Mời Xem Trang Trước : LỜI NGỎ - GS. Đỗ Đình Chiểu
PHẦN MỘT
TUỔI THƠ GIAN KHÓ
Nếu còn trẻ... Hãy cứ đi, dành tuổi xuân của mình lưu lại những tấm hình kỷ niệm.
Hãy cứ vui, đừng để trái tim mình trở nên nguội lạnh
Chương I
HÌNH BÓNG QUÊ HƯƠNG
Các cụ quê tôi kể lại, đến thời Gia Long, làng quê Nguyễn Xá của chúng tôi được đổi tên là Hòa Xá.
Không hiểu vì lí do gì.
Nhưng có một thời khắc ở nơi xa xôi, nhớ đến quê, tôi chợt ngộ ra cái tên Hòa Xá hiền hòa quê mình. Có phải nhờ chữ Hòa mà cho dù trải qua bao vật đổi sao dời, quê tôi vẫn là hình ảnh con sông Đáy chảy quanh, bao phía sau những làng những xóm trù phú, thật là một cảnh sắc hiền hòa. Đã có lần, từ Pari xa xôi, tôi nhìn thấy mấy bức ảnh con sông Đáy in trên một tờ tạp chí. Tim tôi bỗng nhiên thắt lại vì nỗi nhớ xa quê, vì những bức ảnh chụp quá đẹp, như một chốn bồng lai tiên cảnh mà không đâu có thể so sánh được với vẻ đẹp hiền hòa quyến rũ đến thế trong tim tôi.
Bây giờ thì tôi đã thường xuyên được về với làng.
Làng tôi như nửa vành trăng nằm trong khúc vòng cung của con đê ngăn nước lũ. Ngước mặt lên là nhìn thấy mây trời. Trời cao xanh vời vợi. Cúi xuống thấp hơn là gặp được sông. Sông trôi lờ lững. Quay phải, quay trái là đồng ruộng trải dài.
Có khi mưa trắng trời. Làng ngập nước trong ánh chớp lòa và tiếng sấm sét rền vang. Ðồng nước trắng mênh mông. Tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu ộp oạp. Và côn trùng ỉ eo. Ðồng quê đang tấu lên bản nhạc buồn buồn.
Tôi bước trên con đường trải cạnh cánh đồng. Phía xa kia là chân trời nhuốm một màu vàng xuộm. Trên cao hơn nữa mây cuồn cuộn như một núi bông xốp xộp. Chân trời phía ấy sương xuống lạnh hơn. Một nỗi buồn nhớ tuổi thơ da diết choán ngập lòng tôi. Cả cánh đồng đã gặt hết còn trơ gốc rạ. Mùi nồng nàn đằm thắm thiết tha. Ðấy là mùi hương quyến rũ nhất của đồng quê ban tặng con người.
Cơn gió chiều cuối thu xào xạc. Mấy chiếc lá vàng bay bập bênh như nỗi chia xa của mùa thu khẽ chao nghiêng rồi rơi luôn về cội. Trên ngọn tre mấy cánh cò chấp chới, dập dờn, dập dờn trốn vào thinh không cao ngút ngát. Xa xa tiếng sáo ngập trời huyền hoặc. Không gian chứa chan thứ tình cảm dịu dàng bí ẩn. Diều nhà ai ở tít trên cao chui vào giữa những đám mây bồng bềnh, chỉ còn tiếng sáo vẫn ngân nga, da diết. Ðó là những khúc hát của đồng quê thả lên nền trời.
Hòa Xá quê tôi rộng khoảng 2,2 cây số vuông, dân số khoảng 4000 người. Hòa Xá là nơi sinh sống của nhiều dòng họ như các họ: Nghiêm, Lưu, Phùng, Đỗ, Vũ, Chu, Hà,…
Về vị trí địa lý, Hòa Xá thuộc huyện Ứng Hòa nằm phía tây nam Thủ đô Hà Nội, trước mặt là quốc lộ 21B với bờ đê, lũy tre là hình ảnh thân quen với trẻ thơ chăn trâu thả diều. Phía sau là dòng sông Đáy uốn lượn chạy quanh.
Con sông Đáy đã gắn với hình ảnh tuổi thơ tôi, tuổi thơ của bao lớp người đã sinh ra, ra đi lập nghiệp, rồi lại trở về vì nỗi da diết nhớ quê, nhớ con sông như một mặc khải đời người.
Sông Đáy vắt ngang Hòa Xá của chúng tôi như một dải lụa. Vào mỗi buổi sớm mai những hạt sương long lanh trên những thảm cỏ bên bờ sông. Không biết sương ở trên những thảm cỏ đó là rơi từ trên trời xuống hay là những giọt nước li ti được bắn từ dưới sông lên. Đôi khi tôi ngồi nhìn dòng sông để ngẫm ngợi, mà đôi khi cũng chẳng ngẫm ngợi gì. Chỉ là nhìn ngắm cảnh sắc, trầm ngâm nhìn một đám mây trôi qua lững lờ, soi bóng xuống dòng nước.
Hàng ngày dân làng lấy nước sinh hoạt, tắm gội. Dòng sông còn là đường giao thông thuận tiện trên bến dưới thuyền, thuyền bè ngược xuôi buôn bán, vận tải. Bên bờ là những bãi dâu xanh ngát để nuôi tằm kéo tơ dệt lụa.
Ở thượng nguồn, lưu lượng của sông bất thường nên mùa mưa thì lũ quét cùng những khúc lượn quanh co nên dễ tạo ra những ghềnh nước lớn. Đến mùa khô thì lòng sông có chỗ cạn nên thượng lưu sông Đáy thuyền bè không qua lại được. Đoạn hạ nguồn từ thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội đến cửa Đáy đã được công nhận là tuyến đường sông cấp quốc gia.
Sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình lưu tốc khá chậm nên có thể di chuyển bằng thuyền bè. Đến địa phận huyện Mỹ Đức, dòng suối Yến - thủy lộ vào chùa Hương cũng là một nhánh của con sông này. Khi sông chảy vào thành phố Phủ Lý - Hà Nam thì dòng sông Nhuệ góp nước từ phía tả ngạn.
Và lẽ dĩ nhiên, đừng nên bỏ lỡ những khoảnh khắc hoàng hôn đang khoe mình bên dòng sông Đáy mỗi dịp chiều xuống.
Con sông hiền hòa này sẽ mãi chảy trôi qua từng dải đất trên mảnh đất Việt. Sẽ luôn luôn như vậy, một hình ảnh hiền hòa như người mẹ hiền bồi đắp phù sa cho từng tấc đất, từng thớ thịt của đồng nội.
Mãi yêu con sông Đáy của quê hương, của Tổ quốc!
Lịch sử Hòa Xá đã có trên 1000 năm từ trước thời nhà Đinh.
Người Hòa Xá rất chú ý gìn giữ ngôi đình được gọi là Đình Hòa Xá.
Đình Hòa Xá được xây dựng ở khu vực trung tâm của làng Hòa Xá, đình nằm trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, gần khu vực dân cư, nhìn về hướng nam.
Đình làng Hòa Xá thờ vị thần Thành Hoàng làng là Nguyễn Đức Chính, vị tướng thời vua Đinh Tiên Hoàng có công giúp nước dẹp loạn 12 sứ quân, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Ông đã được Đinh Tiên Hoàng phong làm Tả đạo Tướng quân, sau đó gia phong làm Phổ đức Uy chính Thượng Đẳng Thần.
Trong thần phả ghi rằng: Một hôm vua Đinh Tiên Hoàng dẫn quân đến vùng này, biết uy danh của Nguyễn Đức Chính, liền gọi ông đến và phong làm Tả đạo Tướng quân, chỉ huy một đạo quân. Đạo quân của Nguyễn Đức Chính là một lực lượng nhỏ hùng binh, dưới sự chỉ huy của Đinh Bộ Lĩnh đóng góp nhiều công trạng trong cuộc dẹp loạn, giúp vua thống nhất giang sơn.
Đinh Tiên Hoàng phong tặng trăm quan sau khi đất nước thanh bình, phong cho Nguyễn Đức Chính làm Trưởng quản Quân sự, ban thưởng thực ấp sở tại (là Hòa Xá ngày nay).
Trở về hương ấp, ông gắng dưỡng dân tình, khuyến cáo nông trang, coi đó là gốc. Tương truyền Hòa Xá có nghề truyền thống ươm tơ, dệt vải. Nghề này có từ thời nhà Đinh cho đến ngày nay. Dân làng có mấy nghề chính là trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa (sau dệt màn), ngày nay chuyển sang may xuất khẩu. Vì vậy mà con gái Hòa Xá nổi tiếng với phong cách ăn mặc mà từ thời xưa các cụ hay dùng câu ví: Dài váy kẻ Nguyễn.
Đình Hòa Xá là ngôi đình lớn, bề thế của cả một vùng.
Đình Hòa Xá tọa lạc trên một khu đất rộng phong quang gần khu vực cư dân, đình trông theo hướng nam, nhìn ra đường làng. Phía trước đình là cây đa cổ thụ sum sê tỏa bóng rợp mát bên ao cá Bác Hồ.
Đình Hòa Xá là công trình kiến trúc gồm tòa Đại Bái và Hậu cung. Phía trước đình có một khoảng sân rộng lát gạch, có cột trụ tường bao, bức bình phong được xây dựng theo kiểu dáng cuốn thư. Trụ biểu xây có mặt cắt hình vuông, chân đế to vuông vức thắt cổ bồng. Các mặt bên trụ biểu tạo gờ, khắc nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán. Đầu trụ biểu xây ô lồng đèn, trên đỉnh trụ biểu kết hoa dành cách điệu.
Qua một khoảng sân rộng lát gạch là vào tới tòa đại bái. Đại bái đình Hòa Xá là một nếp nhà ngang ba gian, hai dĩ với bốn lá mái. Gian giữa Đại bái rộng 4m, các gian bên rộng 2,30m. Lòng đình rộng nên các mái chảy dài, mái đình lợp ngói ri cổ. Hai đầu bờ nóc là hai con kìm rồng lá uốn đuôi. Giữa các bờ dải là các con Lân được làm từ đất nung và đắp vôi vữa ghìm mình hướng về nhau một cách sống động. Các góc mái làm thành những góc đao cong bay bổng. Những con Lân, Rồng được làm từ đất nung ở thế kỷ XVIII.
Đại bái đình Hòa Xá là hạng mục kiến trúc có giá trị nổi trội nhất. Bộ khung nhà được làm vững chắc trên các hàng cột to, tròn. Các cột cái của hai bộ vì giữa có chu vi 1,30m, cột quân có chu vi 1,10m. Bốn bộ vì chính tòa đại bái được làm theo hai kiểu thức khác nhau. Hai bộ vì chính được kết cấu: “giá chiêng, rường cụt, cốn mê, bẩy hiên”. Phía trên câu đầu là đôi trụ trốn đỡ hai đầu rường bụng lớn. Các con rường này đỡ cây nóc qua đấu vát hình thuyền. Từ cột cái một xà nách ăn mộng vươn ra đầu cột quân đỡ một mê cốn hình tam giác vuông đỡ các hoành mái. Hai mặt của cốn là các bức chạm theo đề tài “Tứ linh” và mặt sau là hoa lá cách điệu. Từ đầu cột quân một bẩy hiên vươn ra đỡ tàu mái và hoành hiên.
Hai vì chính bên được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách, bẩy”. Phần trên câu đầu nối hai cột cái có kết cấu giống hai vì giữa. Từ thượng lương bốn góc mái đều có một kẻ dài chạy suốt, qua đầu trụ xuống một góc còn gọi là kẻ xó. Các kẻ này được cấu tạo đặc biệt, toàn bộ thân kẻ được hướng ra các góc để tạo các đao đình, đầu phía trong được đặt con rường của câu đầu vừa tạo được dáng vẻ thẩm mỹ vừa là điểm tựa chịu lực cho công trình.
Dưới câu đầu của các vì kèo vẫn còn giữ nguyên các đầu dư cổ. Đầu rồng ở đây được chạm khắc, miệng loe, mắt lồi, miệng ngậm hạt ngọc, râu tóc rồng được chạm nổi rất hài hòa.
Về điêu khắc đình Hòa Xá còn giữ nguyên các bức cốn cấu tạo từ các rường cụt nối từ cột cái ra cột quân. Các con rường này được chồng khít lên nhau. Trên các con rường chạm nổi các họa tiết tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng” và mặt sau là hoa lá cách điệu. Sự phong phú về điêu khắc ở đình Hòa Xá còn thể hiện ở chỗ mỗi bức cốn đều có các đề tài “Ngư long hý thủy”. Trung tâm bức cốn cổ nhân chạm nổi một con rồng lớn đang phun nước. Dưới thân rồng cá chép đang bơi lên với khát vọng “cá hóa rồng”. Cũng ở Đại bái có những con rường cụt chạm nổi những tia lửa hình dao mác, đây là dấu tích thời Lê sau những lần tu sửa còn giữ được. Sự phong phú của nội thất đình còn được cổ nhân thể hiện sự chạm trổ công phu trên các kẻ và bẩy, có những bẩy được chạm nổi rồng “Độc long” ở cả hai mặt. Rồi các họa tiết chữ thọ, lá lật ở các đấu cũng được cổ nhân điểm xuyết rất hợp lý. Với phối cảnh các hoành phi câu đối làm cho không gian kiến trúc Đại bái đình càng trang nghiêm cổ kính.
Tiếp theo tòa Đại bái là đến tòa Trung cung. Trung cung gồm một gian nối liền giữa Đại bái và Hậu cung là nơi bài trí đồ thờ: Bát hương, cây nến, lọ lộc bình. Kiến trúc ở tòa Trung cung đã tạo một dáng cao thanh thoát. Đây cũng là nơi chuẩn bị để hành lễ ở Hậu cung. Về kiến trúc hạng mục công trình này thiên về bền chắc bào trơn đóng bén. Các hoành xà đều được xẻ vuông vức bào trơn. Các rui làm nhỏ để thưa. Mái lợp ngói chiếu rồi sau đó lợp ngói ri cổ.
Sau tòa Trung cung là đến tòa Hậu cung. Hạng mục kiến trúc này gồm ba gian, có bốn cột cái. Các cột ở đây được lựa chọn cao hơn. Hệ thống cột quân trốn vào tường thấp hơn để tạo thành lối kiến trúc hai tầng bốn mái. Phần cổ diêm được lắp các con tiện tạo ra sự thoáng gió và lấy ánh sáng cho công trình. Phần nối tiếp của Trung cung với Hậu cung được ngăn cách bởi hai bên có hai cửa rộng 91cm, cao 1,55m ra vào nơi cung cấm. Trên các cửa vào Hậu cung có hai bức cốn nhỏ chạm nổi “Rồng”, chính giữa là bức hoành phi “Tối linh từ”. Khoảng chính giữa có bức y môn bằng gỗ chạm nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”. Trong cung có sập thờ, trên bài trí long ngai bài vị thờ Thành Hoàng là ngài Nguyễn Đức Chính người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Đây cũng là nơi lưu giữ các di vật quý thần phả sắc phong và đồ tế tự khác.
“Đình Hòa Xá với lối kiến trúc cổ kính và kết cấu chặt chẽ, trải qua các thời kỳ lịch sử và sự thử thách của thiên nhiên, ngôi đình vẫn hiện diện còn đủ các hạng mục kiến trúc quan trọng mang phong cách đặc trưng kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu từ thời Lê đến thời Nguyễn tạo nên một tổng thể chung nhất, hoàn chỉnh nhất cho ngôi đình. Và ngôi đình đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu tiến trình lịch sử nghệ thuật trang trí đình làng Việt Nam nói chung(*)”.
Chính bởi những đặc trưng đó đình Hòa Xá đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 91/QĐ - BVHTT ngày 28/01/2005.
Ngôi đình là một trụ cột quan trọng trong tâm người Hòa Xá. Đó là lời nhắc nhở con cháu về đạo làm người, về ý chí kiên cường và sự tôi rèn bản lĩnh trí tuệ. Có lẽ nhờ vậy, mà Hòa Xá quê tôi có nhiều người thành đạt, có những thành tích đóng góp cho non sông đất nước.
Phía trước đình làng là cây đa.
Hồi còn nhỏ tôi thường hay chơi dưới gốc đa. Thậm chí còn đu rễ đa rất thích thú. Khi làng vào đám, tôi ngồi dưới gốc đa để xem hội.
Tôi nhớ hai ông đô vật đi trước kiệu, vừa đi vừa lắc tay. Kiệu rước Thành Hoàng làng hình chữ nhật, chạm khắc rất đẹp. Có hai đầu rồng. Chúng tôi chạy theo kiệu rước. Khi kiệu được khênh lên đê, đúng điểm dốc Rinh, gần ngay bến sông, thì kỳ lạ thay, kiệu cứ tự nhiên quay đầu. Dù níu cách nào thì kiệu vẫn cứ quay đầu để hướng về đình làng. Lũ trẻ chúng tôi náo nức lắm. Mỗi khi kiệu quay tiếng hò reo vang khắp triền đê bến bãi làng xóm.
(*) Theo sodulich.hanoi.gov.vn.
Về đến gốc đa, kiệu lại quay tiếp, quay có khi vài vòng vẫn cứ quay. Kiệu vào đình rồi vẫn quay trước hương án. Mãi mới dừng được để làm lễ.
Nghe các cụ kháo nhau, sở dĩ kiệu cứ quay ở dốc Rinh là do làng bên sông thuộc địa phận Thái Bình. Làng bên đó cũng nhận Thành Hoàng làng là Thành Hoàng làng của bên Hòa Xá. Tôi không hiểu vì sao đến địa phận ranh giới thì kiệu lại quay. Có những chuyện đâu cần phải giải thích hay tìm hiểu kỹ càng. Cứ để lớp sương mù huyền tích phủ lên những câu chuyện xưa cũ.
Đình Hòa Xá thờ vị Nguyễn Đức Chính làm Thành hoàng làng. Hàng năm vào ngày 12/2 âm lịch nhân dân có tổ chức lễ hội để tưởng niệm Đức Thánh.
Theo các cụ già làng Hòa Xá kể thì hội làng Hòa Xá diễn ra rất phong phú. Xưa kia, làng Hòa Xá có 5 giáp: Giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Bắc, giáp Bắc nhì. Ngày hội làng các giáp tự chuẩn bị lễ theo tùy tâm. Lễ chủ yếu là mâm xôi thủ lợn chai rượu, nải chuối, trầu cau, hoa quả.
Hội làng được chuẩn bị rất chu đáo, từ ngày 10 cả làng vệ sinh sạch sẽ đường làng ngõ xóm, chọn người ra đình quét dọn lau chùi đồ thờ.
Ngày 11 có lễ ra đình làm lễ cáo.
Ngày 12 hội làng diễn ra có rước kiệu tay, có cờ bông lau và hai ông đô đi trước cởi trần đóng khố đỏ chắp kiệu tay làm biểu tượng lễ hội có ý nghĩa lúc sinh thời Thần hoàng làng là tả đạo tướng quân nhà Đinh. Cờ lau và kiệu tay là trò chơi của Đinh Bộ Lĩnh lúc bé, khi đi chăn bò cùng bạn mục đồng đánh trận giả lấy bông lau làm cờ hiệu, Đinh Bộ Lĩnh ngồi trên kiệu tay để chỉ huy. Rước kiệu hội làng là sự tái hiện lại tích cũ này với hai ông đô vật đóng khố đỏ, khoác tay nhau chạy trước kiệu. Hai ông đô được tuyển người vạm vỡ, cạo đầu chỉ để tỏm mỡ và hai má đào ở hai bên. Khi rước Ngài có nhiều kiệu nhưng chỉ có hai kiệu: kiệu rước sắc và kiệu rước long ngai là chạy xoay, xoay rất nhiều. Khi làng “vào đám” tế thần có bò thui quỳ trên khung cửi tay biểu hiện cho lòng biết ơn của nhân dân ghi lại công ơn Thần đã dạy dân cày cấy và canh cửi. Rước kiệu long đình, mui luyện, rước ngai bài vị từ đình lên gò Bé nơi Ngài ngự sau rước về đình yên vị.
Các trò chơi trong ngày hội được tổ chức vui vẻ thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: chơi cờ, tổ tôm điểm, kéo co, hội gậy, múa rồng. Buổi tối có tổ chức hát chèo sân khấu nổi ở ao cửa đình phục vụ dân làng.
Ở Hòa Xá còn có ngày việc làng, vào ngày 01 tháng 4 gọi là lễ “Linh thần khám thổ”. Người tham gia việc làng này gồm 20 chạ thôn, lý phó trưởng trương tuần. Mỗi người mang theo thuổng, cuốc, xẻng, dao đi kiểm tra địa giới giữa Hòa Xá và các làng lân cận, giữa địa giới công cộng và các gia đình. Ông bàn cả giáp nhất được ngồi trên kiệu bằng một bàn gỗ dùng hai thuổng dài cán làm đòn kiệu. Ông bàn cả giáp nhất này thừa lệnh thần làng đòi lại đất đai bị lấn chiếm. Nơi nào cống rãnh bị tắc thì khơi thông. Người nào lấn chiếm phải trả lại theo nguyên tắc: “Đất chăng dây cây dựng sào”. Đoàn đi từ đình làng qua xóm Thượng Dài lên Gò Bé vòng về xóm Bãi, qua các đường chính của làng. Việc làng mang tâm linh của Thần Hoàng, lại có chức dịch thay mặt chính quyền “Linh Thần khám thổ” có ý nghĩa sâu sắc bảo vệ được địa giới giữa làng Hòa Xá với các làng lân cận và các gia đình, làm thường xuyên mỗi năm một lần, đã bảo vệ được đường làng ngõ xóm khai thông cống rãnh.
Ngày rằm, mồng Một do chạ của thôn chuẩn bị lễ vật để sóc vọng. Các gia đình tự đến thắp hương, khi có việc lớn như cưới xin, làm cửa nhà… cũng có lễ ra đình lễ thần để cầu điều tốt lành.
Lễ hội làng Hòa Xá hấp dẫn vì tính độc đáo với lễ rước kiệu xoay mà dân làng thường gọi một cách thành kính là rước Ngài. Xuất phát từ đình làng rồi vòng trở lại, đám rước lôi cuốn hàng nghìn người và kéo dài gần một cây số. Từ xa trông lại có cảm giác như chiếc kiệu lớn rước long ngai đang lướt đi trên một biển người, xoay tròn các hướng, khi lùi xuống, lúc tiến lên, có khi hàng chục phút đồng hồ cũng chỉ tiến được chưa đầy trăm mét. Khi đến một điểm ngã ba cận sông thì kiệu xoay vòng trở lại để về đình làng. Có níu cách nào để đi tiếp thì kiệu vẫn cứ xoay ngược để về lại đình. Lâu nhất là khi rước kiệu về đến trước đình, kiệu cứ vừa xoay vừa chạy quanh cây đa chín gốc, nhiều lúc kiệu đã theo bước chân của các trai làng lực lưỡng rước vào đến sân đình rồi lại quay ra dạo quanh một vòng ngoài cổng như đang còn dùng dằng, nuối tiếc, chưa nỡ dứt bỏ một cuộc chơi.
Với dân Hòa Xá, lễ rước kiệu đã trở thành niềm tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết và là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng cùng chung sức, chung lòng vượt khó.
Dấu ấn đẹp nhất của tôi ở Hòa Xá là xây nhà đại bái tại nhà thờ tổ họ Đỗ tại xóm Trung.
Họ Đỗ Hòa Xá có lịch sử khoảng trên 400 năm. Nguồn gốc họ Đỗ Hòa Xá phát tích từ Bồng Trung, Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đến đời thứ tám có cụ Đỗ Cảnh - người đỗ tiến sĩ năm 1565 có văn bia tại Quốc Tử Giám ra định cư tại Thịnh Liệt, Thanh Trì. Cụ sinh cơ lập nghiệp tại đó. Một người cháu của cụ là Đỗ Phúc Mẫn đã về làng Nguyễn (Hòa Xá) lấy cụ bà họ Nguyễn và từ đó sinh ra dòng họ Đỗ Hòa Xá.
Là một người con của dòng họ, do hoàn cảnh gia đình đã xa quê hương từ khi còn bé. Mặc dù vậy dòng máu họ Đỗ, mạch nước quê hương đã ngấm sâu trong tâm tôi, đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Dù đi đâu, lúc nào tôi vẫn luôn hướng về quê hương, nơi đã sinh ra tôi trên cõi đời này. Tôi luôn tâm niệm mỗi khi có dịp sẽ làm gì đó để góp phần xây dựng quê hương, dòng tộc.
Chính vì thế năm 1992, tôi đã đóng góp cùng dòng tộc xây dựng lại Nhà Đại Bái để việc thờ phụng tổ tiên dòng tộc được trang nghiêm chuẩn mực, là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt giỗ Tổ.
Là một người được học hành đỗ đạt cao, tôi luôn đau đáu quan tâm để làm sao giáo dục, động viên con cháu hăng hái học tập, mai sau giúp ích cho xã hội. Tôi đã cùng dòng họ sao chép, phục dựng tấm bia tiến sĩ của cụ Đỗ Cảnh, mang về dựng tại sân nhà thờ họ làm tấm gương cho con cháu noi theo.
Hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ 21 tháng Chạp, dòng họ tổ chức lễ Trao thưởng cho các con cháu đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Trong lễ trao thưởng luôn có phần giáo dục truyền thống, nghi lễ khấn vái Tổ Tiên bày tỏ lòng biết ơn và hứa quyết tâm phấn đấu noi gương các bậc tiền nhân đi trước vì dòng họ, vì quê hương, đất nước mà ra sức tu dưỡng, học hành.
Khu trung tâm chính của làng có một cái điếm canh.
Đó là một căn nhà nhỏ ba gian. Nơi đây là địa điểm để các vị chức sắc, hộ lại trong làng làm nơi canh giữ, bao quát mọi sự; giữ an bình cho dân làng. Nơi xác lập an ninh trật tự, yên ổn cho bà con. Những ai có việc gì cần báo cần giải quyết, thì thường ra đây tìm những vị chức sắc được phân công trực ở điếm cả ngày.
Điếm canh có hai cây gạo tỏa bóng mát hai bên. Lũ trẻ chúng tôi thường tụ tập ở dưới hai gốc gạo này bày đủ trò chơi của lũ trẻ con nông thôn. Bây giờ cả hai cây gạo đã bị chặt từ khi nào, gần điếm có những nhà dân sinh sống. Nhưng tôi vẫn nhớ dáng hình hai cây gạo ấy. Nhớ bạn bè năm xưa…
Bố tôi, cụ hộ lại Đỗ Chân bấy giờ được phân công đứng ra bán muối cho dân làng. Ông có một cuốn sổ ghi danh sách các hộ dân trong làng. Khi có muối về, lần lượt các hộ ra đón muối, nhận phần hộ nhà mình theo danh sách.
Thủa đó, mọi người thiếu muối lắm. Tôi còn nhỏ nên cũng không hiểu được vì sao lại thiếu muối. Chỉ biết muối rất quý. Sau này tôi mới có thể lí giải được phần nào, vì sao ở một nước có bờ biển dài đến thế, lại thiếu muối ăn. Về chuyện này tôi sẽ đề cập đến sau.
Hồi đó, anh chị em chúng tôi ai nấy đều biết rằng, ngoài đình chùa, nhà thờ dòng tộc, thì điếm cũng là một nơi lưu giữ văn hóa lâu bền của dân làng. Một khu văn hóa tâm linh. Nơi có thể gọi là trạm gác bảo vệ an ninh, trạm giao muối và giải quyết nhiều việc trong làng.
Phía trước mặt điếm là một khu nhà to, do ông Hòa Lạc xây làm trường làng. Ông Hòa Lạc có nhiều tiền, đấy là hồi nhỏ tôi được biết như vậy. Nhưng ông là một người có công đem con chữ đến cho những đứa trẻ con trong làng.
Trường làng có hai lớp dạy chữ Quốc ngữ.
Trải qua bao biến thiên của cuộc sống, qua mấy chục năm trời, khi tôi về thăm quê hương, thì không thể không rảo bước ra khu vực này. Nơi đây, giờ chỉ còn là dãy nhà mà người làng thuê làm xưởng mộc. Dấu tích của hai lớp học năm xưa chỉ còn lưu trong tâm những đứa trẻ ngày ấy như tôi. Vang bên tai tôi tiếng trẻ ê a học bài, tiếng thầy gõ thước, tiếng côn trùng kêu rỉ rả dưới ao nông, tiếng hò reo của bạn bè giờ ra chơi. Tôi vẫn còn như nhìn thấy nụ cười của thầy và tiếng cãi cọ đáng yêu của lũ bạn, nay đã xa lắm rồi, mà vẫn như còn mãi trong tim tôi.
Và tôi có ước muốn sẽ giữ được những dấu tích còn lại năm xưa này để xây dựng một khu văn hóa, bao gồm trường học và cả ngôi điếm canh mà cha tôi ngày ngày vẫn như còn ngồi đó, đôi mắt nheo cười nhìn chúng tôi…
Quê hương dòng tộc của tôi đó. Nơi ghi dấu tuổi thơ, ghi dấu tất cả những gì thân yêu nhất của cuộc đời.
Một làng quê đi vào thơ ca cả về thiên nhiên và con người.
Đây là cái nôi cách mạng. Phong trào cách mạng thời đó là hình ảnh chiếc nhẫn thủy chung, chiếc gậy Trường Sơn.
Trong chống Mỹ cứu nước Hòa Xá nổi tiếng với phong trào tòng quân cứu nước, phong trào đã lan rộng cả nước với hình ảnh Chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại. Hòa Xá là cái nôi để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát Chiếc gậy Trường Sơn, mà những tác giả sáng tạo ra chiếc gậy Trường Sơn là Phùng Quán, Đỗ Tít, Lưu Long.
Hòa Xá được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1973 vì có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Vào thời kỳ đổi mới thì có Phong trào trồng một cây nuôi một con; Quỹ khuyến học ra đời rất sớm.
Hòa Xá có truyền thống hiếu học, các cấp học đều có chất lượng cao, con em đỗ đạt nhiều, việc khuyến học rất được chú trọng. Trường mầm non Hòa Xá nhiều năm là lá cờ đầu của Giáo dục mầm non từ những năm 60, 70 thế kỷ 20; Và năm 2000 Trường mầm non Hòa Xá được phong danh hiệu anh hùng lao động.
Ngoài cảnh quan của làng là mái đình, cây đa, cây gạo, bến nước, chùa chiền, điếm canh, trường học, bãi lúa, bãi dâu, Hòa Xá còn có hai cái vực, đó là hai đầm nước do lũ lụt vỡ đê tạo nên, nơi đây mọi người vẫn thường ra bơi lội. Cái vực dài song song với đê. Còn cái vực tròn thì nằm bên trong.
Hai cái vực đó gắn với tuổi thơ tôi.
Tôi thường cùng chúng bạn ra tắm lội ở cái vực dài vào những buổi chiều hè.
Không hiểu lũ lụt vỡ đê năm nào. Cũng không hiểu mấy cái vực đó chứa bao nhiêu nỗi khổ đau của những sinh linh khi nước lụt tràn qua cuốn đi bao sự sống. Nhưng cái vực là thứ còn lại. Là viên ngọc long lanh, có được sau giông tố.
Lũ trẻ con trong các xóm vẫn thường ra hai cái vực đó để nghịch phá, và tập bơi tập lặn. Vực dài nước sâu và rộng hơn, nên mọi người thường chọn vực dài. Nhất là lũ trẻ con chúng tôi. Chúng bạn nhảy ùm ùm xuống. Tôi cũng nhảy xuống bơi. Hò hét cùng bạn.
Người dạy tôi bơi đúng động tác và bơi nhẹ nhàng uyển chuyển, lại chính là bố tôi. Bố tôi cho đi tập bơi ở vực từ nhỏ. Ông chặt một thân chuối, hướng dẫn tôi ôm cây chuối tự bơi. Sau này môn thể thao tôi thích nhất chính là bơi lội.
Mẹ tôi đôi khi cũng tất tả chạy đi tìm mỗi khi thấy tôi đi đâu lâu quá. Cứ ngỡ như giờ đây dáng mẹ vẫn đang tất tả chạy ra con đường giữa hai cái vực, che mắt nhìn hết con vực nhỏ đến con vực lớn. Khi nhìn thấy bố đang đập nước ùm ùm dạy cho tôi bơi, thì mẹ mỉm cười.
Sau này, mỗi lần nhớ đến quê hương, trong những đêm giá rét nơi quê người, là tôi nhớ dòng sông, nhớ tiếng hò hét tập bơi ở cái vực dài, cứ như cái vực đó chính là một người bạn thân thiết.
Nhớ bàn tay vững chãi của bố, và nỗi lo lắng của mẹ mỗi khi thấy tôi đau yếu hay chạy chơi đâu lâu quá.
Đỗ Đình Chiểu
Ảnh trên Google
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét