18 thg 11, 2017

Belfast – nơi mức sống rẻ và nhiều cơ hội


PAUL FAITH/AFP/Getty Images
Tòa nhà quốc hội, hay còn được gọi là Stormont, ở thủ đô Belfast

Chỉ trong vòng có hai thập niên, Belfast đã chuyển mình từ một vùng đất chiến sự thành một trung tâm kỹ thuật cao – thay đổi hoàn toàn hình ảnh điêu tàn trước kia.
Đó là một nơi mà giờ đây có rất nhiều cơ hội việc làm và công nhân đã có mức sống cao hơn: Belfast đã trở thành một nơi thu hút người ngoại quốc và các doanh nghiệp lớn.
Đó là khác biệt một trời một vực so với Belfast vào những năm 1980 và 90 khi mà cộng đồng quốc tế chứng kiến những tin tức về bạo động, các trạm kiểm soát và các con đường bị chặn bằng hàng rào kẽm gai. Vẫn còn những việc phải làm để định hình lại hoàn toàn thủ đô của Bắc Ireland – một chính quyền còn yếu ớt có nghĩa là nơi này luôn có cảm giác bị kẹt vào quá khứ.
Đa số những người đi làm trẻ nhất ở Belfast thậm chí còn chưa sinh ra khi mà Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành được ký vào năm 1998 để chấm dứt 30 năm xung đột. Đó là một lý do khiến cho họ, cũng như đa phần trong số 1,8 triệu người dân sống trong khu vực, tập trung nhiều vào tương lai thịnh vượng hơn những vấn đề chính trị của quá khứ.

Nhìn về phía trước

Nền trời Belfast giúp chúng ta nhìn thoáng qua được cấu trúc của nền kinh tế mới của thành phố. Trong số các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở ở đây – để tận dụng chi phí hoạt động thấp – có tập đoàn bảo hiểm Allstate của Mỹ, hãng luật khổng lồ Baker McKenzie và những hãng dịch vụ chuyên nghiệp như PwC và Deloitte.
Trong khi Brexit và một đường biên giới mềm giữa Bắc Ireland (khu vực này sẽ rời EU cùng với Anh quốc) được bàn thảo rốt ráo, vẫn không rõ liệu nền kinh tế và thị trường việc làm của Belfast sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Trước cuộc bỏ phiếu về Brexit hồi năm 2016, hãng chế biến thịt gà Moy Park của Brazil và ngân hàng đầu tư Citibank của Mỹ – hai nhà tuyển dụng lớn – đã bày tỏ quan ngại. Nhưng sau khi người dân quyết định ra khỏi Liên minh châu u, cả hai công ty này đều cho biết hoạt động của họ ở Bắc Ireland không bị ảnh hưởng và cả hai đều tăng thêm nhân viên.
Điều lo lắng hơn là tranh chấp thương mại hiện đe dọa công ty sản xuất thuê mướn nhiều nhân công nhất ở Bắc Ireland.
Nhà sản xuất máy bay Bombardier của Canada, hiện có đến 4.500 nhân công ở Bắc Ireland, là chủ đề của một vụ kiện của Boeing ở Hoa Kỳ về việc hãng này được trợ giá bán cho các máy bay của họ. Boeing đang yêu cầu chính quyền Mỹ áp thuế quan lên Bombardier và điều này sẽ đe dọa đến nhà máy của hãng ở Belfast. Nó cũng sẽ khiến tương lai của 80 công ty địa phương vốn là nhà cung cấp linh kiện và dịch vụ cho hãng máy bay Canada cũng như làm giảm đà tăng trưởng của ngành hàng không nhiều tiềm năng.
PAUL FAITH/AFP/Getty ImagesBản quyền hình ảnhPAUL FAITH/AFP/GETTY IMAGES

Mức sống

Isis Dela Pena Palamine, người chuyển đến Belfast từ Thụy Điển hồi năm 2014, làm bếp trưởng ở phía nam thành phố. Cô cho biết chi phí sinh hoạt ở Belfast so với ở Thụy Điển dễ thở hơn nhiều.
“Sống ở đây rất rẻ nhất là chi phí thực phẩm và thuê nhà,” cô cho biết. “Chúng tôi sống trong một căn nhà hai phòng ngủ mà chỉ mất có 425 bảng một tháng. Nếu ở Thụy Điển chúng tôi sẽ phải trả 600 bảng cho một căn hộ.”

Những người mua nhà cũng có thể tìm được những căn nhà có giá hời.
Con số mới nhất từ Cục Thống kê và Khảo sát Bắc Ireland cho thấy giá nhà trung bình ở Belfast vào khoảng 128.650 bảng so với 489.000 ở London, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh.
Mức lương trung bình – mặc dù đang tăng nhanh thứ hai trên toàn các khu vực nước Anh – hiện vào khoảng 26.000 bảng một năm, thấp hơn so với mức trung bình 28.000 của nước Anh và 35.000 ở London.
Mức sống ở Belfast tương đối thấp, mặc dù hóa đơn tiền điện có thể đắt đỏ do Bắc Ireland phải nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng. Một số người ngoại quốc, nhất là đến từ London và New York, đều cho rằng đi ăn ngoài tốn tiền nhiều hơn mặc dù ngày càng có nhiều nhà hàng – từ những nhà hàng có gắn sao Michelin đến các quầy thức ăn đường phố – đang mở ra thêm nhiều chọn lựa cho khách hàng.

Đi chơi

Nhiều người ngoại quốc kéo đến ở trong những căn hộ ở trung tâm thành phố được xây dựng trước cuộc khủng hoảng tín dụng vào năm 2007 ở xung quanh khu Titanic (nằm ngay sát bên xưởng đóng tàu nơi cho ra đời con tàu Titanic định mệnh) và khu Nhà thờ, một khu vực nhà kho được hồi sinh giờ đây có nhiều những quán bar và nhà hàng tốt nhất ở Belfast.
Jeff J Mitchell/Getty ImagesBản quyền hình ảnhJEFF J MITCHELL/GETTY IMAGES
Ở đây khách có thể uống một loại bia nấu được nấu ở địa phương trong quán bar Sunflower – một ví dụ điển hình về bầu không khí thay đổi ở Belfast. Mặc dù quán bar này vẫn còn giữ chiếc lồng an ninh ở bên ngoài, vốn được sử dụng trong suốt thời kỳ hỗn loạn để có thể kiểm tra ai ra vào, nhưng giờ đây nó đã được sơn màu xanh và thường được để những chậu hoa tươi. Nó đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch.
Khu Đại học cũng rất nổi tiếng và là một những khu vực đa dạng về sắc tộc nhất của thành phố nhờ vào sức hút sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên châu Á, của Đại học Queen’s University. Khu này nằm ngay cạnh những đại lộ phủ đầy bóng cây là Đường Malone và Đường Lisburn.
Tuy nhiên Belfast chỉ là một thành phố nhỏ và chỉ trong vài phút, chúng ta sẽ thấy mình đứng ở những khu vực bất ổn ở Đường Falls và Đường Shankill. Đây là những con đường song song mà năm nào con xuất hiện trong những bản tin trên TV. Một bên là con đường Công giáo còn một bên là Tin Lành. Hai bên vốn gây chiến với nhau trong nhiều năm và bị ngăn cách bằng một bức tường hòa bình mà ngày nay bạn vẫn còn có thể thấy được.

Chất lượng cuộc sống

Shizuko Luke cho biết cô hơi hồi hộp khi lần đầu tiên cô chuyển đến Belfast từ Hyogo, Nhật Bản 11 năm trước do nơi này thiếu sự đa dạng sắc tộc – điều đã được cải thiện theo thời gian kể từ khi khu vực có hòa bình. Tuy nhiên mức độ đa dạng ở đây vẫn còn kém xa những nơi khác của nước Anh.
Tuy nhiên sau khi nuôi hai đứa con trai ở đây, Luke vẫn rất lạc quan: “Đây là nơi phù hợp để xây dựng một gia đình và hệ thống giáo dục ở Bắc Ireland có chất lượng với rất nhiều trường công tốt,” cô nói.
Getty Images
Lính Anh tuần tra sau một vụ nổ bom tại Belfast hồi 1972
Ronan Cunningham đã sống ở Belfast bốn năm qua. Anh khen ngợi thành phố đã nuôi dưỡng bầu không khí ‘kỹ thuật sâu’ đặc trưng (với những ngành nghề như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa) vốn đã giúp anh sáng lập công ty phần mềm khởi nghiệp BrainWaveBank.
Vốn là dân bản địa, Galway đã làm việc cho hãng Boeing trong 20 năm và đã thành lập công ty kỹ thuật của mình ở San Diego trước khi định cư ở Belfast để mở doanh nghiệp công nghệ.
Ông cho biết sự tập trung của các tài năng công nghệ, sự sẵn sàng của cộng đồng công nghệ trong việc chia sẻ kiến thức, với các quỹ tài trợ khởi nghiệp sẵn có cộng với chi phí sinh hoạt thấp tạo nên một môi trường làm việc đặc biệt.
“Tôi sẽ không thể làm được những gì mà tôi đang làm Dublin hay London. Những người như chúng tôi có thể làm việc với mức lương thấp hơn rất nhiều khi chúng tôi mới mở công ty nhưng vẫn có được cuộc sống đàng hoàng ở Belfast.”
Cunningham nói thêm rằng môi trường văn hóa của thành phố đang “phát triển với các nhà hàng và quán bar tốt luôn mọc lên”.
Chee Shong Soon sinh ở Malaysia nhưng anh chuyển đến Belfast 19 năm trước để học về khoa học máy tính và giờ đây làm việc như một chuyên gia ứng dụng tại một công ty năng lượng.
Anh nói thành phố này đã cho anh cơ hội phát triển bản thân về cả mặt nghề nghiệp lẫn con người.
“Những người dân ở thật thân thiện và đó là một trải nghiệm tuyệt vời, một trong những quyết định tốt nhất mà tôi từng có.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.


Posted by

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét