1 thg 11, 2017

Tại sao khi người Nhật giúp bạn họ lại nói “Xin lỗi”?

Ở Nhật Bản, lời nói xin lỗi không hẳn là việc nhận lỗi. Xin lỗi đã trở thành một phần của văn hóa Nhật, được sử dụng trong mọi hoàn cảnh, từ công việc, ứng xử cá nhân, ứng xử nơi công cộng, ứng xử của các nhân vật nổi tiếng, của các tập đoàn lớn và ngay cả với các quan chức chính phủ. Và đáng kinh ngạc ở chỗ, khi họ đang giúp bạn bằng tất cả sự nhiệt tình và cố gắng của mình, họ vẫn nói: “Xin lỗi!”

Tại sao phải xin lỗi?

Có một phóng viên ảnh đã từng kể câu chuyện gây sốc với chị khi còn sinh sống tại Nhật Bản. Trong một lần bị lạc khỏi những người bạn và buộc phải tìm nhà ga tầu điện khi không có bản đồ và không biết tiếng Nhật, chị đã nhờ một phụ nữ bản địa giúp đỡ. Như phần lớn người Nhật khác, người phụ nữ giúp đỡ chị ngay lập tức nhưng lại không biết tiếng Anh. Cô ấy đã nói một câu gì đó trong đó có từ “Sumimasen”, nghĩa là có ý xin lỗi chị.

Người phụ nữ dẫn chị tới tận ga tầu, vẽ bản đồ và đánh dấu địa chỉ khách sạn cho nữ phóng viên, gửi gắm chị cho một người Nhật biết tiếng Anh khác và lại tạm biệt chị bằng một lời xin lỗi “Sumimasen”.

Tại sao người phụ nữ lại phải xin lỗi liên tục trong khi đang giúp người bị lạc đường một cách nhiệt tình như vậy?….Đó chính là phẩm chất Nhật Bản, cô ấy không biết tiếng Anh và không thể khiến người cần giúp hiểu được những lời mình nói nên cô ấy xin lỗi. Cô ấy cũng có việc bận nên không thể trực tiếp đưa nữ phóng viên về tận khách sạn nên lại nói lời xin lỗi. Cũng giống như nhiều người nước ngoài khác khi đến Nhật Bản, những lời xin lỗi ở nơi đây đã khiến nữ phóng viên có một cảm giác ngạc nhiên khó tả.

Với người Nhật không làm sai cũng có phải xin lỗi vì đã làm phiền người khác. Ảnh dẫn theo youtube.com

Một câu truyện khác về trải nghiệm của một người Trung Quốc làm việc tại Nhật Bản cũng gây kinh ngạc không kém:

Một ngày trung tâm kiểm soát máy ATM của Hội sở ngân hàng Nhật Bản nơi anh ấy làm việc có một vị khách cực kỳ tức giận tới làm ầm ỹ vì máy ATM đã ngừng hoạt động khi ông này cho một tờ giấy nhỏ và hơn 1 triệu yên vào cửa nhận tiền của máy.

Hội sở lập tức cử nhân viên bảo trì đi sửa chữa, tuy đã lấy được thẻ ngân hàng và tiền trả lại cho khách, nhưng qua mấy giờ đồng hồ kiểm tra và sửa chữa thì mới phát hiện ra tờ giấy nhỏ mà khách cho vào máy đã gây ra sự cố. Cấp trên của anh ấy ngay lập tức gọi điện thoại cho người khách nọ và nói: ‘Mảnh giấy nhỏ của ông rơi vào khiến máy bị ngừng lại, thật lòng xin lỗi đã ảnh hưởng đến việc chuyển tiền của ông, mong ông thứ lỗi’.”

Người Việt sẽ thấy rõ ràng ông khách đã sai khi cho giấy vào cửa nhận tiền khiến máy của Ngân hàng bị hỏng, vì sao họ còn phải xin lỗi? Nhưng người Nhật cho rằng, khách sai là việc của khách, còn việc của người làm dịch vụ là phải khiến máy vận hành lại sớm nhất có thể khi bị sự cố, họ đã mất mấy tiếng đồng hồ mới giải quyết xong thì đó là lỗi của họ.

Thậm chí còn có một câu chuyện vui về cái sự xin lỗi của người Nhật. Cô giáo dậy tiếng Nhật trong một lần giảng bài về những cách xin lỗi của người bản địa đã không thể làm cho học sinh người Việt hiểu và nhớ được từng đó cách nói lời xin lỗi trong tiếng Nhật. Cô tiến lại bàn của cậu học sinh và nói “Xin lỗi em vì tiếng Nhật khó quá!”.

Trong mọi nền văn hóa, xin lỗi là thể hiện phép lịch sự tối thiểu cần thiết khi mình gây phiền hà cho người khác, nhưng ở Nhật việc biểu đạt xin lỗi được đặc biệt xem trọng. Điều này, đã góp phần giúp xã hội Nhật Bản hình thành và phát triển tâm lý tư duy tập thể. Nhật Bản luôn mong muốn trở thành một xã duy trì được sự hài hòa, mỗi người cần phải đặt lợi ích của người khác, của tập thể lên trên hết các mong muốn của cá nhân. Nói cách khác, trong hoàn cảnh có xung đột hay phiền hà gì, người Nhật sẽ luôn nhận phần lỗi về mình dù có phải thật sự là họ có lỗi hay không. Đây không phải là một lời khách sáo cho xong mà thật sự là sự ngẫm sâu sắc về những gì mình có thể làm tốt hơn để giúp đỡ hay tránh phiền hà cho người khác.

Xin lỗi đã trở thành một phần của văn hóa Nhật, được sử dụng trong mọi hoàn cảnh từ các nhân vật nổi tiếng, của các tập đoàn lớn và ngay cả với các quan chức chính phủ. Ảnh dẫn theotheverge.com

Lời xin lỗi có khi được sử dụng để trả lời cho một email nhận được chưa quá một ngày, nhưng cũng sẽ được trả lời bằng câu: “Xin lỗi đã trả lời Anh/Chị chậm trễ”. Hay cho cuộc nói chuyện chỉ kéo dài chốc lát nhưng cũng: “Xin lỗi vì đã làm phiền tới thời gian của anh/chị”. Người nói rõ ràng không phải vì mong muốn được tha lỗi mà qua lời xin lỗi đó, thể hiện đức tính khiêm tốn và lịch sự, hai phẩm chất này được đặc biệt đánh giá rất cao ở Nhật.

Xin lỗi trong kinh doanh

Trong thời đại kĩ thuật số hiện nay, các công ty rất cẩn trọng trong việc công bố thông tin ra đại chúng. Khi công ty có vấn đề về sản phẩm, theo đúng tinh thần samurai và cũng là để bảo vệ thương hiệu và giữ uy tín, nhiều đại diện công ty đã công khai xin lỗi người tiêu dùng. Trong trường hợp, nếu để giới truyền thông lan tin trước lời xin lỗi của doanh nghiệp, công ty sẽ bị tổn thất nặng nề hơn rất nhiều. Ở một số quốc gia khác thì dường lại ngược lại, phải để giới truyền thông làn truyền gây sự chú ý trong cộng đồng rồi thì các doanh nghiệp mới mở họp báo xin lỗi cho đỡ ê trề.

Doanh nghiệp nào cũng cần phải có một quá trình để xây dựng các mối quan hệ và niềm tin đối với khách hàng. Đối với lời xin lỗi trong cuộc sống hàng ngày là quan trọng nhưng đối với công việc kinh doanh thì còn được đặc biệt xem trọng hơn. Ngay cả các thành viên chính phủ cũng đã công khai xin lỗi người dân của mình cũng như người dân các nước. Ở cấp chính phủ, người phát ngôn phải rất cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ. Hai mươi năm trước, cựu thủ tướng Tomiichi Murayama đã gây được thiện cảm trong dư luận khi ông dùng từ owabi trong lời xin lỗi của mình đối về vấn đề xâm lược thuộc địa của Nhật Bản. Đó là một trong những cách thức xin lỗi trang trọng nhất và không sử dụng cho các sự việc thông thường.

Giám đốc, nhân viên hãng kem Nhật gập người xin lỗi vì tăng giá sản phẩm. Ảnh dẫn theo youtube.com

Các hình thức xin lỗi

Cơ cấu xã hội Nhật Bản có cấu trúc vững chắc, được thể hiện rất rõ qua việc sử dụng ngôn từ của họ. Hệ thống kính ngữ phức tạp thể hiện bản chất thứ bậc của xã hội Nhật Bản. Với những nhóm người có địa vị khác khau sẽ có những cấu trúc ngôn từ biểu thị tương ứng, từ trang trọng, thân thiện đến bạn bè xuồng xã. Do vậy, các hình thức biểu đạt xin lỗi cũng rất đa dạng và đầy tính lễ nghi. Khi mắc sai sót trong trong công việc, cần biểu đạt xin lỗi một cách trịnh trọng, có thể là: moushiwake gozaimasen deshita (tôi hiểu đây là điều không thể tha thứ được). Còn với các mối quan hệ bạn bè thông thường, chỉ cần sử dụng dạng câu rút gọn gomen. Với các tình huống khác nhau, có các hình thức biểu đạt xin lỗi với mức độ khác nhau.

Từ xin lỗi được dùng phổ biến hơn cả là “Sumimasen”, tương đương với “sorry” hay “excuse me” trong trong tiếng Anh, có nghĩa là “xin lỗi đã làm phiền anh/chị”. Sumimasen được sử dụng thậm chí nhiều hơn cả arigatou “cảm ơn”. Ví dụ, thay vì cảm ơn ai đó đang giúp bạn giữ cửa mở, bạn sẽ nói Sumimasen – “Xin lỗi đã làm phiền anh chị giữ cửa cho tôi”. Trước khi bắt đầu một câu chuyện họ cũng Sumimasen để “Xin lỗi vì sẽ làm tốn thời gian của bạn”. Hay thậm chí chỉ là để gọi ai hay gây chú ý cho ai, học cũng sẽ Sumimasen để “Xin lỗi vì đã làm phiền”.

Người Nhật với các tình huống khác nhau, họ có các hình thức biểu đạt xin lỗi với mức độ khác nhau. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

***

Dù sao thì lời nói cũng chỉ là lời nói, đôi khi người ta dùng nó như một thói quen và câu cửa miệng mà thôi. Nhưng ẩn sau thói quen đó là ý thức hệ đã hình thành nên cách sử dụng ngôn từ của người Nhật Bản. Họ không chỉ xin lỗi vì mình đã sai, họ xin lỗi vì đã không thể làm tốt hơn, xin lỗi vì chiếm dụng thời gian hay kỳ vọng của ai đó, xin lỗi vì đã khiến người khác phải “để tâm” đến mình, xin lỗi vì mình đã vô ý, xin lỗi vì đủ mọi thứ. Bởi sống trong một cộng đồng thì sẽ luôn có những tương tác, sẽ luôn có sự trao đổi về quyền lời (nếu anh chiếm dụng nhiều hơn thì người khác sẽ có được ít đi), sẽ luôn có những ảnh hưởng không mong muốn tới nhiều người xung quanh.

Xin lỗi là vì luôn dám nhận phần thiếu xót về phía mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người luôn thấy mình thiếu xót thì mới luôn cố gắng và tránh thiệt hại cho tập thể. Có lẽ vì thế mới có cái gọi là “Kỳ tích Nhật Bản”, con người nơi đây không oán trách đổ lỗi cho số phận hay cho người khác, nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện bản thân, cải thiện hoàn cảnh. Bởi dù có chuyện gì xảy ra thì lỗi trước hết là ở mình, mình có thể làm tốt hơn thế, vậy hãy cố lên.
Vi Viên (daikynguyen.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét