23 thg 9, 2015

Nhật Bản-Trung Hoa: Nuôi Con Kẻ Thù - Thuyên Huy



Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 21/09/15


    Trận cuồng lũ ác nghiệt qua rồi nhưng mấy ngày nay trời Tokyo vẫn âm u và còn nhiều cơn mưa về  vội, không lớn nhưng kéo dài từng chập, Yohachi Nakajima, năm nay đã ngoài 70, ngồi trong nhà nhìn xuống lưng đồi, tách trà nóng trên tay, tự dưng lòng buồn buồn, theo tiếng mưa nhỏ giọt đều đều trên mấy cành hoa anh đào vừa tàn sớm. Bất chợt, ông không ngăn được nước mắt, khi nhớ đến người mẹ nuôi, người mẹTrung Hoa và cái làng quê đất ruộng nghèo nàn, mà ông đã có lần gọi đó là nhà, trong những năm Nhật Bản xua quân xâm chiếm các nước láng giềng châu Á cho giấc mơ mộng bá đồ vương.

    Ngày đó, Nakajima mới tròn ba tuổi, khi quân Nhật đầu hàng hôm 15 tháng 8 năm 1945, chấm dứt thế chiến thứ hai, rút đi, bỏ lại sau lưng hơn 1 triệu rưỡi người Nhật ở Manchukuo, thủ phủ của chính quyền do họ lập nên, trong vùng đất đông bắc Trung Hoa. Nông dân, người lao động và lính trừ bị Nhật đã di dân đến Manchukuo từ những năm 1930, tin theo lời quảng bá của Nhật triều về một tương lai sáng lạng sẽ có theo gót giày bành trướng của quân đội họ trên khắp vùng châu Á. Cha của Nakajima, Hiroshi, lúc bấy giờ, là một trong những người di dân đó, nhưng đời sống ở tuyến đầu cho thấy khốn đốn hơn họ tưởng, ông bị động viên vào lính không đầy ba tuần lễ trước khi Nhật đầu hàng, số phận ông ra sao không ai biết. Vì bệnh tật, yếu đuối và nghèo đói, mẹ của Nakajima đành phải tìm đến một gia đình người Trung hoa trong làng, nhờ họ nuôi nấng giùm con mình, mặc dù ai cũng thù ghét bọn Nhật xâm lược, ông Nakajima bùi ngùi, “phải thật có lòng nhân từ của con người nên gia đình này đã nhận ông, một đứa con của kẻ thù, làm con nuôi và nuôi dưỡng cho đến ngày không lớn”.
     Thằng bé gầy còm, thiếu ăn, được người ta mang đến nhà hội của làng trước hàng trăm cặp mắt tò mò, hờn căm soi mói của dân chúng, một người đàn bà, tên Sun Zhenqin, đứng ra, tình nguyện nhận nó, Yohachi Nakajima, đem về săn sóc và đặt cho cái tên mới, tên Trung hoa, là “Lai Fu”, có nghĩa là “sự may mắn đến”. Bà Sun đã kiên nhẩn, ngồi đút cơm, xoa bóp cái bụng thóp, đói khát và lạnh buốt của thằng bé, may mắn nữa, bà là một “cô mụ” nên bà biết mình phải làm gì.
    Sau khi Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật tuyên bố đầu hàng, tình cảnh của những người di dân Nhật, bị kẹt lại ở vùng đông bắc Trung hoa thê thảm hơn, cả hàng chục ngàn người chết vì đói và bệnh tật vào ngay mùa đông lạnh buốt khủng khiếp, cuối năm đó. Có nhiều người đã tự tử tập thể cả nhóm, họ kéo nhau vào một căn nhà nhỏ nào đó, rồi mở chốt lựu đạn nổ tung cho chết chung, trong khi nhóm đàn ông khác dùng gươm đâm chém đàn bà, con nít chết đi, để họ không còn phải chịu đớn đau hành hạ. Người ta tin rằng, có khoảng chừng hơn chục đứa trẻ Nhật được một số gia đình dân địa phương nhận nuôi, số lớn khác chết vì đói hay bệnh tật hay bị chính người Nhật giết chết theo họ, không có con số dữ kiện nào cho biết bao nhiêu đứa sống sót. Mẹ của Sun Shouxun, người đàn ông 58 tuổi, hiện sống tại thành phố Changchun, là một trong những người nhận nuôi đứa con Nhật. Ông Sun miêu tả, người em gái nuôi này được xem là “viên ngọc trong lòng tay” của cha mẹ mình. Theo ông, lúc bấy giờ, dân chúng Trung hoa chống đối việc cha mẹ ông nuôi con Nhật và ngay cả bà con họ hàng của ông cũng vậy nhưng mẹ Sun nhất định làm theo ý bà.
    Không biết rõ có bao nhiêu đứa trẻ Nhật tìm được “nhà mới” ở Trung hoa như Nakajima và người em gái của ông Sun nhưng Tokyo xác nhận khoảng trên 2800 em. Nakajima trở lại Nhật Bản khi ông được 16 tuổi, và sau đó, ông chỉ nói chuyện một lần với bà mẹ nuôi người Trung hoa của mình năm 1966, trong chuyến đi du lịch Trung hoa, mà ông làm công việc một người thông dịch viên cho tổ chức trao đổi văn hóa Trung-Nhật, tuy nhiên sau đó, dưới chính quyền Trung cộng, cuộc Cách Mạng Văn hóa xãy ra, ngăn cấm người ngoại quốc đến nước này. Nakajima chỉ nói chuyện được với bà mẹ nuôi, qua một cú điện thoại ngắn ngủi, vì bà chỉ biết gọi tên ông “Lai Fu, Lai Fu”, thế thôi, trước khi đường dây bị cúp ngang. Hai mẹ con không bao giờ nói chuyện được với nhau nữa và bà Sun Zhenqin đã chết năm 1975.
    Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cố gắng, tìm cách đưa những người di dân Nhật còn ở lại Trung hoa, nhiều năm sau 1972 khi hai bên Trung Cộng và Nhật Bản quyết định, đồng ý tái lập bang giao. Không phải chỉ có trẻ em mà cũng có những cô gái trẻ, vốn được đưa đến Trung hoa để kết hôn với đàn ông di dân Nhật. Fumiko Nishino, 88 tuổi, là một trong các người đó, mặc dù, lý do chính thức bà được đưa đến Manchukuo, cùng với hai người em gái khác để làm điện thoại viên cho quân đội, ba người được sắp xếp chuyến về nước nhưng bà Nishino, có hai đứa con song sinh với một người lính Trung hoa lúc đó, từ chối không chịu xuống tàu, bà nói thêm “đã không còn liên lạc, không điện thoại, không thư từ với gia đình ở Nhật năm này qua năm kia sau đó”. Cuối cùng, khi bà trở lại Nhật, giữa những năm 1970, ở nhà có một mấm mồ, và mộ bia khắc tên bà đã chết năm 19 tuổi, bà đập bỏ nó, cả gia đình ôm nhau vừa khóc vừa cười ra nước mắt. Bộ An Sinh Nhật nói rằng, đã có khoảng 4150 người như Nishino trở lại Nhật, trong khi nhiều người còn lại, chỉ qua Nhật vài lần với tư cách người đi du lịch. Reimei Sakuma, năm nay 72 tuổi, là đứa con của  một người lính Nhật, được một gia đình người Trung hoa nhận nuôi, ông trở lại Nhật lần đầu năm 1986 và sau đó ông ở lại Nhật luôn. Ông Sakuma cũng tìm thấy tên của mình khắc trên tấm mộ bia, do thân nhân dựng lên vì cho là ông đã chết.
    Trong năm 1959, chánh phủ Nhật cho biết có gần 20 ngàn người Nhật đi ra sống ở nước ngoài, hầu hết tại Trung hoa, đều đã chết hay không có ý định trở lại quê hương, coi như những người di dân Nhật này gián tiếp bị bỏ rơi một lần nữa. Theo kinh nghiệm đã trải qua, đối với Sakuma, “lúc đó, ông cảm thấy mình không còn hy vọng và chỉ trông chờ vào sự nhân từ của hai bên có quyền lực quyết định mà thôi”. Chuyện dài thương tâm của cuộc chiếc ngày đó, vẫn còn là đề tài mà hai bên, Tokyo-Bắc Kinh tranh cải, Trung cộng nói rằng, “hơn 20 triệu người dân họ đã chết vì sự xâm lăng, chiếm đóng và tàn sát dã man của Nhật Bản”. Nakajima là một trong những người may mắn, ông trở về sum họp với người mẹ ruột, bà cũng tìm được đường về Nhật Bản vài năm sau đó và mẹ con thường xuyên gặp gỡ nhau cho đến ngày bà mất đi năm 98 tuổi nhưng lòng nhân từ và tử tế của của người mẹ nuôi Sun, và những người dân làng Trung hoa khác, là một trong những ký ức mà ông không bao giờ quên, trong đó có hình ảnh của những ngày nặng nhọc trên đồng ruộng và mấy củ khoai lang nóng, bốc hơi khói trên cái chén nhỏ, chờ đợi kẻ đói lòng khi chiều về, lúc trời chập chững vào đêm.
   
    Nakjima bưng tách trà lên, chầm chậm uống một hớp nhỏ, nhìn một lần nữa phía ngoài chân trời xa, đỉnh Phú Sĩ Sơn phủ trọn một màu tuyết trắng, ngậm ngùi nói thầm “chuyện gì xãy ra nếu câu chuyện được sắp xếp ngược lại, ông không biết là người Nhật có làm như người mẹ nuôi Trung Hoa Sun Zhenqin đã làm hay không”.
   
Thuyên Huy
FM974 - Melbourne.
Ảnh minh họa:Của Pixabay : trong khu phố nghèo ở BKinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét