Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức
Vào dịp Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) đầu tiên trên đất Mỹ của gia đình tôi 42 năm trước, vì vẫn phải đi làm cho đến tối ngày Thứ Tư, định sáng hôm sau sẽ đi mua gà tây về mừng lễ. Sáng Thứ Năm mới biết tất cả các tiệm đều đóng cửa nghỉ lễ, kể cả các chợ. Lỡ dịp thưởng thức gà tây, đành đi kiếm gà ta. KFC cũng đóng cửa!
Thanksgiving năm nay, 2017, The New York Times đã mời 9 tác giả nổi tiếng, mỗi người viết một bài về “My Thanksgiving” – Lễ Tạ Ơn của mình. Trong số này, đáng để ý là bài viết của hai tác giả, một Mỹ, một gốc Việt.
Tác giả Mỹ là Elliot Ackerman, sinh ra ở Mỹ và đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bài viết của ông mang tựa “A Thanksgiving Message in a 1963 Proclamation.” Thay vì chia sẻ kinh nghiệm về gà tây và các món ăn đặc biệt vào dịp lễ quan trọng này, Ackerman nói tới hai Tuyên Cáo vào dịp Thanksgiving năm 1963, một của Tổng Thống Kennedy, ngày 4 tháng 11, và một của Tổng Thống Johnson, ngày 23 tháng 11, cùng cái nhìn của Ackerman về tình trạng chia rẽ của Hoa Kỳ thời đó và bây giờ. Là người gốc Việt, tôi nhìn các Tuyên Cáo này dưới khía cạnh khác.
Trong Tuyên Cáo Thanksgiving ngày 4 tháng 11, 1963, ông Kennedy viết: “Hôm nay chúng ta cảm ơn, trên hết, tinh thần của danh dự và niềm tin mà chúng ta thừa hưởng từ các bậc tiền bối – về sự nghiêm túc của mục đích, kiên trì của quyết tâm và sức mạnh của ý chí, về sự can đảm và khiêm nhường mà họ đã có và chúng ta phải cố gắng hàng ngày để noi gương. Trong lúc biểu lộ lòng biết ơn, chúng ta nên không bao giờ quên rằng sự biết ơn ở mức cao nhất không phải là lời nói mà chính là thực nghiệm.”
Đúng ngày 4 tháng 11 này, ông Kennedy cũng đọc vào máy ghi âm để giữ lại làm tài liệu lịch sử, rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chánh mới xảy ra tại Sài Gòn, rằng ông bị sốc về cái chết khủng khiếp của ông Diệm, và rằng không biết tình hình Việt Nam có ổn định hay sẽ xáo trộn trở lại.
Ông Kennedy đã không có dịp sống lâu với những lời lẽ cao cả mà ông rao giảng. Mười chín ngày sau, một ngày sau khi ông Kennedy bị ám sát, Tổng Thống Johnson ra Tuyên Cáo, ca tụng vị tiền nhiệm của mình, rằng: “Là người của khôn ngoan, nghị lực và hoà bình, ông (Kennedy) đã tạo dựng và vận chuyển sức mạnh của quốc gia chúng ta để phục vụ một thế giới đang phát triển về tự do và trật tự. Mọi người yêu chuộng tự do đều để tang ông. Vì ông đã không tránh né những trách nhiệm của mình, mà đón nhận nó, nên ông cũng không muốn chúng ta tránh né việc tiếp tục sứ mệnh của ông sau thời gian tang tóc này.
Vào Mùa Lễ Tạ Ơn 2017, dư luận Mỹ sôi nổi về nạn sách nhiễu tình dục của các ông lớn, từ tổng thống tới nghị sĩ, thẩm phán, cho đến giới làm phim ảnh và truyền thông. Chuyện này không mới mẻ gì. Trên nửa thế kỷ trước, ông Johnson đã hãnh diện tự khoe mình tài giỏi hơn ông Kennedy. Ông nói: "I have had more women by accident than he has had on purpose." (Đàn bà qua tay tôi do tình cờ nhiều hơn chuyện họ qua tay [Kennedy] do xếp đặt).
Vì muốn chứng tỏ mình tài giỏi hơn Kennedy, ông Johnson đã đi quá sâu vào Việt Nam. Hậu quả là hàng triệu người Việt có cơ hội dự Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ.
Tác giả gốc Việt là Việt Thành Nguyễn, một ngòi bút rất quen thuộc với độc giả Mỹ. Sau đây là bản dịch bài của ông, mang tựa “Feeling Conflicted on Thanksgiving”, đăng trên New York Times Online, ngày 14 tháng 11, 2017.
– Đinh Từ Thức
Nguyễn Thành Việt – Hình của Jake Michaels chụp cho The New York Times
Làm cha khiến tôi phải xét lại mọi sự, bắt tôi phải băn khoăn về việc
làm thế nào đề uốn nắn, chủ ý và tự nhiên, một cuộc đời trẻ thơ. Khi
gửi con trai 2 tuổi của tôi (bây giờ đã 4 tuổi) vào trường mẫu giáo, tôi
lo âu về việc thầy và bạn sẽ đối xử với nó như thế nào.Liệu nó có trở thành một thằng nhỏ sẽ biểu lộ sự bạo động của nam tính còn hơn bây giờ hay không? Bởi vì mới 2 tuổi, mặc dầu chúng tôi cố gắng hết sức, nó đã chứng tỏ là một đứa con trai ưa thích Batman và “Star Wars.” Nó sẽ chật vật thế nào với chủng tộc? Bởi vì chỉ mới 3 tuổi, trẻ con tại ngôi trường cấp tiến của nó đã dùng ngôn ngữ kỳ thị chủng tộc và kéo mắt xếch để diễu nhạo bạn cùng lớp.
Và Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là gì? Nhà trường đã dậy nó cùng một thứ huyền thoại về người Di Dân Sùng Đạo (Pilgrims) và người Da Đỏ mà tôi đã từng học. Tôi muốn cho nó những quan điểm khác.
Tôi hỏi nó: “Con có biết Lễ Tạ Ơn mang ý nghĩa gì không?
“Có.” Nó nghĩ về chữ tôi đã dậy, rồi trả lời: “Diệt chủng!”
Một số độc giả Mỹ sẽ lên án thái độ “chính trị phải phép” của tôi đã không cho người khác được tận hưởng thú vui ngày lễ của họ. Một số bạn đọc khác sẽ nghĩ: “Mày hãy cút về Việt Nam. Và mang theo cả thằng con mày.” Làm ơn giữ lại những lá thư bạn định gửi cho tôi. Tôi đã có đầy những lá thư như thế và không cần thêm nữa, xin cám ơn.
Có gì sai không khi nói rằng Lễ Tạ Ơn cùng lúc biểu tượng sự diệt chủng và biết ơn?
Lịch sử và nước Mỹ đầy xung đột và mâu thuẫn, cho nên những đứa trẻ 4 tuổi có khả năng kỳ thị chủng tộc và giới tính nên được giáo dục đôi chút về sự mâu thuẫn này như một phương pháp chích ngừa.
Hãy nói về bữa tiệc Tạ Ơn. Tuy gà tây không thấy bữa tiệc này là một kinh nghiệm mâu thuẫn hay trừu tượng cho nó, chính những người như tôi, những người tị nạn từ Việt Nam, và những người thoát hiểm một cuộc chiến đã giết ba triệu dân Việt, đã cảm nhận rất sâu xa sự mâu thuẫn này. Nói chung, chúng tôi cảm ơn đã được ở Mỹ mà không ở Việt Nam, nơi chúng tôi không có tự do để nói những ngôn từ như diệt chủng hoặc trái ngược với tuyên truyền, như chúng tôi được nói ở đây. Nhưng một số người trong chúng tôi vẫn không cảm thấy hứng thú nhiều về việc ăn gà tây.
Sửa soạn nấu nướng và ăn nó không đem lại tình cảm ấm áp và những kỷ niệm êm đềm cùng với gia đình mừng lễ quây quần bên lò sưởi. Thay vào đó, gà tây, một loài chim lạ khó nấu cho đúng cách, ấy là chưa kể những thứ lạ lẫm đi cùng với nó như món cơm nhồi gà, khoai tán, và mứt sốt nam việt quất (cranberry sauce). Trong gia đình, tôi là người duy nhất thích ăn mứt sốt nam việt quất. So sánh tôi với những người da trắng bên nhà vợ, tôi thích mứt sốt nam việt quất còn hơn cả những người Mỹ bình thường.
Tuy vậy, bố mẹ tôi đã anh dũng cố gắng cung phụng cho gia đình những bữa ăn nghi thức này. Đây là chuyện vô cùng khó khăn, vì bố mẹ tôi làm việc từ 12 đến 14 tiếng hầu như mọi ngày trong năm, trông nom một cửa hàng tạp hóa Việt Nam ở San Jose, California. Họ quá mệt vào cuối ngày nên cơm tối thường là món luộc mề, tim, lưỡi, ruột non hay là sách. So sánh với những thứ này, chúng tôi chả màng chuyện gà tây khô, hay món cơm nhồi và khoai tán là loại được sấy sẵn từ hộp.
Những cố gắng của bố mẹ tôi để thỉnh thoảng trở thành người Mỹ bằng cách cùng lúc tham dự nghi thức ghi nhớ (Thanksgiving) và lãng quên (diệt chủng) cũng khá lạ lùng vì bố tôi không ngừng nhắc nhở, lúc tôi còn nhỏ, rằng tôi là “người Việt Nam trăm phần trăm.” Tôi đã tính đi thử nghiệm tế bào di truyền (DNA), nhưng tôi sợ lỡ kết quả có vài phần trăm Tầu, chắc sẽ làm bố tôi thất vọng.
Trong mọi trường hợp, tế bào di truyền không tiết lộ nhiều cho chúng ta về văn hoá. Thức ăn dạy cho chúng ta nhiều hơn. Tôi còn nhớ một quãng đời kỳ diệu khi chúng tôi được thưởng thức món ngon nhất của cả hai thế giới Việt Mỹ. Một gia đình bạn người Việt làm chủ tiệm ăn đã cung cấp cho chúng tôi một con gà tây trong vài năm. Hãy tưởng tượng một con gà tây bình thường, nhưng được làm theo kiểu Việt Nam, với hương liệu Việt Nam, nhồi với miến và gia vị đậm bùi. Thật là một món gà tây ngon tuyệt, nó làm tôi biết ơn đến nỗi quên cả chuyện diệt chủng.
Nhưng chuyện đáng nhớ nhất ở bữa tiệc Tạ Ơn trong lịch sử gia đình chúng tôi đã xảy ra trước con gà tây này. Vào giữa thập niên 1990, bố mẹ tôi hai lần trở về Việt Nam sau một khoảng cách cỡ 20 năm. Trong hai thập niên đó, đất nước xây dựng lại sau chiến tranh, và cha mẹ tôi đã gửi về rất nhiều tiền giúp những người họ hàng đói khó. Tôi đã không đi với bố mẹ tôi trong những chuyến này, nhưng ước ao được nhìn những gì cha mẹ tôi đã thấy, vì sau chuyến đi thứ nhì, vào dịp Lễ Tạ Ơn, bố tôi nói, “Bây giờ chúng ta là người Mỹ.” Họ không bao giờ trở về nữa.
Ngày nay, khi chúng tôi họp mặt vào dịp Lễ Tạ Ơn, anh tôi và chị dâu mang gà tây và những món đã làm sẵn từ một siêu thị hạng sang. Bố tôi bổ túc những món ngon Việt Nam từ một tiệm bán đồ nguội hảo hạng. Người lớn thích những món Việt hơn, còn chúng tôi tận hưởng món gà tây. Các cháu tôi, từ lớp trung cấp tới đại học, có vẻ thích món ăn Mỹ, nhưng cũng nhâm nhi các món Việt. Con trai tôi, cục cưng mà tôi biết ơn, ăn uống vung vãi và thoắt một cái vùng chạy để đạo diễn những trận đánh khốc liệt với những mảnh ráp Legos Batman và “Star Wars.”
Quá trình Mỹ hóa của chúng tôi đã gần hoàn tất.
Nguyễn Thành Việt tới Mỹ cùng gia đình năm 1975 và khởi đầu trú ngụ tại một trại tị nạn. Ông là giáo sư Anh ngữ, nghiên cứu về người Mỹ và sắc tộc, và văn chương đối chiếu tại Đại Học Nam California (University of Southern California). Tiểu thuyết của ông, The Sympathizer, đoạt giải Pulitzer năm 2016. Ông còn là tác giả của quyển Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War; Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America; và một tuyển tập truyện ngắn The Refugees. Tháng Mười vừa qua, ông đã được tặng giải McArthur về những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực văn chương và phê bình văn hóa.
Bài này cũng được đăng trên báo in, ngày 15 tháng 11, 2017 trên trang D5 của ấn bản New York Times, mang tựa “We are Americans now” (“Bây giờ chúng ta là người Mỹ”).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét