(hoc trò của ông vẻ )
Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng
Lời mở đầu
Như đã trình bày trong bài viết trước (1) trong quá trình tìm hiểu cách suy nghĩ và học như thế nào của người Nhật Bản mà họ đã có thể xây dựng đất nước của họ phát triển nhanh mạnh và có nền đạo đức được thế giới chú mục và tán thưởng nhiều ngay cả hiện tại, tôi may mắn gặp được Itô Jinsai. Người viết đã bắt dịch một phần của Đồng Tử Vấn quyển thượng và đọc sơ qua quyển trung và hạ trong lúc đi bộ mỗi ngày. Sau đó, đọc và lập mục lục chi tiết và tóm tắt đại ý của mỗi bài của sách Mạnh Tử do Kobahashi Katsundo chú dịch (2) vì chưa tìm ra phiên bản chú giải sang tiếng Nhật hiện đại của Mạnh Tử Cổ Nghĩa của Itô Jinsai. Kế đến dịch một số bài trong Luận Ngữ Cổ Nghĩa nhưng vì sợ không hiểu rõ ý nghĩa các từ ngữ quan trọng sẽ dịch không đúng ý của tác giả nên đã tạm ngừng lại để tìm hiểu và cố gắng dịch Ngữ Mạnh Tự Nghĩa, sách giải thích ý nghĩa xưa của các từ quan trọng để hiểu Luận Ngữ và Mạnh Tử. Sở dĩ người viết dịch bởi vì quá trình dịch thuật giúp người viết suy nghĩ, tìm hiểu nội dung tác giả muốn truyền đạt để dịch cho đúng, độ sâu hiểu nội dung hoàn toàn khác với đọc.
Sách Ngữ Mạnh Tự Nghĩa còn cho biết tầm quan trọng của việc hiểu đúng ý nghĩa khi xưa của các từ Hán đồng thời cho biết những nội dung giải thích sai lạc hoặc tùy tiện của Tống Nho do ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Thích ca và Lão tử.
Trước khi giới thiệu nội dung cụ thể của sách, người viết trước hết giới thiệu lời tựa của tác giả viết ở đầu sách và mục lục chi tiết có ghi đại ý của mỗi tiết mục để quý độc giả có thể nắm sơ bộ sách nói về những nội dung gì. Đại ý này người viết dịch lại tựa đề của các Điều trong mỗi tiết mục mà cố giáo sư Shimizu Shigeru, đại học Waseda đã đặt trong Tài liệu tham khảo ghi ở cuối bài. Vì là tựa đề nên đôi khi không đủ để hiểu đại ý. Người viết dự định sẽ bổ sung sau khi dịch nội dung của các Điều trong sách xong.
Lời mở đầu của sách Ngữ Mạnh Tự Nghĩa (4)
Lúc trước tôi khuyên người có chí muốn học (đạo thánh nhân) nên đọc thật thuần thục kỹ và suy xét tinh tường 2 sách Luận Ngữ và Mạnh Tử cho đến mức độ ý tưởng và ngữ mạch (sự kết nối giữa các chữ Hán) (3) của thánh nhân trở nên rõ ràng như có ở giữa mắt và tâm của mình, nghĩa là không những hiểu rõ và biết phân biệt đầy đủ ý nghĩa của lời nói trong sách và huyết mạch của học thuyết Khổng Mạnh mà còn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ và tại sao được dùng như vậy (đạo lý) để không phải mắc phải những sai lầm lớn.
Đối với học vấn (việc học) ý nghĩa của từng chữ một thật sự nhỏ, không lớn.Tuy nhiên một khi hiểu sai một chữ (Hán) trong 2 sách nói trên thì tai hại không phải nhỏ! Nghĩa của từng chữ một cần phải ăn khớp với ý tưởng và ngữ mạch hoặc văn mạch của 2 sách thì mới có thể không hiểu sai ý của thánh nhân muốn truyền đạt. Không được hiểu nghĩa chữ một cách cẩu thả, hoặc giải thích nghĩa chữ tùy tiện, nghĩa là giải thích nghĩa chữ theo chủ quan của mình.
Nói cách khác, không được “lấy râu ông này cắm càm bà kia” hoặc “đầu xe bò (nghĩa chữ thật sự) quay về hướng bắc mà lại muốn đi (giải thích nghĩa chữ theo ý mình) về hướng nam”. Nếu làm như vậy thì dù học cũng không có kết quả.
Do đó, tôi mới biên soạn một thiên Ngữ Mạnh Tự Nghĩa này để làm phụ lục cho 2 sách Luận Ngữ Cổ Nghĩa và Mạnh Tử Cổ Nghĩa. Về nội dung chi tiết thì đã có trong 2 sách Cổ Nghĩa, không thêm những điều dư thừa nào nữa ở thiên sách này.
Tháng 5, Thiên Hòa năm thứ 3 năm Quý Hợi (năm 1683)
Tại Lạc Dương (Kyoto) Y Đằng Duy Trinh cẩn thức.
Mục lục và đại ý
Ngữ Mạnh Cổ Nghĩa gồm có 2 quyển: thượng và hạ; quyển thượng gồm có 14 hạng mục như: Thiên đạo, Thiên mệnh, Đạo…, quyển hạ gồm có 16 hạng mục, tổng cộng 30 hạng mục, ở đây lấy mỗi hạng mục làm “tiết” của sách. Mỗi hạng mục gồm có 1 Điều trở lên. Hạng mục “Nhân nghĩa lễ trí” có số điều nhất là 14 điều, kế đến hạng mục Thiên mệnh gồm 10 điều, hạng mục Thiên đạo gồm 7 điều. Quyển thượng gồm có 64 điều, quyển hạ gồm 49 điều, tổng cộng 113 điều.
Bảng 1 Số hạng mục và số điều của Ngữ Mạnh Tự Nghĩa
Số hạngmục | Số điều | Phân bố số điều của các hạng mục | |
Quyển thượng | 14 | 64 | Nhân nghĩa lễ trí: 14 điều, Thiên mệnh: 10 điều, Thiên đạo: 7 điềuSố hạng mục có 5 điều: 5 |
Quyển hạ | 16 | 49 | |
Tổng cộng | 30 | 113 |
Bảng 2 Mục lục chi tiết và đại ý của các điều
STT | Tiết vàĐiều | Đại ý của các Điều |
Quyển thượng | ||
1 | Thiên đạo (Đạo trời) | |
Điều 1 | Lấy sự thay đổi biến động làm bản thể của vạn vật. | |
Điều 2 | Lưu hành và đối đãi (1). | |
Điều 3 | Tồn tại của nguyên nhất khí(gồm một âm và một dương). | |
Điều 4 | Sống và chết không đối lập với nhau (Sống và chết là đối đãi). | |
Điều 5 | Mở đầu và kết thúc của trời đất | |
Điều 6 | Thiên đạo đưa phúc cho việc thiện đưa họa cho việc ác. | |
Điều 7 | Thiên đạo với vai trò chủ tể (thống trị hết tất cả mọi vật). | |
2 | Thiên mệnh (Mệnh trời) | |
Điều 1 | Ý nghĩa đúng của thiên mệnh. | |
Điều 2 | Khác biệt giữa thiên mệnh và mệnh của trời. | |
Điều 3 | Nghĩa của “Mệnh” là “sai khiến”, “mệnh lệnh của cấp trên”. | |
Điều 4 | Mệnh là hình thể của cát hung, họa phúc mà con người không thể làm gì được. | |
Điều 5 | Thiên mệnh không hàm chứa ý nghĩa âm dương lưu hành. | |
Điều 6 | Khác biệt giữa thiên đạo và thiên mệnh. | |
Điều 7 | Ý nghĩa của “Biết mệnh trời”. | |
Điều 8 | Mệnh không phải là thứ để dùng giảng giải cho người hạng trung trở xuống (như Chu Hy chủ trương). | |
Điều 9 | Phân biệt giữa mệnh và nghĩa. | |
Điều 10 | Mệnh không có nghĩa là không thay đổi được. | |
3 | Đạo | |
Điều 1 | Ý nghĩa của đạo. | |
Điều 2 | Đạo hiện hữu trong tự nhiên. | |
Điều 3 | Đạo phải là con đường ai cũng có thể đi qua được. | |
Điều 4 | Từ “đạo thể” bắt đầu từ Tống Nho (Chu Hy tập hợp các lời của Chu Đôn Di, Nhị Trình tử, Trương Tái). | |
Điều 5 | Đạo không phải là thứ (vật) hư không (như Phật Lão chủ trương). | |
4 | Lý | |
Điều 1 | Lýlà điều lý (căn cứ để phán đoán giá trị) của sự vật. | |
Điều 2 | Thánh nhân cho lý là thật, Lão tử cho lý là hư. | |
Điều 3 | Khác biệt của lý và nghĩa. (Chương Cáo Tử thượng). | |
Điều 4 | Hư và tịch寂(tĩnh lặng) không phải của Nho học. | |
Điều 5 | “Trùng mạc vô trẫm沖漠無朕” không phải là đạo của thánh nhân. | |
5 | Đức | |
Điều 1 | Tên gọi chung của nhân nghĩa lễ trí. | |
Điều 2 | Chữ đức không thể phiên âm đọc bằng tiếng Nhật theo nghĩa của chữ Hán (không thể kunyomi). | |
Điều 3 | Khác biệt giữa đức và đạo. | |
Điều 4 | Thánh nhân nói đức mà không nói tâm. | |
6 | Nhân nghĩa lễ trí | |
Điều 1 | Định nghĩa của nhân nghĩa lễ trí. (Không dựa nhiều theo chú giải của cổ điển). | |
Điều 2 | Hãy hiểu theo giải nghĩa nhân nghĩa lễ trí của Mạnh Tử. | |
Điều 3 | Nhân nghĩa lễ trí là tên của đạo đức. (Xem Điều 1 của Đức). | |
Điều 4 | Hai loại nghị luận về đức của nhân nghĩa lễ trí: bản thể và tu vi. | |
Điều 5 | Nhân nghĩa là căn bản, lễ trí từ đó mà phát sinh ra. | |
Điều 6 | Nhân nghĩa cả hai đều không thể thiếu nhau. | |
Điều 7 | Các đệ tử Khổng tử đã có nhân trong người nên không bàn luận thêm về nhân chỉ luận về đạo đức phát sinh từ nhân. | |
Điều 8 | Nhân không phải là tính. (Phê bình Tống Nho) | |
Điều 9 | Ý nghĩa của nghĩa. (Phê bình giải nghĩa theo âm đọc của chữ Hán) | |
Điều 10 | Nguyên lý của lễ. | |
Điều 11 | Ý nghĩa của trí. | |
Điều 12 | Lý do Khổng tử nói chung nhân trí, Mạnh tử nói cung nhân nghĩa. | |
Điều 13 | Điểm khác nhau giữa Phật Lão, hậu Nho với Khổng Mạnh. | |
Điều 14 | Người về sau ít quan tâm đến đức của nhân. | |
7 | Tâm | |
Điều 1 | Định nghĩa của tâm. | |
Điều 2 | Chủ trương “Tâm thống nhất tính và tình” là sai. | |
Điều 3 | Tâm là thứ có thực thể. | |
Điều 4 | Việc tỉ dụ tâm thánh nhân như gương sáng hoặc mặt nước đứng yên (Trình tử Di Thư) là không thích hợp. | |
8 | Tính | |
Điều 1 | Định nghĩa của tính. | |
Điều 2 | Tính của Khổng Mạnh nói là tính của khí chất (không phải khí của bản thể như Tống Nho chủ trương). | |
Điều 3 | Chứng cứ cho thấy tính của Mạnh tử nói là tính của khí chất. | |
Điều 4 | Phê bình nội dung giải thích về tính vốn thiện của Tống Nho. | |
Điều 5 | Xem tính là tĩnh là tư tưởng của Lão Trang. | |
9 | Tâm của tứ đoan | |
Điều 1 | Nghĩa của từ đoan. | |
Điều 2 | Phê bình nội dung giải thích tứ đoan của Chu Hy và Lục Cửu Yên. | |
10 | Tình | |
Điều 1 | Tình là ham muốn của tính. | |
Điều 2 | Khác biệt của tình và tâm. | |
Điều 3 | Chữ chắc chắn hàm chứa việc dùng công phu là tâm, tính, chí; chữ tình, tài chắc chắn không dùng công phu. | |
11 | Tài | |
Điều 1 | Tài là khả năng của tính. | |
12 | Chí | |
Điều 1 | Định nghĩa của chí. | |
Điều 2 | Chí chỉ dùng khi hướng về việc thiện. | |
13 | Ý | |
Điều 1 | Ý là tính toán, so sánh nhiều lần của tâm. | |
Điều 2 | Chữ ý cũng thuộc về loại không dùng công phu. | |
14 | Lương tri lương năng | |
Điều 1 | Lương tri lương năng là tâm của tứ đoan. | |
Điều 2 | Phê bình học thuyết trí lương tri của Vương Dương Minh. | |
Quyển hạ | ||
15 | Trung tín | |
Điều 1 | Định nghĩa của trung và tín. | |
Điều 2 | “Lấy trung tín làm chủ” là gia pháp của Khổng môn. | |
Điều 3 | Tầm quan trọng của trung tín. | |
Điều 4 | Trung và tín là 2 thứ khác nhau. | |
Điều 5 | Học có bản thể và tu vi. Nhân nghĩa lễ trí: bản thể; trung tín kính thứ: tu vi. | |
16 | Trung thứ | |
Điều 1 | Định nghĩa của trung thứ, đặc biệt về thứ. | |
Điều 2 | Giải thích “Thứ là suy đoán bản thân” là không chính xác. | |
Điều 3 | Thứ không phải chỉ là việc của người có học. | |
Điều 4 | Quan hệ của nhân nghĩa và trung thứ. | |
Điều 5 | Trung thứ là nội dung trọng yếu để hoàn thành đạo đức. | |
17 | Thành | |
Điều 1 | Định nghĩa của thành | |
Điều 2 | Phân biệt giữa “Thành đối với điều một điều gì” với “Lấy trung tín làm chủ” | |
Điều 3 | Học của thánh nhân lấy thành làm tôn chỉ | |
Điều 4 | Thành của đạo thánh nhân nghĩa là thật. | |
18 | Kính | |
Điều 1 | Giải thích nghĩa kính. (Phê bình chủ trương “Phương pháp tu dưỡng bằng tập trung nhận thức (“Trì kính”) và “Lấy kính làm chủ yếu” (“Chủ kính”) của Tống Nho. | |
Điều 2 | Kính không phải là căn bản duy nhất của Nho học. | |
19 | Hòa trực | |
Điều 1 | Hòa và trực là từ khẩn yếu của thánh môn. | |
20 | Học | |
Điều 1 | Học là bắt chước, hiểu thấu (giác ngộ) | |
Điều 2 | Việc học (học vấn) cần phải xem xét chủ ý của thánh nhân. | |
Điều 3 | Việc học gồm cả biết (tri) và làm (hành). | |
Điều 4 | Việc học cần 2 việc:1) Tìm và nắm vững huyết mạch, 2) Hiểu nội dung của học thuyết. | |
21 | Quyền | |
Điều 1 | Nghĩa gốc và tính cần thiết của quyền. | |
Điều 2 | Đối (trái ngược) của với quyền không phải là kinh mà là lễ. | |
Điều 3 | Cần phải dùng quyền. | |
Điều 4 | Cách mạng không phải là quyền. | |
22 | Thánh hiền | |
Điều 1 | Thánh hiền vốn không phải tên gọi đối với nhân vật siêu nhân. | |
23 | Quân tử và tiểu nhân | |
Điều 1 | Quân tử, tiểu nhân vốn là tên gọi để chỉ địa vị trong xã hội. | |
Điều 2 | Việc học (học vấn) là tiến vào đạo của người quân tử. | |
Điều 3 | Khác biệt của đạo của quân tử và đạo của thánh nhân. | |
24 | Vương và bá | |
Điều 1 | Định nghĩa của vương và bá. | |
Điều 2 | Phân biệt của vương và bá. | |
Điều 3 | Quan hệ giữa vương, bá và luật pháp. | |
25 | Quỷ thần. Bói toán (phụ thêm) | |
Điều 1 | Định nghĩa của quỷ thần. | |
Điều 2 | Về thuyết quỷ thần nên theo sách Luận Ngữ. | |
Điều 3 | Sách Luận Ngữ và Mạnh Tử không nói về bói toán. | |
Điều 4 | Không thể tin cậy vào bói toán. | |
26 | Kinh Thi | |
Điều 1 | Quy tắc đọc kinh Thi. | |
Điều 2 | Sáu “nghĩa” (loại) của kinh Thi (Phê bình phân chia kinh Thi ra 6 loại như phong, phú, bỉ (tỉ)… của Đặng Huyền, Chu Hy là không hợp lý). | |
Điều 3 | Khen chê của kinh Thi. (Phê bình việc Chu Huy phế bỏ lời tựa của mỗi thiên trong kinh Thi). | |
27 | Kinh Thơ | |
Điều 1 | Có rất nhiều nội dung không còn và ngụy tạo. | |
Điều 2 | Người đọc kinh Thư cần hiểu ý của Khổng tử chỉ thuật y nguyên truyện của Nghiêu Thuấn. | |
Điều 3 | Luận của Âu Dương Tu về kinh Thư. | |
28 | Kinh Dịch | |
Điều 1 | Kinh Dịch giảng giải bằng nghĩa lý. | |
Điều 2 | Thập Dực không phải là trước tác của Khổng tử. | |
Điều 3 | Dịch học có 2 nhà. | |
29 | Kinh Xuân Thu | |
Điều 1 | Xuân Thu là sách lịch sử của nước Lỗ mà Khổng tử đã thêm bớt. | |
Điều 2 | Nên hiểu nội dung của Xuân Thu bằng Mạnh Tử và Tả Truyện. | |
30 | Tổng luận về tứ kinh | |
Điều 1 | Cần phải nắm vững ý quan trọng mà tác giả muốn truyền đạt của 4 sách. | |
Điều 2 | Cách đọc khác nhau đối với sách Mạnh Tử và lục kinh. |
- Đối đãi対待: một cặp có đặc tính trái ngược với nhau như luân hành kế tiếp nhau: âm và dương, sống và chết….
Thay lời kết
Bởi vì người viết chưa xem xét rõ chi tiết nội dung của các Điều chỉ dịch theo nghĩa chữ tựa đề của sách tham khảo nên còn nhiều từ Hán Việt khó hiểu mong quý độc giả tha thứ. Mục đích chính của giới thiệu lần này để độc giả nắm được khái quát sách Ngữ Mạnh Tự Nghĩa nói về nội dung gì.
Nguyễn Sơn Hùng – Bắt đầu ngày 28/1/2024 – Xong ngày 3/2/2024
Xem thêm cùng tác giả:
Ghi chú
(1) Nguyễn Sơn Hùng (2023): “Động Cơ Gì Đã Thúc Đẩy Tôi Tìm Hiểu Nội Dung Lý Giải Khổng Mạnh Học của Nhật Bản”.
(2) Kobahashi Katsundo (1994): Mạnh Tử (Chú Dịch), Iwanamishoten.
(3) Nội dung trong ( ) với khổ chữ nhỏ là của người dịch thêm vào cho dễ hiểu hoặc ghi lại từ Hán Việt của nguyên văn.
(4) Yoshikawa Kôjirô & Shimizu Shigeru (1971): Nhật Bản tư tưởng đại hệ 33- Itô Jinsai và Itô Tôgai, Iwanamishoten.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét