Jonathan Lethem
♦ Chuyển ngữ: Hoàng Chính
♦ Chuyển ngữ: Hoàng Chính
Bản tiếng Việt: Hoàng Chính (Tạp Chí Da Màu)
Jonathan Lethem. Người Mỹ, tác giả của nhiều tiểu thuyết, biên khảo và truyện ngắn. Elevator Pitches là một trong những truyện chớp (flash fiction) thuộc chuyên đề: A Summer of Very Short Stories của The New Yorker mùa hè vừa qua. (https://www.newyorker.com/books/flash-fiction)
Đúng là duyên tiền định: họ lên chiếc xe tự lái ngay cùng một lúc. Trước đó họ đã thấy nhau rồi. Cái kiểu cứ loan báo “Bạn có thư” mà không có, chỉ toàn sự thù ghét thô nhám đầy tính bản năng. Họ kẹt ở đó. Loại xe này không có cửa sổ, bên trong gần như không có thiết kế gì, chả có gì ngoài cái kệ với những nút bấm để mày chọn nơi đến. Rồi thì chả còn gì để làm ngoài việc chờ đợi hoặc là ghi nhận có người ngồi bên cạnh không, hoặc cũng chả cần.
Phim kinh dị, tựa đề “Da Thịt Mới Của Hoàng Đế”. Một nửa nhân loại bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nhưng lịch sự nên không ai nhắc tới.
Bạn chung phòng đại học ở Harvard, một đứa từ L.A., đứa kia từ Thành phố New York. Đứa này, con trai của một nghệ sĩ nổi tiếng, lớn lên trong thế giới của đám tiếng tăm ngoài luồng. Đứa kia nhờ tiền, có ông bố là một nhà tài chánh giàu có. Chuyện không được suông sẻ. Sang tới tuần thứ ba của học kỳ, cậu hippy dựng vách ngăn bằng mảnh thuỷ tinh vỡ trên mặt thảm chia đôi căn phòng. Chuyện gì xảy ra sau đó thì mày có thể đoán được rồi.
Nàng bảo thủ về chuyện tình dục, nhưng lại lăng nhăng. Đừng sờ vào đấy, đừng để vào đó, em không chơi kiểu cọ. Nhưng cứ làm đi, làm nữa đi nữa đi, làm mạnh, rồi cút cho khuất mắt. Ông anh, ông chỉ là một trong vô số người. Hắn ư? Một thằng cha mẫu mực, một con người dễ chịu, và hắn chiều nàng tới bến, làm đủ thứ chuyện điên rồ. Cho tới một ngày, hắn thôi.
Đây là chốn đọa đày, nhưng cũng là chốn hậu tận diệt. Nơi đọa đày thoát được sự tận diệt, không một ai có thể hiểu nổi – thật tệ! Mày có thể làm những thứ hậu tận diệt, những thứ của đám người sống sót, phân chia lương thực, giết chóc, lập những bộ lạc mới, nhưng mày cũng có thể đi con đường của sự đọa đày, phấn đấu chống lại bọn lãnh chúa và chủ cả suy đồi, đập vỡ chiếc máy rù quyến kiểm soát đầu óc mày. Chỉ vì mày điên khùng không có nghĩa là mày cũng không ngu xuẩn, và cả hai đều không loại bỏ khả năng là giầy bốt của mày đang đè lên cổ ai đó còn tệ hơn vậy nữa.
Một căn chung cư bệ rạc thời hậu chiến. Những khung cửa sổ bằng nhôm, tường gạch xen kẽ màu vàng và xám tro, máy điều hòa không khí gắn dưới cửa sổ – đúng tiêu chuẩn như khu chung cư Quốc Xã hay Sô Viết, đúng vậy. Không một chi tiết nào lôi cuốn – chẳng ai ưa tòa chung cư – nhưng đây là thành phố New York, ê, mày may mắn lắm mới tìm được một căn hộ đấy.
Một game show, có tên “Bạn Đang Ăn Một Miếng Steak!” Dân ăn chay trả lời câu hỏi về những miếng thịt. Kết cuộc, thí sinh nào ít điểm nhất ăn một miếng.
Hắn chết, nàng chết, mọi người chết. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu.
Mười bốn năm dan díu chuyện lăng nhăng ngoại hôn, trẻ con từ cả hai gia đình lớn lên và rời nhà vào đại học, chúng buồn bã y như một cặp vợ chồng già. Chuyện ấy giờ đây trở thành một cuộc dan díu bí mật không dính dáng chuyện xác thịt, với tất cả hành trang riêng của nó – với từng đứa, như thể vướng vào hai cuộc hôn nhân tồi tệ! Nhưng chúng không tháo gỡ được. Thành ra những kẻ phụ tình dự cuộc tư vấn bí mật cho đôi lứa để cố cắt đứt nó. Một vở hài kịch.
Một nhúm người làm việc trong cùng một cao ốc nhận ra là người khác cũng khá vui nhộn, nhưng không mấy sâu sắc.
Một cặp, hai nhạc sĩ nhạc rock thiên tài, giao tiếp một cách hiệu quả chỉ qua những màn độc tấu guitar. Mọi thứ khác – tin nhắn, điện thư, chuyện trò, đều thất bại. Về tình dục, nàng dửng dưng với hắn. Tụi mình nên gọi nó là “Shred.”
Vở hài kịch nơi công sở gặp show thực tế gặp game show. Tụi tao theo chân một số người khác nhau trên đường tới những chỗ làm ngoài đời thật của họ. Xoi mói tận tình đến những thông lệ của họ vào buổi sáng, những phấn đấu đắng cay không ai nhắc tới, đưa lũ trẻ đến trường, dắt chó đi dạo, sống sót chuyện làm việc đi đi về về, xe điện ngầm luôn gắt gỏng, miếng bánh bagel bần tiện nuốt vội – những đoạn phim sớm sủa này có hơi hướm của phim tài liệu Frederick Wiseman. Nhưng, đến nơi, họ phát hiện văn phòng của họ đã bị đô hộ bởi một game show không định hướng mang tên “Bạn Sa Thải Tôi!” Một khung cảnh lòe loẹt bằng nhựa đã được vội vã dựng lên ở giữa khoảng công cộng, máy pha cà phê hay máy chụp bản sao, cái nào cũng được. Tay hướng dẫn chương trình thô lỗ kiểu thập niên bảy mươi, đáng tởm, tóc tai bờm xờm, kiểu cọ, thực ra chẳng quan tâm chút gì đến mày. Hắn dí mi-crô vào mặt họ, hỏi tên họ. Những nhân viên mà chúng mình đi theo sẽ tranh tài trong một game show, trả lời những câu hỏi về sự liên hệ của những sinh hoạt thường nhật của họ tới tận cùng. Người thắng sẽ sa thải kẻ thua.
Chậm hơn bao giờ hết, những bánh xe nghiến vào nhau, âm thanh rên rỉ kỳ quái. Một ngày nào đó, họ sẽ sửa, chắc chắn vậy. Nếu không nó sẽ đổ nhào, hãy cầu là mày đang không ở trên đó.
Mày có thể như con ếch trong nồi nước đang sôi dần, không bao giờ than vãn, không bao giờ nhận ra tình hình tệ đến mức nào. Hay cứ cho là hai con ếch đi, con nào cũng tưởng chỉ có một mình nó.
Cái đó gọi là “Phản bác!” Đám luật sư từ cõi tương lai khai sáng đến trong những chiếc máy xuyên thời gian, để kiện chúng ta vì là những kẻ khốn nạn. Người đóng vai chánh án là Sandra Bernhard.
Một thang máy xuất hiện ở chỗ trước đây không hề có thang máy. Cửa không bao giờ mở. Vài người khai mở một tôn giáo dựa trên những gì có thể có bên trong thang máy. Những người khác chỉ việc đi thang bộ.
Chắc ăn, chiêu chọc cười cũ kỹ bọn hề chen chúc trong chiếc xe bé tí, tụi mình đã thấy cả triệu lần, nhưng nghe này: lần này tụi mình sẽ diễn từ góc nhìn của những anh hề. Từ bên trong chiếc xe. Bọn hề nêm cứng vào nhau – một bầy bệ rạc, mồ hôi nhễ nhại, tụi nó đã làm việc với nhau bao nhiêu năm rồi, chẳng có gì khôi hài về chuyện đó hết, chỉ việc ùa ra cho thiên hạ mua vui. Kẹt một cái là: cánh cửa không mở.
Mày với tao, kẹt cứng trong này, tiêu tùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét