Kim Trọng Trong Đoạn Trường Tân Thanh
Kim Trọng là một nhân vật phụ, thường bị các nhà phê bình văn học nói phớt qua, mặc dù suốt mười lăm năm luân lạc của Thúy Kiều, dáng dấp chàng vẫn luôn luôn thấp thoáng theo dõi bên nàng. Kim Trọng chỉ hiện ra trong đầu tác phẩm và biến mất ở phần giữa, rồi lại xuất đầu lộ diện ở đoạn cuối để kết thúc tiếng đoạn trường, một thiên tình sử chan hòa nước mắt đã mấy trăm năm nay gieo rắc vào lòng người Việt những gì êm đẹp nhất và bi thảm nhất của cuộc đời... Kim Trọng là người có một bộ mặt khả ái. Có thể nói chàng là đại biểu cho tầng lớp nho sĩ ngày xưa: Chàng con nhà trâm anh thế phiệt, cháu giống con dòng, “văn chương nết đất, thông minh tính trời”, diện mạo tuấn tú, tính tình đôn hậu, hào hoa, phục sức trang nhã, đi đứng điềm đạm khoan thai, thường có kẻ hầu người hạ với tất cả vẻ đài các nho phong:
“Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”.
Tuy nhiên chàng cũng như muôn ngàn con người khác, biết rung động đê mê trước sắc đẹp, cũng biết yêu, biết nhớ, biết thích những cái thích của con người và biết mơ bao điều mơ của nhân loại. Vả lại Kim Trọng là một kẻ đa tình và si tình nữa. Tuy theo chốn Sân Trình Cửa Khổng với tất cả khuôn phép ràng buộc khắc nghiệt của con người – bất luận trai hay gái – đối với xã hội, chàng cũng chẳng để cho lý trí lấn át được bản năng, hay rõ ràng hơn là nếp sống tình cảm muôn thuở của con người. Chỉ mới nghe – mới nghe nói thôi – ở xóm bên có hai thiếu nữ diễm kiều, tuyệt sắc, chàng đã sống bằng tưởng tượng để trộm nhớ thầm yêu, và băn khoăn thắc mắc trước nghịch cảnh: vì tuy nàng ở chỗ “buồng thêu” chốn hương lân mà xa xôi như có mấy núi sông (nước non ) cách trở! Nguyễn Bách Khoa khi phê bình “Tâm tính các vai trò” trong cuốn “Nguyễn Du và Truyện Kiều” đã nhận xét một cách chí lý như sau: “Không ai dám chối cãi rằng Kim Trọng là một người tối ư đa tình. Hình chàng chỉ sống được bằng tình yêu. Mặt trời đối với cây cỏ thế nào thì tình yêu đối với Kim Trọng thế ấy”. Cho nên trong lúc hạnh ngộ Thúy Kiều đầu tiên vào “tuần đố lá” “cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vào bông hoa”, đứng ở tâm lý Kim Trọng, Nguyễn Du tiên sinh đã thốt nên câu: “May thay giải cấu tương phùng” để biểu lộ tất cả niềm hân hoan chan chứa của chàng. Thế là Kim Trọng yêu Thúy Kiểu ngay, yêu tức khắc, không đắn đo do dự, hình như chất yêu đã chứa sẵn trong tiềm thức chàng, trong tận đáy lòng chàng; nó chỉ chờ cơ hội là bộc phát ra một cách mạnh mẽ, chẳng gì ngăn cản nổi. Và trước sự gặp gỡ bất ngờ kia, chàng đã chới với, bàng hoàng như đứng vào một thực tại không tưởng, chàng lặng người đi, chẳng thốt nên lời được – Cái sung sướng ngây ngất đã làm cho mình quên ngay cả cái hiện hữu cũng như sự hiện diện của mình bên cuộc đời, nhất là khi sự ngây ngất ấy còn pha lẫn một chút gì thiêng liêng huyền bí. Giờ đây chàng chỉ thấy:
“Chập chờn cơn tỉnh cơn mê” .
Vì vậy :
“Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn”.
Kim Trọng và ngay cả Thúy Kiều nữa – “Người quốc sắc, kẻ thiên tài” ấy, thượng đế sinh ra có lẽ để cho họ yêu nhau, tìm về nhau – cứ mơ màng, mặc dù:
“Tình trong như đã” nhưng “mặt ngoài còn e”.
Cho nên trước cảnh “bóng tà như giục cơn buồn”, chàng đã lên ngựa chạy rồi mà nàng vẫn đứng sững nhìn theo giải bụi mờ như luyến lưu tiếc nuối một cái gì đã mất mát, chẳng bao giờ tìm lại được nữa.
Ở đây nói về tâm lý nghệ thuật, ta thấy Nguyễn Du thật là tế nhị và tuyệt diệu. Trong phút hội ngộ đầu tiên với sự yêu đương có sẵn từ trước – dù đôi trai gái đã có lần diện kiến, hay chỉ gặp nhau trong tưởng tượng, mà tưởng tượng thì tình yêu lại còn đậm đà tha thiết hơn nữa – đôi trai gái bao giờ cũng rụt rè, bỡ ngỡ, e thẹn. Họ chỉ biết nhìn nhau lén lút mà chẳng nói nên lời. Bản tính của người con gái Á Đông ta, nhất là vào thời đại Tố Như, thời mà Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, vốn trầm lặng, e dè. Tư tưởng, ý nghĩ của họ luôn luôn diễn biến một cách thầm kín. Kim Trọng đương mang nặng một khối tình, nhưng tâm lý bạn gái không cho phép chàng bộc lộ một cách trắng trợn và thốt lên một lời nào – Đã nói thì thế nào cũng phải nói đến những câu hoa nguyệt yêu đương; con người đang ở vào mối tình đầu, mối tình tha thiết nhất trong đời, lúc nào cũng thế. Thật vậy, trầm lặng bao giờ cũng thâm thúy hơn hành động. Sự trầm lặng đưa ta vào những suy tư rồi tưởng tượng; và nhờ thông cảm, sự suy tư và tưởng tượng ấy càng trở nên đẹp đẽ với ý tình của chúng ta! Hành động làm cho ta thỏa mãn chốc lát, nhưng sau khi nghĩ lại biết đâu những ý nghĩ xấu xa đến xâm chiếm tâm hồn đã vô tình làm vẩn đục mối tình của chúng ta?
Hơn nữa, cái yên lặng trong trường hợp Kim-Kiều gặp gỡ đầu tiên này là sự im lặng biểu đồng tình. Không cần bộc lộ ra, chỉ nhìn vào khóe mắt, nụ cười, dáng đi, cách đứng... ta cũng đã cảm thông quá rồi. Sự yên lặng ở đây “nói” rất nhiều và thiêng liêng làm sao! Nó làm cho Kiều phải suy nghĩ vấn vương và chính nó đã gói ghém tất cả cái giá trị của con người Kim Trọng. Kết quả đầu tiên của mối tình ta đã thấy: “Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo”.
Một người không sành khoa tâm lý, sẽ cho Kim Trọng bộc lộ hết nỗi lòng của mình trong buổi sơ ngộ nầy; và nếu như vậy thì Thúy Kiều sẽ xem thường Kim Trọng biết bao! Chàng là kẻ đi tìm người yêu và cầu xin nàng rủ lòng đoái lại kia mà!
Người con trai lần đầu tiên gặp gỡ một cô gái, muốn cho nàng chú ý đến mình, mình phải tỏ ra có một “thái độ bất cần” – tuy rằng trong thâm tâm lại “rất cần” – với tất cả sự tế nhị dè dặt của nó; sự “bất cần” ấy nâng ta lên một địa vị cao hơn! Nhưng đó chỉ là phút ban đầu, cái phút chinh phục lẫn mời đón, cái phút giao hòa kết nghĩa để tìm về nhau trong một hướng đi của cuộc đời. Với yên lặng, Kim Trọng đã lọt vào mắt xanh của Thúy Kiều, đã ngang nhiên ngự trị trong trái tim nàng:
“Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”.
Yên lặng chưa đủ, tình yêu bao giờ cũng được kết dệt bằng tất cả bản sắc phức tạp của nó: thương nhớ, mong chờ, đau khổ, hân hoan, mộng mị... Byron đã nói: “Chết cho người đàn bà mình yêu dễ dàng hơn là sống chung với họ”.
Kim Trọng, con người đa tình ấy, từ hôm gặp Thúy Kiều trong buổi chiều Xuân kia, đã bắt đầu xao xuyến, bâng khuâng. Hình bóng nàng như luôn luôn phảng phất bên chàng, làm cho chàng vẩn vơ thương nhớ, tâm thần uể oải giữa mối sầu dằng dặc khôn khuây... Trước kia chàng siêng năng bao nhiêu thì giờ đây chàng biếng nhác bấy nhiêu: ngày đêm chỉ còn biết ngồi thừ ra như kẻ đần độn để tưởng nhớ rồi than thở. Và khi thực tại tâm tư bị dồn ép, không được thỏa mãn thì “bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”; chỉ có chiêm bao, chàng mới hy vọng tìm gặp lại nàng với những ao ước mong đợi. Nhưng đã gọi là chiêm bao thì làm gì có thực? Con người nàng chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ, chàng chỉ gặp nàng trong mộng tưởng rồi khi tỉnh dậy thì than ôi! Sự thật phũ phàng bi đát làm sao! Chàng chỉ còn thở dài:
“Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi ?”
Tuy nhiên khi yêu ai, người ta bao giờ cũng hy vọng, mặc dù hy vọng trong sự ngờ vực – Đó là hai ý tưởng mâu thuẫn nhau thường hay xuất hiện trong lãnh vực ái tình. Vì quá yêu thương, người ta mến chuộng tất cả những gì liên quan đến người yêu. Ở đây Kim Trọng cũng thế, nhớ Thúy Kiều, chàng lại dời gót đến nơi gặp gỡ nàng đầu tiên để tìm chút hương thừa hay một sự kỳ ngộ lần thứ hai. Và lẽ dĩ nhiên đó chỉ là công dã tràng xe cát, Kim Trọng lại đi vơ vẩn lục lọi tìm kiếm Thúy Kiều cho đến một lúc chàng dừng lại trước một ngôi nhà: nhà nàng! Nhưng dù đấy là nhà nàng thật thì chàng đã làm gì được, khi hai bên chưa nói với nhau một lời; vả lại thực tại cũng rành rành ra trước mắt chàng đó: “thâm nghiêm, kín cổng, cao tường” hay “mấy lần cửa đóng then cài”. Song:
“Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong”.
nên chàng cũng vẫn “tần ngần đứng suốt hồi lâu”.
Ai trong chúng ta lại chẳng hơn một lần yêu? Chúng ta đã bỏ hàng bao giờ viết nên một lá thư tình với những lời lẽ tha thiết bị thương... để rồi xé đi không một chút tiếc công là gì đó? Vào những trưa hè xát nắng hay giữa cơn gió táp mưa sa hoặc trong đêm khuya vắng vẻ, chúng ta đã chẳng quản nhọc mệt bước qua đi lại trước nhà người yêu để mong tìm một ánh mắt, một nụ cười... Chúng ta chỉ làm theo tiếng gọi của con tim, nghĩa là làm với hết cả chủ quan của mình mà chẳng suy đi tính lại...
Vì thế, hành động của Kim Trọng ở nơi đây chẳng làm cho ta ngạc nhiên lắm. Chàng đã sống rất thành thật với lòng mình mà không sợ một ai quở trách.
Cũng như phần nhiều mối tình khác của con người, Kim-Kiều đã gặp nhau trong sự ngẫu nhiên. Không kể cuộc hội ngộ đầu tiên, giờ đây một sự may mắn khác đã xảy ra để cho mối tình của đôi trai tài gái sắc kia càng thêm khăng khít : Sau khi Kim Trọng thuê căn phòng trống bên cạnh nhà Thúy Kiều để trọ học, hôm nọ “lần theo tường gấm dạo quanh”, chàng đã nhặt được một cành kim thoa. Đó là chiếc trâm vàng của nàng. Cơ hội lại đến! Thêm một lần nữa Kim Trọng gặp gỡ Thúy Kiều. Nói làm sao hết được nỗi vui sướng của chàng bấy lâu nay mong chờ ngóng đợi! Tình yêu của chàng giờ đây đã chín muồi, chàng không còn rụt rè giữ ý như phút đầu gặp gỡ nữa. Chàng đắm đuối nhìn nàng để rồi sau đó thổ lộ những nỗi nhớ thương của mình mà bao ngày tháng đã ấm ức, rạo rực chỉ chờ một dịp để tuôn trào hết ra. Kim Trọng nói tất cả không một chút giấu giếm, e thẹn; nói thao thao bất tuyệt để van xin kêu nài cũng như “ép buộc” nàng chạnh nghĩ đến tấm thân bèo bọt với mối chân tình dào dạt kia của chàng:
“Rằng: “ Từ ngẫu nhĩ gặp nhau,
Thầm trông, trộm nhớ, bấy lâu đã chồn.
Xương mai, tính đã rũ mòn,
Lần lừa, ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn như gởi cung mây,
Trần trần một phận ấp cây đã liều!
Tiện đây xin một hai điều,
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”
Trong đoạn nầy Trương Tửu đã nhận định: “Vì thế nên đã yêu thì phải sầu, phải nhớ, phải chờ. Và sau rốt phải táo bạo. Sự táo bạo là sự phóng cảm rất cần thiết để kết tinh đột ngột cái tình yêu đã chớm nở thành thực tế”.
Lúc phải táo bạo mà không táo bạo, lúc chưa nên táo bạo mà táo bạo là không hiểu đến luật yêu đương – là thất bại.
Kim Trọng đã yên lặng phải lúc. Và đã táo bạo phải nơi. Chữ “táo bạo” ở đây, Trương Tửu dùng quá “vật chất” mặc dù “tình yêu đã chớm nở thành thực tế !"
Khi hai người yêu nhau – yêu một cách chân thành như mối tình Kim - Kiều họ cầm tay nhau, hôn nhau... Những hành động ấy ta có thể cho là táo bạo không? Phải tế nhị mà nói rằng không! Những hành động ấy vô vị lợi; đó chỉ là cách bộc lộ của một tình yêu đương độ dạt dào, một chứng vật cho thấy hai người yêu nhau, và hành động kia là một hành động vô ý thức!... (Lẽ dĩ nhiên ở đây tôi chỉ đề cập đến một mối tình chân chính trong sạch).
Ái tình thường được kết đúc và nảy nở trong sự thành thật của đôi trai gái. Với những lời lẽ tha thiết nhưng chân thực của Kim Trọng, Thúy Kiều đã bị “quyến rũ” để dấn bước vào cõi yêu đương:
“Lắng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng”.
Và :
“Đã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung”.
Thế là chàng đã thắng. Kim - Kiều giờ đây đương nhiên là đôi tình nhân và họ đi về với nhau trong tiếng gọi của ái tình ...
Suốt từ khi họ gặp nhau lần đầu cho đến lúc “Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai miệng, một lời song song”, ta thấy tâm lý của Kim Trọng đã diễn biến một cách có nghệ thuật và hợp lý. Tâm lý ấy không ước lệ và chẳng xa vời chúng ta. Đó là một tâm lý sống động thiết thực, và sự thành công của Kim Trọng trên lãnh vực ái tình là một lẽ đương nhiên.
Ngoài tính đa tình, Kim Trọng lại đa cảm nữa. Tâm lý con người vẫn thường vậy. Hễ đa tình thì thế nào cũng đa cảm. Có cảm rồi mới có tình, có yêu đương nồng thắm. Và kẻ đa cảm thường hay có những sự xúc động theo từng biến chuyển bên ngoài: Ta có thể cho đó là những cái gì biểu hiện sự thành thật nhất của con người. Người đa cảm, nhất là hạng văn nhân, cái hạng mà người đời vẫn thường mỉa mai là “trói gà không chặt” hay “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” ấy, đứng trước một việc bất trắc trớ trêu có liên can đến mình, thường chỉ biết than dài thở vắn hoặc cho dòng nước mắt tuôn trào chảy xuôi.
Kim Trọng cũng thế, sau nửa năm về Liêu Dương hộ tang chú, trở lại vườn Thúy, thấy người yêu đã lưu lạc tận phương trời nào, chàng đã khóc than như mưa như gió, khóc hoài khóc mãi, khóc cho đến ngất đi như muốn gởi tất cả nỗi niềm oan trái vào tiếng khóc:
“Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai!
Đau đòi đoạn, ngất đò thôi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê”.
Nhưng khóc để mà khóc, khóc rồi cũng phải nín, giữa cơn phiền muộn vô biên ấy, chàng trở về với những cái gì của ngày xưa, nhớ câu thề trong một đêm nào “vầng trăng vằng vặc giữa trời”, nhớ “chiếc kim thoa với khăn hồng trao tay”; nhớ tất cả ..., chàng dìm mình vào dĩ vãng xa xôi mà sống với hoài niệm để rồi “gan càng tức tối, ruột càng xót xa”; và trong lúc mong chờ hình bóng cũ một cách tuyệt vọng thì:
“Ruột tằm ngày một héo don,
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
Thẩn thơ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”.
Sự đa cảm quá đáng của một chàng trai như Kim Trọng có nên để cho ta chỉ trích không? Phải đặt mình vào trường hợp của chàng, ta mới cảm thông được tất cả những nỗi đớn đau ấy! Mối tình của Kim - Kiều là mối tình đầu, mà tình đầu là mối tình tha thiết nhất, mạnh mẽ nhất, nó có thể theo dõi vương vấn suốt một đời ta. Thế Lữ đã chẳng thốt nên câu thơ sau nầy là gì đó?
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ đã ai quên?”
Tự cổ chí kim hiếm gì bậc vĩ nhân đắm lụy vì tình ? Một Napoléon cũng đủ cho ta lấy làm điển hình rồi! Trong một cuộc hành quân gian lao khổ cực, ông đã bỏ ăn mất ngủ, xa bạn quên bè chỉ vì một việc nhớ người yêu! Đây tôi xin đơn cử ra một lá thư ngắn mà ông đã viết cho người yêu là Joséphine:
“Em Joséphine yêu quý,
Em đã làm anh mất cả lý trí. Anh không ăn được. Anh không ngủ được. Anh không còn thiết gì đến bạn bè. Anh không còn thiết gì đến danh vọng. Chiến thắng chỉ có giá trị vì làm em vui. Nếu không thế, anh đã bỏ cả quân đội về ngay Ba-Lê phủ phục dưới chân em. Em đã khiến anh yêu không bờ không bến; em khiến lòng anh rạo rực điên cuồng. Không một giờ phút nào anh không ngắm hình em, không một giờ phút nào anh không hôn hình em”.
Bonaparte.
( Những Bức Thư Tình Hay Nhất Thế Giới )
Xem thế thì ta đủ rõ... Hơn nữa ở đây Kim Trọng cũng như muôn vàn kẻ tầm thường khác trong chúng ta, nỗi niềm của chàng là nỗi niềm muôn thuở của con người đa cảm, chàng đã sống thành thực với tâm tư mình... và ta không nên quá khắt khe đối với những dòng nước mắt nóng hổi kia của chàng!
Ngoài đa tình, đa cảm, Kim Trọng còn có một đức tính đáng chú ý, đấy là sự thủy chung và lòng tín nghĩa của chàng. Đó là điểm nổi bật nhất làm cho ta có cảm tình với chàng hơn cả.
Mặc dù đã lấy Thúy Vân làm vợ, nhưng chàng bao giờ cũng tưởng nhớ đến Thúy Kiều giờ đây phải lặn lội ở nơi chân trời góc bể, chẳng biết sống chết thế nào. Nỗi nhớ thương của chàng dạt dào và bị thiết làm sao! Chàng lấy Thúy Vân chỉ vì nghĩa chớ đâu phải vì tình? Cho nên hôm nay trước duyên mới “người yểu điệu, kẻ văn chương”, Kim Trọng cũng không sao vơi được nỗi khổ sầu:
“Tuy rằng vui chữ vu quy,
Vui nầy đã cất sầu kia được nào!
Khi ăn ở, lúc ra vào,
Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa”.
Lòng nhớ thương chung tình ấy còn tỏ rõ trong cách đối xử của chàng với nhạc gia. Trong cơn hoạn nạn khốn cùng của gia đình Thúy Kiều, Kim Trọng đã rước mời hai ông bà Viên Ngoại về ở với mình để sớm hôm hầu hạ thay nàng. Thế chưa đủ, chàng lại cho người tỏa ra bốn phương trời để tìm kiếm nàng một cách chân thành, mặc dù giờ đây chàng đã làm nên chức phận, sống trong cảnh giàu sang có kẻ hầu người hạ: Chàng có thấy gì sung sướng đâu khi lòng mang nặng một gánh sầu:
"Bình bồng còn chút xa xôi,
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an!
Rắp mong treo ấn từ quan,
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha.
Giấn mình trong áng can qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau”.
Một kẻ chí tình như vậy, trách gì sau nầy gặp lại Thúy Kiều, con người đã mười lăm năm luân lạc với biết bao gió dập sóng vùi, chàng cũng nhìn nàng bằng đôi mắt tha thiết của ngày xưa và gợi lại lời thề năm cũ để xin cùng nàng kết tóc xe tơ. Cảm động làm sao chàng trai có một không hai ấy! Đây ta hãy nghe những lời vàng ngọc của chàng:
“Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường:
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh.
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?”.
Chàng đã đi đúng theo con đường của các vị tiên nho vạch sẵn: hiểu rõ lẽ quyền biến một cách sâu xa, không hẹp hòi câu nệ.
Tóm lại Kim Trọng là một người khả ái, rộng lượng, biết ăn ở phải phép. Tâm lý của chàng là một tâm lý tế nhị và sống động. Và sau rốt, chàng là một tình nhân lý tưởng có thủy chung !
TRẦN VĂN DẬT
Mời Xem :
Thơ Xướng Họa :Hoàng Đằng và Trần Văn Dật : ĐÔNG VỊNH ,CHẲNG BIẾT VÌ SAO..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét