31 thg 3, 2024

SÀI GÒN - CHỢ LỚN, TÌM LẠI CHÚT HỒN XƯA

Hầu như nơi nào trên thế giới có người Hoa là nơi đó có Chinatown. với người Hoa ở Sài gòn, cộng đồng của họ chiếm đến gần 1/3 diện tích thành phố với các quận 5, 6, 11 và một phần quận 8. những người sống ở Sài gòn giữa thế kỷ 20 thường gọi “Sài gòn-Chợ lớn” như hai thành phố riêng biệt, vì thời đó nằm giữa Sài gòn và Chợ lớn là con kênh Bến nghé, khiến chợ lớn trở nên tách biệt với Sài gòn. sau này con kênh được san lấp một phần để làm đường bộ nối Sài gòn và Chợ lớn nhưng dường như cách nghĩ Chợ lớn là một “thành phố” trong tâm trí của người Sài gòn xưa vẫn không thay đổi.

Múa lân sư rồng của người Hoa Chợ Lớn (Ảnh: Hội quán Nghĩa An)

Từ thế kỷ thứ 17, Chợ Lớn là vùng đất của “Ngũ đại bang phái”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hẹ). Đó là những người Minh Hương, thần tử trung thành của nhà Minh không chịu khuất phục nhà Thanh, đã di cư xuống miền Nam Việt Nam và được chúa Nguyễn cho phép khai khẩn đất hoang để lập ấp và phát triển thành vùng đất mà theo tiếng Quảng Đông gọi là “Thầy Ngòn” (Đề Ngạn-vùng đất kế bờ sông).

Tôi có 2/3 máu Hoa trong người: Bên nội là người Quảng Đông, còn bà ngoại lai Phúc Kiến. Hồi nhỏ, tôi sống chỉ vài năm ở nhà nội trên đường Trần Hoàng Quân (sau 1975 đổi thành Nguyễn Chí Thanh), quận 11, nhưng ký ức và kỷ niệm của tôi về Chợ Lớn thì sâu đậm. Nhà nội tôi là một ngôi nhà cũ kỹ với mùi ẩm mốc của vô số đồ vật được lưu giữ từ năm này qua tháng nọ, như một thói quen cố hữu của người Hoa. Ngày nhỏ tôi rất sợ về nhà nội vì sự âm u lạnh lẽo của nó, nhất là những tối cúp điện. Có lẽ hiểu điều đó nên mỗi lần chở tôi về nhà nội, ba thường đưa đi một vòng những con đường chính trong Chợ Lớn để ngắm cảnh phố phường và ăn uống này nọ rồi mới về nhà.

Lộ trình quen thuộc đó là: Từ bùng binh ngã 6 An Dương Vương, ba tôi quẹo qua đường Nguyễn Tri Phương, ghé mấy quán đối diện bệnh viện Nguyễn Tri Phương ăn hủ tíu mì xào hay cơm chiên Dương Châu, rồi tạt ngang “Tài xây cai” (tức casino Đại Thế Giới xưa) cho tôi chơi một chút rồi sau đó tà tà trên đường Trần Hưng Đạo B để hóng gió.

Trong ký ức tôi, Trần Hưng Đạo B là con đường sang nhất, đẹp nhất và “đúng điệu Chợ Lớn” nhất với những “chẩu lầu” (tửu lâu – nhà hàng) nổi tiếng như Bát Đạt, Thiên Hồng (Arc-En-Ciel) và Ngọc Lan Đình luôn rực rỡ bảng hiệu neon vàng và đỏ “à la Hong Kong bên hông Chợ Lớn”, và những cửa hàng lúc nào cũng đông vui náo nhiệt. Đoạn tôi thích nhất trên con đường này là đoạn cắt với đường Triệu Quang Phục, vì nơi đây có dãy cửa hàng bán đầu lân, trống lân cùng những loại mũ mão trang phục mà người Hoa mua để cúng chùa Ông, chùa Bà. Hồi nhỏ tôi rất mê múa lân. Mỗi lần đi qua những cửa hàng bán đầu lân, tôi luôn mơ ước sau này mình đi làm có tiền sẽ mua một cái to nhất, đẹp nhất để múa cho thỏa thích.

Hội quán Nhị Phủ, còn được gọi là Miếu Nhị Phủ hay Chùa Ông Bổn (Wiki)

Cũng có lúc ba chở tôi ăn cháo thập cẩm chỗ bùng binh Soái Kình Lâm rồi ghé quán chè “nhà đèn” nổi tiếng gần đó ăn “cấy tản chà” (hột gà nấu với trà), “tành tản” (trứng chưng) hoặc “hằng dành tàu phù” (đậu hũ hạnh nhân). Quán chè có tên Châu Giang nhưng dân Sài Gòn-Chợ Lớn gốc thì gọi là “quán chè cột điện” hoặc “chè nhà đèn”, vì căn nhà cũ kỹ nhỏ xíu nơi quán chè đóng đô hơn 80 năm qua nghe nói từng là một trạm phát điện thời Pháp thuộc (mà người miền Nam xưa gọi là “nhà đèn”). Đến nay quán chè “nhà đèn” vẫn còn và hầu như không thay đổi. Mỗi lần ghé lại quán chè cũ, tôi có cảm giác mình du hành ngược thời gian về lại Sài Gòn của một thời xa lắm.

Những lúc oi bức, ba tôi hay ghé tiệm thuốc bắc Phùng Hưng để mua vài thang thuốc bổ về tiềm gà, đôi khi mua vài lạng kim ngân thảo hoặc hạ cô thảo về nấu với mứt bí. Đường Phùng Hưng từ Soái Kình Lâm qua đường Nguyễn Trãi tuy ngắn nhưng có hơn hai chục tiệm thuốc bắc buôn bán nhộn nhịp không thua gì con đường thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông cách đó không xa.

Tôi nhỏ lớn không bao giờ thích các loại dầu xức nhưng đặc biệt thích mùi “Pạc phá dầu” (dầu bạch hoa) và “Woòng lạp coóng” (dầu Huỳnh Lập Quang) của Hong Kong được bán ở các tiệm thuốc bắc đường Phùng Hưng. Dầu bạch hoa cực nóng chuyên trị nhức đầu sổ mũi, dùng cạo gió rất tốt; còn dầu Huỳnh Lập Quang chủ yếu xức vết thương ngoài da và xoa bóp sưng trật rất công hiệu.

Song song với Trần Hưng Đạo là đường Nguyễn Trãi một chiều, dẫn về Nguyễn Tri Phương. So với đường Trần Hưng Đạo thì Nguyễn Trãi có vẻ lặng lẽ hơn nhưng mang nét cổ kính và trầm mặc hơn, với những chung cư cổ và hội quán được xây từ rất lâu như hội quán Hà Chương của người Phúc Kiến, hội quán Tuệ Thành của người Quảng Đông và hội quán Nghĩa An của người Triều Châu và người Hẹ mà người Việt thường hay gọi là chùa Bà và chùa Ông.

Hội quán người Hoa có kiến trúc mái đao cong vút với những phù điêu bằng sứ và mảnh gốm đắp nổi hình sóng biển, cá và rồng, như nhắc nhở con cháu nhớ về quá khứ vượt biển của cha ông khi đến vùng đất này. Đó là những nơi không chỉ thờ các vị thần trong tín ngưỡng Đạo giáo người Hoa như Thiên Hậu Nương Nương, Ngọc Hoàng Đại Đế hay Quan Thánh Đế Quân mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tương trợ lẫn nhau của những người đồng hương, và cũng là nơi lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống như dạy võ, thư pháp, vẽ tranh thủy mặc và hát tuồng cổ. Tôi nhớ mỗi lần vía Ông, hội quán Nghĩa An luôn tổ chức hát Việt kịch, một thể loại hát tuồng giống như hát bội của người Quảng Đông, rất hoành tráng xôm tụ. Từ bên ngoài, nghe tiếng trống chiêng vang lừng đã khiến người ta náo nức muốn vào xem.

Hội quán Nghĩa An (Wiki)

Nói đến Chợ Lớn cũng phải nhắc đến những con hẻm đậm đặc không khí văn hóa gốc Hoa truyền thống. Nếu bạn không phải là người Hoa, bạn có thể ít khi để ý những con hẻm nhỏ nằm lặng lẽ trên các trục đường chính, với cổng bằng đá có khắc những tên tiếng Hoa như Dịch An Lý, Thịnh An Lý, Phương Tế Các Hạng hay Hào Sĩ Phường…

Không như hẻm của người Việt ở Sài Gòn thường dài, ngoằn ngoèo và thông nhau, hầu hết hẻm của người Hoa Chợ Lớn là quần thể kiến trúc khép kín với hai dãy nhà hai tầng, mỗi tầng khoảng 10-15 hộ được xây cùng kiểu, song song với nhau và cách nhau một lối đi nhỏ ở giữa. Cuối hẻm là một ngôi nhà nhìn ra đường cái. Vì thế, nhìn tổng quan, hẻm của người Hoa giống như cư xá hoặc chung cư kiểu cũ hơn là con hẻm.

Dù gọi chung là hẻm nhưng “lý” khác với “phường” hoặc “hạng”, vì “lý” thường dùng để chỉ khu dân cư có cùng quê ở một làng hoặc một huyện nào đó từ Trung Quốc, trong khi “phường” là nơi những người làm một ngành nghề họp lại sống chung; còn “hạng” thường là lưu dân tứ xứ tập hợp lại thành khu dân cư, không nhất thiết cùng quê quán hoặc nghề nghiệp.

Đó những là nơi mà nét văn hóa truyền thống cổ truyền của người Hoa còn được lưu giữ khá nguyên vẹn, trong đó có những nghề cổ truyền đang dần mai một, như nghề may áo cưới long phụng, nghề thêu tay, thắt nút dây hoặc làm các loại bánh dân gian mà nay gần như thất truyền, thậm chí ít người từng nghe tên hoặc nếm thử. Ngay cả ở Hong Kong cũng không còn những con hẻm giống như hẻm người Hoa Chợ Lớn-Sài Gòn nên Đài truyền hình TVB đã không ít lần sang Chợ Lớn để quay phim tài liệu hay mượn những con hẻm này làm bối cảnh cho phim của họ.
Hẻm Hào Sĩ Phường. (Hình: Lý Thành Cơ)

Những ngày giáp Tết, ba thường chở tôi đến các tiệm gần Đại Thế Giới để mua phim cho máy chụp hình, sẵn tiện ghé mua những tờ giấy đỏ viết các câu chúc bằng nhũ vàng óng ánh về dán trước cửa nhà theo tục lệ truyền thống. Không như những “ông đồ” người Việt sau này viết chữ Quốc ngữ theo lối chữ thảo bay bướm, những người viết câu chúc Tết trong Chợ Lớn đều viết theo lối chữ khải thư, tức lối chân phương, rõ ràng, vuông vức, nét nào ra nét đó. Tôi ngày nhỏ khi học viết chữ Hoa đã tập viết những câu như “Hợp gia bình an” (cả nhà bình an), “Nhất phàm phong thuận” (thuận buồm xuôi gió) hay “Sinh ý hưng long” (mua may bán đắt).

Điều tôi mong nhất mỗi dịp Tết là được ba chở đi xem múa lân sư rồng ở chùa bà Nam Hải, nơi tất cả đoàn lân ngày 30 Tết đều quy tụ về để múa cúng bà và được “khai quang điểm nhãn” rồi mới có thể đi múa kiếm tiền. Hồi nhỏ tôi cực kỳ mê xem múa lân vì các đoàn lân Chợ Lớn không chỉ múa lân mà còn biểu diễn võ thuật, từ múa quyền cho tới biểu diễn các món binh khí đao, thương, kiếm, kích… rất hấp dẫn. Mỗi lần nghe tiếng trống lân hoặc thấy bóng dáng một chiếc xe múa lân chạy trên đường dịp Tết là tôi lại muốn chạy theo để xem cho bằng được.

Như nhiều nơi ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay cũng thay đổi nhiều nhưng tại một số nơi, những nét cũ một thời hầu như vẫn nguyên vẹn. Giờ đây mỗi khi nhớ Chợ Lớn, tôi lại thong thả chạy theo lộ trình trước đây mà ba từng chở tôi trên chiếc Mobylette cọc cạch màu xanh, nhìn những nẻo đường đầy kỷ niệm, ngắm những ngôi nhà cổ có kiến trúc nửa Pháp nửa Hoa với màu vôi vàng đặc trưng, những hội quán mái đao cong vút; rồi tạt vào một quán xưa ăn những món Hoa quen thuộc để tìm lại “hồn Chợ Lớn.”

Huỳnh Chí Viễn / Theo:saigonnhonews

Xem Thêm :Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho, và sự thật về tấm hình “phà chở xe lửa qua sông” 

 Nguồn :chuyenxua.net.    Ảnh từ chuyenxua,net


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét