24 thg 3, 2017

Phải chăng người cổ đại đã góp phần tạo nên sa mạc Sahara?


 
(Ảnh: Internet)

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Seoul cho rằng sa mạc Sahara từng là đồng cỏ xanh màu mỡ, và chính con người đã góp phần sa mạc hóa nơi này.
Khi chúng ta quan sát những triền cát trải dài ngút tầm mắt của sa mạc Sahara ngày nay, có vẻ như nó đã như vậy từ bao đời rồi. Nhưng trong một giai đoạn ngắn vào khoảng 10.000 năm trước, nơi đây từng là một đồng cỏ xanh tươi, màu mỡ bao phủ trong những  hồ. Một nghiên cứu mới đây nhận định con người có thể là nhân tố then chốt trong quá trình chuyển dịch to lớn từ thảm cỏ xanh tươi màu mỡ sang sa mạc nóng bức khô cằn.

Đây là nghiên cứu mới của các nhà khảo cổ và sinh thái học từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Trong đó, họ phân tích vai trò của hoạt động con người trong quá trình sa mạc hóa Sahara. Quá trình này bắt đầu khi các cộng đồng dân cư từ thời kỳ đồ đá mới ở Châu Phi thử nghiệm nền nông nghiệp chăn nuôi gần sông Nin vào khoảng 8.000 năm trước, một kỹ thuật đã dần len lỏi sang phương Tây. Khi cộng đồng dân cư trải dài và mở rộng, ngày càng có nhiều gia súc được chăn thả, nên đồng cỏ xanh màu mỡ dần dần “vơi đi” theo thời gian.
Quá trình “gặt cây” đã khiến thảm cỏ xanh trở thành bụi rậm. Và khi không được che chắn trước ánh sáng Mặt Trời, lượng ánh sáng phản chiếu khỏi bề mặt Trái Đất gia tăng, từ đó ảnh hưởng đến tình trạng bầu khí quyển. Điều này châm ngòi cho sự sụt giảm lượng mưa gió mùa, thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình sa mạc hóa và thu nhỏ diện tích thảm thực vật. Vòng tuần hoàn ác tính này rốt cục đã lan rộng, biến một khu vực gần rộng bằng nước Mỹ thành một sa mạc khô cằn như ngày nay.


Quá trình “gặt cây” đã khiến thảm cỏ xanh trở thành bụi rậm. (Ảnh: Internet)
Phát hiện mới đã thách thức các nghiên cứu trước đây, vốn cho rằng sự chuyển dịch này được gây nên do sự thay đổi quỹ đạo Trái Đất hay sự thay đổi tự nhiên của thảm thực vật. Tuy nhiên, hoạt động của con người thời kỳ đồ đá mới được cho là đã thúc đẩy sự thay đổi sinh thái tại nhiều khu vực ở Châu Âu, Đông Á, và Châu Mỹ. Lấy ví dụ, một số phỏng đoán đảo Madagascar đã được định hình bởi con người thông qua việc đốt rừng quy mô lớn vào khoảng 1.000 năm trước. Không nói quá khi cho rằng điều tương tự có thể đã xảy đến với Sahara.
Tuy nhiên, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xác thực giả thuyết này. Các nhà nghiên cứu hy vọng trở lại Sahara để kiểm chứng ý tưởng này bằng cách quan sát xem cái gì nằm bên dưới lớp cát.

(Ảnh: Internet)
“Vào thời điểm này ở Sahara có hồ ở khắp mọi nơi, và chúng chính là hồ sơ ghi nhận sự thay đổi của thảm thực vật. Chúng tôi cần đào sâu xuống những lòng hồ nguyên gốc này để thu thập hồ sơ thảm thực vật, tiến hành quan sát khảo cổ để xem người xưa từng làm gì ở đó. Rất khó để lập mô hình các tác động của thảm thực vật lên hệ thống khí hậu. Trong vai trò nhà khảo cổ và nhà sinh thái, công việc của chúng tôi là đi ra ngoài kia và thu thập số liệu, để tạo nên những mô hình chi tiết hơn”.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Earth Science.
Quý Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét