Những Người Bạn Sư Phạm Saigon
2 thg 3, 2017
CON CƯỠNG - Chuyện ngắn Huỳnh Trong Khang ( Từ Tạp Chí Da Màu )
Khu trọ tồi tàn nằm trong một con hẻm cũng tồi tàn không kém. 567B xẹt 69 xẹt 12 xẹt 98 xẹt 136. Quanh co, uốn lượn đến thế là cùng. Muốn vào cái khu trọ đó phải qua cái mê cung chằng chịt hẻm là hẻm. Ở đây chủ yếu là sinh viên, công nhân cũng có nhưng rất ít và chẳng thấy một viên chức trí thức nào. Hẻm nhỏ đến chỉ vào vừa một chiếc xe máy, hai xe chạy ngược chiều nhau phải có một chiếc chịu khó nhường đường, lắm lúc, gặp phải những lái xe cứng đầu, không ai chịu nhường ai thế là ách tắc, kèn xe bấm in ỏi, những tiếng chửi rủa, đôi khi là xô xát. Những căn nhà cao tầng xây theo kiểu siêu mỏng mọc đối diện rướng ban công tầng trên ra xa hết cỡ che hết cả ánh sáng của cả khu trọ, đêm cũng như ngày, lúc nào cũng lờ mờ tranh tối tranh sáng, đồ phơi khô vì lạnh chứ không khô vì nắng bởi thế lúc nào cũng có thứ mùi ẩm khó chịu, quần áo thì phơ la liệt mọi chỗ có thể phơ được. Vợ chồng chủ nhà ở trong căn phòng cuối dãy, ông chồng gầy nhôm còn bà vợ thì béo núc nít, họ có một cô con gái nhưng sau mấy tháng ở đây, tôi chỉ thấy mỗi cái lưng của cô ta.
Điều khác biệt duy nhất giữa phòng của đôi vợ chồng chủ nhà và những căn phòng còn lại là trước mái hiên treo lồng nhốt một con cưỡng. Ngày nào, ông chồng gầy cũng dạy con cưỡng đúng một câu: Có khách đến! Có khách đến! Ông định nuôi nó thay chó giữ nhà vì nuôi chó thì cực nhọc hơn nhiều, nào phải cho ăn, tắm cho nó, bắt ve, hốt phân rồi chưa nói đến việc phải canh chừng bọn cẩu tặc. Nhưng con cưỡng đó rất ngu, từ lúc tôi ở cho đến ngày dọn đi nó không nói được câu “có khách đến” lấy một lần, dù ông chủ nhà đã dụ nó bằng đủ món từ đậu phộng đến hạt dẻ. Vậy mà khi hai thằng học kiến trúc thuê phòng ở đây không biết bằng cách nào đã dạy cho nói một cách trơn tru câu: Đồ chó đẻ! Hễ thấy bóng ai thấp thoáng đầu dãy phòng là nó hô toán lên: “Đồ chó đẻ! Đồ chó đẻ!” Vợ chồng chủ nhà về nó cũng chào bằng một câu: Đồ chó đẻ! Cô con gái đi đâu về mệt muốn đứt hơi, vừa mới dắt xe vào đầu ngỏ nó đã phang ngay: Đồ chó đẻ! Làm cô nàng tức ói máu, hằn học với ông bố, ông chủ nhà sau một hồi không làm cách nào bắt nó bỏ câu đó, quá mệt mỏi, ông không cho nó ăn uống đúng một tuần liền.
Sang tuần thứ hai, con chim trông xơ xác như mớ giẻ rách, mỏ nó rũ xuống, lông bù xù, hai mắt lờ đờ như mắc cúm. Bà chủ nhà thương quá, cho nó ăn uống trở lại. Sau một thời gian, con chim lấy lại được phong độ như trước, lông nó mượt hơn, những chiếc đuôi thẳng nuột kiêu hãnh, nó cũng không còn nói câu thằng chó đẻ nữa, chỉ có điều nó không bao giờ nói thêm câu nào. Nó đứng im trong lồng, rỉa bộ lông mượt mà của nó, không nói, không kêu, như con chim máy đã bị đứt lò xo, chỉ còn trơ cái xác vô hồn. Dần dà những người trong khu trọ quên đi sự có mặt của con cưỡng, nó vẫn ở đó, trong chiếc lồng của nó, lặng lẽ không nói câu nào, không kêu lên một tiếng để người khác biết nó còn tồn tại, nó chỉ đơn giản là một vật làm cảnh như chiếc bình, như chậu hoa chứ không phải là một sinh vật sống có bản năng.
Chỉ có ông chủ nhà là vẫn nhớ đến sự hiện diện của nó. Ông cho nó ăn hàng ngày, tắm rửa cho nó hàng tuần, lột lưỡi cho nó, nhưng cho dù luột lưỡi bao nhiêu lần đi nữa, đã mang chiếc lưỡi khác đi nữa thì nó vẫn không nói, dường như việc bị bỏ đói một tuần không giết được con chim nhưng có gì trong nó đã chết, một dây thần kinh bị liệt, hoặc là bản năng của nó đã bị cái đói uốn nắn ép cho biến cải. Ông chủ nhà kiên nhẫn dạy nó nói, vẫn câu cũ, có khách đến, nhưng con chim vẫn bướng bỉnh không chịu phát ra lấy một thanh âm nào. Đôi khi, tôi nghĩ ông ước con chim nói cái câu tục tĩu, đồ chó đẻ, chắc ông sẽ vui như bắt được vàng, ít nhất thì nó cũng nói, chứ còn im lìm như thế này chẳng khác nào nó đang oán trách ông, nó như nói với ông rằng người ta có thể cấm nó nói những điều nó muốn nói, nhưng không thể cấm nó không nói những điều nó không muốn nói.
Từ dạo đó, ông chủ nhà cũng ít nói hẳn, ông ra ra vào vào, trầm tư suy nghĩ, nhiều khi chau mày, nhiều khi thở dài, không ai biết ông có tâm sự gì ở trong lòng. Chiều chiều, ông chủ ra đứng trước hiên nhà, ngó qua những căn nhà cao tầng đối diện, rồi nhìn cái lồng chim treo trước cửa. Ông mở miệng định nói gì đó với con cưỡng nhưng rồi im bật như có gì đó hụt hẫng trong ông.
Huỳnh Trọng Khang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét