HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ông phó giáo sư-tiến sĩ ở Hà Nội vừa đề nghị cải tiến cách viết tiếng Việt. Chẳng hạn, “luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk,” “nhà nước” là “N’à nướk”…
Theo báo Thanh Niên, ông phó giáo sư-tiến sĩ này tên là Bùi Hiền, cựu hiệu phó trường Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, cựu phó viện trưởng Viện Nội Dung và Phương Pháp Dạy-Học Phổ Thông.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Bùi Hiền cho biết: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”
Những bất hợp lý mà ông Hiền đưa ra, đó là hiện tại, người Việt đang sử dụng hai, ba chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Thí dụ: C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng hai chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại,” ông Hiền nhận định.
Từ đó, ông Hiền kiến nghị chữ quốc ngữ cải tiến của ông dựa trên “tiếng nói văn hóa của Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn sáu thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.”
Theo ông, sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng La Tinh như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt.
Nói với báo Thanh Niên, ông Hiền cho biết: “Đề nghị của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ giải quyết như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng bước một. Nhưng chỉ cần mất một, hai năm là quen dần.”
Bù lại, theo ông Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho Việt Nam, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.
Nói về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, ông Nguyễn Hữu Hoành, phó viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, cho biết vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều trong những năm qua chứ không riêng gì đề nghị của ông Bùi Hiền.
“Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai nghĩ đến việc cải tiến. Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt đã định hình và chữ quốc ngữ đã tồn tại cả thế kỷ với kho tư liệu đồ sộ từ lúc hình thành đến bây giờ,” ông Hoành nhìn nhận.
Còn ông Bùi Khánh Thế, phó chủ tịch Hội Đồng Khoa Học và Đào Tạo trường Đại Học Ngoại Ngữ-Tin Học Sài Gòn, cho rằng: “Có một số bất hợp lý, chẳng hạn ký tự q lại thay thế cho chữ ng, z thay gi, c thay tr, ch… Chưa kể làm vậy sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt. Từ lúc hình thành cho đến nay, tiếng Việt có nhiều âm thay đổi nhưng chữ viết vẫn giữ nguyên. Đó chính là sự bền vững cần có, chỉ những gì bất hợp lý mới mất đi.”
Theo ông Thế, càng đổi mới thì càng bị rối. Đó là chưa kể, sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để thay đổi. Vì thế, đối với chữ quốc ngữ, nên tìm cách chú ý khắc phục những cái khó, hơn là cải tiến. (Tr.N).
Xem Thêm :https://vietfact.com/pgs-ts-bui-hien-an-cap-y-tuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét