Bài 15 BIẾT SỬ DỤNG HỮU HIỆU HỌC LỊCH (1)
(Điều 15 Không có điều kiện để học cao nhưng bạn vẫn có thể sử dụng hữu hiệu và phát huy tài năng của người có trình độ học cao) (2)
MATSUSHITA Kônosuke (*)
Dịch: Nguyễn Sơn HùngHọc lịch (trình độ học ở nhà trường) chỉ là dụng cụ của con người. Bạn nên ghi nhớ sự tự chủ của mình để sử dụng, không nên bị trói buộc hoặc làm nô lệ cho học lịch (3).
Tôi lớn lên trong cảnh ngộ có thể nói là không có học hành (gakumon) ra vẻ học hành (gakumon) gì cả. Tôi đã phải nghỉ học vào lúc 9 tuổi, khi đi học lớp 4 của bậc tiểu học để bắt đầu đi học thí công (đi học nghề không có lương ở tiệm hoặc xưởng) (4) tại tiệm buôn bán ở thành phố Osaka. Dĩ nhiên không phải là tôi không muốn đi học, trái lại tôi nghĩ rằng lòng ham muốn đi học của tôi gấp đôi các trẻ em khác.
Ngay cả bây giờ tôi cũng còn nhớ rõ, ở căn nhà đối diện với căn tiệm tôi học thí công có một cậu bé bằng tuổi tôi. Mỗi sáng khi tôi đang quét dọn trước tiệm, cậu bé ấy mặc đồng phục và chào người trong nhà “con đi học” rồi rời khỏi nhà. Tôi nhìn cậu được như vậy mà thèm thuồng. Do đó, nếu có thể, tôi cũng rất muốn được đi học nhưng tình cảnh của gia đình tôi không cho phép.
Tuy nhiên sau này khi tôi nghĩ lại, tôi cảm thấy phải chăng vì muốn gakumon (đi học, học hành) mà không thể đi được, ngược lại đã giúp ích tôi?
Tại sao vậy? Sau khi tôi bắt đầu lập hãng ra làm riêng và dần dần tôi dùng nhiều người để cùng làm việc, tôi đã có thể nghĩ rằng tất cả mọi nhân viên đều ưu tú giỏi hơn tôi. Bản thân tôi không có gakumon (đi học, học hành) đến đâu, và không hiểu biết nhiều. Ngược lại, các nhân viên của tôi, tất cả mọi người đều có đi học và tốt nghiệp đồng thời có nhiều tri thức (hiểu biết) (5). Nếu vậy, tôi tôn kính họ vì họ ưu tú hơn tôi là việc đương nhiên.
Do đó bản thân tôi tự nhiên trở nên lắng tai nghe ý kiến của các nhân viên của tôi. Và khi tôi làm như thế, các nhân viên cũng đáp ứng lại, mỗi người đều phát huy mạnh mẽ trí tuệ và tài năng ưu tú của họ. Do đó không phải do sức lực của một mình tôi mà kinh doanh của công ty là do sức lực tổng hợp hết mọi năng lực của toàn thể nhân viên, nghĩa là kinh doanh của chúng trí (trí tuệ của nhiều người, của tập thể) được tận dụng. Tôi nghĩ rằng đó là một trong các nguyên nhân lớn đã làm cho công ty phát triển vững chắc.
Nói như vậy dĩ nhiên không phải là gakumon (việc học?) (6) không cần thiết đối với con người của chúng ta. Gakumon (việc học?) (6) là quan trọng không cần phải nhắc lại. Bởi vì nhờ các tiền nhân (người đi trước) của chúng ta đã khuyến khích gakumon (việc học?) (6) nên xã hội con người hiện nay của chúng ta mới được tiến bộ, phát triển, và trong tương lai gakumon (việc học?) (6) càng ngày càng cần thiết hơn.
Tuy nhiên khi tính cần thiết của gakumon (việc học?) (7) càng cao, tôi nghĩ rằng chúng ta càng không nên cố chấp vào gakumon (học lịch) (7) là điều quan trọng. Nếu như bởi vì nói gakumon (học lịch) là quan trọng mà suy nghĩ rằng nếu không có gakumon (học lịch) thì không thể làm được việc gì thì hẳn là điều không nên. Có gakumon (học lịch) là rất tốt nhưng không có gakumon (học lịch) cũng không sao. Không có gakumon (học lịch) cũng có con đường sống của người không có gakumon (học lịch). Phải chăng việc tư duy uyển chuyển mềm dẽo như vậy là quan trọng?
Nhìn vào xã hội hiện nay tôi không thể không cảm nhận phần đông người trong xã hội quên mất việc này. Mọi người cố chấp vào gakumon (học lịch) và không ít hình ảnh cho thấy con người bị gakumon (học lịch) chi phối.
Tri thức (hiểu biết) thông qua học vấn hoặc bằng cách nào đó mà chúng ta có được chẳng qua là những công cụ giúp ích chúng ta trong cuộc sống. Nếu chúng ta sử dụng chúng đúng thì rất có hiệu quả nhưng ngược lại nếu chúng ta sử dụng chúng sai sẽ sinh ra tệ hại to lớn. Tùy theo trường hợp có thể xảy ra việc chúng ta tự hủy diệt bản thân mình do có gakumon (học lịch).
Do đó chúng ta cần phải nhận thức đúng rằng gakumon (học lịch), tri thức (hiểu biết) là dụng cụ để không bị ràng buộc và cố chấp vào đó mà phải phát huy chúng đúng. Bởi vậy chúng ta cần trưởng thành đến mức độ sử dụng thành thạo linh động gakumon (học lịch), tri thức (hiểu biết). Tôi có cảm giác hiện nay chúng ta còn chưa đạt được đầy đủ trình độ này.
Ngày nay sự cao độ hóa của gakumon (học lịch). tiến triển, và nhiều người đi học đến cấp bậc cao nhưng tôi nghĩ rằng việc quan trọng là không được quên sự cố chấp vào gakumon (học lịch) một cách dư thừa, không cần thiết, và cũng không được quên tầm quan trọng của việc phát huy đúng sự tiến triển của gakumon (học lịch).
Nguyễn Sơn Hùng
18/11/2022
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
Sự cần thiết và mức độ quan trọng của việc học trong đời người thiết tưởng không cần phải nhắc lại ở đây. Việc học không khó nhưng học như thế nào để giúp ích cho bản thân và xã hội cũng như đánh giá đúng thành quả của việc học của người khác để sử dụng hữu hiệu không phải là việc dễ. Bởi vì khó nên người đời thường hay dùng học lịch, trình độ học ở nhà trường để đánh giá và việc này đã đưa đến nhiều tệ hại, ngay cả ở một nước tân tiến như Nhật Bản vào hàng chục năm về trước. Tưởng nên nhắc lại trước thời Minh Trị, một đặc điểm lớn của Nhật Bản là hầu như không có chế độ khoa cử hoặc có nhưng không thịnh hành như ở Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên.
Tuy nhiên theo người viết, người Nhật có được may mắn là họ có nhiều người mặc dù không có học lịch cao nhưng lại gầy dựng được những sự nghiệp to lớn không những giúp ích bản thân họ mà còn giúp ích cho cả xã hội giống như trường hợp của tác giả, và đem tạo ra những tấm gương tốt, đầy khích lệ cho người không có may mắn để được đi học.
Ngoài ra, người dịch cũng rất ngạc nhiên và thán phục khi biết nhiều người Nhật do tự học mà có thể trở thành người sáng lập các môn phái hoặc học phái. Việc Nhật Bản có những người thợ không có học lịch cao mà kỹ năng của họ đứng đầu thế giới, và việc này được nhiều người trên thế giới biết đến. Tại sao họ có được đặc điểm này, phải chăng một yếu tố quan trọng là cách nhận thức của họ về việc học: thế nào là học? Trong một đất nước như vậy mà tác giả còn than trách xã hội quá cố chấp vào học lịch! Việc này làm chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về trường hợp của mình.
Trong tiếng Nhật có một từ rippa, chữ Hán viết là lập phái立派 để chỉ “rất ưu tú, tốt đẹp không có khuyết điểm cả nội dung và bên ngoài”. Người dịch không biết dùng từ để dịch sát nghĩa sang tiếng Việt nên tra nguồn gốc của từ này, thấy có 2 thuyết giải thích từ này: 1) vốn để chỉ trường hợp tăng lữ tài giỏi có thể sáng lập ra một phân phái mới; 2) chữ Hán viết lập phá立破thuật ngữ của lý luận học thời cổ đại Ấn Độ có nghĩa đả phá lập luận của người khác và đưa ra lập luận mới. Nhiều khi biết được nguồn gốc của từ giúp chúng ta có thể hiểu rõ ý nghĩa của từ hơn.
Viết đến đây người viết tự hỏi không biết trong tiếng Việt có từ nào tương tự với nghĩa gốc “lập phái” của từ rippa tiếng Nhật nói trên không?
(Viết xong ngày 3/2/2023)
Ghi chú
(1) Học lịch: trình độ học vấn ở nhà trường. Trong nguyên văn tác giả dùng từ “gakumon 学問 (học vấn) nhưng từ “học vấn”, trong cả tiếng Nhật và tiếng Việt, có nhiều nghĩa. Trong bài viết này, tác giả dùng từ “gakumon”với nhiều nghĩa hơi khác hoặc khác nhiều tùy theo đoạn văn. Nhiều khi khó có thể hiểu chính xác tác giả dùng với nghĩa nào! Do đó, ở đây người dịch dùng nguyên văn gakumon và ghi kèm theo nghĩa trong ( ) với khổ chữ thường. Phần lớn của bài tác giả dùng gakumon để chỉ “việc học ở nhà trường” hoặc “người có trình độ học cao ở nhà trường”. Tiếng Nhật có một từ để diễn tả ý này là “học lịch”. Trong từ điển tiếng Việt hoặc Hán Việt thông thường không thấy xuất hiện từ này. “Lịch” nghĩa là “trải qua” nên hàm chứa ý “học ở nhà trường”, quá trình học có hồ sơ lưu trữ lại. Trong tiếng Việt có từ “học lực” để chỉ trình độ học nhưng từ này không phân biệt được “sức học” ở nhà trường và do tự học nên ở đây người dịch dùng từ “học lịch” để diễn tả đúng ý tác giả muốn nói tới, và mong muốn từ “học lực” được dùng cho trường hợp tự học hoặc bao gồm cả việc học ngoài nhà trường. Đọc phần sau của bài viết, chúng ta sẽ thấy rõ ý của tác giả dùng cho từ “học vấn” trong bài với nghĩa này. Gakumon (học vấn) trong tiếng Nhật còn có thể hiểu với nhiều nghĩa khác trong tiếng Việt như: đi học, việc học, học thuật (khoa học và nghệ thuật)....
(2) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
- Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
(5) Trong tiếng Nhật từ “tri thức” được phân biệt rõ ràng với từ “kiến thức”. Nghĩa “tri thức” đơn thuần là “hiểu biết”. “Kiến thức” bao gồm ý nghĩa “thấy rõ, thấy trước, thấy điều mà người thường không thấy”, “có khả năng phán đoán ưu tú”, “có ý kiến, kiến giải riêng”. Do đó vị trí của “người có kiến thức” được xem trọng hơn “người có tri thức”. Ở đây người dịch phân biệt giữa “trí thức” và “kiến thức” như trên.
(6) Người dịch không thể hiểu chính xác nghĩa của tác giả muốn dùng trong các nghĩa sau: việc học, học lịch hay học thuật! Cá nhân người dịch muốn nghĩ là “việc học” hoặc “học thuật” hơn là “học lịch” nhưng từ ý của đoạn kế tiếp khả năng tác giả dùng gakumon với nghĩa “học lịch” cao hơn “việc học” hoặc “học thuật”.
(7) Từ gakumon sau cùng trong câu, chắc chắn tác giả dùng với nghĩa “học lịch” nhưng từ gakumon trước đó vẫn có thể hiểu là “việc học” hoặc “học thuật”.
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét