"Tôi cứu giúp người khác nhưng không thể chẩn đoán
cho mẹ mình cũng như thay đổi hệ thống sức khỏe để bà được chăm sóc tốt
hơn", bác sĩ Minh-Chi Tran nghẹn ngào.
Bác sĩ Minh-Chi Tran làm việc tại Trung tâm y tế Đại học California (Mỹ) và đơn vị y tế của ABC News.
Nhân 100 ngày mất của mẹ cô là Mai-Phuong Tran hôm 17/3, Minh-Chi chia
sẻ những trăn trở nghề nghiệp, gửi lời nhắn nhủ đến những tất cả những
ai đã, đang và sẽ đi theo ngành y.
"Hỏi bất cứ sinh viên y khoa nào về lý do muốn trở thành bác sĩ, 9 trong 10 người sẽ đáp: "Tôi muốn giúp đỡ mọi người".
Câu trả lời đơn giản này là động lực cho
8 năm ngồi trên ghế nhà trường cùng nhiều năm thực hành điên cuồng. Giờ
đây, khi đã gần kết thúc khóa đào tạo của mình, tôi nhận thấy chúng ta
ngày càng ít nói đến việc giúp đỡ con người.
Chúng ta làm những điều vĩ đại trong đào
tạo y tế nhưng cũng tiếp xúc với thực tế phũ phàng. Tôi nhận chăm sóc
những người bị coi là thất bại xã hội. Không bảo hiểm y tế, hỗ trợ lâu
dài hay hiểu biết về sức khỏe, một nữ bệnh nhân cao tuổi của tôi bị suy
tim cùng bệnh thận không thể lấy thuốc hay lọc máu.
Ai có thể trách bà ấy vì đã ăn quá nhiều
đồ ăn nhanh trong khi không đủ tiền theo chế độ dinh dưỡng tôi đưa ra?
Tôi gặp bà ấy mỗi tuần trong bệnh viện để giúp bà khá hơn. Rồi bà về
nhà, không thể chi trả tiền thuốc thang hay thức ăn lành mạnh và quá
trình ấy lặp đi lặp lại. Trường hợp này không phải duy nhất.
Cuối cùng, những sinh viên y khoa trước
đây ngập tràn cảm hứng tự hỏi liệu có thật mình đang giúp người khác.
Liệu chúng tôi có tạo nên sự khác biệt và cải thiện chất lượng sống
không khi bệnh nhân nhập viện ngày càng nhiều? Ai mà biết được. Nhưng
chúng tôi sẽ tiếp tục công việc, lấp đầy ngày của mình bằng những câu
đùa dở tệ đầy mỉa mai để bảo vệ chủ nghĩa lý tưởng đang xói mòn trong
tim.
Rồi, một điều sẽ xảy đến khiến bạn suy
nghĩ lại về công việc của mình. Đối với tôi, đó là khi nhận ra mẹ mình
trở thành một trong những bệnh nhân đang trượt qua khe nứt của xã hội.
Chia sẻ một chút về gia đình. Bố mẹ tôi
là người đến Mỹ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Họ gặp gỡ, yêu
nhau và xây dựng gia đình. Mẹ tôi làm đủ công việc, cuối cùng gắn bó với
nghề cắt tóc. Trong tình trạng như thế, chúng tôi ở rất xa các đặc
quyền; lớn lên mà không có bác sĩ, nha sĩ hay bảo hiểm y tế. Chúng tôi
mạnh mẽ và hoàn toàn ổn.
Minh-Chi ngày còn nhỏ bên mẹ mình. Ảnh: Nhân vật chia sẻ.
Mẹ bắt đầu bị đau lưng. Tôi đang trực ở
bệnh viện và bằng chút kiến thức ban đầu của mình, tôi bảo bà uống
tylenol, ibuprofen rồi đi khám. Thành thật mà nói, gặp bác sĩ không đơn
giản như thế.
Cơn đau xấu đi. Mẹ chụp X-quang ở dịch vụ y tế khẩn cấp, kết quả bình thường.
Cơn đau lặp lại, ngày càng tệ hơn. Thời
điểm ấy, dịch vụ Obamacare đã được ban hành và mẹ tôi có bảo hiểm theo
luật. Mất một thời gian, mẹ đặt lịch hẹn chụp MRI, phương pháp chụp tân
tiến cho phép bác sĩ hiểu nhiều hơn về cơn đau.
Một tuần trước ngày chụp MRI, tôi nhận
cuộc gọi từ phòng cấp cứu. "Mẹ cô ngất rồi, bà ấy có một khối u trong
xương sống và bị liệt. Bà ấy đang được đưa đến phòng cấp cứu để phẫu
thuật". Mẹ vượt qua ca mổ nhưng bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Gia đình
tôi đối diện với cú sốc tình cảm cùng những lo toan kinh tế.
Cơ sở phục hồi chức năng mà chúng tôi
muốn không chấp nhận mức bảo hiểm của mẹ. Các bác sĩ chuyên khoa cũng
vậy. Chúng tôi tìm kiếm mãi, cuối cùng cũng có người đồng ý chăm sóc mẹ.
Hàng tháng trời sau khi chẩn đoán, bà bắt đầu điều trị ung thư.
Mẹ khỏe lên đôi chút và gia đình tôi bắt
đầu nghĩ đến cấy ghép tủy xương. Thế nhưng họ lại từ chối bảo hiểm của
bà. Thay vào đó, chúng tôi được đề nghị chuyển sang dịch vụ điều trị
hạng hai thay cho cấy ghép đắt đỏ. Trước khi đưa ra quyết định, bệnh
tình mẹ xấu đi. Bà qua đời sau đó vài tuần.
Và giờ, tôi ở đây. Một bác sĩ với kiến
thức cùng kinh nghiệm y học. Tôi cứu giúp người khác. Nhưng tôi đã không
thể chẩn đoán cho mẹ mình cũng như thay đổi hệ thống sức khỏe để bà
được chăm sóc tốt hơn. Tôi đã trải qua một giai đoạn kỳ lạ. Tôi cảm thấy
mình như một thất bại nhưng vẫn cố gắng khám chữa cho bệnh nhân.
Rồi, cơn đau cũng được xoa dịu. Tôi bắt
đầu nhìn thấy hình ảnh mẹ trong các bệnh nhân của mình. Thiếu thốn tiền
nong, thiếu thống phương tiện, bất lực trước một căn bệnh mạn tính. Mẹ ở
đó, mẹ ở đó trong những câu chuyện bệnh nhân mà tôi thấu hiểu. Và tôi
nhớ lại, tôi muốn giúp người khác, tôi muốn giúp bạn, tôi muốn giúp bà".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét