Mưa thút thít. Nằm trên sàn gỗ bóng
loáng vì mồ hôi người ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bất chợt nhớ câu
thơ: “Tôi đi tìm tôi trong cơn mưa” của thi hào Nga Lermontov mà thấy
đồng điệu, đồng cảm.
Dường như trong cuộc mưu sinh, cũng có
lúc con người phải dừng - trú mưa để tịnh tâm thấy cái được, cái mất
của chặng đường đã qua; hoặc giả cứ vùng chạy trong mưa để mưa gột rửa,
làm mát cái đầu “phát triển quá nóng”.
Và không hiểu sao, gần tháng nay, đi
từ Moskva, Saint Petersburg của Nga đến những cung đường Tây Bắc ở Việt
Nam, một cảm giác bất an bỗng dưng trỗi dậy trong tôi, từa tựa như cô bé
lọ lem đang từ căn bếp cũ kỹ đầy trâu lợn được chuyển sang sống tại căn
phòng hổ phách với sự xa hoa chỉ dành cho các Sa hoàng.
1. Bản Lác, một địa danh du lịch từng có thời được ví như “thánh địa văn hóa Thái”, trở nên ồn ào, đông đúc. Hàng dãy xe đậu san sát cạnh những chiếc xe chạy điện của Trung Quốc, thêm tiếng cười, tiếng nói rổn rảng “cho sờ tay tí” của những quý ông mặt đỏ bừng sau chục chén rượu đặc sản càng làm không khí đặc quánh mùi chợ tình, kết tinh cho một thời “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”.
1. Bản Lác, một địa danh du lịch từng có thời được ví như “thánh địa văn hóa Thái”, trở nên ồn ào, đông đúc. Hàng dãy xe đậu san sát cạnh những chiếc xe chạy điện của Trung Quốc, thêm tiếng cười, tiếng nói rổn rảng “cho sờ tay tí” của những quý ông mặt đỏ bừng sau chục chén rượu đặc sản càng làm không khí đặc quánh mùi chợ tình, kết tinh cho một thời “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”.
Và quả là cái gì cũng có cho các
“thượng đế”, có bia, có rượu, có mồi nhậu đặc sản núi rừng và cả… sơn nữ
ca. Bà chủ nhà tuổi Nhâm Tý, khá nõn nà trong bộ đồ dân tộc nói giọng
thánh thót còn hơn người Hà Nội: “Các anh chờ tí để dọn nhà sàn. Nhà em
gì cũng có”.
Và đúng là cái gì cũng có nếu có tiền.
Thậm chí bạn khỏi nhúc nhích cứ ngồi một chỗ tức khắc có người cõng bạn
qua mấy bậc thang lên tận chỗ ngủ là một sàn gỗ rộng chừng 70m², đủ
chứa cả trung đội vừa ăn, vừa ngủ, vừa hát hò tại chỗ. Để thêm phần hưng
phấn cho tour du lịch “trải nghiệm văn hóa”, bà chủ nhà và bên cạnh là
ông chồng phốp pháp, cổ đeo dây chuyền vàng to như sợi dây xích chó liền
mời chào bữa tối có lợn mán, gà đồi, cá suối, ốc đá với giá 1 triệu
đồng/ mâm.
Và gút lại bữa tối giá 1 triệu đồng,
cộng thêm 1 triệu đồng tiền văn nghệ văn gừng với sự tham gia của “đoàn
ca múa nhạc tỉnh” biểu diễn giao lưu trong vòng 1 giờ. Trời tối dần, sấm
chớp đì đùng vì áp thấp nhiệt đới càng hun nóng sự chờ đợi.
Cuối cùng, khoảng 6 giờ tối thì lợn
cũng lên mâm trong sự phấn khích tột cùng của du khách - thực khách mong
tìm của lạ ở vùng Tây Bắc xa xôi, cách trở. Với họ, đêm nay Tây Bắc là
tất cả, đúng nghĩa là ngày hội có sự chếnh choáng của men rượu mềm môi.
Và những tờ bạc 100.000 đồng được giúi vội, lại thêm một bài hát, điệu
xòe được tiếp nối. Đến bất tận khi tiền và rượu chưa cạn. Thật sự là một
đêm văn nghệ “đỉnh cao” khi gần như tất cả các bài hát vùng cao đều
được phô diễn, và vẫn còn thiếu… phải nhờ cậy bài hát Cô gái Sầm Nưa,
Hoa đẹp Chăm Pa với vũ điệu lăm vông ca ngợi đất và người của nước Lào
anh em.
Nhưng rồi tất cả cũng qua đi như một
giấc mộng đêm hè. Khi đã tỉnh giấc chúng ta buộc phải đặt câu hỏi được
và mất gì với cách làm du lịch kiểu “nghìn lẻ một đêm” như vậy?
Cách đây chừng 20 năm, người viết cũng
có dịp tới bản Lác, khi đó còn hoang sơ lắm với khách nghỉ lại nhà sàn
Thái chủ yếu là khách Tây. Họ đến đúng nghĩa là du khảo văn hóa, đến với
người dân địa phương để tìm hiểu bản sắc dân tộc từ chữ viết cổ của
người Thái đến làn điệu dân ca với âm hưởng núi rừng, rồi kiến trúc nhà
sàn Thái và trang phục khác biệt ra sao… Tất nhiên, khách Tây chi tiêu
dè sẻn, ăn uống vừa đủ để nuôi sống đam mê khám phá, song bù lại họ trả
nguyên vẹn cho Tây Bắc vẻ tinh khôi, im ắng vốn có. Hay nói cách khác là
sự tử tế trong ứng xử để không làm biến chất, làm tự chuyển hóa bản
tính chân thật, lương thiện của người miền núi.
2. Tiếc rằng, cái cũ tốt đẹp đó đã qua
đi. Giống như rất khó tìm lại được làn khói lam mỏng manh tỏa ra từ
những ngôi nhà sàn nép mình bên dòng suối, bóng cây. Và thời gian qua
đi, thời gian không trở lại khi giờ đây bản Lác đã sạch bóng khách Tây,
sạch bóng thứ tiếng Anh phát âm còn “đậm đà bản sắc dân tộc”. Chỉ đọng
lại nỗi buồn khi đồng tiền xé toang vẻ tĩnh mịch của Tây Bắc.
Có gì đó giống với nước Nga mà tôi
cũng vừa đi ngang. Tất nhiên mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi người mỗi kiểu, mỗi nền
văn hóa mỗi khác biệt. Nhưng có cái chung là ai cũng thấy mệt với dòng
du khách mà người dân địa phương phải chịu đựng, trừ những người trực
tiếp mần du lịch.
Ở Saint Petersburg, thủ đô phương Bắc
của nước Nga, một thành phố đẹp nhất nhì châu Âu, lượng khách đổ về nhất
là dịp mùa hè và mùa thu hơn 5 triệu người (tương đương số dân thành
phố) thì sự quá tải đã lên đến mức báo động. Người dân nơi đây than vãn
vì sự đắt đỏ, vì sự ồn ào của một nền văn hóa quá khác biệt. Các cung
điện mùa hè, mùa đông, mùa thu… ngập cờ phất của khách tour, đến mức các
Sa hoàng có sống lại cũng giật nảy mình ngao ngán cho sự đời.
Khi đến một khu bán đồ trang sức, chủ
yếu là hổ phách ở gần Cung điện Mùa Đông, tôi ngạc nhiên khi thấy khách
mua toàn người Trung Quốc, mà họ rút ví 5.000 - 10.000 USD mua một món
đồ cứ như chúng ta rút tiền mua tờ vé số.
Anh nhân viên tên là Tengiz, một người
gốc Armenia nhưng sinh ra ở Tbilisi thuộc Georgia, khá ngạc nhiên thấy
chúng tôi nói tiếng Nga khá chuẩn, khác hẳn đám du khách châu Á khi giao
tiếp “mỏi hết tay, chân”, đã cười nói ở đây chỉ phục vụ du khách Trung
Quốc và dịch vụ có từ A đến Z, mua xong muốn ăn nhậu thì ở trên lầu có
nguyên một nhà hàng Trung Hoa đỏ đèn suốt đêm. Có thời nơi đây tìm được
một nụ cười “Liên Xô” rất khó thì nay đã là thường trực. Vì có người
mua, cháy hàng, tức là thu nhập tăng và cũng dễ ban phát nụ cười thân
thiện miễn phí.
Cũng theo lời Tengiz, họa hoằn lắm mới
có khách Nga ghé mua vì giá đã đội lên cả chục lần và người Nga giờ đã
là dân tộc thiểu số ở ngay trên mảnh đất quê hương, hệt như vùng Tây
Bắc chúng ta.
Nhưng có khác biệt rất lớn trong ứng
xử ở Nga so với ta. Đối với du khách nước ngoài lạ nước, lạ cái, người
dân Moskva và đặc biệt là dân đất kinh kỳ Saint Petersburg có thái độ
hết sức thân thiện, nhiệt tình chỉ dẫn trên tinh thần “phi vụ lợi”. Khi
đi tàu cao tốc Sapsan chạy về Moskva, cô nhân viên bán vé đã ngạc nhiên
hết sức lúc chúng tôi đặt mua vé khoang hạng thương gia đắt gấp đôi so
với khoang thường. “Để trải nghiệm ư? Các anh đâu cần tốn đến 130 USD
khi tàu chạy có 4 giờ là đến nơi”, cô gái khuyên nhủ hết lòng. Và chúng
tôi đành mua vé rẻ để đáp ứng thịnh tình của “tâm hồn Nga”.
Song ở Tây Bắc cũng như ở mọi nơi trên
đất nước chúng ta, tình huống đó nếu có thì sẽ hoàn toàn khác. Cũng cô
nhân viên bán vé sẽ nói tiền nào của nấy, dịch vụ hoành tráng lắm, các
anh nên mua ngay vé kẻo người khác sẽ mua hết. Và sự thật là vậy, không
có kịch bản khác.
3. Mùa thu đã đến cả ở nước Nga xa xôi
và cả ở vùng Tây Bắc không quá xa xôi. Nếu như nước Nga có mùa thu vàng
với những hàng bạch dương ngút ngàn thì Tây Bắc có đồi núi chập chùng,
tiếng suối róc rách và sương mù dường như còn lẩn khuất đâu đó. Nói thế
để thấy chúng ta càng phải trân trọng, gìn giữ cho bằng được vẻ đẹp của
tạo hóa. Tất nhiên du lịch là cần thiết, là nguồn thu đáng kể để xóa bỏ
khoảng cách giàu - nghèo giữa miền xuôi và miền ngược, song không thể
đánh đổi mọi thứ vì tiền.
Ngày xưa, người dân tộc chân chất bán
các sản vật ở các quán cóc liêu xiêu theo cách lữ khách tự bỏ tiền vào
ống tre để sẵn, không cần người bán phải có mặt; nay hoàn toàn khác.
Khác đến nỗi cái gì cũng tiền, đứng chụp ảnh từ một góc đẹp cũng có
người ra đòi 10.000 đồng tiền “tạo dựng cảnh quan”, rồi tiền này kia, từ
tiền chụp “seo phì” đến tiền uống một ly nước mát.
Còn gì nói thêm về du lịch vùng cao?
Chắc là chuyện nhỏ về cái nhà vệ sinh. Nhỏ mà lớn. Lấy ví dụ như ở bản
Lác, người ta quan tâm trước tiên là sự nhồi nhét du khách, cái còn lại
không phải chuyện lớn. Đến mức khu đi vệ sinh đã xuống cấp trầm trọng mà
không ai nghĩ phải sửa lại đường nước thải vệ sinh hơn. Thiết nghĩ,
chúng ta phải lo nghĩ trước tiên cái nhỏ là “văn hóa toilet” rồi mới đến
chuyện lớn hơn là vấn đề quy hoạch và chiến lược phát triển bền vững.
Và cứ làm cái nhỏ trước.
Chiếc xe chở du khách vẫn chạy, lướt
qua là những tấm biển mời chào thưởng thức đặc sản Tây Bắc. Mà đâu đâu
cũng gà đồi, lợn cắp nách, hoặc lợn mán, lợn tên lửa và gà chạy bộ. Và
hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét