khôi nói:

---Xin Thầy thứ lỗi cho. Bây giờ em không biết tính sao. Con em đặt em ngồi không đúng chỗ. Việc nầy xảy ra, về phương diện đạo lý, gia đình em phạm thượng mất rồi, thật đáng trách!

-Ông Triết tỏ ra đạo-mạo như khi còn đi dạy, nhỏ nhẹ nói:

---Việc lỡ rồi, hai đứa nhỏ yêu nhau hơn một năm nay, Hồng đưa Lâm về giới thiệu với gia đình, nhưng thầy đâu có ngờ Lâm là con của em. Chúng nó đặt thầy và em vào chỗ hơi khó xử.

Nắm tay Lâm, ông Triết nói tiếp:

---Bây giờ chúng ta phải thực-tế hơn, tạm gạt qua tình thầy trò để chúng nó toại nguyện lương duyên, vui vầy hai họ.

Uống thêm một ngụm nước trà, ông Triết có ý-kiến:

---Vả lại tuổi của tôi và em cách biệt không nhiều lắm, từ đây về sau nên gọi nhau bằng tiếng “anh” cho phải lẽ.

Ngồi cạnh ông thầy cũ, những kỷ niệm học vớit thầy trong lớp Đệ nhị B năm nào hiện ra trong đầu óc ông Khôi rõ mồn-một.

Mỗi lần vào lớp, quần áo thầy bao giờ cũng tươm-tất, thẳng nếp, tóc ngắn gọn, láng mướt. Khi đứng trên bục giảng hay khi đưa tay thoăn-thoắt viết trên tấm bảng xanh rộng lớn, giọng nói sang-sảng,rõ ràng, dáng dấp uy-nghi của nhà mô-phạm lành nghề, khiến học sinh kính nể,mến yêu.

Thầy điều khiển lớp học thật tài tình mới giữ được sự chú ý đều-đều của học sinh và trật tự lớp học. Vì bản tính hiếu động,hay phá phách của tuổi trẻ: “Nhứt quỷ,nhì ma,thứ ba học trò”, nếu thầy giáo không có kinh nghiệm dạy thì lớp học mất trật tự ngay. Thầy Triết dạy giỏi, nổi tiếng ở trường, nhờ vậy học trò theo học lớp thầy rất đông.

Ông Khôi chợt nhớ một kỷ niệm thật “quê “ của mình trong lớp học năm đó, không biết thầy còn nhớ hay không, chứ ông Khôi làm sao quên được. Trước ngày thi học kỳ, ông Khôi viết những công thức phản ứng hóa học khó nhớ vào bên trong cửa tay áo sơ mi. Đến giờ thi ,lúc “bí’, không nhớ công thức, ông nhìn vào cửa tay áo viết “cọp” để giải toán. Nhưng rồi thầy bắt gặp,thầy đến gần chỗ ông ngồi nói nhỏ:”Gài nút cửa tay áo lại đi!” Nhớ lại kỷ niệm nầy ông Khôi vẫn còn cảm thấy hổ thẹn biết bao!

Bây giờ hai thầy trò lại sa vào hoàn cảnh khó xử, khó nói, khó ngồi : Con trai trưởng của ông Khôi đi cưới con gái út của thầy!

Trên đường về nhà, ngồi trên xe, thấy gương mặt của cha có vẻ lo âu và buồn rười-rượi, Lâm lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra? Lâm ân-cần hỏi:

---Trước đây, con đã đưa Hồng về Tây ninh, giới thiệu với gia đình. Ba Má đều khen Hồng nết na,thùy mị, dễ thương. Ba má đã bằng lòng cho con cưới Hồng làm vợ. Sau khi tiếp xúc với họ nhà gái, có lẽ Ba chê gia-đình Hồng, con xem chừng ba không được vui.

Muốn trút bớt nỗi bực bội trong lòng, ông Khôi nói to lên như gào thét:

---Tổ cha mày, hết chỗ chọn người yêu sao mầy chọn chỗ nầy?

Lâm hoảng-hốt, ấp úng:

---Con thấy gia đình của Hồng rất đạo đức, sao ba chê?

Ông Khôi hậm-hực nói:

---Con đặt ba “ ngồi sui” với ông Thầy dạy hóa học của ba ngày xưa con có biết không ? “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư” mà . Không phải ông ta dạy ba một ngày hay một buổi, dạy ròng-rã cả năm đó con. Bây giờ ba phải làm sao đây ? Thật ngại-ngùng lúc ngồi nói chuyện với ông sui, khó mở miệng ra khi phải gọi ông thầy bằng “anh sui “. Con có thấy nỗi khổ tâm của ba chưa?

Như chưa hết bực mình, ông Khôi nói tiếp:

---Lễ giáo Việt nam đã ăn sâu vào xương tủy của ba. Tuy không còn học với thầy nữa, nhưng trong lòng ba thì thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò.

Lâm ngạc nhiên vô cùng, không ngờ ba của Hồng lại là thầy cũ của ba mình. Lâm xin lỗi ba và nhỏ giọng phân-trần:

---Con có biết chuyện như vậy đâu ? Xin ba suy nghĩ kỹ, không lẽ tước khi yêu Hồng, con phải điều tra lý lịch của Hồng, xem coi ba của Hồng có phải là thầy dạy học của ba hoặc má hay sao ? Vả lại lễ giáo bây giờ đổi mới rồi ba ơi!

---Ông Khôi to tiếng: “ Ba đồng ý với con, ta nên cải tiến, nhưng cái gì hay ta nên duy trì, bắt chước, chứ không phải đổi mới để rồi trò không còn nể nang thầy, không còn kính trọng thầy, có khi đánh thầy. Thầy không còn giữ thiên chức của ông thầy, làm chuyện vô luân, như những chuyện bê bối đã xảy ra ở các trường học đó con thấy không?. Cứ nghe đổi mới thì nhào vô bắt chước, người ta đổi mới một, thì mình muốn đổi mới hai, như vậy vì đổi mới mà trở thành tệ hại hơn!

Ông Khôi nói học hồi, ông e-ngại làm con lo lắng, mất vui, ông dịu giọng :

Nhưng dù sao ba cũng chiều con, để con được hạnh phúc, dù ba có khó xử, ba cũng cố gắng giúp con. Theo phong tục tập quán ba gọi ba vợ con là: “Anh sui” cho đúng phép xã giao của nước ta, nhưng trong lòng ba lúc nào ông ta cũng là một ông thầy đáng kính của ba!

Nghe ba nói, Lâm quá cảm động, chàng cố cầm lòng hầu nước mắt khỏi tuôn trào ra, chàng biết rõ, vì thương con, cha mẹ chàng đã hy sinh rất nhiều, tình cha mẹ thương con vô bờ bến, Lâm không sao nói hết được. Lâm chỉ biết nói lí-nhí ba tiếng: “ Cám ơn ba.”

Ngày đám hỏi cũng như ngày đám cưới, ông Khôi thật lúng-túng, mất tự nhiên đến độ quê mùa, cục mịch. Có khi ông gọi ba Hồng bằng “anh sui “, có khi ông quên lại gọi bằng “Thầy “. Những người dự tiệc hôm đó rất ngạc nhiên, họ lấy làm lạ vô cùng, ai cũng nghĩ rằng, ông sui trai rụt-rè hơn chú rễ.

Hồ thị Đậm





.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét