29 thg 1, 2019

ĐỐI XỨNG - Truyện Ngắn của Trần Công Trí ( Tạp Chí Da Màu )

 Bà đọc lại mẩu giấy nhỏ có tuồng chữ nhìn rất quen thuộc của bà chuyên viên tâm lý, đang nằm trên bàn:


Vừa đưa ba tấm thẻ cho bà chuyên viên, bà vừa cười thầm trong bụng. Coi như bà đã và sẽ làm hết những gì mà một buổi tham vấn đòi hỏi rồi, thật ra có cần gì đến cuộc nói chuyện này đâu. Bà chuyên viên tâm lý đang ngồi trước mặt, im lặng và kiên nhẫn chờ đợi. Người đàn bà này có tất cả những nét bình thường của bao nhiêu người đàn bà khác. Bình thường đến mức tầm thường. Tầm thường đến mức mờ nhạt. Mờ nhạt đến mức trông bà ta giống một cái bóng hơn là một con người thật.
Điều đáng chú ý đối với bà hơn là văn phòng làm việc của bà chuyên viên tâm lý, không phải vì nó có nét gì khác lạ hay độc đáo, mà chính là vì nó giống văn phòng của bà một cách kỳ lạ. Văn phòng này cũng nằm ở tầng thứ năm của một toà nhà, toạ lạc ngay trong góc để có thể nhìn xuyên qua lớp kính trong suốt thấy hai phong cảnh khác nhau. Một bên là nhiều cao ốc trải dài ra từ gần đến xa, cái nọ che một phần cái kia, nổi bật trên một bức phông là dãy núi xa xa phủ đầy tuyết trắng. Bên kia là những cây thông xanh ngát, chập chùng như quyện lẫn vào nhau thành một tấm thảm đứng. Bên trong của văn phòng, cách bài trí không khác gì văn phòng của bà: vài tấm bằng tốt nghiệp treo trên một bức vách; vách bên kia có một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh miền quê nước Ý và một cái gương hình chữ nhật treo ngang, viền gỗ vàng chạm trổ tinh vi. Ngay dưới cái gương là một chiếc sofa bằng da đối diện với một cái bàn gỗ nhỏ; kế bên sofa có một chiếc đèn chụp cao kiểu cổ điển, tất cả nằm trên một tấm thảm hình da beo. Cách bài trí làm cho người ta có cảm giác đây là một phòng khách ở nhà hơn là một văn phòng làm việc.
– Mời bà qua bên sofa để chúng ta bắt đầu nói chuyện, bà chuyên viên tâm lý nói.
Hai người đàn bà ngồi xuống trên sofa, giữ một khoảng cách vừa phải. Bà chuyên viên cầm trên tay ba chiếc thẻ ghi nhớ, nhìn thoáng vào chúng và rút ra một tấm đưa cho bà.
– Bà đọc câu hỏi đi, bà chuyên viên nói như ra lệnh.
Bà ngớ ra:
– Ủa, tôi tưởng câu hỏi là để bà đọc chứ ạ?
– Bà đọc lớn câu hỏi đi, bà chuyên viên nhắc lại. Bà cần nghe chính giọng của bà đặt vấn đề.
Bà khẽ cười mũi và hắng giọng đọc:
– “Đó có phải là tình yêu không?”
Bà chuyên viên gật gù và đưa chiếc thẻ có bức tranh vẽ phác lên ngắm nghía. Nét vẽ thô cứng, vụng về của bà cho thấy một thanh niên, tay cầm một cái ly, đứng trong thang máy đang mở cửa.

– Bà nói thêm về bức vẽ này đi.

– Tôi vừa đi ăn trưa về, đứng chờ trước thang máy. Khi cửa mở, tôi thấy Julian đang đứng bên trong, tay cầm ly cà-phê, dợm bước ra. Khi tôi bước vào trong thang máy, Julian bảo là cậu ta mua cà-phê mang lên cho tôi nhưng thấy văn phòng tôi đóng cửa nên chờ một hồi lâu rồi đành đi xuống. Chúng tôi cùng đi trở lên văn phòng của tôi. Cả hai ngồi nói chuyện một lúc. Tôi cám ơn Julian lúc cậu ta từ giã ra về. Tôi nhìn ly cà-phê, thấy trên đó người pha cà-phê ghi bằng nét chữ nguệch ngoạc “Bà”, chắc là theo yêu cầu của Julian.
– Bà có nghĩ rằng sự việc này chính là nguyên nhân của tất cả sự việc mà bà muốn thảo luận với tôi không?
Bà bối rối đan các ngón tay vào nhau:
– Lúc ngồi suy nghĩ phải vẽ cái gì, tự dưng hình ảnh này loé lên trong đầu tôi nên tôi vẽ lại như thế. Thật ra, tôi nghĩ điều đánh động mạnh hơn vào cảm xúc của tôi là một mẩu điện thư Julian gởi cho tôi ít lâu sau đó. Đây là copy của mẩu điện thư mà tôi tái tạo theo trí nhớ cho bà xem.


Bà chuyên viên vừa nheo mắt đọc bức điện thư, vừa hỏi:
– Bà quen cậu này ra sao mà đã thấy thân thiết trong giai đoạn này vậy? Mua cà-phê, viết điện thư cho bà, mời bà đi uống cà-phê nữa.
– Julian làm về điện toán trong công ty của tôi, ở tầng ba. Cậu ta thường lên tầng năm mỗi lần cả công ty họp. Chúng tôi tình cờ ngồi gần nhau vài lần trong phòng họp rồi dần dà trở thành quen biết.
– Bà nhận thấy ngôn ngữ của cậu này trong điện thư như thế nào?
– Hồn nhiên, tự tin, nhưng lễ phép.
– Vì sao bà thấy xúc động khi đọc mẩu thư này?
– Tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao cuối tuần cậu ta không dành thì giờ để đi chơi với bạn bè hay bồ bịch mà lại muốn đi uống cà-phê với tôi?
– Rồi bà có tự trả lời câu hỏi đó không?
– Tôi nghĩ, chắc là cậu ta có cảm tình đặc biệt với mình, một người…
– … đáng tuổi mẹ của cậu ấy, phải không? Bà chuyên viên không giấu được vẻ hóm hỉnh trên mặt.
– Tôi bắt đầu ôn lại những gì Julian nói hay làm từ những lần gặp gỡ trước, và tạm kết luận là cậu ta có một cảm tình nào đó vượt qua khỏi giới hạn thông thường giữa hai người đồng nghiệp vong niên.
Bằng một giọng đều đều, bà tiếp tục kể cho bà chuyên viên nghe về lần đi uống cà-phê đầu tiên giữa bà với Julian. Hôm ấy, bà ăn mặc cẩn thận, chải chuốt hơn thường ngày, mặc dầu bình thường bà vẫn có tiếng là ăn mặc hết sức chăm chút. Lúc lái xe trên xa lộ để đến chỗ hẹn, bà bỗng như chìm vào một cơn mê nhè nhẹ. Trong cơn mê đó, bà cảm thấy như Julian đã trở thành người yêu của mình. Người yêu! Bà nói to lên trong xe và tự cười lớn một mình. Ừ, cho là cậu ta có là người yêu của ta đi nữa thì lần này chắc ta sẽ không bao giờ đau khổ vì tình yêu như ba mươi mấy năm về trước. Bởi vì ta sẽ chẳng bao giờ muốn chiếm hữu Julian cả. Cho nên sẽ chẳng bao giờ ta đau khổ vì mất một điều gì chưa hề có. Tình yêu lần này, nếu xảy ra, sẽ hoàn toàn thoát ra khỏi vòng chiếm hữu hay xác thịt. Nó sẽ là một chút trang điểm thật nhẹ nhàng, thanh thoát cho mỗi ngày của bà. Nó sẽ là một điều bà không bao giờ sợ mất. Bà đến với buổi hẹn hò trong một tâm trạng vô cùng tự tin và phấn chấn. Tỉnh táo nữa. Không còn mê muội như thuở còn con gái mới lớn, vụng về và dại khờ ngày trước. Buổi gặp gỡ thật êm đềm, đáng nhớ. Quán để nhạc hòa tấu bán cổ điển. Không khí là của một thế giới phi thời gian, tách biệt với bên ngoài. Hai người nói với nhau những điều vu vơ, không quan trọng. Cà-phê hôm ấy, đối với bà, ngon một cách lạ thường.
– Từ đó đến giờ đã là bao lâu rồi? Tiếng bà chuyên viên ngắt lời làm cho bà giật mình vùng ra khỏi miền ký ức.
– Tám năm rồi, bà ạ. Gần cả một thập kỷ. Đây là thập kỷ qua nhanh nhất trong cuộc đời tôi. Tóc tôi bạc đi thật nhanh, không hiểu vì đau khổ hay vì đã đến lúc tóc phải bạc như vậy.
– Tám năm nhìn lại, bà đã có thể trả lời câu hỏi của chính bà hay chưa? “Đó có phải là tình yêu không?”
Bà đưa tay đón lấy cái thẻ ghi nhớ còn để trống mà bà chuyên viên chìa ra, ghi vội vài hàng chữ, không một chút đắn đo. “Điều mà tôi gọi là tình yêu chính là kết quả của sự diễn dịch của riêng tôi đối với một thực tế mở rộng cho bất cứ một sự diễn dịch nào khả dĩ. Tôi cho rằng thực tế đó là biểu hiện của một tình yêu, và háo hức đáp lại bằng tình yêu của chính mình.”
Bà để tờ giấy lại trên chiếc bàn trước mặt cái sofa, vội vã đi ra khỏi phòng, quên cả chào bà chuyên viên. Bà đi thật nhanh qua cánh cửa đang mở rộng, như muốn chạy trốn tất cả những gì đã xảy ra tám năm về trước.
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Lần gặp gỡ này cũng bắt đầu với ba tấm thẻ ghi nhớ được bà chuẩn bị theo như lời hướng dẫn ban đầu của bà chuyên viên tâm lý. Hôm nay, người đàn bà này trông rõ ràng hơn lần trước một chút. Toàn cảnh văn phòng của bà ta, dãy cao ốc, đỉnh núi phủ tuyết và những rặng thông chợt chập chờn trở thành một bối cảnh mờ nhạt, khiến nổi bật lên người đàn bà đang ngồi trước mặt bà. Cũng lạ, bà ta mặc một bộ đồ màu hồng phấn y như màu của bộ đồ bà đang mặc. Điều đáng chú ý là chỉ bộ quần áo mới nổi hẳn lên, còn gương mặt của bà ta vẫn mờ nhạt như lần đầu tiên hai người gặp nhau. Mờ nhạt tới nỗi nó làm cho bà có một cảm giác gờn gợn sợ vì tựa như bà đang nhìn một người đàn bà không có đầu. Tuy vậy, bà cảm thấy thoải mái hơn với bà chuyên viên so với lần đầu tiên. Bà chợt cảm thấy khá gần gũi người đàn bà ăn nói có phần lạnh lùng này.
Không chờ được yêu cầu, bà khẽ nâng tấm thẻ đầu tiên lên và đọc lớn câu hỏi của chính mình: “Trực diện với thực tế có phải là cách hay nhất để quên đi một tình yêu không?”
Bà chuyên viên đỡ lấy tấm thẻ trên tay bà, nhẩm đọc lại câu hỏi một lần nữa, rồi trầm ngâm hỏi:
– Bà bắt đầu muốn quên tình yêu đó từ lúc nào?
– Phải một thời gian dài sau đó. Ban đầu, tôi lao vào cảm xúc hừng hực của tình yêu đang mỗi ngày càng gia tăng trong tôi. Tôi nghiệm ra rằng trái tim tôi chỉ ngủ quên trong bao nhiêu năm qua, chứ nó chẳng bao giờ quên yêu là gì cả. Tình yêu đó cũng mới mẻ, tinh khôi không kém gì tình yêu của tôi thời con gái, như tình yêu đầu đời của bất cứ ai vậy. Tất cả những cảm xúc về tình yêu trong tôi rộn ràng sống dậy như chưa bao giờ từng chết đi. Đây, giai đoạn đó có thể tóm tắt qua bức vẽ này.
Bà chuyên viên nhìn thật lâu bức vẽ hai người ngồi đối diện nhau với hai tách cà-phê trên bàn.


Lâu thật lâu, cuối cùng bà ta mới buông ra một câu bình phẩm:
– Bà nhìn quá trẻ trong bức vẽ này.
– Tôi cố ý vẽ như vậy đó. Ngồi với Julian, tôi thấy mình như chưa bao giờ lớn lên cả. Có lẽ vì ngày xưa tôi chưa hề toại nguyện với tình yêu. Đi song song với người đàn bà đang mỗi ngày một già đi là tôi, vẫn có một thiếu nữ mãi mãi còn thanh xuân, luôn luôn khao khát tình yêu. Trái tim của cô ta hồ như muôn đời vẫn tươi mát. Nó chỉ tạm thời bị đông đá trong một thời gian dài vừa qua. Julian, rất đỗi vô tình, đã làm cho trái tim đó rã băng ra, nồng cháy trở lại như bao giờ.
– Bà có nghĩ rằng cậu ấy biết bà yêu mình hay không?
– Julian vẫn thường nói với tôi là cậu ta thấy qua tôi hình ảnh người mẹ đã ruồng bỏ cậu. Tôi hỏi han rất ân cần về chuyện gia đình và nhiều chuyện cá nhân khác của cậu ta. Tôi nghĩ rằng cậu ta chỉ thấy là tôi có một cảm tình hết sức đặc biệt với cậu mà thôi. Tôi chưa bao giờ nói một lời nào suồng sã hay có ý ám chỉ này nọ với cậu ta cả. Trong giai đoạn thứ hai này, tôi liên tiếp mời Julian đi uống cà-phê với mình, hết lần này đến lần khác, với một ý nghĩ tuyệt vọng là chỉ để được gặp mặt và nói chuyện với cậu ta mà thôi. Lần nào cũng vậy, mỗi khi ra về, tôi đều mang một cảm giác ê chề lẫn hối hận. Mỗi lần như vậy, tôi đều thề thốt với chính mình là sẽ không có lần sau nào nữa. Vậy mà vẫn có một lần sau. Rồi một lần sau, một lần sau nữa. Tổng cộng, chỉ trong vòng mấy tháng mà tôi đã đi uống cà-phê với cậu ta không dưới mười lần.
– Rồi từ lúc nào bà quyết định phải quên tình yêu đó đi?
– Từ lâu tôi vẫn nghe phong thanh là Julian đã có bạn gái. Tuy vậy, tôi chẳng bao giờ thấy cậu ta đi với cô nào cả. Hơn nữa, giờ giấc của cậu ta rất rộng rãi, không phải loại giờ giấc của một chàng trai đang vướng víu vào chuyện ái tình. Hầu như ngày giờ nào tôi rủ cậu ta đi uống cà-phê, cậu ta cũng sẵn sàng cả. Lúc ngồi với tôi, cậu ta không bao giờ nhận một cú điện thoại nào của ai, cũng như không thấy ai nhắn tin để cậu ta phải bận bịu trả lời. Một hôm, đi uống cà-phê với Julian về, tôi nảy ra ý muốn cậu ta đưa tôi về xem căn chung cư của cậu đang ở. Tôi rất tò mò muốn bước vào thế giới riêng tư của người con trai mới lớn này. Julian chìu tôi, đưa tôi vào xem căn phòng studio đạm bạc của cậu ta. Tôi bước vào, cảm động nhìn chiếc giường nhỏ nằm giữa phòng còn tấm chăn đêm qua chưa xếp lại. Trên chiếc bàn bên cạnh có một vài món mà tôi nghĩ là của một người con gái nào đó để lại chứ không phải đồ của đàn ông con trai. Tuy vậy, không hiểu sao lúc đó tôi không mảy may thắc mắc về điều này. Julian chỉ cho tôi xem tấm thiệp Giáng Sinh dán trên tường mà tôi đã tặng cho cậu ta năm ngoái. Tôi thoáng xúc động, nhìn Julian không biết nói gì.
Bà ngừng lại một chút, khịt khịt mũi, ý chừng để ngăn không cho một giọt nước mắt nào đang chực rơi xuống, rồi kể tiếp:
– Một buổi chiều, tôi ghé vào khu thương xá nhỏ, nơi có tiệm cà-phê Julian và tôi thường lui tới, để vào một tiệm bánh gần đó mua một ít bánh ngọt. Vừa đứng chờ mua bánh, tôi vừa miên man nhớ lại những lần Julian và tôi đến đây. Lúc tôi cầm gói bánh quay trở ra, trước mặt tôi là Julian đang vui vẻ dắt tay một cô gái từ bãi đậu xe tiến vào. Tôi như chết đứng tại chỗ. Julian thấy tôi, vội vàng dắt cô gái lại giới thiệu. Tôi tay bắt mặt mừng mà trong lòng tê tái. Chào cả hai ra về, tôi là một tên zombie lái xe như bay trên xa lộ. Về đến nhà, tôi lên giường nằm trùm chăn kín mít. Tưởng tượng ra cảnh Julian và cô gái quằn quại ngủ với nhau trên chiếc giường trong căn phòng mà tôi có lần được thấy, tự dưng tôi mếu máo và hai hàng nước mắt chảy dài.
Sau đó, tôi bắt đầu xoá bỏ tất cả những gì có dính líu tới Julian. Tôi xoá hết các bức điện thư của cậu ta, những tấm hình cậu ta chụp chung với tôi còn giữ trong máy điện toán. Tôi xé nát mấy tấm thiệp cậu ta gởi cho tôi. Duy chỉ có một cái nút mà tôi không thể nào bấm được, đó là cái nút “delete” trong đầu tôi. Bởi vì, nói cho ngay, hình bóng của Julian chưa thể xoá được trong trí nhớ của tôi vào thời điểm đó.
– Những ngày sau đó, bà đối xử ra sao với Julian mỗi lần gặp mặt cậu ấy?
– Không có gì thay đổi trong cách tôi nói chuyện với cậu ta cả. Tuy vậy, tôi cắn răng quyết định lấy độc trị độc. Tôi nhờ Julian mời cô bạn gái cùng đi uống cà-phê với cậu ta và tôi. Tôi muốn đối diện với người yêu của Julian, đối diện với thực tế, để nhớ lại mình là ai, để hiểu mối quan hệ giữa mình và Julian như thế nào. Một lần rồi thôi. Rồi sẽ không còn lần nào nữa.
Hình như bà chuyên viên muốn đưa tay ra cầm lấy tay bà, nhưng lại rụt tay lại. Bà ta hỏi bằng một giọng không kém xúc động:
– Bà thấy giải pháp đó có tác dụng gì không?
– Mỗi ngày tôi dửng dưng ra thêm một chút. Sau lần đi chung với Julian và cô bạn gái, tôi không còn rủ cậu ta đi uống cà-phê nữa, tuy mỗi lần gặp nhau trong sở, chúng tôi vẫn nói chuyện bình thường. Lúc đó, Julian cũng bận bịu với nhiều công việc nên chúng tôi ít gặp nhau trong sở. Bẵng đi thật lâu, bỗng cậu ta lại mời tôi đi uống cà-phê. Lúc này, tôi cảm thấy trong lòng mình đã khá nguội lạnh nên nghĩ rằng mình có thể gặp cậu ta mà không sợ lung lay gì trong lòng nữa. Gặp lại Julian trong tiệm cũ, tôi thấy cậu ta khá thay đổi. Cậu ta nói về mình nhiều hơn trước, có vẻ bề ngoài hơn là một chàng thanh niên nghiêng về nội tâm như lúc đầu tôi mới biết. Lần đó là lần chót tôi gặp Julian. Sau đó cậu ta đổi qua làm ở một công ty khác. Hơn bốn năm nay tôi không còn tin tức gì về cậu ta nữa.
Bà vừa cầm tấm thẻ trống lên, vừa nói:
– Chắc bây giờ tôi có thể viết câu trả lời cho câu hỏi của tôi hôm nay rồi phải không?
Không đợi bà chuyên viên trả lời, bà nắn nót viết: “Chỉ cần không có một thực tế mới nào để diễn dịch nữa thì tình yêu sẽ dần mất đi. Tuy nhiên, ký ức phải cần một thời gian nữa mới bị xoá nhoà hẳn.”
Bà rời khỏi văn phòng, không vội vã như lần trước. Bà còn nhớ chào bà chuyên viên trước khi về nữa. Bà chỉ không nghe thấy bà chuyên viên nói gì để đáp lại.
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Hôm nay là buổi tham vấn cuối cùng. Bà hăm hở bước vào văn phòng quen thuộc, nơi bà chuyên viên tâm lý đang ngồi đợi bà. Vẫn với bối cảnh mờ nhạt của nhà cửa, núi non, cây cối và gian phòng như cũ, hôm nay bà chuyên viên hầu như hiện nguyên hình, nét nào ra nét đó. Bà ta lại mặc quần áo cùng màu với bà một lần nữa. Gương mặt của bà ta sống động hơn lúc nào hết. Bà có cảm tưởng nhìn bà chuyên viên như nhìn chính mình trong một chiếc gương.
Bà chuyên viên hôm nay bặt thiệp, vồn vã một cách khác thường. Bà vui vẻ bảo:
– Sao? Câu hỏi của bà hôm nay là gì?
Bà dường như cũng vui lây với sự thay đổi bất ngờ của bà chuyên viên, cười đáp lại:
– Hôm nay là buổi cuối cùng, tôi muốn làm khác đi một chút. Tôi chỉ mang theo hai cái thẻ thôi. Tôi không viết sẵn câu hỏi nào hết mà chỉ có một bức vẽ nữa và sẽ viết một câu kết luận vào cuối buổi nói chuyện này.
Hình như đây là lần đầu tiên hai người đàn bà cười với nhau. Hai người gần như cùng cười một lúc và cùng có những biểu cảm khá giống nhau. Bà phấn khởi nói tiếp:
– Tuy vậy, tôi có một thắc mắc trực tiếp mà không biết bà có giúp tôi giải đáp được chăng. Đó là trong suốt tám năm nay, tôi hầu như chưa hề nằm mơ thấy Julian bao giờ cả, mặc dầu tôi rất muốn như vậy.
– Bà nói hầu như nghĩa là thế nào?
– Có một lần duy nhất tôi nằm mơ thấy một người mà tôi cho là Julian, nhưng đó chỉ là một cái bóng đen nên tôi không chắc lắm. Ngược lại, có một người mà tôi không bao giờ muốn gặp mặt nữa thì tôi lại thấy trong mơ khá thường xuyên. Đó là người chồng cũ của tôi. Phải gọi đó là những cơn ác mộng thì đúng hơn. Trong những cơn ác mộng đó, tôi và người chồng cũ thường cãi nhau những trận tơi bời không khác chi hồi chúng tôi còn chung sống với nhau.
Bà nhìn thẳng vào mắt bà chuyên viên:
– Tôi muốn hỏi bà, tại sao người tôi yêu thương nhất thì tôi không bao giờ được nằm mơ thấy; còn người tôi căm ghét nhất, tôi lại phải gặp hoài trong mộng?
Bà chuyên viên cũng nhìn thẳng lại vào mặt bà:
– Tôi không được đào tạo chuyên môn về những giấc mơ nên không có một câu trả lời chính xác cho bà. Tuy nhiên, tôi có thể nói cho bà nghe những suy nghĩ của riêng tôi về hiện tượng này. Theo tôi thấy, chiêm bao ban đêm là hình ảnh đối xứng với đời sống ban ngày của chúng ta, chỉ khác một điều một bên là âm, một bên là dương. Đôi lúc, các giấc mơ là những gì đối nghịch với thực tại, nhưng cũng có khi chúng chỉ là thực tại nối dài. Những gì bà mong muốn có được mà không thể có, hay những gì bà muốn dứt bỏ mà không dứt được, nhiều giấc mơ có thể lặp lại y như thế. Tôi biết bà là người Công giáo, nhưng cho phép tôi được nhắc đến một câu nói của đức Phật trong trường hợp này, vì nó nói lên bản chất của những giấc mơ của bà. Những giấc mơ là phản ảnh cuộc sống ban ngày của bà, cũng như của rất nhiều người khác. Câu đó là “Ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc.”
Lần đầu tiên, bà chuyên viên nắm lấy tay bà. Bà để yên tay mình nằm trong tay bà ta, không rụt lại. Bà nghe như có một luồng điện truyền nhanh từ tay bà ta qua tay bà. Trong một khoảnh khắc, bà tưởng chừng như hai người đã nhập lại thành một. Giọng nói của bà chuyên viên tiếp tục cất lên, vừa gần vừa xa:
– Tám năm qua rồi, bây giờ cuộc sống của bà ra sao?
Bà chìa ra tấm thẻ có bức tranh vẽ phác, dịu dàng nói:
– Tôi bây giờ như thế này đây!


Trong khi bà chuyên viên săm soi bức vẽ, bà nói tiếp, giọng mơ màng:
– Có một ngày, trong giai đoạn tôi còn yêu tuyệt vọng, tôi đi chơi xa cùng với các con. Đi chung với cả nhà mà tôi như sống trong một cõi riêng. Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều sắp tàn ở một tiệm ăn ở một thành phố nhỏ và hẻo lánh, cách xa chỗ tôi ở hằng trăm dặm. Nắng quái bao trùm hết không gian. Cả một vùng đất trời nhuốm một màu vàng vọt, bệnh hoạn. Tôi thẫn thờ nhìn người ta qua lại, sinh hoạt, nói cười và bỗng dưng cảm thấy lợm giọng, buồn nôn và kinh hãi, thấy cả trần gian nhung nhúc những con người trần truồng, trơ trọi và nhàm chán. Tất cả chỉ vì thế giới này thiếu vắng tình yêu. Tất cả chỉ vì tôi không có Julian.
Bà chợt để tay lên vai bà chuyên viên, trìu mến nói:
– Nhưng bà đừng lo cho tôi. Đó chỉ là những cảm xúc đã chết rồi. Bây giờ cà-phê đối với tôi chỉ là màn độc ẩm. Nhưng thật ra, nghĩ cho cùng, những lúc ngồi với Julian tôi đã độc ẩm từ lâu rồi. Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có một vài cách có thể gọi là để thí nghiệm xem mình có còn yêu một người nào đó không. Đối với tôi, cũng lạ là giữa tôi và Julian, mọi chuyện dường như bắt đầu từ một ly cà-phê, nhưng nó lại không phải là một niềm ám ảnh về tình yêu của tôi, như ai đó đã nói “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.”
Giọng bà càng lúc càng trở nên xa vắng hơn:
– Những thí nghiệm của tôi không phải về hương vị mà lại có liên quan đến âm thanh. Khi ta đang yêu một người, cái tên người đó là tất cả những âm thanh êm ái nhất trên đời cộng lại. Khi đọc đến tên Julian của một người trùng tên nào khác, hoặc nghe ai vô tình nhắc đến tên cậu ta, tôi thấy như từng sợi thần kinh xúc cảm trong tôi biến thành những sợi dây đàn rung lên thánh thót. Mỗi lần thí nghiệm với cái tên oan nghiệt đó mà nghe trong lòng vẫn dâng lên dạt dào cảm xúc, tôi biết rằng mình vẫn còn yêu Julian. Nhưng dạo gần đây, những thí nghiệm mới nhất của tôi đã cho thấy các sợi dây đàn trong tôi không còn rung cảm nữa, hay quá lắm chúng cũng chỉ còn rung phơ phất.
Thí nghiệm thứ hai của tôi có dính líu đến hai bài hát tiếng Pháp có tựa đề là Le géant de papier và Pour toi c’est rien, pour moi c’est tout mà tôi tình cờ được nghe trong thời gian đó. Hai bài hát đó ám ảnh tôi đến nỗi tôi nghĩ âm điệu và lời ca của chúng dường như chỉ dành cho tôi và những cảm xúc tuyệt vọng của tôi dành cho Julian. Tôi không can đảm nghe hai bài hát đó vì mỗi lần nghe chúng, tôi thấy như lòng mình bị vò xé dữ dội. Nhưng rồi cũng như cái tên của Julian, hai bài hát đó dần dần cũng trở thành dễ chịu đựng với tôi hơn. Cuối cùng, tôi đã có thể nghe chúng mà không còn cảm thấy phải tắt ngay đi nữa. Tôi đã có câu trả lời cho chính mình rồi. Ngay cả những tình yêu sâu thẳm nhất cũng không thoát khỏi định luật có sinh có diệt.
Bà cầm lên tấm thẻ cuối cùng, chậm rãi viết vào đó: “Rốt cuộc rồi tình yêu nào cũng sẽ tan biến khỏi tâm tư, nhưng có lẽ nó sẽ còn ở lại mãi mãi trong trí tưởng.”
Bà đưa cái thẻ cho bà chuyên viên tâm lý. Hai người đàn bà ôm nhau từ giã trong im lặng. Cuối cùng, bà rời bà ta, quay ra cửa. Ngoài kia, bóng tối đã hoà lẫn với ánh đèn toả ra từ các tầng cao ốc. Bà chợt nhớ ra hôm nay là chiều cuối năm. Lúc bà đang loay hoay khoá cánh cửa văn phòng của mình, người lao công đi qua chào bà và hỏi:

– Hôm nay bà về muộn vậy? Cuối năm rồi…

Trần Công Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét