Như thường lệ, trước khi bắt đầu bài viết nầy, mời tất cả cùng giải đoán chữ đố của bài viết trước :
左边不出头, Tả biên bất xuất đầu,
右边不出头, Hữu biên bất xuất đầu,
不是不出头, Bất thị bất xuất đầu,
就是不出头! Tựu thị bất xuất đầu !
Có nghĩa :
Bên trái không lú đầu,
Bên phải không lú đầu,
Không phải không lú đầu,
Chính là không lú đầu !
Giải đáp :
左边不出头,Tả biên bất xuất đầu, là Bên trái, chữ BẤT 不 lú đầu lên thành chữ MỘC 木.
右边不出头, Hữu biên bất xuất đầu, là Bên phải, chữ BẤT 不 cũng lú đầu lên thành chữ MỘC 木 luôn.
Hai câu sau là để xác định 2 câu trước, chính là chữ BẤT 不 được viết Lú Đầu lên mà thôi. Nên, ta có ...
Bên trái một chữ MỘC 木, bên phải một chữ MỘC 木, ghép 2 chữ MỘC 木 lại thành chữ LÂM 林 là Rừng.
Song MỘC 木 thành LÂM 林, 2 trở lên là số nhiều rồi, nên LÂM là Rừng. Ngoài CÂY ra, bất cứ cái gì cùng tập hợp lại thật nhiều đều gọi được là LÂM, như:
THƯ LÂM 書林 : là Rừng Sách, chỉ có thật nhiều sách.
NGHỆ LÂM 藝林 : là Rừng Văn Nghệ, chỉ nhiều bộ môn văn nghệ.
NHO LÂM 儒林 : là Rừng Nho, chỉ rất nhiều sách vở, tư tưởng... của Nho
Gia. Nhớ hồi học lớp Đồng Ấu, bài Học Thuộc Lòng đầu tiên sau khi học
qua Vần Ngược là:
RỪNG NHO bể thánh khôn dò,
Khuyên trò gắng học học cho thành tài
Siêng năng ôn cố ngày ngày,
Mỗi khoa mỗi học mỗi ngày mỗi nhanh.
Chữ rằng "Hữu chí cánh thành."
Gắng công thì sẽ nên danh có ngày!
* Hữu Chí Cánh Thành 有志竟成: Có chí tiến thủ thì chắc chắn sẽ thành công. Ta nói là "Có Chí Thì Nên."
LÂM 林 còn là một trong Bách Gia Tính: Họ LÂM. Trong văn học có người
đẹp Lâm Đại Ngọc 林黛玉 trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Đây là người
đẹp đa sầu đa cảm đa tài, rất giỏi về văn thơ đã thương khóc cho những
cánh hoa rơi như thương cho thân phận của mình, rồi chôn hoa, rồi ngâm
thơ điếu hoa hẵn hoi với bài TÁNG HOA NGÂM với những lời thơ thật đẹp
như:
... 願儂此日生雙翼﹐ Nguyện nông thử nhật sanh song dực,
隨花飛到天盡頭 Tùy hoa phi đáo thiên tận đầu.
天盡頭!何處有香丘 Thiên tận đầu! Hà xứ hữu lương khâu?
未若錦囊收艷骨 Vị nhược cẩm nang thu diễm cốt,
一抔淨土掩風流﹐ Nhất phôi tịnh thổ yễm phong lưu!...
Lâm Đại Ngọc Táng Hoa
Có nghĩa :
Ước
gì hôm nay ta chắp được đôi cánh, để cùng với các cánh hoa rơi bay đến
tận cuối chân trời. Ở nơi cuối chân trời kia, không biết là nơi đâu có
mồ hoa đẹp. Ta chưa kịp may túi gấm để thâu táng thân xác đẹp đẽ của
hoa, thôi thì đành mượn một nắm tịnh thổ để vùi chôn một kiếp phong lưu
diễm lệ!...
Lục bát :
.... Theo hoa bay đến cuối trời,
Chắp đôi cánh đẹp rạng ngời như hoa.
Cuối trời xa, cuối trời xa!...
Tìm hương mộ đẹp la đà xác thơm.
Chưa may túi gấm chiều hôm,
Vùi nông một nắm tủi hờn phong lưu!...
ĐCĐ.
Một nhân vật họ LÂM nổi tiếng thế giới nữa, đó chính là :
LÂM
NGỮ ĐƯỜNG 林語堂 : (10 tháng 10, 1895 – 26 tháng 3, 1976), tên chữ Ngọc
Đường (玉堂), là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được xem là người
có công lớn trong việc giới thiệu văn hóa Trung Quốc ra thế giới qua
những tác phẩm viết bằng tiếng Anh, bàn về nghệ thuật, văn hóa và nhân
sinh quan của người Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của Lâm Ngữ Đường là một
phần trong nỗ lực nối kết hai nền văn hóa Đông và Tây.
LÂM NGỮ ĐƯỜNG 林語堂
4. BỘ CAO 高 :
CAO 高 : là Trái với Thấp. CAO 高 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Phồn thể Lệ Thư
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 |
Nét viết
|
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt cho đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của một lâu
thành, có cái "chuồng cu" ở trên cao cho lính canh có thể quan sát từ
xa, nên CAO 高 tiếng Nôm cũng là Cao, như CAO LÂU 高樓 là Lầu Cao, là Cao
Cao bên cửa sổ có 2 người hôn nhau! CAO LÂU còn có nghĩa là Nhà Hàng, Ở
Phố Cổ Hội An, đi ăn Cao Lâu là Đi ăn nhà hàng. CAO còn là
THIÊN CAO 天高 là Trời Cao, THIÊN CAO ĐỊA QUÝNH 天高地迥 là Trời Cao Đất Xa,
ta nói là "Trời Cao Đất rộng", như trong bài "Đằng Vương Các tự" Vương
Bột đã viết:
THIÊN CAO địa quýnh, giác vũ trụ chi vô cùng;
天 高 地 迥, 覺 宇 宙 之 無 窮;
Hứng tận bi lai, thức doanh hư chi hữu số.
興 盡 悲 來, 識 盈 虛 之 有 數.
Có nghĩa :
Ngắm Trời cao đất rộng, mới cảm nhận được vũ trụ là vô cùng;
Hết vui sẽ tới buồn, để biết được rằng đầy vơi đều có số cả!
CAO SƠN 高山 là Núi Cao, CAO SƠN LƯU THỦY 高山流水 là Núi Cao Nước Chảy, chỉ
cảnh đẹp của thiên nhiên với núi non hùng vĩ, suối nước nên thơ, như 2
câu thơ chữ trong bài hát nói "Nhân sinh thắm thoát" của Cao Bá Quát :
Cao sơn lưu thuỷ thi thiên trục, 高山流水詩千柚,
Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền. 明月清風酒弌船.
Có nghĩa :
Núi cao nước chảy thơ ngàn quyển,
Gió mát trăng thanh rượu một thuyền!
CAO 高 còn chỉ các thứ bậc bên trên, thứ bậc tốt, như CAO CẤP 高級, CAO ĐẲNG 高等, CAO HỌC 高學 ...
CAO 高 là chất lượng trình độ vượt trội, như CAO CHẤT LƯƠNG 高質量, CAO THỦ 高手, CAO HỨNG 高興 (rất vui vẻ)...
CAO 高 còn là từ lịch sự, khách sáo khi chỉ cái gì đó của người khác, như:
CAO
KIẾN 高見 : Ý kiến của người khác, không biết có CAO thiệt hay không,
nhưng phép lịch sự thì phải nói thế, còn ý kiến của mình thì nói là
THIỂN Ý 淺意 là Ý kiến Nông cạn.
CAO LUẬN 高論 : Chỉ Lý Luận của người khác, còn Lý luận của mình thì nói là NGU LUẬN 愚論 là Lý luận ngu dốt của tôi.
CAO ĐƯỜNG 高堂 : là Phép lịch sự để gọi Cha Mẹ của người khác, còn có thể
thêm một chữ LỆNH 令 ở phía trước nữa cho thêm trịnh trọng là LỆNH CAO
ĐƯỜNG 令高堂 , còn tự xưng với người khác Cha Mẹ của mình thì gọi là GIA
PHỤ MẪU 家父母.
CAO ĐỒ 高徒 : là Đồ đệ giỏi, từ dùng để gọi Đồ Đệ của người khác, còn đồ
đệ của mình thì gọi là TIỂU ĐỒ 小徒 là Thằng "trò nhỏ" của tôi, mặc dù
nhiều khi nó đã là người lớn rồi.
CAO 高 còn là từ chỉ phẩm chất tác phong đạo đức, như:
CAO THƯỢNG 高尚 : là Lòng dạ rộng rãi, hiền hòa của kẻ cả.
CAO NHÃ 高雅 : Lòng dạ tốt đẹp không vụ lợi. NHÃ là Đẹp.
CAO KHIẾT 高潔 : KHIẾT là Sạch. Cao Khiết là Lòng dạ trong sạch không chút bợn nhơ tính toán.
THANH CAO 清高 : THANH là Trong. Thanh Cao là rất trong sáng, giản dị, không so đo vật chất bên ngoài.
CAO 高 còn chỉ Vai Vế trong dòng họ.
CAO TỔ 高祖 là Ông Tổ đời thứ Tư trong THẤT TỔ 七祖
là:父、祖、曾、高、太、玄、顯 PHỤ, TỔ, TẰNG, CAO, THÁI, HUYỀN, HIỂN. Nói theo dân
gian là : CHA, ÔNG NỘI, ÔNG CỐ, ÔNG SƠ.
Mở đầu bài "Lậu Thất Minh" của Lưu Vũ Tích là 2 câu nói thật nổi tiếng của ông:
Mở đầu bài "Lậu Thất Minh" của Lưu Vũ Tích là 2 câu nói thật nổi tiếng của ông:
山不在高,有仙則名; Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh,
水不在深,有龍則靈. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Có nghĩa :
Núi không ở độ cao, hễ có tiên ở trên đó thì sẽ nổi tiếng;
Nước không ở độ sâu, hễ có rồng ở dưới đó thì trở nên linh thiêng.
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh,
CAO ĐƯỜNG PHÚ 高唐赋
: là bài Phú nổi tiếng của TỐNG NGỌC 宋玉 (Trước Công Nguyên 298-222).
Một nhà chuyên về Từ và Phú ở cuối thời Chiến Quốc. Ông chẳng những là
nhà học thuật tiếp nối Khuất Nguyên ở nước Sở mà còn là Một Trong 4
Người Đẹp Trai nhất thời cổ đại Trung Hoa. Cao Đường Phú là bài Phú ông
viết kể lại chuyện ông cùng Sở Tương Vương dạo chơi ở Vân Mộng Đài trên
Vu Sơn ngắm cảnh Cao Đường. Bài phú chủ yếu là tả cảnh, chỉ ở đoạn đầu
dẫn nhập, ông có kể lại chuyện tiên vương của nước Sở ngày trước từng
dạo chơi ở Cao Đường, trong giấc ngủ trưa ở đây, Vương đã mơ thấy một nữ
nhân, tự xưng là Vu Sơn Thần Nữ, đến cùng Vương ân ái. Trước khi từ
biệt có nói rõ rằng: "Thiếp ở phía Dương Đài của Vu Sơn, buổi sáng làm
mây, buổi chiều làm mưa, cứ sáng sáng chiều chiều ở phía dưới Dương Đài
nầy." Hôm sau, Vương quan sát thấy đúng như lời, bèn cho lập miếu thờ,
gọi là Triêu Vân Miếu. Vì tích nầy mà ta có đến mấy thành ngữ như:
CAO ĐƯỜNG THẦN NỮ 高唐神女 : là Thần nữ ở Cao Đường, còn được gọi Vu Sơn
Thần Nữ 巫山神女, mà hễ nhắc đến là người ta đều nghĩ ngay đến một giới nữ
rất dễ dãi về chuyện trai gái,chuyện quan hệ nam nữ một cách tự do thoải
mái.
VU SƠN VÂN VŨ 巫山雲雨 : là Mây mưa ở núi Vu Sơn của Thần nữ và Sở Vương,
nhưng thiên hạ cứ nói đến MÂY MƯA là nghĩ ngay đến việc trai gái giao
hợp làm tình với nhau, chứ không còn ai nghĩ đó là chuyện kéo mây làm
mưa của hiện tượng tự nhiên nữa cả!
VU SƠN THẦN NỮ
Có tất cả 7 chữ được ghép bởi bộ CAO, tiêu biểu có :
XAO 敲 : là Gỏ, là Khỏ. Ta có từ XAO ĐẢ 敲打 là đánh gỏ vào cái gì đó, như XAO LA ĐẢ CỔ 敲鑼打鼓 là Gỏ chiêng đánh trống.
XAO TRÁ 敲詐 : là Phá đám, là Thọc gậy bánh xe. Chen vào với ý đồ bất chính, là Móc ngoặc làm tiền ai đó.
XAO KHAI 敲開 : là Mở ra.
XAO MÔN 敲門 : là Mở cửa. Nói đến từ nầy làm ta lại nhớ đến một giai
thoại văn chương đời Đường: Gỉa Đảo (779~843), một thi nhân thuộc phái
quái đản ở buổi Tàn Đường. Một lần, ông đi thăm người bạn tên là Lý
Ngưng, thấy chỗ ở của bạn thật thanh tịnh u nhã, mới xúc cảnh sinh tình
mà làm bài thơ "Đề Lý Ngưng U Cư."
Bài thơ có đôi Thực thật hay như sau:
Bài thơ có đôi Thực thật hay như sau:
鳥宿池邊樹, Điểu túc trì biên thọ,
僧敲月下門。 Tăng xao nguyệt hạ môn.
Có nghĩa :
Chim muông trú ở trên cây bên bờ ao, và ...
Nhà sư đang GỎ cửa ở dưới trăng.
Nhưng...
Giả
Đảo vẫn do dự mãi là: Không biết nên dùng chữ THÔI 推 là Đẩy hay chữ XAO
敲 là Gỏ. Vì "Tăng THÔI nguyệt hạ môn 僧推月下門" là "Nhà sư ĐẨY cửa dưới
trăng" cũng Nên Thơ vô cùng! Trăn trở mãi vẫn không quyết định được. Hôm
sau trên đường về, Giả Đảo vẫn cứ bị ám ảnh ray rức với 2 câu thơ trên,
nên vừa đi vừa làm động tác "ĐẨY" và "GỎ" lơ đểnh đến nổi con lừa của
mình đang cởi lủi vào đầu ngựa của Lại Bộ Thị Lang Hàn Văn Công HÀN DŨ
(một trong Đường Tống Bát Đại Gia), bị quân hầu bắt lại. Sau khi hỏi rõ
nguồn cơn, Hàn Dũ mới cả cười mà khuyên rằng: "THÔI hay XAO đều hay cả,
nhưng THÔI có vẻ chủ động thiện tiện, không nên thơ bằng XAO có vẻ khách
quan và hợp với cảnh trí lúc bấy giờ hơn!" Giả Đảo nghe xong bèn bái
tạ và quyết định dùng chữ XAO 敲 là GỎ cho câu thơ.
Vì tích nầy mà thành ngữ "THÔI XAO" trong tiếng Hoa có nghĩa là "Quá
chú trọng hoặc gọt dũa lời văn một cách qúa đáng!" gọi là HÀ TẤT THÔI
XAO 何必推敲: là Sao lại phải mất công THÔI XAO làm vậy?!
Điểu túc trì biên thọ, Tăng xao nguyệt hạ môn
5. BỘ CÁCH 鬲 :
5. BỘ CÁCH 鬲 :
CÁCH 鬲 : là Dụng cụ như đỉnh dùng để chưng nấu ngày xưa. CÁCH 鬲 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | Nét viết |
Ta thấy :
Từ
Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của cái Vạc 3
chân dùng để nấu nướng ngày xưa. Chữ và nghĩa của bộ nầy ngày nay không
còn thông dụng nữa.
CÁCH 鬲 là tên của một con sông xưa CÁCH TÂN HÀ 鬲津河, nay là CHƯƠNG VỆ TÂN HÀ 漳卫新河 là ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông.
CÁCH 鬲 còn là tên của một nước thời cổ đại: CÁCH QUỐC 鬲國, của dòng họ CÁCH THỊ 鬲氏, là một huyện dưới thời Tây Hán.
CÁCH 鬲 còn thông dụng với chữ CÁCH 隔 là CÁCH TRỞ 隔阻, là GIÁN CÁCH 間隔 là Ngăn cách, làm ta nhớ đến Kim Trọng khi mới vừa ước hẹn với cô Kiều xong, thì "Tin đâu đã gỏ cửa ngăn gọi vào" và tai hại cái là :
CÁCH 鬲 còn thông dụng với chữ CÁCH 隔 là CÁCH TRỞ 隔阻, là GIÁN CÁCH 間隔 là Ngăn cách, làm ta nhớ đến Kim Trọng khi mới vừa ước hẹn với cô Kiều xong, thì "Tin đâu đã gỏ cửa ngăn gọi vào" và tai hại cái là :
Đem tin thúc phụ từ đường,
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề.
Liêu Dương CÁCH TRỞ sơn khê,
Thung đường kiếp gọi sinh về hộ tang!
Có tất cả 10 chữ được ghép bởi bộ CÁCH nầy tiêu biểu có:
PHỦ 鬴 : là Cái Chảo, cái nồi; thông dụng với chữ PHỦ 釜 nầy. Ta có thành ngữ PHÁ PHỦ TRẦM CHÂU 破釜沈舟: là Đập bể nồi, đục lủng thuyền, theo tích sau đây:
Vào cuối đời Tần, trong một lần quân Tần vây quân Triệu ở Cự Lộc. Triệu
cầu cứu với Sở. Sở Hoài Vương cử Hạng Võ đem binh đi cứu Cự Lộc. Khi
vừa qua sông Hoàng Hà, Hạng Vũ ra lệnh cho ba quân tướng sĩ ăn uống thật
no, lại chuẩn bị mỗi người 3 ngày lương thực, đoạn, cho đục lủng tất cả
thuyền bè vừa mới qua sông và đập bể hết các nồi chảo dùng để nấu cơm,
với quyết tâm chỉ tiến chớ không lùi, chỉ quyết thắng chớ không được
bại, vì đã hết đường lui binh. Với chiến thuật tâm lý nầy tinh thần quân
sĩ lên rất cao, nên sau 9 lần quyết chí tấn công, quân của Hạng Vũ đã
phá vỡ quân Tần, giải vây cho quân Triệu ở Cự Lộc, khiến Chư Hầu đều
phải nể phục. Sau nầy hễ làm việc gì đó với quyết tâm cao, cố liều mạng
để làm cho được việc thì gọi là PHÁ PHỦ TRẦM CHÂU.
Phá phủ trầm châu
CHÚC 鬻 : là Cháo Loãng, giống như chữ CHÚC 粥, nhưng Động Từ thì có nghĩa là BÁN, như:
CHÚC 鬻 : là Cháo Loãng, giống như chữ CHÚC 粥, nhưng Động Từ thì có nghĩa là BÁN, như:
鬻文為生 CHÚC VĂN VỊ SINH: là Bán văn để sống, là làm nghề viết văn để mưu sinh.
典妻鬻子 ĐIỂN THÊ CHÚC TỬ: là Cầm vợ bán con, ta nói là "Bán Vợ, đợ con."
販官鬻爵 PHIẾN QUAN CHÚC TƯỚC: hay MÃI QUAN CHÚC TƯỚC 買官鬻爵. Ta nói là "Mua quan bán tước."
6. BỘ MÃ 馬 :
典妻鬻子 ĐIỂN THÊ CHÚC TỬ: là Cầm vợ bán con, ta nói là "Bán Vợ, đợ con."
販官鬻爵 PHIẾN QUAN CHÚC TƯỚC: hay MÃI QUAN CHÚC TƯỚC 買官鬻爵. Ta nói là "Mua quan bán tước."
6. BỘ MÃ 馬 :
MÃ 馬 : là Ngựa. MÃ 馬 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 |
Nét viết
|
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của con ngựa có
đầu, có mắt, có bờm, có đuôi và có chân hẵn hoi. Nên MÃ là Ngựa, một
trong lục súc được con người thuần hóa sớm nhất.
MÃ 馬 là Ngựa, là phương tiện giao thông đường bộ quan trọng nhất của ngày xưa, ta có các từ như: KỴ MÃ 騎馬 là Cởi ngựa.
MÃ XA 馬車: là Xe Ngựa, khác với XA MÃ 車馬 là Ngựa Xe trong thành ngữ:
Xa như lưu thủy, 車如流水,
Mã tự du long. 馬似游龍。
Có nghĩa :
Xe như nước chảy, ngựa tợ rồng bơi, để chỉ sự giao thông trôi chảy rất
thuận lợi và rất phồn thịnh. Cụ Nguyễn Du đã tả về hội du xuân rất náo
nhiệt trong Truyện Kiều:
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước aó quần như nen.
XA MÃ 車馬 : còn chỉ giai cấp qúy tộc, lên xe xuống ngựa, như trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều đã viết:
Mồi phú quý nhử làng XA MÃ,
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
MÃ
馬 còn hiện diện trong quân đội ngày xưa với MÃ BINH 馬兵, tức là KỴ BINH
騎兵 và Đoàn Kỵ Binh nổi tiếng thế giới của Mông Cổ được xưng tụng là Đoàn
Thiết Kỵ 鐵騎 đã giẫm nát Á Âu, chiếm Trung Quốc lập nên nhà Nguyên kéo
dài cả trăm năm thống trị.
Thiết kỵ Nguyên Mông
Có tất cả 192 chữ được ghép bởi bộ MÃ nầy, tiêu biểu có :
NGỰ 馭 : là Chế Ngự, là Kềm chế. Trong Minh Tâm Bửu Giám dạy về tu thân có câu:
坐密室如通衢, Tọa mật thất như thông cù,
馭寸心如六馬. Ngự thốn tâm như lục mã.
Có nghĩa :
Ngồi trong phòng kín, nhưng phải giữ gìn như đang ở ngã tư đường cái
vậy (Đừng ỷ y là trong phòng kín chẳng ai thấy mà làm chuyện ác đức trái
với lương tâm) và ...
Phải
biết chế ngự tấc lòng của mình như là chế ngự sáu con ngựa chứng vậy!
(Lòng ham muốn của con người ta mãnh liệt vô cùng!)
LƯ 驢 :
là Con Lừa. Từ kép là LƯ LA 驢騾 : Chỉ chung loại lừa. Thật ra 騾 LA là do
LƯ 驢 và MÃ 馬 giao phối mà sanh ra, Sức mạnh dẽo dai, chỉ giỏi chuyên
chở và kéo xe; không thông minh và xông xáo như Ngựa, nên Tăng Quảng
Hiền Văn có câu:
Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư, 養女不教如養豬,
Dưỡng tử bất giáo như dưỡng LA. 養子不教如養驢.
Có nghĩa :
Nuôi con gái mà không dạy thì như nuôi heo (đợi lớn để bán).
Nuôi con trai mà không dạy thì như nuôi con lừa (chỉ để kéo xe mà thôi chớ không làm nên chiến công gì cả!)
KỲ KÝ 騏驥 : là 2 giống ngựa quý, thuộc hạng Thiên Lý Mã, thường được ví với người Tài Giỏi, như câu đối của Cao Bá Quát:
Trói chân Kỳ Ký cho vào rọ,
Rút ruột tang bồng trả nợ cơm.
CÂU
駒 : là Ngựa trẻ, khỏe mạnh, từ dùng để gọi chung các con ngựa giỏi
thông thường, như Tiếng Vó Ngựa thì gọi là "Tiếng Vó Câu" và con ngựa
trắng của Kim Trọng cởi đã được cụ Nguyễn Du tả là:
Tuyết in sắc ngựa CÂU dòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
... hay khi được Hoạn Thư khuyên là: "Cách năm mây bạc xa xa, Lâm Truy cũng liệu tính mà thần hôn" thì Thúc Sinh đã:
Được lời như cởi tấc son,
VÓ CÂU run rủi nước non quê người!
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán một chữ cho vui:
Hữu thủ, hoài bão lý. 有手懷抱裡,
Hữu cước, bào thiên lý. 有腳跑千里。
Hữu thủy, thành bào ảnh, 有水成泡影,
Hữu hỏa, hưởng liên thiên. 有火響連天。
Có nghĩa :
Có tay, trong vòng tay,
Có chân, co giò chạy.
Có nước, tan thành bọt,
Có lửa, nổ vang trời!
Hẹn gặp lại bài sau, các bộ 11 nét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét