Bắc
qua sông Trường Giang (Quảng Nam), cầu dài 320 m làm từ 2.000 cây tre đã
giúp người dân hai xã đi lại dễ dàng, 20 năm qua chưa xảy ra vụ tai nạn
nào.
Ngày đầu tháng 10, trong căn chòi nhỏ dựng bên cây cầu tre vắt vẻo bắc
ngang sông Trường Giang, ông Phan Khâm (61 tuổi, xã Bình Dương, Thăng
Bình) chờ từng lượt khách qua để thu phí. Với 5.000 đồng một lượt xe
máy, giữ cầu từ 3h sáng đến 19h tối mỗi ngày, ông Khâm thu về khoảng
300.000 đồng.
Ông Khâm kể, bị ngăn cách bởi sông Trường Giang, trước đây người
dân 2 xã Bình Dương và Bình Giang (huyện Thăng Bình) phải qua lại bằng
đò ngang hoặc đi vòng hàng chục cây số rất bất tiện. “Mùa nắng thì đi đò
nhưng mùa mưa chẳng ai dám đi vì sợ lật. Chỉ cách mỗi con sông mà người
dân phải đi vòng hàng chục cây số”, ông Khâm nói. Từ nhu cầu đó, năm
1996 ông cùng 2 hộ dân xin phép huyện rồi chung tiền làm cầu tre để dân
làng qua lại.
Dài 320 m, đây là cây cầu tre dài nhất Việt Nam. Ảnh: Tiến Hùng.
|
Một tháng sau, cây cầu làm từ 2.000 cây tre, dài 320 m hoàn thành và được cho là cầu tre dài nhất Việt Nam. Nguyên liệu làm
cầu được lựa chọn kỹ lưỡng, là những cây tre già, đặc ruột. Dây thép và
lốp xe đạp được dùng để buộc các đoạn tre lại với nhau. Phần trụ cầu
làm từ 600 cây tre, cắm xuống sông làm 2 hàng bắt chéo, tạo thành trụ
đỡ. “Đoạn sông chỗ sâu nhất 5 m, vì vậy cây tre làm trụ phải chắc chắn
và dài hơn 10 m. Vị trí cao nhất của cây cầu cách mặt nước khoảng 3 m,
đủ để thuyền nhỏ qua lại dễ dàng”, ông Khâm cho hay.
Phần giữa cầu được thiết kế để có thể tháo dỡ dễ dàng mỗi khi có tàu,
thuyền lớn qua lại hoặc đến mùa mưa bão. Theo ông Khâm, chi phí làm cầu
năm 1996 tốn hơn 50 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, xe máy qua đây
phải đóng 1.500 đồng, xe đạp 800 đồng và đi bộ 500 đồng. Số tiền này
bằng với giá qua lại đò ngang trước đó. “2 năm đầu không phải đóng thuế,
những năm sau đó mỗi tháng chúng tôi đều phải đóng vào ngân sách của
xã”, ông Khâm nói.
Trận lũ năm 1999, gần như toàn bộ cầu bị cuốn trôi. Ba hộ dân phải bỏ
tiền mua vật liệu, thuê người dựng lại, tuy nhiên lúc này giá cả tăng
vọt nên chi phí làm cầu mất gần 150 triệu đồng. Theo họ, do phải
đóng thuế cho chính quyền xã Bình Dương, chi phí mua vật liệu ngày càng
đắt đỏ nên buộc phải tăng giá vé qua cầu. Tuy nhiên, sợ người dân phản
ứng, ba hộ dân không dám tăng quá nhiều dẫn đến việc tiền thu về không
đủ để sửa chữa. “Tre bị hỏng phải thay liên tục nhưng giá cây tre tăng
nhanh. Thu tiền của dân làng mà không đảm bảo an toàn cho họ thì rất áy
náy”, chủ cầu trăn trở nói.
Cầu được làm từ 2.000 cây tre bắc qua sông Trường Giang nối 2 xã Bình Dương và Bình Giang. Ảnh: Tiến Hùng.
|
“Mỗi tháng 3 chủ cầu phải đóng cho xã 300.000 đồng, chúng tôi cũng
không biết số tiền đó xã dùng làm gì”, ông Khâm nói và cho hay mãi đến
năm 2011, khi chính quyền địa phương lập dự án nạo vét sông Trường Giang
để tàu thuyền lớn qua lại thì xã mới ngừng thu thuế. Nạo vét sông đồng
nghĩa với việc phải phá dỡ cây cầu nên xã mới không thu thuế. Sau đó dự
án này không thực hiện được, việc thu thuế cũng được xã "quên" từ đó đến
nay.
Hiện, mỗi xe máy qua lại phải đóng phí 5.000 đồng, nếu chở thêm
người thì đóng 6.000 hoặc 7.000 đồng, xe đạp 3.000 đồng và đi bộ 2.000
đồng. “Chúng tôi phải dậy từ sớm để ra thu phí vì sáng sớm mới nhiều
người qua lại để buôn bán, mỗi ngày như vậy kiếm được gần 300.000 đồng,
một tháng mỗi hộ được giữ 10 ngày nên thu về khoảng 3 triệu đồng. Mặc dù
hiện nay không còn phải đóng thuế nhưng số tiền này chẳng đáng là bao
khi liên tục phải mua nguyên vật liệu bảo dưỡng cầu”, vợ ông Khâm cho
hay.
Làm nghề tiểu thương, hàng ngày bà Trần Thị Hường (45 tuổi, xã Bình
Giang) qua lại cây cầu này đến 4 lượt để qua bên kia sông buôn bán, số
tiền phí bà phải đóng là 20.000 đồng mỗi ngày. “Số tiền đó đối với người
làm nghề buôn bán nhỏ như tôi là rất lớn, nhưng họ bỏ tiền làm cầu nên
thu phí như vậy cũng không trách được. Lẽ ra chính quyền phải hỗ trợ để
họ có kinh phí sửa chữa, chúng tôi cũng an tâm mỗi khi qua lại”, bà
Hường nói.
Hiện nay, mỗi lượt xe máy qua cầu phải đóng phí 5.000 đồng, xe đạp 3.000 đồng và đi bộ 2.000 đồng. Ảnh: Tiến Hùng.
|
Theo người dân, trước đây trên sông Trường Giang đoạn qua các huyện Duy
Xuyên và Thăng Bình có 8 cầu tre được làm theo kiểu của 3 hộ dân. Tuy
nhiên vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải đóng thuế cho chính
quyền nên những cây cầu lần lượt bị phá bỏ. Một trong số điểm cầu ngày
xưa hiện đã được làm bằng bêtông, phần còn lại người dân phải đi vòng
hoặc đò ngang.
Nhắc đến cây cầu tre, ông Cao Thành Phiện, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết được sử dụng từ gần 20 năm nay, nhưng may mắn chưa có vụ tai nạn nào xảy ra trên cây cầu này. Về việc thu thuế, do mới làm chủ tịch xã từ năm 2011 nên ông không nắm rõ số tiền thuế được thu dùng làm gì. “Sau khi tôi làm chủ tịch xã đã chỉ đạo không được thu thuế của chủ cầu”, ông Phiện nói.
Tiến Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét